Động thái này được thực hiện nhằm mục tiêu củng cố khả năng cạnh tranh của ngành chế tạo máy bay đang trên đà phát triển của “xứ sở Mặt Trời mọc”.
Cụ thể, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ đưa ra sáng kiến về một mạng lưới các nhà sản xuất bộ phận máy bay trên toàn quốc vào cuối năm nay nhằm tăng doanh số bán hàng toàn ngành lên 3.000 tỷ yen (26,8 tỷ USD) trong tài khóa 2030 từ mức 1.800 tỷ yen của tài khóa 2015.
Một chiếc máy bay được cấu thành từ hàng triệu linh kiện mà việc sửa chữa và bảo dưỡng chúng được thực hiện theo những hợp đồng kéo dài nhiều năm.
Một mặt, các nhà sản xuất cần bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cao nhất của sản phẩm, đồng thời, giới chức nước này nhận ra tiềm năng của một ngành công nghiệp có thể đem lại nguồn thu cho nền kinh tế địa phương trên quy mô lớn một cách ổn định, tương tự như lĩnh vực sản xuất ô tô.
Nhật Bản là "quê hương" của hơn 40 nhóm chế tạo - là tổ hợp các công ty thuộc các phân đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng nằm trong cùng khu vực địa lý - đã tiến hành sản xuất các bộ phận máy bay hoặc đang chuẩn bị gia nhập ngành công nghiệp này.
Ví dụ như tổ hợp Matsusaka nằm ở miền Trung Nhật Bản, nơi một chi nhánh của tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries Ltd. đang phát triển loại máy bay chở khách đầu tiên sản xuất trong nước, hay Mạng lưới hàng không Kobe nằm ở miền Tây nước này.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hy vọng sự đoàn kết mạnh mẽ hơn sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của ngành hàng không nước này trước các đối thủ nước ngoài, nhất là khi nhu cầu về máy bay đang "nóng" lên trong bối cảnh kinh tế châu Á tăng trưởng tốt và sự phát triển mãnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ.
 
Trích nguồn: http:vinanet.vn