Bảo đảm hoạt động các nhà máy sản xuất ethanol- Xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu

 

Bảo đảm hoạt động các nhà máy sản xuất ethanol- Xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu

 Để bảo đảm cho các nhà máy sản xuất ethanol hoạt động hiệu quả, đáp ứng đủ xăng E5 trong thời gian tới, cần có vùng nguyên liệu sắn ổn định với năng suất tốt.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất ethanol mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Cả nước hiện có 4 nhà máy nguyên liệu sinh học sản xuất cồn E100 đặt tại Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam, Dung Quất. Tuy vậy, chỉ có 2 nhà máy đang hoạt động ở Đồng Nai và Quảng Nam với công suất 200.000 m3/nhà máy. Nhu cầu sắn khô của 2 nhà máy là 500.000 tấn/năm, nếu 4 nhà máy hoạt động nhu cầu khoảng 1 triệu tấn sắn khô/năm.
Để các nhà máy hoạt động hiệu quả, đáp ứng đủ xăng E5 trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là cần vùng nguyên liệu sắn với sản lượng và giá bán ổn định cho sản xuất ethanol. Điều này đồng nghĩa, phải có cơ chế để cây sắn phát triển bền vững, nhất là bảo đảm về giá sắn cho nông dân. Bên cạnh đó, cần rà soát xây dựng lại quy hoạch vùng trồng phù hợp với lộ trình cũng như sự phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình bắt buộc áp dụng tỷ lệ phối trộn xăng sinh học, nhu cầu cồn nhiên liệu dự kiến đạt mức 773 triệu lít và 860 triệu lít vào năm 2020 và 2030. Nhu cầu sắn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học tương ứng là 4,8 triệu tấn sắn tươi vào năm 2020 và 5,4 triệu tấn vào năm 2030. Thống kê của Bộ NN&PTNT, quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ở nước ta như sau: Đến năm 2020, diện tích sắn ổn định 550.000ha, sản lượng 12,65 triệu tấn sắn tươi; trong đó, dành cho cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 4,2 triệu tấn, sản xuất ethanol khoảng 4,8 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 3,02 triệu tấn. Giai đoạn 2021 - 2030, diện tích sắn ổn định 550.000ha, tốc độ tăng trưởng về năng suất, sản lượng đạt bình quân 2,69%/năm, tương đương sản lượng 16,5 triệu tấn; trong đó các cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 5,35 triệu tấn, dành cho sản xuất ethanol đạt 5,4 triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,93 triệu tấn.
Hiện, diện tích trồng sắn đã vượt quy hoạch. Năm 2016, diện tích trồng sắn đạt 569.000ha, năng suất trung bình cả nước đạt 19,17 tấn/ha, cao hơn 1,5 lần so với bình quân thế giới. Tuy nhiên, rất khó để mở rộng thêm diện tích trồng sắn, chỉ có thể tăng năng suất bởi ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc mở rộng diện tích trồng sắn sẽ bị cạnh tranh với các cây trồng khác; còn ở những vùng đất tốt, người dân không mặn mà vì đầu tư trồng cây ăn quả cho giá trị cao hơn nhiều so với trồng sắn.
Để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã giao Cục Trồng trọt làm đầu mối rà soát, xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu sắn. Chú trọng gắn kết chặt chẽ vùng nguyên liệu với các nhà máy sản xuất, chế biến ethanol; đặc biệt phải bảo đảm lợi ích lâu dài của người trồng sắn thông qua hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua ổn định, mức giá hợp lý.
 
Theo lộ trình, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng; đồng thời tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp. 
 
Nguồn: Nguyễn Hạnh /Báo Công Thương điện tử

Châu Á - Công xưởng “thông minh” trong tương lai

 

Châu Á - Công xưởng “thông minh” trong tương lai

Châu Á đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất của thế giới.
Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp phương Tây đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác nhằm giảm chi phí nhân công. Vì thế, châu Á có thể là một động lực lớn đối với thị trường vạn vật kết nối Internet (IoT) trong công nghiệp.
Có lẽ không cần bàn cãi nhiều về năng lực chế tạo của Trung Quốc, khi nước này sản xuất tới 90% lượng máy tính của thế giới. Bên cạnh đó, Thâm Quyến được xem là "thủ đô" về phần cứng của Trung Quốc, nơi hội tụ các công ty khởi nghiệp ứng dụng công nghệ IoT.
 
Thâm Quyến sở hữu chuỗi cung ứng phần cứng hoàn chỉnh, từ các nhà bán lẻ cho đến các nhà cung cấp linh kiện, các nhà máy, các “vườn ươm” IoT và một cộng đồng các nhà sản xuất đang lớn mạnh.
 
Phải đối mặt với nhiều hạn chế trong việc thuê lao động nước ngoài và chi phí nhân công cao, các hãng chế tạo ở Singapore cũng đang đón đầu công nghệ IoT.
 
Là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2015 với mục tiêu trở thành nơi cung cấp các giải pháp sản xuất cho doanh nghiệp, Singapore Manufacturing Consortium (SIMCO) đã tập hợp nhiều nhà cung cấp giải pháp tiên tiến nhất trên cả nước để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước trở thành "các nhà máy thông minh" trong tương lai.
 
Theo ông Willson Deng, Chủ tịch và cũng là người phát ngôn của SIMCO, mục tiêu của hiệp hội là xây dựng một "hệ sinh thái" các nhà cung cấp giải pháp sản xuất với một cơ sở hạ tầng dữ liệu thời gian thực. Đây có thể là yếu tố quyết định trong việc tạo cho Singapore một lợi thế cạnh tranh để dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Ông Willson cũng cho rằng ngành chế tạo của Singapore đang ở thời điểm rất quan trọng trong tiến trình phát triển của mình. Singapore có cơ hội chuyển mình thành một trung tâm sản xuất được kết nối dữ liệu. Với một cơ sở hạ tầng như vậy, các nhà sản xuất có thể nhanh chóng vận dụng các giải pháp đổi mới và thúc đẩy năng suất lao động, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Ấn Độ cũng đang hướng đến việc trở thành trung tâm sản xuất với sáng kiến “Hãy sản xuất ở Ấn Độ”, qua đó giúp nước này trở thành người dẫn dắt tiềm năng trong lĩnh vực IoT. Sáng kiến trên đặt mục tiêu khuyến khích các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp khác sản xuất sản phẩm của họ ở Ấn Độ.
 
Các nhà máy ở Ấn Độ đang ngày càng thông minh hơn, với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp như Altizon, Entrib hay Covacsis Technologies đóng vai trò chủ đạo trong hệ sinh thái sản xuất hợp nhất.
 
Ông Volkmar Denner, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Bosch, đã công bố về một cuộc các mạng công nghiệp 4.0 ngay trong doanh nghiệp này. Theo ông Denner, công nghiệp 4.0 là sử dụng các mạng lưới và thiết bị ở nhà máy với rất ít hoặc thậm chí không có sự can thiệp của con người trong quá trình sản xuất sản phẩm. Bosch dự định sẽ biến 250 nhà máy của họ thành các nhà máy thông minh, trong đó có cả các cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.
 
Ông Vijay Ratnaparkhe, Giám đốc điều hành công ty Robert Bosch Engineering India, cho rằng các nhà máy được kết nối với nhau sẽ đồng bộ hoạt động sản xuất và các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, hoạt động dựa trên luồng thông tin thời gian thực. Ông Ratnaparkhe cũng cho rằng phần mềm là yếu tố cốt lõi trong các giải pháp hiện nay đối với cả các ứng dụng trong gia đình và trong công nghiệp.
 
Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) ở Ấn Độ có đến 40% khối lượng công việc trong nhà máy được thực hiện bằng robot, và dự định nâng con số này lên 70% trong mười năm tới.
 
Nguồn:http:// BNEWS/TTXVN

Mỗi ngày Trung Quốc chi 70 tỷ đồng mua gạo của Việt Nam

 

Mỗi ngày Trung Quốc chi 70 tỷ đồng mua gạo của Việt Nam

Vinanet - Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 1,23 triệu tấn và 557 triệu USD, tăng 35,6% về khối lượng và tăng 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2017 ước đạt 465 nghìn tấn với giá trị đạt 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,3 triệu tấn và 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng năm 2017 đạt 444,6 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Về thị trường, cập nhật đến hết tháng 6/2017, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 43,6% thị phần.

