Ông Rogoff, hiện đang là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nói với CNBC vào hôm thứ Năm rằng: "Nếu có một quốc gia trên thế giới thực sự ảnh hưởng đến người khác và đang trong tình trạng dễ bị tổn thương, thì đó phải là Trung Quốc”.
Rogoff, vốn từng là kinh tế gia trưởng và giám đốc nghiên cứu của IMF giai đoạn 2001-2003, cho biết: "Toàn bộ khu vực đang phụ thuộc vào Trung Quốc ... vì vậy tôi chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ xuất khẩu suy thoái ra bên ngoài.”
Ý kiến của Rogoff được đưa ra giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với những bất ổn gia tăng, trong khi cố gắng kiềm chế mức nợ cao ngất.
Ông nói thêm: "Họ đang cố gắng duy trì đà tăng trưởng, nhưng có rất nhiều yếu tố cản trở điều này, đặc biệt là khi họ chuyển từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước".
Ông Rogoff cho rằng việc chuyển sang một nền kinh tế chú trọng tới tiêu dùng là rất khó khăn với tất cả các nước, và Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Trung Quốc đã bơm một lượng tín dụng khổng lồ vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng
Rogoff nói: "Trung Quốc có nhiều công cụ để giải quyết các vấn đề về tín dụng, bởi vì ở một khía cạnh nào đó thì khu vực tư nhân được chính phủ bảo bọc, nhưng điều này dựa trên việc tăng trưởng tín dụng nhanh". Ông nói thêm: "Khi Trung Quốc kiểm soát tín dụng, tăng trưởng chậm lại. Vì vậy, không cần phải có những vụ vỡ nợ lớn thì mới dẫn tới giảm tăng trưởng".
Các mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên khi những nỗ lực kích thích kinh tế của các nhà hoạch định chính sách tại nước này cũng thúc đẩy tỷ lệ đòn bẩy gia tăng.
Vào cuối tháng 5, Moody's đã bày tỏ mối quan ngại rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ làm tăng tổng dư nợ tín dụng. Moody's đã hạ bậc tín dụng của trái phiếu chính phủ Trung Quốc từ mức Aa3 xuống mức A1, cũng như thay đổi triển vọng của nó từ ổn định sang tiêu cực.
 
Trong một lưu ý gần đây, Nomura ước tính nợ trong khu vực phi tài chính của Trung Quốc đạt 191,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (27,96 nghìn tỷ USD), tương đương 251% GDP)trong quý I, so với mức 231% GDP vào cuối năm 2015.
Moody ước tính rằng thâm hụt ngân sách của chính phủ Trung Quốc vào năm 2016 ở mức "vừa phải" là khoảng 3% GDP. Nhưng theo dự kiến, gánh nặng nợ của chính phủ sẽ tăng lên 40% GDP vào năm 2018 và 45% vào cuối thập kỷ này.
trong một thông báo phát hành hồi tháng 5, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết rằng tổng nợ công của Trung Quốc vào cuối năm 2016 là 37% GDP.
Nguồn: nhipcaudautu.vn