Theo lãnh đạo sở GTVT Hải Phòng, khu vực cảng Hải Phòng ùn tắc nhiều hơn các cảng khác là do hơn 80% lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng vẫn được vận chuyển bằng đường bộ, do năng lực bốc xếp của đường sắt vẫn rất hạn chế (năm 2013, Ga Hải Phòng bốc xếp được trên 1,4/55 triệu tấn hàng hóa qua các cảng Hải Phòng), số lượng hàng đi đường thủy cũng rất hạn chế.
Gỡ tắc cho đường bộ
Trước tình trạng này, Bộ GTVT quyết định mở tuyến vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh qua Hải Phòng tới Quảng Bình. Tính đến thời điểm này đã có trên 20 đơn vị vận tải tham gia loại hình vận tải mới này. Theo kế hoạch, sẽ có 20 chiếc tàu có tải trọng 1.000-5.000 tấn chạy thí điểm. Ước tính một tàu 3.000 tấn có thể chở 80 container hàng và có thể ghé vào đón, trả hàng ở tất cả các cảng dọc theo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.
Về thời gian vận chuyển, tàu đạt vận tốc từ 7-8 hải lý/giờ. Theo tính toán của Bộ GTVT, giá cước vận tải bằng đường thủy từ Quảng Ninh đến Quảng Bình chỉ bằng một nửa so với giá cước của đường bộ. Chẳng hạn, theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng có khoảng 500.000 - 600.000 tấn hàng hoá có nhu cầu vận tải trên tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng - Quảng Bình với các mặt hàng chủ yếu gồm: Bột đá, xi măng, than cám, cát gạch, đất sét, xăng dầu, sắt thép, thiết bị, mangan… Theo tính toán của các DN, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 vào khoảng 10 -12 triệu đồng; đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18 - 20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 - 3,2 triệu đồng. Trừ cả chi phí về độ trễ thời gian của vận chuyển đường thủy so với đường bộ (vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ) thì tổng chi phí giá thành vận chuyển bằng đường thủy vẫn rẻ hơn nhiều.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến 400 - 500 km, tàu mớn nước thấp có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, nơi tập trung các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, KCN, các tàu biển (trọng tải lớn, mớn nước cao) không thể vào được.
Gỡ cơ chế cho đội tàu VR-SI, VR-SB
Việc vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến 400 - 500 km, tàu mớn nước thấp có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương. |
Tuy nhiên, theo quy định, các loại tàu mang cấp VR-SI, VR-SB chỉ được phép hoạt động trên các tuyến được công bố, nhưng đến nay chưa có một tuyến nào được công bố để cho tàu VR-SB hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu thực tế đang rất cần giải phóng hàng hóa, một số chủ tàu đang hoạt động không phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được.
Trước thực tế trên, để tạo cơ chế chính sách thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho các DN, việc thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cho các tàu mang cấp VR-SI chuyển đổi cấp lên VR-SB và tàu VR-SB hoạt động là hết sức cần thiết. Ngày 09/6/2014, Cục Hàng hải VN đã báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để cho phép các tàu cấp VR-SI chuyển đổi cấp VR-SB hoạt động, nhằm tận dụng năng lực của đội tàu VR-SI có khoảng trên 3.000 tàu.
Theo ông Trần Văn Hạ – Giám đốc Cty vận tải Sơn Tùng (Nam Định), việc mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, mỗi tháng ngành vận tải đường bộ sẽ giảm được hàng nghìn lượt phương tiện ô tô trọng tải 30 tấn lưu thông trên các tuyến đường bộ. Điều này rất ý nghĩa trong việc góp phần giải quyết tình trạng quá tải mật độ lưu lượng giao thông và tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải… góp phần đảm bảo ATGT, nâng cao tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
“Hiện, các DN cũng rất kỳ vọng vào tuyến vận tải đường thủy sẽ là giải pháp cho DN trong bối cảnh mắt xích đường bộ đang được lập lại trật tự cả về giá cước và thị trường vận tải” - ông Hạ chia sẻ.
Ông Giang Tử - 0913.329.033 |
Bà Nga - 0903.228.574 |
Trang web hiện có:
93 khách & 0 thành viên trực tuyến