Theo đó, xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,23 triệu tấn và 557 triệu USD (tương đương 12.640 tỷ đồng), tăng 35,6% về khối lượng và tăng 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, tính bình quân, mỗi ngày Trung Quốc chi 70 tỷ đồng mua gạo của Việt Nam.

Trong khi đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 với 8,1% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 267,6 nghìn tấn và 103,8 triệu USD, tăng 38,4% về khối lượng và tăng 25,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

 Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Hồng Kông (-43,6%), Gana (-30,6%) và Irắc (-6,7%).

Nguồn: http://doanhnghiepvn.vn

Trung Quốc bắt đầu giải quyết núi nợ 29.000 tỷ USD?

 

Trung Quốc bắt đầu giải quyết núi nợ 29.000 tỷ USD?

Mấy năm trở lại đây, các công ty Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trên con đường “chinh phục” thế giới với hàng loạt vụ thâu tóm tài sản ở nước ngoài nổi đình nổi đám có tổng giá trị lên đến 343 tỷ USD. Trong số đó có thể kể đến vụ tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu thứ hai cả nước Wang Jianlin mua hãng phim Hollywood Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD năm 2016, tập đoàn bảo hiểm Anbang mua lại khách sạn hạng sang Waldorf Astoria hay Fosun International thâu tóm Club Méditerranée SA and Cirque du Soleil.
Tuy nhiên làn sóng thâu tóm ấy bất chợt ngừng lại khi tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Trung Quốc ra lệnh yêu cầu các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng các khoản vay giải ngân cho 4 tập đoàn Dalian Wanda, Anbang, Fosun và HNA (tổng cộng 4 tập đoàn này đã thực hiện các thương vụ thâu tóm cả ở trong và ngoài nước với tổng giá trị 75 tỷ USD). Trong đó một số ngân hàng lớn đã ngừng giải ngân khoản vay mới cho tập đoàn hàng không và đóng tàu HNA. Còn một số nguồn tin cho hay Anbang bị giới chức yêu cầu bán các tài sản ở nước ngoài.
Lãnh đạo các tập đoàn tư nhân lớn của Trung Quốc vừa trải qua đợt mở rộng tín dụng lớn nhất trong lịch sử. Để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã “mở van tín dụng” để kích thích kinh tế nhưng dường như đến nay chiếc van ấy chưa bao giờ thực sự được đóng lại. Kết quả là đến nay tổng nợ của Chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới hơn 28.800 tỷ USD, tương đương 258% GDP. Trong đó khoản lớn nhất là nợ của các doanh nghiệp (vào khoảng 17.000 tỷ USD), đặc biệt là những tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều ngành từ thép, xây dựng đến bất động sản.
 
Tình trạng này càng kéo dài, kinh tế Trung Quốc càng gặp phải nhiều rủi ro. Theo báo cáo mới đây của IMF, vì núi nợ này mà tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm từ mức 6,9% của 6 tháng đầu năm 2017 xuống chỉ còn 5% vào năm 2021. Trong kịch bản tệ hơn, con số giảm xuống mức 3% nếu Trung Quốc phải trải qua 1 cuộc khủng hoảng tài chính. Nomura cũng nhận định rủi ro từ nợ của Trung Quốc có thể lan ra toàn thế giới.
 
Liệu động thái lần này của Trung Quốc đã đủ mạnh mẽ? Trên thực tế, trong quá khứ Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề nợ nhưng nỗ lực ấy không kéo dài đủ lâu.
 
Dẫu vậy, một số kịch bản cho 1 cuộc gỡ bỏ đòn bẩy tài chính trên quy mô lớn đang dần nổi lên. Chủ tịch Tập Cận Bình đã hối thúc các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước. Phát biểu tại 1 hội nghị tài chính diễn ra ngày 14/7 vừa qua, ông tuyên bố khắc phục tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước là “ưu tiên hàng đầu”.
 
