Hội nghị được chia ra làm 03 buổi dành riêng cho từng đối tượng: Cán bộ quản lý cấp cao, gồm Ban Tổng giám đốc và các Trưởng phòng nghiệp vụ; Khối tác nghiệp gián tiếp gồm cấp Phó phòng, chuyên viên văn phòng và Khối tác nghiệp trực tiếp gồm các Cửa hàng trưởng, Thủ kho và Đội vận tải thủy – bộ.

Khi triển khai 5S sẽ mang lại những lợi ích rất thiết thực cho Công ty và cho mỗi CB-CNV: Đây là công cụ rất thực tiễn, dễ hiểu, dễ thực hiện, có thể áp dụng cho cả mỗi cá nhân, mỗi gia đình; là nền tảng trong ngôi nhà chất lượng. Thực hiện Mô hình 5S sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, hình thành thói quen tốt, tác phong làm việc khoa học, chính xác, chuyên nghiệp, tạo sự khác biệt và nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty.

 
 
Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban ISO-5S Nguyễn Phong Thiên Phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban ISO-5S Nguyễn Phong Thiên thể hiện sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Công ty trong việc triển khai áp dụng Mô hình thực hành 5S, xem đây là công cụ hữu ích để xây dựng môi trường là việc “An toàn – Chất lượng – Hiệu quả”, định hình nền tảng văn hóa doanh nghiệp đậm chất Petrolimex.
 
 
Trực tiếp truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm tại Hội nghị gồm có các chuyên gia đến từ Petrolimex Sài Gòn: Phó Giám đốc Đào Văn Hùng, người được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu về chất lượng và 5S của ngành; Phó Phòng Hành chính Tổng hợp – Tổ trưởng Tổ 5S Lê Mạnh Hùng.

Mô hình thực hành 5S có nguồn gốc từ Nhật Bản. 5S là chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật: “SERI”, “SEITON”, “SEISO”, SEIKETSU” và “SHITSUKE”

Khi dịch sang tiếng Việt đó là “SÀNG LỌC”, “SẮP XẾP”, “SẠCH SẼ”, SĂN SÓC” và “SẴN SÀNG”.

1. Sàng lọc: Là xem xét, phân loại, chọn lựa và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc. Mọi thứ (vật dụng, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng hỏng …) không/chưa liên quan, không/chưa cần thiết cho hoạt động tại một khu vực sẽ phải được tách biệt ra khỏi những thứ cần thiết sau đó loại bỏ hay đem ra khỏi nơi sản xuất. Chỉ có đồ vật cần thiết mới để tại nơi làm việc. S1 thường được tiến hành theo tần suất định kì.

2. Sắp xếp: Sắp xếp là hoạt động bố trí các vật dụng làm việc, bán thành phẩm, nguyên vật liệu, hàng hóa … tại những vị trí hợp lý sao cho dễ nhận biết, dễ lấy, dễ trả lại. Nguyên tắc chung của S2 là bất kì vật dụng cần thiết nào cũng có vị trí quy định riêng và kèm theo dấu hiệu nhận biết rõ ràng. S2 là hoạt động cần được tuân thủ triệt để.

 

3. Sạch sẽ: Là giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc, máy móc, thiết bị, dụng cụ làm việc hay các khu vực xung quanh nơi làm việc để đảm bảo môi trường, mỹ quan tại nơi làm việc. S3 cũng là hoạt động cần được tiến hành định kì.

4. Săn sóc: Săn sóc được hiểu là việc duy trì định kì và chuẩn hóa 3S đầu tiên một cách có hệ thống. Để đảm bảo 3S được duy trì, người ta có thể lập nên những quy định chuẩn nêu rõ phạm vi trách nhiệm 3S của mỗi cá nhân, cách thức và tần suất triển khai 3S tại từng vị trí. S4 là một quá trình trong đó ý thức tuân thủ của CBCNV trong một tổ chức được rèn rũa và phát triển.

5. Sẵn sàng: Là tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các qui định tại nơi làm việc. Sẵn sàng được thể hiện ở ý thức tự giác của người lao động đối với hoạt động 5S. Các thành viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của 5S, tự giác và chủ động kết hợp nhuần nhuyễn các chuẩn mực 5S với công việc để đem lại năng suất công việc cá nhân và năng suất chung của Công ty cao hơn.

 Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương