Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch là xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng trữ lượng và tài nguyên than tại Việt Nam đến cuối năm 2015 dự tính gần 49 tỷ tấn, gồm khoảng 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn.
Quy hoạch cũng xác định, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả 4 dự án, Hòn Gai 4 dự án, Uông Bí một dự án); đầu tư xây mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai 7 dự án, Uông Bí 17 dự án).
Đầu tư cải tạo mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để gia tăng sản lượng khai thác; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương.
Với bể than sông Hồng, giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.
Giai đoạn đến năm 2020, đầu tư xây dựng mới các nhà máy tuyển than: Vàng Danh 2 công suất khoảng 2 triệu tấn một năm, Khe Thần 2,5 triệu tấn, Hòn Gai công suất 5 triệu tấn, Khe Chàm công suất 7 triệu tấn, Lép Mỹ công suất khoảng 4 triệu tấn.
Giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất nhà máy sàng-tuyển Khe Thần từ 2,5 triệu tấn lên khoảng 5 triệu tấn một năm./.
Trích nguồn : http://vov.vn/