Theo Tao Dong, chuyên gia của Credit Suisse, Trung Quốc cần 1 quyết tâm chính trị để thúc đẩy quá trình giảm nợ. Thậm chí chuyên gia này coi kỳ đại hội Đảng sắp tới là cơ hội để Trung Quốc quyết tâm thực hiện những cải cách kinh tế có sức mạnh tương tự như những cải cách mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã thực hiện trong thời kỳ cuối những năm 1970.
 
Hiện nay Trung Quốc vẫn có nguồn lực lớn để giải quyết nợ. Nước này có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ ở mức 3.000 tỷ USD, cộng với lượng tiền tiết kiệm trong dân chúng lên tới 24.000 tỷ USD giúp hệ thống ngân hàng dồi dào tiền mặt.
 
Điều Trung Quốc cần làm là sẵn sàng để những công ty hoạt động kém hiệu quả phá sản, thay đổi đáng kể cách thức huy động và phân bổ vốn và cuối cùng là ngừng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế một cách cứng nhắc. “Một cuộc gỡ bỏ đòn bẩy tài chính thực sự có nghĩa là quên đi mục tiêu tăng trưởng, phân bổ đồng đều các nguồn lực cho toàn bộ nền kinh tế”, Andrew Polk – đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China nói.
 
Trong mấy năm trở lại đây, phần lớn tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị phụ thuộc quá nhiều vào tiền đi vay (thực tế là nợ còn tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua). Khi vốn được bơm vào những doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, đội quân “doanh nghiệp xác sống” được tạo ra. Dù dư thừa sắt thép, than đá và xi măng, Chính phủ Trung Quốc chọn cách cứu vớt các doanh nghiệp trong những ngành này thay vì xóa sổ chúng.
 
Từ năm 2015 trở về trước, gần như không có vụ vỡ nợ nào trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Năm ngoái cũng chỉ có 31 vụ. Tỷ lệ phá sản ở Trung Quốc là 0,1%, so với mức 2% ở Mỹ.
 
Bên cạnh đó là thị trường bất động sản phát triển quá nóng, thậm chí nóng hơn cả thị trường nhà đất Mỹ ở thời đỉnh cao năm 2006 nếu xét theo tỷ lệ tương quan với GDP. Trên toàn quốc, có 50 triệu đơn vị nhà ở đã được bán nhưng đến nay vẫn bỏ trống.
 
 
Hệ thống tài chính của Trung Quốc cần được tiếp tục nâng cấp. Hiện khu vực “ngân hàng trong bóng tối” với các định chế tài chính không được quản lý đã có quy mô lên tới 9.600 tỷ USD. Một trong những tác dụng phụ không mong muốn mà chiến dịch hạ nhiệt thị trường bất động sản gây ra chính là các công ty chuyển sang sử dụng những nguồn tín dụng khác không bị kiểm soát. Theo Xu Gao, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Everbright, chỉ riêng trong tháng 3 số nợ không được hạch toán vào bảng cân đối kế toán đã tăng thêm 109 tỷ USD so với tháng trước đó.
 
Không có lý do nào khiến Trung Quốc trì hoãn các cải cách cho phép giảm dần nợ xuống mức có thể kiểm soát được mà vẫn đảm bảo tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng các nhà lãnh đạo nước này cần nhận thức rằng đó là việc phải làm. Và 1 cuộc dỡ bỏ đòn bẩy không được hoạch định kỹ càng có thể gây nên hậu quả thảm khốc, bằng chứng là sự kiện thị trường tài chính Trung Quốc lâm nguy năm 2015.
 
Nếu tín dụng tiếp tục được rót vào những ngành kém hiệu quả, đó là 1 sự lãng phí khủng khiếp. Thậm chí cả trong những ngành hoàn toàn mới vốn nhận được nhiều trợ cấp và ưu đãi thuế của Chính phủ cũng đã xuất hiện tình trạng dư thừa. Trung Quốc có thật sự cần tới hơn 200 công ty sản xuất xe điện và 800 công ty robot?
 Nguồn: cafef.vn

Nhu cầu điện ngày càng nóng lên: Đâu là lời giải cho bài toán cung ứng điện?

