Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2017 và dịp Tết Mậu Tuất 2018, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng cần chủ động có các giải pháp trong điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có Chỉ thị số 14/CT - BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Tập trung quản lý cung cầu
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.
Từ đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết.
Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa. Kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường và Chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ thời gian vừa qua với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Đặc biệt, công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
Quan trọng nhất, các doanh nghiệp, hiệp hội phải phản ánh kịp thời với Bộ Công Thương về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên để Bộ có hướng phối hợp, xử lý; tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.
Địa phương chủ động nguồn hàng
Theo đó, mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành công văn yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.
Theo dự báo của Sở Công Thương TP. Hà Nội, nhu cầu gạo sẽ tăng từ 5-7%, thịt lợn tăng 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10-15%… Tuy nhiên, khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu chỉ được 50-65% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Vì thế, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp triển khai kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành. Theo đó, dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 trị giá 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so Tết Đinh Dậu 2017.
Còn theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 là gần 18.000 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng hóa bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng, tăng từ 15 - 20% so với kế hoạch và tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Theo đó, các mặt hàng được cung ứng bình ổn chủ yếu là thịt gia cầm (chiếm 57%), trứng gia cầm (47%), thịt gia súc (35%), dầu ăn (34%), gạo (29%).
Hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hoá bình ổn thị trường cuối năm và Tết nguyên đán 2018 đã sẵn sàng. So với các năm trước, nguồn hàng dự trữ cho thị trường cuối năm năm nay khá đa dạng và phong phú, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nền kinh tế cả nước nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41% (cao hơn mức 5,99% cùng kỳ năm trước) là tín hiệu tích cực để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cả năm là 6,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 10 tháng đầu năm tăng 10,71%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá con số này là 9,4% là mức tăng khá trong một số năm trở lại đây; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,71% (đang nằm trong giới hạn mục tiêu Quốc hội giao).
Nguồn: Baocongthuong.com.vn