Đánh giá về thị trường lao động quý 3/2017, ông Vũ Văn Thành - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVLHN) cho biết, quý này ghi nhận nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí việc làm tại các doanh nghiệp nhìn chung ổn định và tăng nhẹ so với quý 2. Đây cũng là thời điểm, một số lượng lớn sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp và bắt đầu tham gia vào thị trường lao động.
Để góp phần hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động, trong tháng tháng 8 - 9 này Trung tâm DVVLHN cũng sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các trường, chủ yếu tập trung vào việc làm bán thời gian.
Riêng trong tháng 8, trung tâm cũng sẽ phối hợp với Trường Trung cấp nghề số 10 dự kiến tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho đối tượng bộ đội xuất ngũ và bán dân sự. Sang tháng 9, phiên giao dịch việc làm cho sinh viên sẽ được tổ chức tại Đại học Đại Nam dự kiến khoảng trên 2.000 sinh viên của trường cũng như các trường đại học, cao đẳng khu vực lân cận tham gia.
Ông Thành cho biết, theo kết quả phân tích dự báo của trung tâm, trong những tháng cuối năm 2017, khối thương mại, dịch vụ, marketing, bán hàng… là những ngành nghề tiếp tục có triển vọng việc làm lớn với nhu cầu sử dụng lao động nhiều. Thực tế, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm DVVLHN cũng chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề này. Ngoài ra, nhóm ngành liên quan đến hoạt động sản xuất dự kiến cũng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn vào thời điểm này.
Về mức lương, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất sẽ rơi vào mức lương từ 5 - 7/tháng triệu đồng, mức lương từ 7 - 13/tháng triệu đồng có nhưng số này không nhiều, còn lại từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Nói về xu hướng tìm việc làm và nhu cầu tuyển dụng thời gian gần đây, ông Thành cho rằng, ngoài bằng cấp là căn cứ cơ bản để tuyển dụng thì nhiều doanh nghiệp cũng đòi hỏi người lao động cần có tay nghề và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ứng tuyển. Tuy nhiên, thực tế người lao động vẫn còn yếu và thiếu về tay nghề nên còn hạn chế trong tìm việc.
Đây là lí do tại sao luôn tồn tại nghịch lí là trong khi doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí rất nhiều chỉ tiêu trống không tìm được lao động nhưng ngược lại lao động lại thất nghiệp nhiều.
Ông Thành cho rằng, ở đây có sự vênh nhau về việc làm và nhu cầu của thị trường. Thực tế thì doanh nghiệp có nhu cầu nhưng vấn đề ở chỗ nguồn lao động của chúng ta có thể tiếp cận và đáp ứng được hay không.
 
Cũng theo ông Thành, chưa bàn đến thương hiệu của doanh nghiệp, nhưng rõ ràng đây là câu hỏi lớn cần xem xét đến sự phù hợp giữa tính chất công việc với các yêu cầu của người lao động có phù tại thời điểm này.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 dù chưa lấn lướt đến tất cả các ngành nghề ở Việt Nam nhưng tương lai sẽ xuất hiện thêm các ngành nghề mới. Do đó, người lao động cần nâng cao tay nghề và tác phong công nghiệp để có nhiều cơ hội việc làm trong thị trường lao động thời gian tới.
Nguồn: Mai Đan/Thời báo Tài chính Việt Nam