 

Nhu cầu điện ngày càng nóng lên: Đâu là lời giải cho bài toán cung ứng điện?Nhu cầu điện ở Việt Nam tăng thêm 10% mỗi năm trong giai đoạn 2010 -2030

Vinanet - Nhu cầu điện ở Việt Nam tăng thêm 10% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2030 và được đáp ứng bằng việc tăng công suất điện than. Tuy nhiên, công nghệ nhiệt điện than cho tới thời điểm này chưa đạt yêu cầu. Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo Phát triển năng lượng bền vững – góc nhìn công nghệ, do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh tổ chức ngày 31/7, tại Hà Nội.

Theo quy hoạch của ngành điện, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao cho đến năm 2030. Cụ thể, nếu như trong năm 2015-2016 nhiệt điện than chỉ mới chiếm 34% thì đến năm 2020 lên đến 49%, năm 2025 lên 55% và đến năm 2030 dừng lại ở mức 54%, trong khi các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện chạy bằng dầu, khí hóa lỏng không tăng, thậm chí còn giảm. Riêng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ chỉ tăng ít và dự kiến đến năm 2030 chiếm khoảng 10%. Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020 ngành điện phải sử dụng 39 triệu tấn than nội địa, chủ yếu là than Hòn Gai (Quảng Ninh) với chất lượng không cao, song lượng than này không đáp ứng đủ nhu cầu nên dự kiến phải nhập khoảng 25 triệu tấn và tăng lên 85 triệu tấn vào năm 2030.

Những con số nói trên cho thấy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng, Việt Nam đã lựa chọn phương án tối ưu nhất là tăng công suất điện than. Các chuyên gia ngành năng lượng đánh giá, với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển nhiệt điện than vẫn sẽ luôn chiếm ưu thế, đặc biệt là trong bối cảnh thuỷ điện đã phát triển gần hết và các nguồn năng lượng khác khó đáp ứng vì khá đắt đỏ, đơn cử như dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã phải huỷ bỏ. Nhiệt điện than vẫn là phương án hợp lý hơn cả do chi phí cho nguồn này thấp. Tuy nhiên, công nghệ nhiệt điện than cho tới thời điểm này vẫn đang là một bài toán khó đối với ngành điện hiện nay. Mặc dù thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện đã có những động thái để cải thiện công nghệ nhằm đảm bảo tác động ít đến môi trường, thế nhưng theo con số mà Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra, trong số 26 dự án đã và đang vận hành vẫn có nhiều nhà máy nhiện điện đang có những vi phạm đến môi trường.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị cho phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam. Hiện nay nhiều nhà máy nhiệt điện than có thông số hơi mới ở mức cận tới hạn, nhiều nhà máy đã hoạt động 40-50 năm nên công nghệ lạc hậu. Nếu như phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh thì phải áp dụng các công nghệ mới; trong đó phải sử dụng các thông số siêu cao, trên siêu cao để hạn chế tối đa các phát thải độc hại ra môi trường như khí, rắn, nước.
Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam có công nghệ cận tới hạn, sắp tới nếu chúng ta xây dựng thì phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn, siêu tới hạn hoặc trên siêu tới hạn để giảm phát thải.
Để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng. Mục tiêu quy hoạch điện VII vào năm 2020 Việt Nam đạt 265 tỷ kWh, và đến năm 2030 đạt 572 tỷ kWh. Với mức độ tăng trưởng cao, ngoài việc phát triển nhiệt điện than thì cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
 
Ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: “Cái chính hiện nay là chúng ta phải làm thế nào để nâng, đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo cao lên, điện năng phát ra được cao hơn mới có thể hạn chế được bớt nhiệt điện than...
Ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển năng lượng bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu. Vì thế cần phải ban hành quy định bắt buộc các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao và ít phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường...
Nguồn: Vũ Vũ/Báo Công Thương điện tử

 

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3717359
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3989
3814
7803
1623386
144521
3717359

Your IP: 3.149.251.154
Server Time: 2024-04-29 19:12:25

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
40 khách & 0 thành viên trực tuyến