Đất Cảng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hơn 400 dự án, hơn 10 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng trong những năm qua là những con số thực sự ấn tượng. Nô nức nhà đầu tư, dồn dập dự án đến với Hải Phòng, đặc biệt trong 5 năm gần đây có nhiều “dự án tỷ USD” cho thấy sức hấp dẫn của thành phố. Ý nghĩa hơn khi dần dần, các dự án FDI càng đi vào chiều sâu, với chất lượng hơn hẳn cả về nguồn vốn, quy mô và công nghệ. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Hải Phòng.

Thêm nhiều dự án vốn lớn, công nghệ hàng đầu

Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Dương Ngọc Tuấn cho biết: kết quả thu hút FDI 7 tháng năm 2015 khá ấn tượng với 504,9 triệu USD. Trong đó, có tới gần 2/3 số dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Nổi bật là dự án nhà máy điện tử Haesung với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vào Khu CN Tràng Duệ, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử thông qua việc cung cấp linh, phụ kiện cho nhà máy LGE. Cùng với các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ khác, sẽ làm chuyển biến căn bản cơ cấu hàng xuất khẩu của Hải Phòng khi tỷ trọng hàng điện tử gia tăng nhanh.

 Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Khu CN Sài Gòn- Hải Phòng Bùi Thế Long, LGE đầu tư vào Khu CN Tràng Duệ kéo theo hàng chục nhà đầu tư khác làm vệ tinh. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thu hút nguồn vốn FDI của Hải Phòng có sự thay đổi về “chất”, thay vì tiêu tốn, sử dụng nhiều tài nguyên như trước chuyển hướng sang các ngành công nghiệp cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, từ một dự án lớn có thể kéo theo nhiều dự án lớn, nhỏ khác, tạo thành chuỗi cung ứng liên hoàn và tiện lợi.

Điều này được minh chứng thêm khi tại lễ khai trương dự án LGE tháng 3- 2015,  ông Bon-Joon Koo, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LG khẳng định, nhà máy mới của LG tại Hải Phòng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu. LG  sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại nhà máy dự kiến đạt 50% trong giai đoạn 1. Phần lớn sản phẩm của LG sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ sẽ được tiêu thụ toàn cầu. Như vậy, Hải Phòng không chỉ thành công trong thu hút Tập đoàn LG đầu tư với tổng số vốn 1,5 tỷ USD-dự án FDI lớn nhất từ trước tới nay, mà còn chính từ dự án này thu hút thêm được các dự án nhiều triệu USD khác.

Công nhân trong dây chuyền cắt tôn sản xuất đồ gia dụng tại Công ty TNHH JSHP (Khu công nghiệp và dịch vụ Vsip Hải Phòng).  Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

Công nhân trong dây chuyền cắt tôn sản xuất đồ gia dụng tại Công ty TNHH JSHP (Khu công nghiệp và dịch vụ Vsip Hải Phòng).Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

Trước đó, dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone tại Khu CN Đình Vũ cũng rất “khủng” với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, sản phẩm cũng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, phải kể đến dự án mở rộng Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng (tăng vốn từ 145,9 triệu USD lên 268,2 triệu USD); dự án sản xuất chi tiết, phụ tùng, linh kiện nhựa Dong Yang Hải Phòng (38 triệu USD); dự án sản xuất loa tivi, động cơ rung cho điện thoại, tai nghe blutooth Bluecon Vina (50 triệu USD); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (259 triệu USD); dự án sản xuất nam châm đất hiếm, với việc đầu tư sản xuất áp dụng công nghệ nguồn (100 triệu USD),… Ngoài ra, còn nhiều dự án của những thương hiệu nổi tiếng khác, như nhà máy sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma  với số vốn đầu tư 250 triệu USD; nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox với số vốn đầu tư 119 triệu USD; nhà máy Kyocera 187 triệu USD…

 Thúc đẩy tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng

 Những năm qua, khu vực DN FDI đạt tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu, bình quân 30%/ năm, chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu, góp phần để nền kinh tế Hải Phòng hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thị trường mở rộng tới 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Cùng với đó, nguồn vốn FDI góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp, khi tỷ lệ vốn đầu tư của các dự án FDI vào công nghiệp chiếm tới hơn 70%. Phần lớn sản phẩm quan trọng có sự tham gia của DN FDI có sự tăng trưởng nhanh, mạnh như  xi măng, thép cán, ống thép, gang đúc, thủy tinh, quần áo may sẵn, hàng dệt kim, giày dép, cáp điện, kết cấu thép phi tiêu chuẩn, phụ tùng ô tô, rô- bốt công nghiệp, hóa chất, máy điều hòa, lò vi sóng, máy giặt, máy in, máy phô- tô- cop- pi, thiết bị văn phòng, tua bin phát điện gió, dược phẩm… 7 tháng năm 2015, chỉ số IIP công nghiệp tăng trưởng tới 15,8% có sự đóng góp quan trọng của khu vực DN FDI. Không những thế, nguốn vốn FDI còn có tác động không nhỏ tới chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ, tập trung nhiều vào những ngành mà thành phố có lợi thế như dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển… Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hải Phòng ngày càng rõ ràng, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao… Từ đó, vốn FDI có vai trò tích cực trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực; tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới với thu nhập ổn định; đóng góp cho ngân sách… 

Kết quả trong thu hút nguồn vốn FDI cho thấy, Hải Phòng trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng quá trình cải cách hành chính ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt, cùng quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố và các ngành, các cấp, với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vượt trội đã và đang hình thành; trong đó Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải có nhiều chính sách ưu đãi và một loạt khu CN đang sẵn sàng, Hải Phòng sẽ đạt kết quả lớn hơn trong thu hút nguồn vốn FDI với chất lượng và hiệu quả cao hơn, góp phần đắc lực đưa thành phố phát triển đột phá trong những năm tới.

 Trích nguồn : http://baohaiphong.com.vn/

Hỗ trợ trực tuyến

4385337
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
2181
4123
6304
2330825
85283
4385337

Your IP: 3.139.83.248
Server Time: 2024-11-25 12:21:23

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
16 khách & 0 thành viên trực tuyến