"Chào cô Hiền, bên trường tiểu học Lê Lợi của mình có đăng ký mua sách giáo khoa bên nhà sách chúng tôi. Nhà sách có chương trình quay thưởng ngẫu nhiên, phần thưởng là một chiếc máy tính bảng thông minh. Cô là người trúng giải", đầu dây điện thoại bên kia mở đầu câu chuyện với cô Diệu Hiền, giáo viên một trường tiểu học tại Đồng Nai.
Cô Hiền không thể không tin vào những lời của kẻ gian. Bởi vì họ biết đúng tên tuổi, nơi làm việc, chỗ ở của cô và mọi thông tin đều bài bản, chân thực.
Vài trăm nghìn đồng cũng lừa
Sau màn "chào sân" đầy chân tình, kẻ gian thuyết phục cô giữ bí mật bởi cô không được phép tiết lộ giải thưởng trước ngày nhận được.
"Quá quen với trò lừa đảo tặng quà này nên tôi hết sức cảnh giác. Tuy nhiên kẻ gian thuyết phục tôi chỉ phải trả tiền khi đã kiểm tra hàng hoá. Khoản tiền chỉ 1.000.000 đồng để đóng thuế cho chiếc máy 10.000.000 đồng", cô Hiền cho biết.
Những chiếc đồng hồ có giá vài chục đến vài trăm ngàn được "tặng" cho những người dùng cả tin. Đi kèm với đó là các khoản tiền làm "giấy tờ", đóng thuế...
Đến ngày nhận "thưởng" kẻ gian chuyển phát dịch vụ thanh toán khi nhận hàng (COD- cash on delivery). "Tôi nhận được gói hàng là một chiếc máy tính bảng trong hộp còn nguyên kiện. Tôi trả khoản phí được gọi là thuế kia. Đến khi vào nhà kiểm tra giá chiếc máy trên mạng mới tá hoả nó chỉ 500.000 đồng", cô Hiền nói.
Cũng như cô Hiền, chị Nguyễn Thu Lệ ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM cũng nhận được một "phần thưởng". Bên trong hộp của chị Lệ là một chiếc đồng hồ Rolex giả được bán tràn lan ở chợ Kim Biên với giá 40.000- 80.000 đồng.
"Tôi phải trả 400.000 đồng phí các loại mà bên trao thưởng liệt kê. Tôi không nghĩ số tiền nhỏ như vậy mà họ cũng đi lừa", chị Lệ khá bất ngờ với giá trị món hàng.
Người nhận có thể từ chối nhận hàng khi sử dụng dịch vụ COD. Tuy nhiên sự chủ quan và cả tin đa phần người nhận bỏ qua bước kiểm tra hàng. Đó là mấu chốt của khiến những vụ lừa đảo "vặt" này thành công.
Thông tin người dùng bị lộ
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội Facebook, thông tin người dùng có thể bị lộ ở bất kỳ đâu. Chỉ với đường dẫn Facebook, những kẻ lừa đảo đã có thể truy được số điện thoại mà chủ nhân đăng ký tài khoản.
Các thông tin khác như công việc, tuổi tác, địa chỉ cũng có thể lấy được từ trang cá nhân của người bị hại. Phần lớn mục tiêu mà kẻ gian hướng đến là những phụ nữ lớn tuổi, không rành công nghệ.
Từ đường dẫn Facebook, kẻ gian có thể truy được email và số điện thoại của nạn nhân.
Ngoài thông tin cá nhân từ Facebook thì dữ liệu người dùng cũng được bán rộng rãi trên nhiều nhóm MMO (make money online). Những dữ liệu này thường dùng để bán cho các công ty bảo hiểm, ngân hàng...
Tuy tỷ lệ thành công của hình thức lừa đảo này khá thấp, số tiền lừa được cũng không cao nhưng nó rất dễ thực hiện với quy mô lớn. Cũng chính số tiền lừa được không cao mà người bị hại thường dễ dàng "ngậm bồ hòn làm ngọt", bỏ qua không truy cứu khiến kẻ gian ngày càng lộng hành.
Trích nguồn: Xuân Tiến/Zing.vn