Từ 2018, Hà Nội sẽ chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 và RON 95

 

Từ 2018, Hà Nội sẽ chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 và RON 95

Vinanet - Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ xăng E5 và xăng khoáng RON 95 mới được cho phép sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thủ đô.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3624/UBND-KT yêu cầu sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Theo công văn, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ xăng E5 và xăng khoáng RON 95 mới được cho phép sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp như Công ty Xăng dầu khu vực I, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình, Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Hà Nội, Tổng Công ty Xăng dầu quân đội... đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng công suất các trạm trộn xăng E5 đảm bảo nguôn cung ứng xăng E5 cho thị trường Hà Nội kể từ ngày 1/1/2018.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố tập trung, khẩn trương cải tạo, sửa chữa cửa hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, đảm bảo từ ngày 1/1/2018 chỉ kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng E5 báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị (nếu có) gửi về Sở Công Thương trước ngày 15/8/2017 để tổng hợp, báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết.
UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng E5 trình UBND thành phố xem xét trong tháng 9/2017.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ quý II tổ chức ngày 14/7, liên quan tới việc thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 kể từ 1/1/2018, Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung xăng E5 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92.
Theo Bộ Công Thương, ngày 6/7 vừa qua, Bộ đã làm việc với 26 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên mặt đất để chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện kinh doanh xăng E5, đồng thời lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, qua rà soát, tổng lượng xăng tiêu thụ trên địa bàn cả nước trong năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu m3; trong đó, xăng E5 khoảng 590.000 m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường; xăng khoáng khoảng 6,81 triệu m3, chiếm khoảng 92%...
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ (VPCP) về việc thực hiện "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho phép 2 loại xăng RON 92 và E5 RON92 được tồn tại đến hết ngày 31/12/2017.
 
Kể từ ngày 1/1/2018, Chính phủ chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95, nhằm mục đích góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường.
Việc sử dụng hai loại xăng này sẽ đảm bảo cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nguồn: Tô Đức - Kinh tế & Tiêu dùng/Vietnambiz

Officetel – Chiến lược đầu tư mới của giới đầu tư Hà Nội

 

Officetel – Chiến lược đầu tư mới của giới đầu tư Hà Nội

Hiện nay trên thế giới, mảng cho thuê căn hộ Officetel cao cấp ngày càng sôi động, đặc biệt là căn hộ ở các trung tâm hành chính, kinh tế lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, giới đầu tư đang nhanh chóng nắm bắt chiến lược đầu tư sinh lời bền vững này.
Xu hướng thời thượng, lợi ích bền vững
Nhịp sống hiện đại rất nhanh, sẽ thật lý tưởng nếu không mất thời gian di chuyển mà vẫn đảm bảo làm việc hiệu quả và thỏa mãn đầy đủ nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Thực tế này đã dẫn đến sự ra đời của officetel tại các đô thị phát triển ở các quốc gia Âu – Mỹ.
Đối tượng có nhu cầu sử dụng officetel đa dạng, có thể kể đến: Người độc thân hoặc gia đình trẻ có nhu cầu sống riêng trong căn hộ nhỏ tích hợp đầy đủ công năng, đồng thời môi trường văn minh, hiện đại; các công ty nước ngoài có nhu cầu tìm chỗ ở cho chuyên gia hoặc các văn phòng đại diện; các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ, cần mở văn phòng tại địa điểm phù hợp, mức giá hợp lý, có chỗ ở lại qua đêm…
Do đó căn hộ Officetel thu hút các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa hạng mục đầu tư với dòng sản phẩm mới, mức đầu tư vừa phải mà lợi nhuận đều và ổn định, hoặc nhà đầu tư sản phẩm giá hợp lý để cho thuê kiếm lợi nhuận hàng tháng.
Sức hút của Officetel tại Sunshine Center
Được đánh giá là một dự án đầy tiềm năng, cơ hội đầu tư với tỷ lệ sinh lời cao, các nhà đầu tư căn hộ cho thuê tại Hà Nội đang rất quan tâm đến loại hình sản phẩm Officetel tại Sunshine Center. Từ thiết kế kiến trúc, vị trí dự án, đến các dịch vụ quản lý, đều thể hiện sự hỗ trợ tối đa cho nhu cầu kinh doanh loại hình căn hộ độc đáo này.
Cư dân sở hữu hoặc khách thuê Officetel tại Sunshine Center vừa có không gian làm việc chuyên nghiệp vừa có một nơi để ở sang trọng, bao gồm quyền lợi được sử dụng tất cả tiện ích của một khu căn hộ cao cấp như bể bơi, phòng tập thể thao, dịch vụ an ninh, khu trung tâm thương mại - giải trí tổng hợp...
Lợi thế lớn của các căn hộ Officetel tại Sunshine Center là được thiết kế vào cùng khu văn phòng để được thụ hưởng những quyền lợi dành cho văn phòng hạng A, gồm hệ thống kiểm soát an ninh, hệ thống quản lý, các dịch vụ văn phòng chuyên nghiệp và đồng bộ như thẻ từ an ninh, lễ tân, tạp vụ…v.v...
Thêm vào đó là ưu thế vượt trội khi các cụm thang máy tốc độ cao (6m/s) được bố trí riêng biệt chức năng văn phòng và chung cư mang lại sự riêng tư và an toàn cho người sử dụng.
Theo một số chuyên gia môi giới BĐS, sức hút của căn hộ Officetel tại Sunshine Center đặc biệt được khẳng định bởi vị trí thu hút trên mặt đường Phạm Hùng. Đây là tuyến đường phát triển nhất phía Tây Thủ đô Hà Nội, hội tụ các cơ quan hành chính, kinh tế, trung tâm văn hoá thể thao... đảm bảo nguồn khách ổn định, hiệu quả kinh doanh và giao dịch cao.
Sunshine Center tiếp giáp Khu đô thị Cầu Giấy, nơi đã được xác định là trung tâm Hành chính và Khoa học - Công nghệ mới với hàng loạt trụ sở các bộ ngành, các công ty công nghệ hàng đầu Dự án cũng nằm cạnh khu đô thị Mỹ Đình I&II - Trung tâm Văn hoá - Giáo dục, Thể dục - Thể thao lớn của cả nước, thường xuyên có các hoạt động đào tạo, thi đấu sôi động.
 
Đây là các khu vực quy tụ nhiều các công ty nước ngoài, FDI với nguồn khách chuyên gia có nhu cầu thuê căn hộ cao cấp rất lớn trong nhiều năm qua. Đối tượng khách này thường chịu chi để có được môi trường sống tốt nhất, hàng ngày có thể “refresh” tái tạo năng lượng phục vụ công tác tốt nhất.
Khảo sát cho thấy nguồn khách thuê ổn định gồm các chuyên viên nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ… cũng như Việt kiều, chủ doanh nghiệp có nhu cầu làm việc lâu dài tại HàNội. Căn hộ càng có nhiều tiện ích đi kèm, dịch vụ quản lý tốt, càng cho thuê được giá.
Vì vậy bên cạnh các nhà đầu tư dày vốn thích chiến thuật “lướt sóng” cũng có các nhà đầu tư chuyên mua cho thuê. Nhất là khi có thông tin chủ đầu tư dự án là Sunshine Group cũng đang chuẩn bị tung ra các chương trình thuê lại hoặc hỗ trợ tài chính thông qua ngân hàng dành cho các nhà đầu tư dài hạn.
Nguồn: A.D/Tri thức trẻ

Vũ trụ xoay trên đồng hồ hiếm của Vacheron Constantin

 

Vũ trụ xoay trên đồng hồ hiếm của Vacheron Constantin

Nếu chỉ mô tả chiếc đồng hồ Traditionelle Calibre 2253 của hãng đồng hồ Thụy Sỹ Vacheron Constantin bằng một từ, thì đó là từ "hiếm có". Nó hiếm cả ở việc kết hợp những chức năng cao cấp và phức tạp nhất trong nghệ thuật chế tác đồng hồ, lẫn hiếm ở số lượng khi chỉ được sản xuất với số lượng ultra-limited.
 Cỗ máy hiếm có
 

 

Vỏ và núm vặn đồng hồ được làm từ vàng hồng 18k, dây da cá sấu Mississippi và phiên bản được chế tạo với số lượng giới hạn trên thế giới.
Chiếc đồng hồ được bán với giá hơn 12 tỉ đồng này đang được hãng đồng hồ Thụy Sỹ giới thiệu ở Việt Nam. Thoạt nhìn đã có thể thấy được sự tinh vi của một cỗ máy thời gian với nhiều cửa sổ hiển thị trên mặt đồng hồ và bộ máy lộ cơ cho thấy nhịp đập của một cỗ máy phức tạp. Đây là kết quả của hàng nghìn giờ chế tác hoàn toàn bằng thủ công, và là sự kết hợp hiếm có của 5 chức năng cao cấp: tourbillon, lịch vạn niên, phương trình thời gian, hiển thị hoàng hôn và bình minh, dự trữ năng lượng lên tới 14 ngày.
Những thông số của lịch vạn niên gồm thứ , ngày, tháng được đặt một cách cân đối với nhau tại giờ số 9, 12 và 3. Thông số chỉ năm nhuận được đặt ở góc trên cùng bên phải của đĩa chỉ tháng. Cứ mỗi 400 năm một lần bộ lịch vạn niên này mới cần điều chỉnh ngày một lần.
 
