Nhiều hạn chế trong quy trình sản xuất và vận hành
Theo thống kê công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) hiện chỉ có 9% DN Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những sản phẩm mà DN nội đang cung ứng trong chuỗi toàn cầu chỉ là sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao.
Là DN có chuỗi sản xuất quy mô toàn cầu, ông Kim Dohyung, Chủ tịch Samsung Electronics Việt Nam - cho biết, số lượng DN Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung hiện vẫn còn hạn chế. Tại TP. Hồ Chí Minh tính đến nay mới có khoảng 26 DN đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.
Sau thời gian hỗ trợ, tiếp xúc với các DN Việt, ông Dohyung đã chỉ ra những điểm yếu mà DN gặp phải hiện nay là dự đoán thị trường yếu kém nên tiêu thụ hàng chậm, thời gian lưu kho lâu do đó cần phải cải tiến quản lý lưu kho. Về chất lượng sản phẩm các DN cần phải hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng đo lường; Cải tiến nâng cao sản xuất thông qua việc cải tiến phương pháp quản lý.
Theo ông Dohyung, thực tế cho thấy cách tính toán chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) của DN Việt Nam và Samsung có khác nhau nên việc đánh giá, tính toán phải tính lại cho đúng chuẩn. DN phải thiết lập mục tiêu, đặc biệt phải giảm lỗi tại công đoạn sản xuất. Vì tỷ lệ lỗi từ 5 - 30% là rất cao và DN không thể đảm bảo được hiệu quả kinh doanh. Do vậy, vấn đề quan trọng là DN phải tìm và khắc phục nguyên nhân gây nên lỗi trong toàn bộ quy trình sản xuất.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT) - nhận xét, điểm yếu của nhiều DN Việt Nam là lúc đầu sản phẩm làm ra đạt chất lượng rất tốt, nhưng sau đó chất lượng dần không được coi trọng nên bị giảm sút và không ổn định.
Đây là điều các tập đoàn lớn trên thế giới tối kị bởi với các tập đoàn nước ngoài chất lượng và năng suất không chỉ được duy trì mà phải cải tiến nâng cao mỗi ngày.
Hiệu quả từ sự hỗ trợ, kết nối
Theo ông Lê Hoài Quốc, đối với các DN đã và đang đầu tư tại SHTP, Ban Quản lý thúc đẩy nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và hoạt động nghiên cứu triển khai của DN; hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo và kết nối tham gia các chương trình phát triển khoa học công nghệ quốc gia, thành phố. SHTP tiếp tục phối hợp với Samsung, Intel, ITPC, JETRO... thực hiện tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghệ trong nước để tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, Intel...
Về phía Samsung cũng khẳng định: Từ nay đến cuối năm 2017, đoàn chuyên gia của Tập đoàn Samsung sẽ hỗ trợ 3 DN của TP. Hồ Chí Minh là Công ty TNHH SXTM in ấn Minh Mẫn, Công ty TNHH Thiết kế chế tạo Nhật Minh và Công ty Vinavit để các DN này nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung cũng như của Samsung nói riêng.
Theo đó, Samsung sẽ hỗ trợ Công ty Minh Mẫn lập lại tiêu chuẩn cho công đoạn từ nhận đơn hàng đến lập kế hoạch sản xuất để khắc phục điểm yếu về vận hành kế hoạch. Chọn mô hình tổ chức hiện đại (KPI) theo từng quy trình và xây dựng vận hành quản lý, quản trị theo mục tiêu (MBO)…
 
Còn Công ty Nhật Minh cũng sẽ được hướng dẫn theo tiêu chuẩn phải lập kế hoạch cho từng công đoạn và chọn KPI cho từng quy trình. Cải tiến hiệu suất sản xuất 1 tuần/lần. Lập kế hoạch đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất nhằm giảm hàng lỗi, tránh lãng phí công suất máy...
Thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược mới để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thực hiện chương trình kết nối DN FDI - DN Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của DN nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thuận lợi hóa logistics và hải quan để đẩy nhanh phát triển kinh tế trong thời gian tới.
 Nguồn: Ngọc Thảo - Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử