Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Thực hiện lộ trình xăng E5: Bộ Công Thương đã chuẩn bị chu đáo, triển khai quyết liệt

 

Thực hiện lộ trình xăng E5: Bộ Công Thương đã chuẩn bị chu đáo, triển khai quyết liệt

Vinanet - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng về mục tiêu thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 (RON 92) bằng xăng sinh học E5 vào ngày 1/1/2018 trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Tại thời điểm này, việc thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 đang được Bộ Công Thương triển khai quyết liệt, xin Thứ trưởng cho biết công tác chuẩn bị nguồn cung ethanol và hạ tầng của các doanh nghiệp đầu mối, đại lý xăng dầu? 
Để thực hiện thành công Đề án 177, Quyết định 53 về việc thay thế xăng khoáng bằng xăng sinh học, ngày 6/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo 255 chỉ đạo ngày 1/1/2018 trên địa bàn cả nước, xăng khoáng RON 92 sẽ được thay thế hoàn toàn bằng xăng E5.
Thực hiện quyết định này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với các địa phương, đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhà sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân, khách hàng để chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc chuyển đổi, thay thế bảo đảm nguồn cung nhiên liệu sinh học, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất sử dụng nhiên liệu sinh học.
Về nguồn cung nhiên liệu sinh học, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất, gồm 2 nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm đang hoạt động với tổng công suất 200.000 m3/năm. Hai nhà máy còn lại tại Dung Quất (Quảng Ngãi) và Bình Phước đang tạm dừng do sản xuất chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm, dự kiến khởi động trở lại vào cuối năm 2017, sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200.000 m3.
Trường hợp chuyển toàn bộ tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018 tới, thì lượng xăng E5 cần có khoảng 5,4 triệu m3. Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu E100 để pha chế xăng E5 khoảng 250.000 - 270.000 tấn/năm.
Theo tôi, với công suất của các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 thành xăng E5 từ ngày 1/1/2018. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cho phép các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu nhiên liệu sinh học E100 nhằm bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường, bảo vệ lợi ích của khách hàng.
 
Về cơ sở hạ tầng, hiện nay đã có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu có trạm trộn xăng E5 đều tập trung tại các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh; Công ty MTV – Tổng công ty Xăng dầu quân đội; Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Sông Hậu có khả năng phối trộn, cung ứng thị trường trên 3 triệu m3 xăng sinh học.
Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm hạ tầng và dự tính đến cuối năm các trạm trộn sẽ đạt trên 6 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ từ đầu năm 2018.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại sự chênh lệch giá giữa xăng RON 92 và xăng E5 chưa hấp dẫn người tiêu dùng, sắp tới Bộ Công Thương đề xuất cơ chế giá cụ thể với xăng E5 như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Xăng E5 hiện đang rẻ hơn khoảng 150 – 200 đồng/lít so với xăng RON 92 và 700 – 800 đồng/lít với xăng RON 95. Mức chênh lệch giá như vậy là không hấp dẫn người tiêu dùng.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Tài chính để đưa ra chính sách về thuế, phí… với xăng sinh học, mục đích là tạo ra chênh lệch giá hợp lý, đủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5. Cụ thể, hai bộ sẽ thống nhất thuế nhập khẩu nguyên liệu E100; thuế môi trường xăng E5; thuế tiêu thụ đặc biệt, các chính sách khác để bảo đảm chênh lệch giá cơ sở giữa E5 và RON 95 khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít... Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất về quy chuẩn kỹ thuật đối với xăng E5 và cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển đổi giống sắn năng suất cao phục vụ phát triển sản xuất xăng E5.
Cách đây 2 năm, Bộ Công Thương cũng đặt ra lộ trình thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng xăng sinh học trên toàn quốc nhưng chưa thành công. vậy Bộ sẽ có những giải pháp gì ở lần triển khai này? 
Thời gian trước do sự chuẩn bị chưa được chu đáo nguồn cung, trạm trộn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa được đầy đủ để người dân thay đổi thói quen sử dụng. Cùng với đó, chênh lệch giá giữa xăng E5 và RON 92 không đủ lớn nên không hấp dẫn người tiêu dùng chuyển đổi.
Lần triển khai này, Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị chu đáo. Cụ thể, Bộ đã làm việc với các đầu mối kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, PV OIL…; đồng thời làm việc với các địa phương nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tạo điều kiện cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu, mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng...
Liên quan đến vấn đề chất lượng, xăng E5 qua 3 năm bán trên thị trường, đặc biệt tại các địa phương đã triển khai sử dụng 100% như Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, cho thấy xăng E5 hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như bảo đảm chất lượng phương tiện người sử dụng.
Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng xăng E5 khi đưa ra thị trường. Đối với người tiêu dùng, thay đổi thói quen bao giờ cũng khó khăn và cần có thời gian. Nhưng tôi tin rằng, thời gian tới người tiêu dùng sẽ chấp thuận và đưa xăng E5 vào sử dụng phổ biến.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lan Anh thực hiện