Buồng Tourbillon được mô phỏng theo hình chữ thập Maltese của thương hiệu Vacheron Constantin, quay một lần một phút tại giờ thứ 6 trên mặt số, kèm theo chức năng chỉ giây.
Ra đời từ thế kỷ 17 bởi nhà toán học Nikolaus Mercator, phương trình thời gian là một trong những chức năng hiếm gặp trong ngành haute horlogerie. Nó cho phép biểu thị sự lệch nhau khoảng cộng trừ 16 phút giữa giờ được quy định bởi chuyển động theo quỹ đạo hình e-lip của Trái Đất quanh Mặt trời, và giờ “nhân tạo” được thể hiện trên mặt đồng hồ. Với sứ mệnh chinh phục những kỳ tích kỹ thuật trên đồng hồ, những nghệ nhân chế tác của Vacheron Constantin đã đưa phương trình thời gian vào cỗ máy Calibre 2253 qua một chiếc đĩa lệch tâm nhỏ và một cây kim đặt giữa giờ số 10 và 11 trên mặt số đồng hồ.
Hiển thị thời gian bình minh và hoàng hôn cũng là chức năng cực kỳ tinh tế, cũng phô diễn kỹ năng của các kỹ sư, nghệ nhân Vacheron Constantin. Sở hữu những chức năng này có gì đó giống như thể hiện một quyền năng đặc biệt, với thời gian biểu của 400 năm, chiếm lĩnh khoảng khắc của bình minh và hoàng hôn và nhận biết đâu là thời gian thật sự của Trái đất. là bạn đã nắm cả vũ trụ trong tay.
Những tác phẩm tinh xảo
 

 

Traditionelle Openworked là chiếc đồng hồ có bộ máy tự động mỏng nhất (2.45mm) và bộ máy lên cót tay mỏng nhất (1.64mm) trên thị trường với bộ máy lộ cơ có mức độ hoàn thiện cao.
Ngoài ra, mức độ hoàn thiện của chiếc Traditionelle Calibre 2253 này cũng tương xứng với các tính năng hiếm có và phức tạp của nó. Các nghệ nhân cũng phải dành nhiều thời gian để trang trí rất tinh xảo cho đồng hồ, từ mặt số kim loại với những ổ chức năng xoắn ốc trên bề mặt, vành ngoài được đánh bóng bằng kim cương, mốc chỉ giờ và chữ thập Maltese bằng vàng trắng, những chi tiết trên mặt sau của cỗ máy đều được khắc, đánh bóng bằng tay, làm nổi bật chứng nhận chất lượng Hallmark of Geneva - một chứng chỉ công nhận xuất xứ, độ chính xác và trình độ thủ công điêu luyện trong chế tác đồng hồ.
 
Traditionelle Calibre 2253 là một sản phẩm trong bộ sưu tập đồng hồ high complication mà Vacheron Constantin giới thiệu tại Việt Nam trong dịp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, từ 24/7 - 7/8/2017, gồm có: Traditionelle 14-day Tourbillon có mức dự trữ năng lượng cũng 14 ngày. Phiên bản Malte Tourbillon có cỗ máy hình tonneau với cầu tourbillon khá lớn bao trùm múi giờ thứ 6. Tần số dao động 2.5Hz cho phép khách hàng chiêm ngưỡng nhịp đập của vòng cót.
 
 
Traditionelle Chronograph Perpeptual Calendar điều chỉnh ngày tự động theo từng tháng với 30 ngày hoặc 28 và 29 ngày vào tháng Hai, mà không phải điều chỉnh lại cho đến năm 2100.
Là hãng đồng hồ có lịch sử lâu đời nhất thế giới với 260 năm hoạt động không gián đoạn, Vacheron Constantin có quan hệ thương mại với Việt Nam khi các nhà sưu tập tại đây, ngay từ năm 1888, đã đặt mua những chiếc đồng hồ chính xác và chất lượng từ hãng. Sự say mê đó của khách hàng lại được nối tiếp khi những tuyệt phẩm thời gian của Vacheron Constantin đã có mặt tại Hà Nội.
Với bí quyết chế tác đồng hồ quý hiếm và chính xác về kỹ thuật, Vacheron Constantin luôn luôn thiết kế, phát triển và sản xuất những cỗ máy thời gian đặc biệt, trên nền tảng phát huy ba trụ cột của thương hiệu: kỹ thuật bậc thầy hoàn hảo, thẩm mỹ hài hòa và truyền cảm hứng, và trình độ thủ công và hoàn thiện cực kỳ cao.
 Nguồn: A.D/Nhịp sống kinh tế

Vì sao Trung Quốc đi “thu gom” hạt giống khắp toàn cầu?

