Trên thực tế, Trung Quốc là nhà cung cấp chính của nhiều loại hàng hóa mà nước này bán cho Mỹ, do đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ cần tìm những sản phẩm thay thế cho những loại hàng hóa mà họ đang mua của Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Các nhà xuất khẩu châu Á có thể tìm thấy cơ hội từ bất kỳ sự thay đổi nào trong nhu cầu tại thị trường Mỹ.
Nhìn nhận trên bình diện khu vực, hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế châu Á đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Khu vực này ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong trao đổi thương mại nhanh nhất thế giới trong năm 2017, xét về khối lượng cả trong xuất khẩu và nhập khẩu, với các con số lần lượt là 6,7% và 9,6%, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đáng chú ý, Munir Nanji - giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Citi Global Subsidiaries Group, chỉ ra xu hướng châu Á “dùng hàng châu Á” trong bối cảnh tiêu dùng khởi sắc, dù trước đây nguồn cung chủ yếu đến từ các công ty Mỹ và châu Âu.
Ông Nanji cũng đề cập đến việc các quốc gia tại khu vực đang thúc đẩy những chính sách khuyến khích sản xuất đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại châu Á. Ví dụ như sáng kiến “Make in India” (Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ) của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi hay Khu vực thương mại tự do Thượng Hải của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng tạo ra thời cơ cho các nhà xuất khẩu bông của Ấn Độ. Mỹ là nhà xuất khẩu sợi lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp phần lớn nhu cầu bông của Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh áp thuế nhập khẩu 25% lên hàng nông sản Mỹ, bao gồm sản phẩm bông, Ấn Độ có thể gia tăng thị phần xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc. Hãng Reuters đưa tin Ấn Độ đã ký hợp đồng bán 85.000 tấn bông trong vụ mùa mới cho Trung Quốc – một thương vụ khá hiếm hoi từ trước đến nay.
Ông Nanji, chuyên gia của Citi, nhận xét khi diễn ra chiến tranh thương mại, các quốc gia liên quan sẽ phải tìm thị trường mới, do vậy, một số nước khác được hưởng lợi, có thể là châu Á hay Mỹ Latinh. Câu hỏi đặt ra ở đây là sự chuyển dịch hành lang thương mại sẽ hướng đến đâu?
Trong lúc thế giới đang tiến gần hơn tới một cuộc chiến thương mại, một số nỗ lực đã được tiến hành để thay đổi chiều hướng theo cách tích cực hơn.
Ví dụ như Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố sau Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G7 tại Canada rằng: “Chúng ta vẫn còn nhiều ngày để tiến hành các biện pháp cần thiết để tránh một cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ, và để tránh cuộc chiến thương mại giữa các thành viên G7”.
Theo thông tin từ Washington, ngày 11/7/2018, Thượng viện Mỹ đã thông qua một biện pháp giúp Quốc hội Mỹ tái khẳng định quyền hạn của mình về thuế quan trong bối cảnh có nhiều lo ngại về chiến lược thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
 
Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 80-11, các thượng nghị sĩ đã thông qua giải pháp thương mại không ràng buộc, giúp Quốc hội có vai trò lớn hơn về thuế quan được áp dụng vì những lý do an ninh quốc gia, được gọi là Mục 232 của Luật Thương mại.
Tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo cho thấy mối quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với chính sách thuế quan mà Tổng thống Trump thực hiện trong mấy tháng gần đây đối với Trung Quốc, cũng như các đối tác thương mại khác là Canada, các nước châu Âu và Mexico.