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Năm 2017, PVN phấn đấu nộp ngân sách 80,2 ngàn tỷ đồng

 

Năm 2017, PVN phấn đấu nộp ngân sách 80,2 ngàn tỷ đồng

Vinanet - Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Tập đoàn quyết tâm phấn đấu sẽ nộp ngân sách 80,2 ngàn tỷ đồng trong cả năm 2017.

 

Đó là thông tin được Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đỗ Chí Thanh đưa ra tại Hội nghị sơ kêt công tác 6 tháng đầu năm và triển khai các giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2017 diễn ra sáng ngày 13/7 tại Hà Nội.

Sản lượng khai thác quy dầu đạt 13,15 triệu tấn
Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra, theo đó đã có 1 phát hiện dầu khí mới, đồng thời PVN đã đưa công trình giàn Thỏ Trắng 3 vào khai thác từ ngày 07/5/2017 (sớm hơn so với kế hoạch 13 ngày).
Đáng chú ý, tổng sản lượng khai thác quy dầu 6 tháng đầu năm đạt 13,15 triệu tấn, vượt 0,2% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 51% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô đạt 7,9 triệu tấn, vượt 2,0% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 52,0% kế hoạch năm.
Trong đó, sản lượng khai thác dầu ở trong nước 6 tháng đạt 6,93 triệu tấn, vượt 2,1% - tương đương vượt 141 nghìn tấn so với kế hoạch 6 tháng, ở nước ngoài đạt 0,97 triệu tấn, vượt 2,1% kế hoạch 6 tháng.
Ngoài ra, sản lượng khai thác khí trong nửa đầu năm nay cũng đạt 5,25 tỷ m3, bằng 97,6% kế hoạch 6 tháng và bằng 49,5% kế hoạch năm. Sản xuất điện đạt 11,11 tỷ kWh, bằng 55,2% kế hoạch năm. Sản xuất đạm đạt 909 nghìn tấn và sản xuất xăng dầu đạt 2,99 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch 6 tháng và bằng 44% kế hoạch năm.
Với các kết quả trên, tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt 247,1 nghìn tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 56% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 59% kế hoạch năm. Sau 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, vượt 15,0% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 79% kế hoạch năm.
Như vậy, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu từ 2- 19% so với kế hoạch 6 tháng đề ra. Sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 577 ngàn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao, đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước- Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh cho biết thêm.
Nỗ lực vượt chỉ tiêu trong những tháng cuối năm
Xác định thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn tiếp tục khó khăn, để hoàn thành kế hoạch khai thác 15,2 triệu tấn dầu thô trong năm nay theo Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên người lao động dầu khí phải hết sức nỗ lực.
Lãnh đạo PVN đã thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị thành viên tổ chức thực hiện Chương trình hành động của tập đoàn, cũng như bám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tập đoàn cũng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dầu khí và triển khai công tác điều tra cơ bản trên biển Đông và tiếp tục lựa chọn, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò thẩm lượng năm 2017.
Dự báo giá dầu trung bình 6 tháng cuối năm dao động ở mức 46-50USD/thùng và giá dầu trung bình cả năm 2017 quanh mức 50USD/thùng, với mức giá này, dự kiến doanh thu 6 tháng cuối năm của PVN sẽ đạt 218 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 36 nghìn tỷ đồng.
"Tập đoàn sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về khai thác dầu khí, phấn đấu cả năm 2017 sẽ khai thác đạt 13,28 triệu tấn dầu thô ở trong nước và 10,61 tỷ m3 khí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, phấn đấu đạt doanh thu 465 ngàn tỷ đồng, và nộp ngân sách nhà nước cả năm 2017 đạt 80,2 ngàn tỷ đồng, vượt 7,5% so với kế hoạch đề ra- Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định.
Đánh giá cao nỗ lực của PVN đã hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, Tập đoàn Dầu khí cần quyết tâm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành vượt mức cao nhất có thể các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 2017 Chính phủ đã giao cho Tập đoàn; tiếp tuc bám sát diễn biến giá dầu trong thời gian tới để có các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động của giá dầu từng thời điểm.
Đặc biệt, PVN cần thực hiện nghiêm công tác tái cấu trúc doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện công tác tái cơ cấu theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Nguồn: Lê Kim Liên/Báo Công Thương điện tử

