Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp của các ngân hàng thương mại đang là yếu huyệt để các công ty fintech tấn công, giành miếng bánh thị phần.
Vay tiền: ngân hàng không còn là kênh duy nhất
Trong một hội nghị công nghệ tài chính LendIt Europe được tổ chức tại London giữa tháng 10 vừa qua, bà Karen Mills, cựu thành viên nội các chính phủ Mỹ, phụ trách cụm doanh nghiệp nhỏ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã tiết lộ rằng, hai tập đoàn công nghệ khổng lồ là Google và Amazon sẽ sớm đẩy mạnh mảng kinh doanh cho vay với các doanh nghiệp nhỏ. “Tôi cho rằng, họ sẽ nhanh chóng chi phối thị trường và đó là điều tiếp theo sẽ xảy ra”, bà nói.
Đầu năm nay, Amazon cho biết, đã cho các công ty nhỏ muốn mở rộng kinh doanh qua trang thương mại điện tử của chính tập đoàn này vay hơn 1 tỷ USD. Theo bà Mills, Amazon nắm mọi thông tin về các nhà cung cấp bán hàng qua trang thương mại điện tử của mình, trong khi đó Google cũng biết về mọi khách hàng mua và bán hàng qua nền tảng của mình.
Các công ty fintech càng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực huy động và cho vay thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ càng bị chia sẻ
Còn ở Trung Quốc, công ty Ant Financial thuộc tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba cũng đã mở rộng thêm các kênh cho vay tiêu dùng trực tiếp tới khách hàng. Theo đó, người tiêu dùng mua hàng trên hệ thống thương mại điện tử của Alibaba sẽ có thể vay tiền trực tiếp của Ant Financial để mua hàng, thay vì vay từ các công ty tài chính hay ngân hàng. Số liệu từ Bloomberg và China Securitization Analytics cho biết, trong năm nay Ant Financial đã bán 23 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản được cơ cấu lại từ chính các khoản nợ cho khách hàng vay tiêu dùng.
Câu chuyện hoạt động kinh doanh cho vay của Amazon, Google hay Ant Financial đã cho thấy một xu thế mới của các công ty fintech. Đó là không chỉ tập trung vào mảng thanh toán nữa, các công ty fintech đang dần làm thay cả việc của một ngân hàng là cho vay.
Tại Việt Nam, dù những gã khổng lồ như Amazon, Google hay Ant Financial chưa đặt chân vào, nhưng mối đe dọa đó đối với các ngân hàng trong nước không phải là không có. Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 50 công ty fintech đang hoạt động và hầu hết là tập trung vào lĩnh vực thanh toán. Nhưng ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận về sự lan tỏa của các công ty fintech vào các lĩnh vực khác như huy động và cho vay tài chính cá nhân.
Và cũng chẳng phải chờ những “gã khổng lồ” trong làng công nghệ. Năm 2015, FundStart, một nền tảng gây vốn trực tuyến đã được tạo ra như một cầu nối giữa cộng đồng và các dự án khởi nghiệp. FundStart chính là một công ty fintech giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn từ cộng đồng trong bối cảnh các doanh nghiệp này khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng. Một số fintech tương tự cũng đã được thành lập như Betado ra đời nhằm mục đích gây quỹ cộng đồng cho các dự án nghệ thuật. Đặc biệt nhất, từ năm 2016 đã xuất hiện một công ty fintech hoạt động với chức năng huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là Finsom. Công ty này đã cho ra đời website Loanvi.com, hiện nay đã đổi tên thành Huydong.com với mục đích làm cầu nối giữa nhà đầu tư với các cá nhân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Sở hữu 10.000 USD được cung cấp từ dự án Vietnam Silicon Valley, Huydong.com tương tự như mô hình Uber hoặc Grab của ngành tài chính và được quảng bá rằng, quy trình thực hiện đơn giản, an toàn cùng lãi suất cạnh tranh.
Tất nhiên, không phải tất cả lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng đều sẽ bị ảnh hưởng, nhưng các chuyên gia phân tích trên khắp thế giới đều nhận định, mảng kinh doanh bán lẻ, thanh toán và cho vay doanh nghiệp nhỏ sẽ là những mảng bị giảm lợi nhuận vì các công ty fintech trong tương lai.
“Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, người nào nắm nhiều thông tin sẽ có nhiều lợi thế”, bà Mills đã đưa ra cảnh báo như vậy với các ngân hàng khi ngụ ý rằng, các công ty công nghệ lại đang là những công ty nắm nhiều thông tin khách hàng nhất.
Ngân hàng phòng thủ
Vào giữa năm nay, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thành lập riêng một khối có tên gọi là VPDirect với nhiệm vụ chuyên nghiên cứu về fintech, đưa ra các ứng dụng, nền tảng trực tuyến mới đáp ứng sự biến đổi của thị trường tài chính. Các ngân hàng khác cũng đã có những động thái nhất định để chuẩn bị cho cuộc chiến với các công ty fintech. Có lẽ các ngân hàng ở Việt Nam đều đã nhìn thấy bài học Uber và Grab chỉ mất có 2 năm để hạ gục hai hãng taxi lớn nhất cả nước là Vinasun và Mai Linh như thế nào.
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) chia sẻ rằng, với gần 62% dân số trong độ tuổi từ 15-54, sử dụng internet và điện thoại thông minh, nhưng chỉ khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng và chỉ 3% sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty fintech lấp đầy khoảng trống mà các ngân hàng để lại.
“Bởi vậy, không chỉ có các công ty fintech của Việt Nam mà nhiều công ty fintech quốc tế và các quỹ đầu tư nước ngoài như Investree của Indonesia hay The FinLab của Singapore cũng đang hướng tới thị trường này”, ông Thái nói.
Một số ngân hàng cho rằng, fintech chính là cánh tay nối dài của ngân hàng giúp gia tăng lượng khách hàng. Nhưng đó là mới chỉ nhìn ở lĩnh vực thanh toán, khi các công ty fintech cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến như Samsung Pay, VNPay, ví điện tử Momo hay Moca. Một khi các fintech đã mở rộng cả sang lĩnh vực huy động và cho vay ngang hàng (peer-to-peer), thì họ sẽ là đối thủ trực tiếp của các ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, chính các thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp của dịch vụ ngân hàng truyền thống sẽ đẩy khách hàng về phía các công ty fintech.
Nhưng với các nền tảng huy động vốn cộng đồng và cho vay trực tuyến như huydong.com hay FundStart, thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều và việc tiếp cận vốn cũng dễ dàng hơn. Sẽ còn cần có thời gian để các công ty fintech lớn lên và người tiêu dùng làm quen với dịch vụ của họ. Tuy nhiên, rõ ràng thách thức đang hiện hữu đối với các ngân hàng thương mại truyền thống
Trích nguồn: http:enternews.vn