Ẩm thực – một nét di sản tinh tế được hình thành trong dòng chảy hàng ngàn năm văn hóa Việt Nam đã góp phần làm say lòng bao du khách, bạn bè quốc tế. Ngày càng nhiều món ăn Việt Nam được quốc tế tôn vinh. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải hành động để đưa di sản ẩm thực đang âm thầm chảy trong lòng dân tộc thành tài sản để phát triển, bảo tồn, kỳ vọng biến Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới.”
Ẩm thực tôn vinh văn hóa Việt
Trong bối cảnh phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay, những yếu tố thuộc về bản sắc riêng của mỗi dân tộc được coi là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Văn hóa của mỗi quốc gia luôn có những bản sắc riêng. Trong văn hóa Việt Nam, ẩm thực chiếm giữ một vị trí quan trọng, là một phần bản sắc Việt Nam. Thật đáng mừng là cùng với nhiều giá trị văn hóa giàu bản sắc khác, ẩm thực Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến và tôn vinh.
Góp phần định vị hình ảnh đất nước
Nói đến Việt Nam, chắc chắn nhiều người nước ngoài biết đến phở. Đây cũng được coi là món ăn đầu tiên của Việt Nam được quốc tế biết đến và vinh danh. Phở được giới thiệu trang trọng trên nhiều tạp chí ẩm thực thế giới, có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng cao cấp nhất.
Vào năm 2011, Hãng CNN danh tiếng đã bình chọn phở đứng vị trí thứ 28/50 món ăn ngon nhất thế giới… Tiếp đến, năm 2013, trang Bussiness Insider đã xếp phở của Việt Nam đứng thứ nhất trong top 40 món ăn du khách nên thử một lần trong đời.
Trên tạp chí The Huffing Post, du khách nước ngoài còn dùng mỹ từ đặc biệt cho phở - “món ăn của thiên đường”...
 

 (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tiếp theo phở, người Việt Nam có quyền tự hào khi càng ngày có nhiều món ăn, thức uống khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam được tôn vinh trên thế giới. Đó là bún chả, chả giò, gỏi cuốn, bún bò Huế, bánh mì kẹp thịt, bánh xèo, bún riêu cua, bún thang, càphê trứng... Cùng với phở, bún chả là một trong những món ăn được báo nước ngoài ca ngợi và được nhiều du khách trên thế giới biết đến. Bún chả nằm trong danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới năm 2014 của trang National Geographic.
Bún chả có lẽ càng nổi tiếng hơn khi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thoải mái ăn bún chả ở một quán nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 được phát triên toàn thế giới. Ngay sau đó, quán bún chả này luôn đông nghẹt khách, phục vụ không xuể, nhiều khách đi theo đoàn muốn ăn phải đặt chỗ trước khá lâu.
Đặc biệt hơn là khách đến quán sẽ gọi “suất Obama” như Tổng thống Hoa Kỳ đã ăn…
Tại Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cùng đầu bếp nổi tiếng người Australia gốc Việt Luke Nguyen thưởng thức bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng. Thủ tướng Malcolm nói rằng ông thực sự thích vị tươi mới trong những món ăn Việt Nam.
 
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cùng đầu bếp người Australia gốc Việt Luke Nguyen ăn sáng với món bánh mỳ tại một cửa hàng ở thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)
Không chỉ món ăn mà một số điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng được vinh danh vì nhiều món ẩm thực hấp dẫn thực khách quốc tế. Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới.
Kênh CNN chuyên mục du lịch cũng đã đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là “kinh đô của ẩm thực Việt Nam” đồng thời là thành phố trong nhóm 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam tại các Festival quảng bá văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo thực khách bản xứ và quốc tế thưởng thức…
Hội tụ đủ “chân-thiện-mỹ”
Nói về ẩm thực, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định Việt Nam là đất nước đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S nên văn hóa đa dạng, phong phú. Những yếu tố về thiên nhiên, địa hình với đường bờ biển kéo dài cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển ẩm thực, đây là điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.
Cố Giáo sư Trần Văn Khê khi còn sống đã chia sẻ rằng ông đã có cơ hội đi tới hơn 60 quốc gia và thấy mỗi nước có hương vị ẩm thực riêng, ẩm thực Việt thật sự có những điểm độc đáo, khác lạ. 
 
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo Giáo sư, người Việt ăn toàn diện, không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi mà bằng ngũ quan. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, cách trình bày món ăn đẹp, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn.
Người Việt ăn uống cũng rất đa vị. Thông thường món ăn Việt Nam có 5 vị chính: ngọt, mặn, chua, cay, béo; có cả ngũ sắc: đen (tương), đỏ (ớt), xanh (rau), vàng (khế chín), trắng (bánh tráng, bún). Ăn một miếng mà mắt thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi còn hơn thế nữa...

