Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm xuống 405 – 450 USD/tấn, từ mức 450 USD/tấn cách đây một tuần.
Gạo vụ Đông Xuân chào bán giá 450 USD/tấn, trong khi gạo vụ Hè Thu (hiện đang thu hoạch) giá chào 405 – 410 USD/tấn.
“Chất lượng gạo vụ Hè Thu thấp vì mưa lớn đúng lúc thu hoạch”, Reuters dẫn lời một thương gia ở tỉnh An Giang cho biết. Vụ thu hoạch này sẽ kết thúc vào cuối tháng 7.
Gia tăng áp lực đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm lại và giá gạo Ấn Độ rẻ hơn. Điều này có thể tiếp tục gây sức ép giảm giá gạo Việt Nam trong những tuần tới.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, loại đồ 5% tấm giá 373 – 378 USD/tấn, tăng so với 366 – 372 USD/tấn của tuần trước.
Số ca nhiễm virus corona tăng lên đã thúc đẩy một số khách hàng Châu Phi tăng cường mua gạo vào, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh – miền Nam Ấn Độ - cho biết.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này có giá 514-520 USD/tấn, so với 505-525 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá gạo Thái Lan duy trì ở mức cao chủ yếu do nguồn cung thấp vì hạn hán trong thời gian qua và đồng baht mạnh lên khiến giá gạo xuất khẩu quy ra USD cũng tăng. Trong khi đó, nhu cầu đối với gạo Thái Lan tiếp tục thấp.
“Thị trường sẽ còn tiếp tục lo ngại về nguồn cung cho tới tháng 8, khi vào vụ thu hoạch mới”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Tại Bangladesh, giá gạo tuần này tăng. Theo một số thương gia thì nguyên nhân do các nhà máy xay xát và các thương gia tăng cường mua gạo dự trữ. Gạo chất lượng trung bình hiện chào bán giá khoảng 50 taka (0,5896 USD)/kg.
Tại Peru, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp Covid-19. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng xuất khẩu gạo của nước này tăng 410% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, khối lượng đạt 8.898 tấn, thị trường chính là Colombia (chiếm 98% tổng xuất khẩu gạo của Peru).
Tại Malaysia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm, Datuk Seri Dr Ronald Kiandee, cho biết nguồn cung gạo nhập khẩu trên thị trường này không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định cung gạo (nhập khẩu và sản xuất trong nước) đủ đáp ứng nhu cầu.
“Chúng tôi tự cung cấp được khoảng 70% nhu cầu gạo, 30% còn lại là nhập khẩu. Cho đến nay, không có vấn đề nào khó khăn đối với các nguồn gạo nhập khẩu của chúng tôi”, ông Kiandee cho biết.
 
 

Nguồn: VITIC/Reuters