Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 164 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Trong 24h qua, dịch bệnh đã khiến 799 người thiệt mạng.
Ngày 17/3, nước Anh ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lên 1.950 ca, tăng từ 1.543 ca so với ngày 16/3. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết sẽ hủy toàn bộ các ca phẫu thuật thông thường trong 3 tháng tới và cho xuất viện càng nhiều bệnh nhân càng tốt nhằm chuẩn bị giường bệnh và nhân viên y tế chống chọi với dịch COVID-19.
Theo Reuters, đến cuối ngày 17/3 Ý nước đã ghi nhận thêm 3.526 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 31.505 ca. Số ca hồi phục là 2.941 người, tăng 192 ca so với ngày 16/3.
Tại Đức, tính đến hết ngày 17/3 đã có tổng cộng 6.612 ca nhiễm COVID-19 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern có 4 ca tử vong. Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder đã ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này.
Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của COVID-19
 
Nguồn: Tuổi trẻ
Quan chức y tế Pháp ngày 17/3 ghi nhận thêm 27 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở nước này lên 175 ngừoi và 7.730 ca nhiễm. Chính phủ Pháp bắt đầu ngày phong tỏa đất nước đầu tiên để ngăn dịch bệnh lây lan.
Hãng tin AFP cho biết số người chết vì COVID-19 tại Mỹ đã chạm mốc 100 người, nhiều nhất là tại bang Washington với 50 người chết.
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 17/3 cho biết số ca nhiễm COVID-19
ở Tây Ban Nha đã tăng lên 11.178 ca , cao hơn nhiều số ca nhiễm của ngày 16-3 là 9.161 ca. Số ca tử vong cũng tăng từ 149 ca lên 491 ca.
Trong 24 giờ qua, Iran có thêm 135 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 988 ca. Cùng ngày 17/3, Iran có thêm 1.178 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca nhiễm toàn quốc ở Iran là 16.169 ca. Bên cạnh đó, có 5.389 người Iran mắc COVID-19 đã hồi phục.
Bộ trưởng Y tế Chile ngày 17/3 cho biết số ca dương tính với COVID-19 tại nước này đã lên tới 201 người, tăng thêm 45 trường hợp so với trước đó 1 ngày. Nước này hiện đã đóng cửa biên giới, dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, các sự kiện thể thao có sự tham gia của đông người.
Tại Brazil, hãng hàng không GOL (lớn thứ hai Brazil) hủy tất cả các chuyến bay quốc tế do dịch COVID-19. Theo thống kê chính thức, Brazil đã ghi nhận hơn 200 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có 1 ca tử vong.
Trong khi đó Campuchia có thêm 21 ca nhiễm COVID-19, tổng số ca nhiễm lên tới 33 ca. 20/21 ca nhiễm mới - gồm 3 người quốc tịch Malaysia, đã tới Malaysia để làm lễ tại một nhà thờ Hồi giáo.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 18/3 cho biết nước này có thêm 93 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 8.413.Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 18/3 cho biết tính đến cuối ngày 17/3, Trung Quốc ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, thấp hơn 21 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 80.894.
 
Nguồn: Tuổi trẻ
Thái Lan vừa ghi nhận 35 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước này lên 212 ca.
Ngày 18/3, Indonesia xác nhận thêm 55 ca nhiễm bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 227 trường hợp. Đây cũng là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất ở nước này.
Tại Việt Nam, tính đến tối ngày 18/3 ghi nhận 75 ca nhiễm COVID-19, trong đó, 16 bệnh nhân tính từ ngày 23/1-13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. 59 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện.
Ngoài ra, có 136 trường hợp nghi nhiễm đang được cách ly theo dõi chặt chẽ, 31.659 trường hợp tiếp xúc với các ca nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly).
 
 

Nguồn: Tuổi trẻ

Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch COVID-19
Sau nhiều cuộc họp liên quan đến việc rà soát tình hình sản xuất và phân phối khẩu trang phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều ngày 17/3/2020, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ và các Hiệp hội, doanh nghiệp để đánh giá năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng khẩu trang ra thị trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp dệt may luôn chủ động sản xuất khẩu trang vải (khẩu trang vải thông thường, khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn, khẩu trang vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc và gần đây nhất là khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn được kiểm nghiệm chất lượng).
Theo số liệu của tổng cục thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày. Nếu tính trung bình 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang, thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu tính giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).
Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào toàn dân phòng chống dịch COVID-19 do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, chiều ngày 18/3/2020, tại trụ sở Bộ Công Thương, Công đoàn Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức chương trình Lễ Phát động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Chúng ta đang đứng trước những thời khắc hết sức quan trọng khi Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19, kết thúc chuỗi liên tục 22 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Theo đó, trong hơn 2 tháng qua, toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân đã chung tay đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có tiền lệ.
 
 

Vì mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu mục kép, vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định, giữ vững và phát triển kinh tế.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; có phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đồng thời nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản chủ lực… Đặc biệt, đối với các ngành dịch vụ, cần khẩn trương phục hồi và phát triển du lịch, hàng không…

Nguồn: VITIC

Trích: http://vinanet.vn