 

Vì sao Trung Quốc đi “thu gom” hạt giống khắp toàn cầu?

Vinanet - Các công ty Trung Quốc đã chi 91 tỉ USD trong thập kỷ qua để mua lại gần 300 công ty nước ngoài liên quan tới nông nghiệp, hóa chất, thực phẩm.
Hồi đầu tháng 7 này, công ty quốc doanh ChemChina của Trung Quốc đã chốt thương vụ 44 tỉ USD để mua lại tập đoàn hạt giống và thuốc trừ sâu Syngenta (Thụy Sĩ). Đó là thương vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất mà một doanh nghiệp Trung Quốc từng thực hiện.
 Sau đó, tới lượt Dow Chemical (Mỹ) thông báo rằng một quỹ nông nghiệp được chính phủ Trung Quốc chống lưng sẽ trả 1,1 tỉ USD để mua lại bộ phận nghiên cứu và sản xuất hạt giống bắp ở Brazil của Dow. 
Theo Dealogic, các công ty Trung Quốc đã chi 91 tỉ USD trong thập kỷ qua để mua lại gần 300 công ty nước ngoài liên quan tới nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm.
 Điều gì đã dẫn tới làn sóng chi tiêu mạnh tay này?
 An ninh lương thực 
Các chuyên gia cho rằng những thương vụ đó là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm cải thiện khả năng cung cấp lương thực cho dân số gần 1,4 tỉ người của họ. Vì tiêu chuẩn sống của Trung Quốc đang được cải thiện và người dân có nhu cầu tiêu thụ thịt nhiều hơn, nên quốc gia này cần một nguồn cung thức ăn ổn định dành cho lượng gia súc ngày càng tăng.
 
Những thương vụ sáp nhập lớn gần đây trong ngành công nghệ nông nghiệp toàn cầu. Con số thể hiện doanh thu (tỷ USD) của các công ty tham gia sáp nhập. Ảnh: Nikkei
Tuy nhiên, theo Rob Bailey, một chuyên gia về an ninh lương thực tại viện chính sách Chatham House, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn: lực lượng lao động nông nghiệp đang già đi, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và mức độ thoái hóa đất cao. 
Các nông trại của Trung Quốc cũng đang có năng suất thấp vì kĩ thuật canh tác lỗi thời, theo đánh giá của Brett Stuart, CEO và đồng sáng lập của Global AgriTrends. 
Những thương vụ mua các công ty hạt giống gần đây cho thấy Trung Quốc muốn nắm bắt kiến thức khoa học cần thiết để cải thiện năng suất trong nước, Stuart nói. 
“Họ đang cố gắng thu gom kiến thức. Tôi nghĩ những động thái này chỉ cho thấy rằng họ đang cố gắng làm càng nhiều càng tốt để có thể tự cung tự cấp lương thực. Sẽ không có đủ lương thực được xuất khẩu trên thế giới để cứu họ nếu họ thất bại”, ông nói. 
Tất cả các quốc gia đều cố gắng để không bị thiếu hụt lương thực. Tuy vậy, vấn đề này là đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc, nơi từng rơi vào nạn đói kỷ lục khiến hàng triệu người chết trong giai đoạn 1958-1962.
Lợi ích quốc gia 
Các thương vụ mua lại những công ty nông nghiệp nước ngoài của Trung Quốc mang tầm lợi ích quốc gia, nhưng điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về cách mà các quốc gia và công ty có thể phản ứng thế nào với một cuộc khủng hoảng lương thực thời hiện đại.
“Những quốc gia sẽ ngày càng quan tâm về chuyện họ có thể bảo đảm rằng mình có thể tiếp tục tiếp cận các nguồn cung lương thực như thế nào trong trường hợp bị mất mùa lớn”, Bailey cảnh báo.
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo (đỏ), gia cầm (xanh lá) và bò (xanh dương) tính theo đầu người ở Trung Quốc được dự kiến tiếp tục gia tăng mạnh. Ảnh: Bộ Nông nghiệp Mỹ
 
