Chưa xem xét tăng giá điện 
Liên quan đến việc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về lập phương án xem xét lại giá điện. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặt hàng điện và xăng dầu có vai trò hết sức quan trọng vì đây cũng là đầu vào của rất nhiều mặt hàng khác, không những vậy nó còn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và cả đời sống của tất cả mọi người dân.
Chính vì vậy, việc tăng giá điện cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, nếu EVN đề xuất về vấn đề tăng giá điện thì Bộ Công Thương cần phải phối hợp với Bộ Tài chính cũng như một số đơn vị có liên quan xem xét hết sức kỹ lưỡng ,và nếu vượt thẩm quyền của mình thì phải trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thứ trưởng, với tình hình kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt là so với năm 2016, nên đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ chỉ đạo là trước mắt chưa xem xét việc tăng giá điện.
"Nếu có đề xuất về tăng giá điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng và đánh giá tác động về sự tăng giá của mặt hàng này đối với tất cả các mặt hàng khác của nền kinh tế, cũng như sự tăng trưởng GDP, rồi CPI. Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định chưa xem xét có tăng giá điện hay không" – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với mặt hàng xăng dầu, về cơ bản đã và đang phát triển theo quy luật của thị trường thể hiện: công khai minh bạch, nguồn cung xăng dầu nhiều, tính cạnh tranh cao.
Cho đến nay, đã có 28 đầu mối được phép trực tiếp nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam và cạnh tranh lành mạnh. Hiện việc điều hành giá xăng dầu đang căn cứ theo Thông tư 84, được đánh giá là có nhiều nguồn cung và công khai, minh bạch. Theo đó, cứ 15 ngày một lần, Liên Bộ xét giá xăng dầu dựa trên công thức đã được tính toán giữa thuế, phí và giá trung bình 15 ngày theo giá của thị trường mặt sàn tại Singapore.
Liên quan đến Quỹ bình ổn xăng dầu, theo Nghị định 83, mục đích của Quỹ bình ổn xăng dầu này không phải tiền của Nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào mà đây là phần trích trong Quỹ để khi có sự tăng giá đột ngột ở nước ngoài, sẽ tránh được những cú sốc cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Trong suốt thời gian vừa qua, việc phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đã mang lại hiệu quả rất tốt, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong thời gian vừa qua rất nhiều người cho rằng đã đến lúc không nên sử dụng quỹ này nữa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tiếp tục xem xét và bản thân Thứ trưởng cũng không muốn có Quỹ bình ổn này nữa, nhưng trong thời điểm này, để đáp ứng các mục tiêu đề ra, vẫn cần thực hiện theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83 của Chính phủ.
Cũng liên quan đến chính sách thuế bảo vệ môi trường, trong đó có thu từ DN xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, cơ chế chính sách thuế Bảo vệ môi trường là khung do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Hiện nay, khung từ 1.000-4.000 đồng/lít. Chúng tôi dự kiến báo Chính phủ, Quốc hội tăng khung này lên khi xem xét Thuế Bảo vệ môi trường. Đây là khoản thu làm tăng thu NSNN khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế NK xăng dầu về 0%.
Hiện nay, giá xăng dầu của chúng ta là thấp nhất so với các nước có cùng đường biên giới với Việt Nam. Nên Thuế Bảo vệ môi trường cũng góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới. Phải xem xét lợi ích DN và người dân, và tác động chung của nó đến lạm phát thế nào. Đây là những tác động mà chúng tôi cho rằng, khi quyết định về mức thuế BVMT cụ thể phải tính toán đầy đủ các yếu tố đó, để các cấp có thẩm quyền xem mức thuế cụ thể.
Bên cạnh cung cấp thông tin về mặt hàng điện, xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và sự cạnh tranh trên thị trường giữa taxi Uber, Grab và taxi truyền thống.
Đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở cùng có lợi
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải cho biết, chuyến đi của Thủ tướng sang Hoa Kỳ với sự tháp tùng của các Bộ, ngành và gần 100 DN lớn đã thành công tốt đẹp và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nhất là cho DN hai bên trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.
Trong khuôn khổ chuyến đi đã có nhiều thỏa thuận được ký kết với giá trị lên tới trên 10 tỷ USD.Trong đó, có ký kết nhập khẩu một số máy móc thiết bị và kể cả chuyển giao công nghệ.
 
Việt Nam đặc biệt quan tâm đến khả năng có thể tiếp nhận những công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ của những DN hàng đầu của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như thuỷ hải sản, dệt may, da giày cũng như một số mặt hàng khác.
Để hiện thực hóa những ký kết, cam kết sau chuyến đi, Thứ trưởng khẳng định sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ cho cộng đồng DN cả hai nước, đóng góp cho sự phát triển của cả hai cộng đồng DN Việt Nam, Hoa Kỳ, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ.
Cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng
Liên quan đến sự cạnh tranh giữ taxi Uber, Grab với taxi truyền thống, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương rất quan tâm đến cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Về vấn đề cạnh tranh lành mạnh, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng như chỉ đạo các cơ quan có liên quan thuộc hệ thống của Bộ Công Thương giám sát chặt chẽ sự cạnh tranh giữa taxi Uber, Grab với taxi thông thường và chính ở trong hãng của Uber, Grab.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử