Chưa tăng thuế nhập khẩu hạt nhựa lên 5%
Thông tin từ nld.com.vn, tại buổi họp mặt hội viên tổng kết năm 2019 của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, cho biết Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính về việc không tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP (hạt nhựa) lên 5% mà vẫn tiếp tục giữ mức thuế 3% đến năm 2022.
Được biết, việc giữ nguyên mức thuế nguyên liệu nhựa PP sẽ được kéo dài đến năm 2022, khi các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đảm bảo nguồn cung trên 50% sản lượng nội địa. Sau thời gian này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích đối với việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Cũng tại buổi họp mặt, VPA cảnh báo các doanh nghiệp hội viên nguy cơ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để xuất sản phẩm nhựa sang các thị trường khác nhằm hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại Việt Nam đang là thành viên.
"Nhập khẩu sản phẩm nhựa bán thành phẩm vào Việt Nam đã tăng trên 20% trong năm 2019, không loại trừ trường hợp doanh nghiệp mượn xuất xứ Việt Nam để bán hàng vào thị trường khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá" – ông Lam cảnh báo đồng thời bày tỏ lo ngại xuất khẩu nhựa Việt Nam sẽ gặp rủi ro, nguy cơ bị kiện phá giá tăng cao nếu để xảy ra tình trạng bị lợi dụng xuất xứ để xuất khẩu.
Theo số liệu của VPA, năm 2019 ngành nhựa vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nhưng nhìn chung mức tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15% - 35% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa khác nhau, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.
Tính chung cả năm, ước tính sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp nhựa tăng 7,2%, đạt 8,89 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp so với năm 2018 với mức tăng trưởng là 12,2%, tương ứng 3,418 tỉ USD. (năm 2018 tăng 19,3% so với năm 2017, tương ứng 3,04 tỉ USD). Ước tính năm 2019, doanh thu của ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 11,9% so với năm 2018 với tổng doanh thu khoảng 17,58 tỉ USD.
Kiến nghị chưa giảm thuế nhập khẩu 'cứu' chăn nuôi gia cầm
Theo tienphong.vn, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng NN&PTNT, Công Thương, Tài Chính xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm để “cứu” chăn nuôi gia cầm trong nước, do lượng thịt gà nhập khẩu tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam và các chuyên gia sự gia tăng sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ là một trong những nguyên nhân tạo ra cú sốc về giảm giá thịt gà trong nước mức thấp nhất trong10 năm qua.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, những năm qua, người sản xuất gia cầm trong nước đã và đang phải gồng mình chống đỡ với với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Mỹ, Brazile, Hàn Quốc và một số nước EU.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm cho biết, chỉ 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu gần 216 ngàn tấn thịt gà các loại, kim ngạch nhập khẩu 186 triệu USD (bình quân 0,862 USD/kg, tương đương 20 ngàn đồng/kg). Trong đó sản phẩm đùi gà chiếm 71,5%, cánh gà 5,8%, chân gà 8,7%, gà nguyên con 8,2%.
Ước tính sản lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2019 khoảng 250-260 ngàn tấn, tăng hơn 50% so với năm 2018. Dù chưa giảm thuế nhập khẩu thịt gà mà đã có sự gia tăng đột biến về số lượng thịt nhập khẩu như trên, là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự gia tăng sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ là một trong các nguyên nhân tạo ra cú sốc về giảm giá thịt gà trong nước xuống mức thấp nhất trong10 năm qua.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ngành gia cầm của Việt Nam là ngành hàng chịu nhiều tác động bất lợi và chịu rủi ro cao, đặc biệt là các hộ nông dân. Do đó, trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhóm mặt hàng thịt gia cầm được thực hiện bảo hộ cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc cắt giảm sẽ thực hiện vào giai đoạn cuối cùng thực hiện cam kết.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam kiến nghị cân nhắc xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm trong giai đoạn 2020-2025, mà vẫn giữ nguyên thuế suất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025.
Năm 2019 xuất khẩu cao su thu về 2,3 tỉ USD
Theo vietnambiz.vn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cho biết trong 15 ngày đầu tháng 12/2019, lượng cao su xuất khẩu đạt 95.000 tấn, trị giá 130,13 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với 15 ngày trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kì năm 2018 tăng 13,3% về lượng và tăng 27,6% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.370 USD/tấn, tăng 3% so với 15 ngày trước đó và tăng 12,7% so với cùng kì năm 2018.
Tính từ đầu năm 2019 đến hết ngày 15/12, lượng cao su xuất khẩu đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 2,15 tỉ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 8,7% về trị giá so với năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.349 USD/tấn, tăng 0,4% so với mức giá xuất khẩu trung bình của cùng kì năm 2018. Cục Xuất nhập khẩu uớc tính năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,3 tỉ USD, tăng gần 9% về lượng và tăng 10% về trị giá so với năm 2018.
Tại thị trường trong nước, trong 10 ngày giữa tháng 12/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đắk Lắk không có nhiều biến động. Ngày 20/12/2019, giá thu mua mủ nước tại vườn và nhà máy tại Đắk Lắk giao dịch lần lượt ở mức 280 đồng/độ TSC và 285 đồng/độ TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 9 đồng/độ TSC so với cuối tháng 11/2019.
Năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao nhất trong lịch sử
Thông tin từ vietnambiz.vn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập kỉ lục mới, thu về hơn 11 tỉ USD, tăng gần 107% so với kế hoạch, và ghi nhận xuất siêu hơn 8 tỉ USD. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh nông nghiệp như như gạo, rau quả, thuỷ sản, hồ tiêu đang có chiều hướng giảm thì xuất khẩu lâm sản năm nay ước đạt hơn 11 tỉ USD, vượt kế hoạch đề ra của ngành hàng. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu tháng 12/2019 đạt 477,47 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 362,7 triệu USD, tăng gần 25%. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,99 tỉ USD, tăng 18,3% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 7,3 tỉ USD, tăng 22,3%. Như vậy, chỉ mới giữa tháng 12/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt xấp xỉ 10 tỉ USD và khả năng lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD khi kết thúc năm 2019 là ngay trước mắt.
Còn theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỉ USD, đạt 107% so với kế hoạch được giao đầu năm 10,5 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2018, mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
 
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ hai châu Á, thứ nhất ở Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 2,52 tỉ USD. Hiện tại, đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam được xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đạt 9,71 tỉ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2019 có 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch trên 1 tỉ USD, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong đó, xuất sang Mỹ đạt 4,73 tỉ USD, chiếm 49,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 35,2% so với cùng kì, xuất khẩu sang Nhật Bản 1,2 tỉ USD, chiếm 12,6%, tăng 15,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc 1,04 tỉ USD, chiếm 10,9%, tăng 4,3%.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Áo tăng mạnh nhất 48,7%, đạt 1,63 triệu USD, xuất khẩu sang Saudi Arabia tăng 42,6%, đạt 34,89 triệu USD; Hy Lạp tăng 38,4%, đạt 3,45 triệu USD; Séc tăng 30,8%, đạt 2,24 triệu USD.
Hơn 180 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo
Thông tin từ vietnambiz.vn, những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở đã nâng tổng số thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo lên 182.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Ngày 1/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT qui định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Đây là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, nhằm phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Thực tiễn sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân.
Các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang tiếp tục góp phần đưa gạo Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. 
Nguồn: VITIC
Trích: http://vinanet.vn