- Thị trường ô tô trong nước đang bước vào giai đoạn chạy nước rút nhằm tránh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng cao từ 1/1/2016.
Thực tế, nếu triển khai mở rộng giá tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu (NK), giá ô tô trong nước có thể tăng 20 - 30%.
Giá ô tô trong nước có thể tăng khi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao. Ảnh: Nguyễn Đức
|
Thuế nọ bù thuế kia
Đề xuất về cách tính thuế TTĐB mới của Bộ Tài chính dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016. Giá tính thuế ô tô sẽ là giá bán ra của nhà NK (giá bán buôn) thay vì giá CIF (giá tại cửa khẩu bên nhập) đã có thuế NK như trước đây. Với phương án này, giá thuế TTĐB phải cộng thêm một phần lợi nhuận, phí hải quan, đăng kiểm, phí lưu kho, lưu bãi và cước vận chuyển, rồi chi phí marketing quảng cáo… từ nhà NK tới tay đại lý phân phối.
Thực tế, ngay tại cuộc họp nội bộ tại Bộ Tài chính ngày 27/5, một đại diện của Honda Việt Nam đã hé lộ, thực ra, với ô tô NK thì giá CIF về Việt Nam cũng đã bao gồm cả chi phí toàn bộ: Giá thành sản xuất của nhà sản xuất (hay giá vốn) cộng chi phí bán hàng của nhà sản xuất chính hãng (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành… nếu có) cộng với lãi của nhà sản xuất chính hãng. Nay, theo cách tính mới dự kiến của Bộ Tài chính, giá tính thuế ô tô NK sẽ không chỉ áp trên giá CIF, mà còn tính trên giá bán lẻ tới người tiêu dùng, nhằm thu thêm thuế ở khâu tiêu thụ nội địa.
Mức thuế phổ thông và chung nhất với NK trong ASEAN hiện đang ở mức 50% và sẽ giảm dần xuống 40%, 30%, 0% áp dụng cho các năm tương ứng 2016, 2017, 2018. Như vậy, nếu áp thuế TTĐB sẽ làm dòng xe này ít nhất là tăng giá trong năm 2016 do thuế NK chỉ giảm 10%...
Ông Trương Kim Phong - Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Ford Việt Nam cho biết, mức thuế TTĐB theo cách tính mới sẽ tăng và chắc chắn giá ô tô bán ra tăng, mức tăng có thể đến 20 - 30% tùy loại xe. Ví dụ với xe Toyota Camry 2.0 giá khoảng 1 tỷ đồng, với cách tính thuế mới, giá có thể tăng lên mức 1,2 tỷ đồng. Không chỉ giá bán tăng mà phí trước bạ cũng sẽ tăng theo.
Nhập khẩu ô tô tăng mạnh
Sau 2 năm giảm thuế NK, giá ô tô trên thị trường đến nay không những không rẻ mà còn đắt hơn trước. Tính toán trên cơ sở dự thảo của một đại diện NK xe, ví dụ một xe có giá NK 20.000 USD, thuế NK năm 2015 là 50% (giá xe là 30.000 USD) cộng 50% thuế TTĐB, giá xe tại cảng là 45.000 USD chưa bao gồm vận chuyển, tiền lãi và VAT (10%). Trong năm 2016, cũng với chiếc xe có giá 20.000 USD, với thuế NK 40% (giá xe tại cảng là 28.000 USD), cộng tiền trong chuỗi lưu thông 10.000 USD, giá xe đã lên 38.000 USD, cộng thuế TTĐB (50% tương đương 19.000 USD), vậy xe có giá là 57.000 USD, chưa bao gồm vận chuyển, tiền lãi và VAT… Đến năm 2018, xe có giá là 20.000 USD, thuế NK bằng 0, lưu thông 10.000 USD (không đổi) cộng với thuế TTĐB là 15.000 USD thì xe có giá 45.000 USD, là giá không giảm được nữa và cũng chưa bao gồm vận chuyển, tiền lãi và VAT.
Giá USD vẫn tăng hàng năm, do vậy, tính đến năm 2018, giá xe sẽ còn tăng cao nếu tính theo giá tiền đồng. Người tiêu dùng cho rằng, giấc mơ xe giá rẻ của người Việt Nam sẽ tan biến. Một điểm đáng lưu ý nữa là Thái Lan đang dự kiến quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán lẻ đối với cả hàng hóa sản xuất trong nước và NK, điều này sẽ làm tăng giá sản phẩm tại thị trường này. Chính vì vậy, dù NK ô tô từ thị trường Thái Lan sẽ được giảm thuế theo lộ trình, song giá bán sản phẩm tại thị trường này có khả năng sẽ tăng. Do đó, nhiều người tiêu dùng chạy đua nước rút mua xe vào năm 2015 này, do sẽ có giá thấp hơn nhiều so với năm 2016 và 2017.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, ước tính đã có khoảng 45.000 ô tô nguyên chiếc (CBU) được NK về nước trong 5 tháng đầu năm 2015, đạt giá trị kim ngạch trên 1,2 tỷ USD. Như vậy, chỉ mất quãng thời gian 5 tháng đầu, kim ngạch NK ô tô nguyên chiếc năm 2015 đã tiến gần tổng kim ngạch của cả năm 2014 xét cả về lượng lẫn giá trị.
Hiện tại, xe ô tô NK về Việt Nam phải chịu 3 loại thuế là thuế NK nguyên chiếc (từ 50 - 70%) tùy loại, và tùy theo nguồn gốc NK. Tiếp đó là thuế TTĐB và cuối cùng là thuế VAT bằng 10%; Sau khi được bán ra thị trường, sẽ chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo quy định từng địa phương. Để được cấp biển số, ô tô dưới 10 chỗ phải nộp từ 2 - 20 triệu đồng nếu ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh; Muốn lăn bánh trên đường, ô tô còn phải chịu phí kiểm định với mức 240.000 - 560.000 đồng một lần kiểm định. Bên cạnh đó, lệ phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật có mức 50.000 - 100.000 đồng một lần; Đặc biệt, mới đây, ô tô cũng phải nộp phí sử dụng đường bộ được thu theo năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với mức 130.000 - 1.430.000 đồng/tháng tùy theo tải trọng xe. |
Trích nguồn : http://www.ktdt.vn/