Saudi Aramco đáp ứng đầy đủ nhu cầu dầu thô của châu Á trong tháng 8

 

Saudi Aramco đáp ứng đầy đủ nhu cầu dầu thô của châu Á trong tháng 8

Vinanet - Saudi Aramco sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu dầu thô trong tháng 8 cho các khách hàng tại Ấn Độ và đông nam châu Á cũng như 4 khách hàng Bắc Á.
Điều này cho thấy Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới có mục tiêu duy trì thị phần tại châu Á, khu vực với tăng trưởng nhu cầu mạnh nhất thế giới.
Saudi Arabia đang cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ để tuân thủ với một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số nhà sản xuất khác ngoài OPEC gồm cả Nga.
Trong tháng 8 không có nguồn cung nào bị cắt giảm thậm chí cả với dầu loại nặng như dầu Arab Medium và Heavy bán sang các khách hàng nam Á.
Ít nhất một trong số các khách hàng Bắc Á cũng sẽ nhận được đầy đủ nguồn cung dầu thô Arab Heavy mà họ đã yêu cầu.
Điều này đánh dấu sự thay đổi từ việc cắt giảm nguồn cung cho những khách hàng này trong nửa đầu năm nay, do Saudi Aramco cắt giảm sản lượng của dầu nặng giá rẻ hơn để đáp ứng hạn ngạch của OPEC.
Saudi Aramco đang bán dầu thô Arab Heavy giao tháng 8 ở mức trừ lùi thấp nhất trong hơn 3 năm.
OPEC cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy giá dầu thô chua nặng ở Trung Đông, hay loại có hàm lượng lưu huỳnh cao, đang đẩy các nhà máy lọc dầu châu Á tìm kiếm sản phẩm thay thế từ Nga, châu Phi và Mỹ.
Tuần trước, Ấn Độ đã mua dầu thô Mỹ lần đầu tiên và các nhà máy lọc dầu của họ có kế hoạch mua thêm.
 
Saudi Arabia tiếp tục cung cấp thêm dầu nhẹ cho Nhật Bản. Saudi Arabia đã tăng thị phần của mình tại Nhật Bản, thị trường lớn nhất châu Á của họ, trong nửa đầu năm nay. Nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản từ Saudi Arabia trong 6 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu thùng/ngày tăng 7,7% so với một năm trước.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi đạt mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí

 

Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi đạt mốc sản lượng 2 tỷ m3 khíGiàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi

Vinanet - Chỉ sau 3 năm từ mốc sản lượng 1 tỷ m3 khí (tháng 4/2014), đến nay, Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi đã đạt mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí khai thác đưa về bờ.
Sự kiện này ghi một dấu mốc quan trọng, khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS); đồng thời cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa hai đơn vị PV GAS và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.
Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi là dự án có tổng mức đầu tư ban đầu gần 150 triệu USD do PV GAS làm chủ đầu tư với đại diện là Ban quản lý Dự án khí Đông Nam Bộ. Vietsovpetro trong vai trò tổng thầu. Công trình chính thức đưa vào vận hành từ ngày 30/11/2010, gồm hai tổ hợp máy nén khí cao áp với công suất xử lý là 900.000 m3 khí/ngày đêm và tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng công suất thu gom nén lên 1,5 triệu m3/ngày đêm trong năm 2012, nhằm mục đích thu gom toàn bộ lượng khí đồng hành khai thác từ mỏ Rồng và Đồi Mồi lô 09-1 và lô 09-3 để nén phục vụ cho ép vỉa và cung cấp khí về bờ.
Hiện nay, sản lượng khí nén của giàn Rồng – Đồi Mồi đang giữ ở mức cao trên 1,4 triệu m3/ngày (trên 450 triệu m3/năm) và luôn hoạt động ổn định khoảng 90% công suất thiết kế. Liên tục từ năm 2010 đến nay, sản lượng khí từ giàn Rồng – Đồi Mồi đều vượt trên 10% kế hoạch sản lượng, tiến tới đạt gần 72% tổng lượng khí của đời dự án, đóng góp gần 1/3 sản lượng khí từ hệ thống Cửu Long đưa về bờ.
Cột mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí này cũng ghi nhận kết quả lao động đáng tự hào của tập thể Ban Lãnh đạo và CBCNV Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ- đơn vị quản lý vận hành công trình và tập thể CBCNV Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (thuộc Vietsovpetro) - nhà thầu vận hành đã và đang thể hiện tinh thần làm việc đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thách thức để đóng góp vào thành tích chung, vì sự phát triển bền vững của PV GAS, Vietsovpetro, của ngành Dầu khí và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
 
Nguồn: Lê Kim Liên/Báo Công Thương điện tử

5G- Công nghệ di động tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư!

5G- Công nghệ di động tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư!

"Công nghệ 5G cung cấp, hỗ trợ truy cập di động băng thông rộng với tốc độ cao, độ trễ thấp, ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn hướng tới thúc đẩy sự phát triển toàn diện kết nối Internet vạn vật (IoT) trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội"- là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- Trương Minh Tuấn- tại hội thảo trình diễn công nghệ 5G vừa được Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với Công ty Ericsson tổ chức sáng ngày 12/7 tại Hà Nội.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Công nghệ 5G, ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện kết nối Internet vạn vật trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động và lan rộng khắp thế giới và để có thể có được những thành tựu trong cuộc cách mạng này không thể không kể đến sự đột phá và phát triển của thông tin di động băng thông rộng.
"Sự phát triển cộng nghệ này là nền tảng quan trọng và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, trong đó, viễn thông và công nghệ thông tin được đánh giá là vô cùng quan trọng, đóng vai trò then chốt, là hạ tầng cơ sở cho sự phát triển của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư" - ông Tuấn nói và cho biết, nắm bắt được định hướng này, các nhà mạng, bên cạnh việc phát triển hạ tầng và đảm bảo an toàn công nghệ thông tin cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, như: điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật (IoT); thành phố thông minh; trí tuệ nhân tạo...
Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, với chính sách tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thị trường dịch vụ thông tin di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Tuấn, sau thế hệ một (1G) và hai (2G) của mạng di động, năm 2008-2009, Việt Nam đã chứng kiến cuộc đua của các nhà mạng trong cung cấp dịch vụ mạng thế hệ ba (3G). Đến năm 2016, Bộ TT-TT đã chính thức cấp giấy phép triển khai dịch vụ 4G cho 4 nhà mạng di động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng thông rộng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh IoT. Điều này đánh dấu bước phát triển mới của lĩnh vực công nghệ thông tin di động của Viêt Nam.
Tuy nhiên, "sau khoảng 10 năm phát triển, một vòng đời công nghệ đã dần kết thúc và chuyển sang một thế hệ công nghệ mới hiện đại hơn, nhiều tiện ích hơn, đó là công nghệ 5G"- ông Tuấn nói và khẳng định, công nghệ 5G- cung cấp, hỗ trợ truy cập di động băng rộng với tốc độ cao- ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn nhằm hướng tới thúc đẩy sự phát triển của IoT trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội, như: quản lý giáo dục, y tế thông minh; quản lý giao thông thông minh; phát triển công nghiệp, thương mại thông minh... trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng chính là nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tất cả các bộ ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện.
 
Ông Denis Brunetti: 5G sẽ cho phép thực hiện các giao dịch an toàn hơn, đạt được hiệu suất năng lượng tốt hơn để triển khai các thiết bị loT với tuổi thọ pin dài hơn hàng chục lần so với hiện nay
Khẳng định tầm quan trọng của công nghệ 5G, ông Denis Brunetti- Tổng giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam và Myanmar- cho biết, nghiên cứu của Ericsson mang tên Tiềm năng kinh doanh 5G đã xác định được cơ hội to lớn cho các nhà khai thác viễn thông, những doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp này bằng việc ứng dụng công nghệ 5G. Báo cáo đã đưa ra dự báo đến năm 2026, sẽ có thị trường toàn cầu trị giá 582 tỷ USD khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 5G để số hóa công nghiệp.
Báo cáo của Ericsson cũng cho thấy, tại Việt Nam, ngành sản xuất, năng lượng/dịch vụ công cộng và an toàn xã hội có cơ hội cao phát triển mạnh nhất và đạt doanh thu cao nhờ 5G.
Giới thiệu chi tiết hơn, vị đại diện Ericsson cho biết, nếu mạng di động thế hệ đầu tiên (1G) chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ thoại thì đến mạng thế hệ hai (2G) đã cung cấp thêm dịch vụ nhắn tin. Tiếp đó, thế hệ ba (3G) cung cấp thêm dịch vụ dữ liệu, còn thế hệ bốn (4G) cung cấp các dịch vụ 3G với tốc độ cao hơn. Trong khi đó, mạng di động thế hệ năm (5G) sẽ hoàn toàn khác biệt với các tính năng ưu việt, như: Tốc độ dữ liệu nhanh hơn tới 100 lần cho phép truy cập tức thời vào các dịch vụ và ứng dụng; Độ trễ mạng được hạ thấp tới 5 lần; lượng dữ liệu di động tăng lên tới hàng nghìn lần và tuổi thọ pin của thiết bị di động tốt hơn hàng chục lần, hỗ trợ các cảm biến ở xa và mạng bền vững.
 
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tham quan các gian trình diễn công nghệ 5G lần đầu tiên tại Việt Nam
"Nhưng sự khác biệt không chỉ nằm ở đó, 5G sẽ cho phép thực hiện các giao dịch an toàn hơn, đạt được hiệu suất năng lượng tốt hơn để triển khai các thiết bị loT với tuổi thọ pin dài hơn hàng chục lần so với hiện nay" - ông Denis Brunetti nói và kết luận, điều đó sẽ mang đến những cơ hội và các hình thức sử dụng mới mà chúng ta còn chưa hình dung ra, cùng với những thị trường mới và những mô hình kinh doanh mới.
Được biết, trong nỗ lực phát triển mạng 5G trên phạm vi toàn cầu, hiện Công ty Ericsson đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với 27 nhà mạng, 12 đối tác ngành, có hơn 20 chương trình hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu về công nghệ 5G.
 
Nguồn: baocongthuong.com.vn

Hỗ trợ trực tuyến

3721191
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
484
2723
11635
1623386
484
3721191

Your IP: 3.141.198.146
Server Time: 2024-05-01 03:06:28

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 24 guests and no members online