Nhà máy điện mặt trời do Công ty cổ phần Fujiwara (Nhật Bản) đầu tư tại khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) vừa được khánh thành ngày 19/8 dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Dự án có tổng công suất lắp đặt 100 MWp, tổng vốn đầu tư 63,7 triệu USD, là một trong những dự án quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng tái tạo của Bình Định.
Đến nay, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với công suất 50 MWp, sản lượng điện dự tính hàng năm đạt 61 MW/h, là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên trong khu kinh tế Nhơn Hội hòa lưới điện quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện. Thời gian qua, điện mặt trời thu hút sự quan tâm của một loạt các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Na Uy, Thái Lan, Nhật Bản...
Công ty cổ phần Fujiwara thành lập từ năm 1999, có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản kinh doanh chính trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp. Từ năm 2011, Fujiwara thành lập ban năng lượng nhằm hoạt động phát triển năng lượng tự nhiên. Hiện doanh nghiệp này phát triển mảng thiết kế, xây dựng và bảo trì hệ thống điện mặt trời. Fujiwara đầu tư một loạt các dự án điện mặt trời tại Nhật , Sir Lanka và Việt Nam. Doanh nghiệp này có ý định mở rộng đầu tư lĩnh vực này tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.
Đến hết ngày 30/6, Việt Nam có 87 nhà máy điện mặt trời được đóng điện với công suất gần 4.500 MW. Để kịp hưởng giá ưu đãi 9,35cent/kWh, các nhà đầu tư chạy đua. Riêng tháng 4-6, 81 nhà máy được đóng điện. Thực tế cho thấy cơ chế giá khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo động lực cho các dự án năng lượng tái tạo phát triển, tuy nhiên còn nhiều vấn đề bất cập như tình trạng quả tái lưới điện, nhiều dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất.
Cơ chế giá bán điện mặt trời từ các nhà máy cho hệ thống điện quốc gia đang chờ Chính phủ phê duyệt, sau khi thời hạn ưu đãi 9,35 cent/kWh hết hạn ngày 30/6. Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/8, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ này đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án giá điện mặt trời sau ngày 30/6 với quan điểm sẽ chia theo khu vực, không để một giá đối với điện mặt trời. Ngày 15/9, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án giá.
Tại cuộc họp ngày 31/7, Bộ Công Thương trình 2 phương án giá mua điện mặt trời chia theo 4 vùng và 2 vùng, đa phần ủng hộ phương án chia 2 vùng. Nếu theo cách chia này, vùng 1 sẽ gồm 6 tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk) đang bị quá tải về lưới điện và vùng 2 sẽ là các tỉnh còn lại.
Trích nguồn: ndh.vn