Người Việt ăn toàn diện, không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi mà bằng ngũ quan. (Giáo sư Trần Văn Khê)

Ẩm thực Việt phong phú, đa dạng và hội tụ những nét tinh tế riêng biệt thông qua cách thức chọn lựa nguyên liệu, chế biến, bày biện và thưởng thức. Món ăn Việt Nam ở bất kỳ vùng miền, dân tộc nào cũng mang đầy đủ các yếu tố: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng, dễ chế biến, gần gũi với thiên nhiên và ai cũng có thể thưởng thức được…Không quá lời khi nói rằng: Ẩm thực Việt Nam hội đủ các yếu tố “chân, thiện, mỹ.”
Món ăn Việt hầu hết được chế biến từ các loại rau, củ, quả, hạt, thủy, hải sản, và không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung, không cay như món ăn Thái… Độ ngon của món ăn đều xuất phát từ cách chế biến, chủ yếu là luộc, hấp, nấu, nướng hoặc ăn tươi sống để giữ được hương vị tự nhiên.
Người Việt cũng thường dùng các gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi, sả và các loại rau thơm... chứ không dùng gia vị khô hoặc qua chế biến. Quan trọng hơn cả đó chính là nghệ thuật bày trí và kết hợp gia vị thì hài hòa và có nước chấm riêng rất đặc trưng và rất nhiều nguyên liệu, gia vị trong món ăn của Việt Nam là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.
Với những thực phẩm có sẵn ở Việt Nam, qua bàn tay các đầu bếp Việt có thể trở thành những món ăn rất ngon, đặc sắc, vừa đẹp, thơm ngon lại đầy đủ dưỡng chất dù chỉ nhìn mắt thường vẫn nhận ra được. 
Thậm chí, những món ăn nước ngoài khi du nhập vào Việt Nam cũng sẽ được biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt. Điều làm nên nét khác biệt chính sự cân bằng âm–dương, chua–cay–mặn–ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên, cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng địa phương.
Bên cạnh sự phong phú về món ăn, người Việt có cách thưởng thức cũng hết sức tinh tế, thể hiện rõ nét cốt cách văn hóa, thưởng thức ẩm thực Đây cũng là cái hồn tạo nên nét riêng, nét hấp dẫn đặc biệt của văn hóa ẩm thực Việt Nam...
Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã được thế giới công nhận song chủ nhân của di sản chưa thực sự chưa chú tâm lắm đến công tác quảng bá, chưa khai thác được hết những giá trị đặc sắc của ẩm thực như một tài sản quốc gia. Đó là điểm mà ngành du lịch cũng như những người yêu thích ẩm thực Việt, muốn đưa ẩm thực Việt ra thế giới cần nghiên cứu và hành động bằng cả tâm huyết và trách nhiệm…
Đưa ẩm thực Việt thành tài sản quốc gia
Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Du khách quốc tế luôn đánh giá cao ẩm thực Việt Nam, do đó ẩm thực hứa hạn sẽ là một tài sản lớn, nguồn lực tạo ra các sản phẩm du lịch, tạo ra lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cũng đã có những động thái nhất định để thu hút khách quốc tế và mang lại nguồn lợi cho đất nước.
Bởi những người làm du lịch hiểu rõ ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách mà còn giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc. Ẩm thực chính là cách quảng bá nhanh nhất hình ảnh một đất nước và một nền văn hóa...
Du khách thích thú tìm hiểu ẩm thực Việt
Trong báo cáo về xu hướng du lịch năm 2017, Virtuoso - mạng lưới toàn cầu của các đại lý du lịch hạng sang nhận định thời gian tới, du lịch ẩm thực sẽ phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu với những tour ẩm thực thực sự. Tâm lý du khách khi đi đến bất cứ đâu, họ không chỉ muốn thưởng thức hương vị của món ăn địa phương mà còn muốn dùng bữa theo cách của người dân bản địa.
Biết đến món ăn Việt Nam trên nhiều phương tiện thông tin quốc tế cũng như hoạt động quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam, hiện nay cũng đã có nhiều du khách quốc tế đang có xu hướng đặt tour du lịch kết hợp ẩm thực. Những du khách này vừa muốn học cách chế biến một số món ăn Việt Nam, vừa mong muốn tìm hiểu văn hóa mỗi vùng miền trên cơ sở trải nghiệm về ẩm thực. 
 