Nhiều công ty Trung Quốc đang được sự hỗ trợ của chính phủ nước này để thâu tóm các công ty nước ngoài. Trong trường hợp xảy ra thiếu hụt lương thực toàn cầu, có rủi ro là thay vì tôn trọng các hợp đồng kinh doanh, những công ty sẽ “tập trung vào việc mang lương thực về thị trường nước mình”, Bailey nói.
Những lo ngại về an ninh lương thực quốc gia tại Mỹ đã nổi lên hồi năm 2013 khi Shuanghui International của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất thịt heo Smithfield Foods của Mỹ, nhưng cho tới nay thì sản lượng thịt heo cũng không thay đổi đáng kể và nguồn cung thịt của Mỹ không bị chuyển về Trung Quốc, Stuart nói. 
“Khi Trung Quốc tăng cường thâu tóm nhiều tài sản nông nghiệp bên ngoài Trung Quốc thì mối lo ngại có thể trở nên lớn hơn”, Stuart nói.
Trung Quốc hiện không phải là quốc gia duy nhất đang có những động thái củng cố năng lực nông nghiệp của họ. Những quốc gia như Saudi Arabia và Nhật Bản cũng đang thâu tóm các doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp lương thực toàn cầu, nhưng những hành động của họ không gây nhiều sự chú ý như Trung Quốc, Bailey nói.

Nguồn: Thanh Hải/Nhịp Cầu Đầu Tư

Tuần lễ quảng bá hàng VN tại siêu thị Robinson, Manila, Philippines

 

Tuần lễ quảng bá hàng VN tại siêu thị Robinson, Manila, Philippines

Vinanet - Hội chợ Hàng Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Robinsons Place từ 26-28 tháng 7 năm 2017.  

Vào ngày 27 tháng 7 năm 2017, tại thủ đô Manila, Philippines đã diễn ra lễ khai mạc các sự kiện liên quan đến Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam tại Philippines bao gồm: Hội chợ Hàng Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Robinsons Place từ 26-28 tháng 7 năm 2017 và Những ngày hàng Việt Nam tại Siêu thị Robinsons từ 26-30 tháng 7 năm 2017.

Đây là những sự kiện giới thiệu về hàng hóa, ẩm thực Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Philippines do Bộ Công Thương Việt Nam cùng Tập đoàn JG Summit-chủ sở hữu hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị thương hiệu Robinsons của Philippines phối hợp tổ chức với mong muốn giới thiệu hàng hóa Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng Philippines và đưa hàng hóa của Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối bán lẻ của Philippines nói chung và của hệ thống bán lẻ của Robinsons nói riêng.

Góp mặt tại lễ khai mạc có của Đại sứ Việt Nam tại Philippines Lý Quốc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương Đặng Hoàng Hải, Lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Vụ Thị trường trong nước trực thuộc Bộ Công Thương, Tham tán Thương mại- đại diện của Bộ Công Thương tại Philippines, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), Lãnh đạo Tập đoàn JG Summit Holdings, đại diện các hiệp hội, ngành hàng của Philippines và các doanh nghiệp Việt Nam, Philippines.

Bên cạnh các mặt hàng như thực phẩm, đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, cà phê, nông sản, may mặc, gạo, người dân Philippines còn được thưởng thức các món ăn đặc sắc của nền ẩm thực Việt Nam như phở Hà Nội, nem cuốn, bánh mì, cà phê sữa đá… Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Philippines.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Philippines vào ngày 28 tháng 7 năm 2017 với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Philippines và Việt Nam quan tâm tới thị trường và các sản phẩm Việt Nam. Tại Diễn đàn, doanh nghiệp hai bên đã có buổi trao đổi cụ thể các thông tin doanh nghiệp, các cơ hội hợp tác và xúc tiến phát triển hợp tác kinh doanh trong thời gian gần nhất. Nhân sự kiện này, bộ phận mua sắm hệ thống siêu thị Robinson đã có buổi làm việc cụ thể với các doanh nghiệp Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng cho từng mặt hàng và các yêu cầu để nhập hàng hóa vào bán trực tiếp trong hệ thống siêu thị.

 

Các sự kiện trên là hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/9/2015.

Mục đích của sự kiện là thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối của Philippines; hệ thống siêu thị Robinson; xúc tiến, quảng bá sản phẩm “Made in Viet Nam” vào thị trường Philippines, một thị trường rất có tiềm năng với Việt Nam.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3717377
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
4007
3814
7821
1623386
144539
3717377

Your IP: 3.144.12.205
Server Time: 2024-04-29 19:18:37

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
42 khách & 0 thành viên trực tuyến