Bài toán tài chính cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được giải

- Sau khi giải được bài toán tài chính, Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam quy mô 6 làn xe - sẽ thông xe đoạn tuyến đầu tiên trong ít ngày tới.
Sẽ thông xe đúng kế hoạch
Đây là khẳng định của ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư theo hình thức BOT, dài 105,5 km, quy mô 6 làn xe, được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam - về thời điểm thông xe kỹ thuật, có thu phí đối với đoạn đường dài 22,7 km thuộc địa phận TP. Hải Phòng.
Những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng của đoạn tuyến đầu tiên sắp được thông xe. Ảnh: A.M
Những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng của đoạn tuyến đầu tiên sắp được thông xe.  
Theo ghi nhận của phóng viên, cho đến chiều 13/5, những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng của đoạn tuyến 22,7 km thuộc địa phận TP. Hải Phòng (đoạn từ nút giao với Quốc lộ 10 đến nút giao với Tỉnh lộ 353 - đường Phạm Văn Đồng) đang được các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện dưới sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát và cán bộ của chủ đầu tư.
Được áp dụng công nghệ làm đường mới nhất, lớp bê tông asphalt trên cùng của kết cấu mặt đường của Dự án bao gồm 1 lớp bê tông nhựa mịn 5 cm sử dụng nhựa polimer và 1 lớp tạo nhám nhằm đảm bảo tốc độ khai thác 120 km/h.
Vidifi cũng đang chỉ đạo các nhà thầu thi công các gói thầu phụ trợ sớm hoàn thiện đồng bộ hệ thống biển báo, thiết bị an toàn giao thông, điện chiếu sáng, trạm thu phí..., để có thể đón những dòng xe cơ giới đầu tiên chạy trên đoạn tuyến từ nửa cuối tháng 5/2015. “Lễ thông xe chính thức đoạn tuyến đầu tiên của Dự án sẽ được tiến hành vào khoảng đầu tháng 6/2015”, lãnh đạo Vidifi cho biết.
Như vậy, sau đúng 7 năm thi công, Vidifi sắp được hưởng những thành quả đầu tiên. Đây là công trình nhận được sự kỳ vọng lớn của Chính phủ và các nhà đầu tư, bởi khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian lưu thông (tính cho xe con) giữa các tỉnh phía Bắc (Hà Nội đi Hải Phòng - Cảng Đình Vũ từ 2 giờ xuống 53 phút; Hà Nội đi Hạ Long từ 3,5 giờ xuống 1 giờ 10 phút), góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
Để khuyến khích phương tiện lưu thông trên các đoạn tuyến của đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi đề xuất áp dụng mức thu phí tiêu chuẩn là 1.500 đồng/km/xe, tương tự mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành và Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn 4 làn xe).
Từ năm 2016, Vidifi sẽ áp dụng mức thu theo phương án tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phương án tài chính của Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định, mức thu phí là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Khi đưa đoạn từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hải Phòng vào khai thác, đơn vị tổ chức khai thác sẽ phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra tải trọng xe và tốc độ của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc bằng các trạm cân tải trọng lưu động được bố trí trên đoạn tuyến, để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, đồng thời ngăn chặn hiện tượng phương tiện chạy quá tốc độ và né tránh trạm cân tải trọng.
Đã giải được bài toán tài chính
Hiện tiến độ thực hiện lũy kế 11 gói thầu xây lắp chính đạt khoảng 90% khối lượng hợp đồng. Đây là cơ sở để chủ đầu tư hoàn thành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: trong tháng 5/2015 sẽ thông xe, đưa vào khai thác tạm và thu phí đoạn tuyến dài 22,7 km thuộc địa phận TP. Hải Phòng; tháng 7/2015 đưa vào khai thác đoạn tuyến từ nút giao với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hải Phòng đến nút giao với Quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên; đến cuối năm 2015 đưa vào khai thác toàn tuyến.
Ông Chiến cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa chấp thuận một số cơ chế chính sách hỗ trợ chủ đầu tư để Dự án có tổng mức đầu tư vừa cập nhật năm 2014 là 45.487 tỷ đồng đảm bảo tính khả thi tài chính với thời gian hoàn vốn là 30 năm.
Cụ thể, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 8/5/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp đối với khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc; có hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (Kfw); Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án (khoảng 3.700 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Vidifi cũng được sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của các khu đô thị và khu công nghiệp theo Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 để làm nguồn thu hoàn vốn đầu tư (khoảng 7.890 tỷ đồng). Tính tổng cộng, với 3 khoản hỗ trợ, Nhà nước đã tham gia trực tiếp vào Dự án khoảng 18.000 tỷ đồng, giúp giảm bớt đáng kể gánh nặng cho chủ đầu tư.
“Chúng tôi đang rốt ráo đàm phán việc chuyển nhượng 70% giá trị hợp đồng BOT với đối tác Ấn Độ thông qua việc thành lập công ty cổ phần quản lý, vận hành tuyến đường, trong đó Vidifi sở hữu 30% vốn điều lệ. Toàn bộ phần vốn thu được sẽ được Vidifi đầu tư vào một dự án đường bộ cao tốc khác”, ông Chiến cho biết./.
Trích nguồn : Báo Đầu Tư

Hỗ trợ trực tuyến

4384951
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1795
4123
5918
2330825
84897
4384951

Your IP: 3.129.216.15
Server Time: 2024-11-25 09:44:42

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
56 khách & 0 thành viên trực tuyến