Du khách nước ngoài thưởng thức món mỳ Quảng. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đáp ứng nhu cầu khách quốc tế, nhiều đơn vị lữ hành có uy tín đã xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp ẩm thực, tăng trải nghiệm về văn hóa ẩm thực cho du khách quốc tế. Đó cũng là một cách thức hiệu quả, tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch Việt Nam.
Tham gia những tour du lịch như thế này, du khách được đầu bếp thông tin chi tiết về món ăn, dưới sự hướng dẫn của đầu bếp, các du khách được trực tiếp ra chợ mua thực phẩm, chọn lựa gia vị đúng chuẩn. Sau đó, du khách tiếp tục được đầu bếp hướng dẫn cách chế biến thực phẩm, tẩm ướp gia vị theo đúng phong cách từng vùng miền và nấu món ăn đó…

Tâm lý du khách khi đi đến bất cứ đâu, họ không chỉ muốn thưởng thức hương vị của món ăn địa phương mà còn muốn dùng bữa theo cách của người dân bản địa.(Virtuoso)

Các tour ẩm thực đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế tham gia. Với giá tour vài chục USD, du khách được dẫn đi thăm thú một vài nơi bằng xe máy rồi ghé các quán ăn nổi tiếng của dân địa phương.
Du khách có thể “lê la” ở những “con đường ăn vặt” để thưởng thức món ngon. Nếu không muốn tham quan, khách có thể chọn tour thuần túy ẩm thực; nếu không đi xe máy khách có thể đi bằng taxi. Mỗi tour có thể kéo dài khoảng 4 tiếng, những việc lựa chọn món ăn và địa điểm thì tùy theo mỗi đơn vị bán tour. Có những đơn vị không chọn lựa giới thiệu những món đã quá phổ biến như bánh mì, phở hay chả giò…; các quán được lựa chọn cũng không nằm trong những con phố ẩm thực nổi tiếng mà chọn đưa khách đi ăn vỉa hè thực sự...
Theo phản ánh của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhiều du khách của hãng tham gia những lớp học nấu ăn trong chương trình tour rất chú tâm chứ không đơn thuần là chỉ xem cho biết. Nhiều du khách sẵn sàng bỏ thời gian để học nấu một món ăn địa phương. Khi đi tour trong thành phố, có khách còn yêu cầu xe dừng lại, cho họ bước xuống vỉa hè tận mắt xem cách người dân châm trà, pha càphê sáng và ngồi uống càphê trên những chiếc ghế lúp xúp ở vỉa hè, đúng kiểu của “người Sài Gòn.”
 Ở Hà Nội, loại hình du lịch ẩm thực đã được quan tâm với sự ra đời của ngày nhiều khu phố ẩm thực, như Tống Duy Tân, Cấm Chỉ; các nhà hàng phục vụ khách du lịch nằm trong khu phố cổ như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ… Tại khách sạn cao cấp của Hà Nội đều có nhà hàng châu Á luôn phục vụ những món ăn tiêu biểu của Thủ đô.
Các công ty lữ hành quốc tế cũng chú trọng việc đưa khách đến các nhà hàng đặc sản Hà Nội, thậm chí tạo điều kiện cho du khách học nấu ăn cùng với các đầu bếp uy tín.
Nghị quyết về “Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” cũng đã nêu rõ Hà Nội cần có kế hoạch, dự án, đề án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực…
Cùng hành động để ẩm thực Việt phát triển đúng tầm
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, rất cần có những sản phẩm mới, hấp dẫn để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách. Ẩm thực là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhưng thực sự chưa được phát triển đúng tầm…
Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng, tổ chức các chuyên đề nghiên cứu một số món ăn đặc trưng của Việt Nam nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; định chuẩn món ăn cho các sự kiện quốc gia đồng thời lựa chọn ẩm thực phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch theo từng phân khúc... 
 
 
Đầu bếp Việt Nam bày trí các món ăn tại Liên hoan Bếp trưởng 5 sao, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam nhằm hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đầu bếp sáng tạo, tận tụy hơn với nghề để có những món ăn ngon, hấp dẫn; tạo ra những sự kiện về ẩm thực để thu hút khách cả trong và ngoài nước đến với các điểm đến của du lịch Việt Nam.
Tháng 10/2017, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã chính thức ra đời, góp thêm tiếng nói, hành động nhằm tôn vinh và phát triển hơn nữa tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội cũng là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực chung tay xây dựng ẩm thực Việt trở thành thương hiệu mạnh của Việt Nam; quảng bá hiệu quả, thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, vươn ra hội nhập quốc tế được tốt nhất…

Khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực Việt sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành. (Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ)

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, cho hay trên đất nước ta hiện có khoảng 200.000-300.000 quán ăn và khoảng 15.000-20.000 nhà hàng thuần Việt tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam bằng những hành động cụ thể sẽ khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực, quảng bá xúc tiến…để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc kỳ cũng nêu rõ khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành. Phát huy thế mạnh sẵn có của ẩm thực không chỉ đóng góp vào phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh quốc gia mà còn là cách thiết thực giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp...Mặt khác, việc tiêu thụ nông sản của nông dân theo hướng bền vững cũng là biện pháp hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế…
Với sự vào cuộc, cố gắng không ngừng của nhiều đơn vị, tổ chức và cả các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hy vọng rằng trong tương lai không xa giá trị ẩm thực Việt Nam sẽ sớm lan tỏa ra toàn thế giới.

Trích Nguồn: Thanh Giang/VietnamPlus