Thương mại qua biên giới đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm, hoặc thậm chí trong nhiều thập niên qua, và các số liệu mới đây chỉ rõ hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục đà sa sút trong năm 2019.
 
Một loạt số liệu công bố tuần trước của các nền kinh tế và nhà xuất khẩu mạnh ở châu Á, trong đó có Trung Quốc, cho thấy thương mại toàn cầu đang mất động lực. Điều này xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với các nhà đầu tư. Phố Wall và các thị trường chứng khoán khác trên khắp thế giới đang trên đà sụt giảm.
 
Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple và ngành ngân hàng như Goldman Sachs, những lĩnh vực đóng vai trò quyết định đối với dòng chảy hàng hóa và dịch vụ của toàn cầu cũng như dẫn đầu sự bùng nổ của thị trường những năm gần đây, nằm trong số những nạn nhân chịu tác động nặng nề nhất.
 
Cổ phiếu của lĩnh vực ô tô, thuộc nhóm có liên quan nhiều nhất đến thương mại qua biên giới và xuyên lục địa cũng như các chuỗi cung ứng, đã biến động và dễ bị tổn thương lớn trong năm nay trước luồng thông tin tiêu cực nhất về thương mại và thuế quan.
 
Theo Citi, kim ngạch xuất khẩu toàn cầu dự kiến giảm trong sáu tháng tới và với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008-2009. Điều đáng ngại là chỉ số quan trọng này lại có liên quan cực kỳ mật thiết với tăng trưởng thương mại toàn cầu.
 
Trong báo cáo "Thế giới của chúng ta qua các số liệu" công bố hồi tháng 10/2018, các nhà kinh tế của Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 hơn 1,5 điểm phần trăm, xuống 4% và cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 0,7% trong năm 2019 và 1% vào năm 2020.
 
Theo các chuyên gia này, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của toàn cầu đã giảm trong ba năm liên tiếp từ 2011-2014 với mức giảm chỉ gần 1 điểm phần trăm, xuống 24,12%, nhưng xu hướng giảm là điều gây lo ngại.
 
Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, tỷ trọng thương mại trong GDP toàn cầu giảm liên tiếp trong bốn năm qua, dù không mạnh như năm 2008-2009, nhưng là giai đoạn suy giảm dài nhất kể từ ít nhất năm 1960.
 
Trong tuần này, Chính phủ Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2019 xuống còn 2,6-2,7%, mức thấp nhất kể từ năm 2012.
 
Trong khi đó, các số liệu cho thấy xuất khẩu của Indonesia trong tháng 11 bất ngờ giảm mạnh, còn xuất khẩu của Trung Quốc trong cùng tháng chỉ tăng 5,4%, chưa bằng một nửa con số dự báo của các nhà kinh tế và bằng một phần ba mức tăng 15,6% của tháng 10.
 
 Về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hai nước đã nhất trí dừng các biện pháp tăng thuế trong 90 ngày, nhưng nếu không đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% mà Mỹ đánh vào hàng hóa của Trung Quốc như hiện nay sẽ tăng lên 25%.
 
Khi ông Trump tự nhận mình là "người theo đuổi thuế" trong tuần trước, các nhà đầu tư sẽ thận trọng trong một năm 2019 với những trắc trở đang đợi họ
Trích nguồn: Lê Minh (Theo Reuters)/Bnews, TTXVN