Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Từ ngày 1-7, Điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt

Đó là nội dung Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 19-6-2014 của UBND thành phố về Điều chỉnh giá bán nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng (giai đoạn 2014-2016), thay thế Quyết định số 2067/QĐ-UBND ngày 19-12-2011 của UBND thành phố về việc điều chỉnh giá bán nước sạch.

Theo đó, giá nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải phòng được thành phố ấn định phương án giá tiêu thụ bình quân giai đoạn 2014-2016 là 10.082 đồng/m3. Cụ thể giá nước sạch đối với từng mục đích sử dụng như sau:

1- Nước sinh hoạt hộ gia đình là 8.500 đồng/m3 (giá cũ là 6.500đồng/m3).

2- Cơ quan hành chính, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, bệnh viện, trường học là 12.000 đồng/m3.

3- Hoạt động sản xuất vật chất, văn phòng đại diện là 15.000 đông/m3.

4- Kinh doanh dịch vụ là 18.000 đồng/m3.

5- Giá bán buôn nước sinh hoạt là 7.300 đồng/m3.

6- Giá bán buôn nước sinh hoạt phục vụ hoạt động sản suất là 13.500 đồng/m3.

Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí thoát nước, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và phạm vi áp dụng bao gồm tất cả các khu vực, đơn vị quản lý trực thuộc Công ty TNHH MTV cấp nước Hải Phòng quản lý và đầu tư.

CHUẨN HÓA VĂN HÓA CÔNG SỞ:

Bỏ xưng hô "chú-cháu" nơi công sở: Chọn cặp từ nào thay thế?

Liên quan đến đề án chuẩn hóa văn hóa công sở mà Bộ Nội vụ sẽ triển khai trong thời gian tới, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cần quy định một cặp từ xưng hô làm chuẩn.

Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Infonet với PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề cách xưng hô trong văn hóa công sở:

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng nếu bỏ xưng hô "chú-cháu" nơi công quyền, thì cần nghiên cứu một cặp từ xưng hô chung để làm chuẩn.

Bộ Nội vụ có dự thảo quy định bỏ xưng hô “chú-cháu”, “bác- cháu” nơi công sở, là một chuyên gia về xã hội học, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Nhìn chung, đặc điểm cấu thành xã hội Việt Nam được xây dựng trên nền tảng làng xã, thân tộc lâu nay nên người dân thường chuyển hóa những mối quan hệ thân tình hoặc huyết thống, làng xã hoặc theo một điều gì đó ràng buộc nặng nghĩa tình vào trong ngôn từ giao tiếp. Văn hóa của chúng ta, cụ thể chính từ những từ nguyên của chúng ta quá tinh tế, tạo ra nhiều tầng bậc để người ta khảm vào trong ấy tình cảm, sự trìu mến, kính trọng…

Tuy nhiên, nó tinh tế nên khi muốn thể hiện ngôn ngữ hành chính hay mức độ quan hệ có tính chất công quyền, trung tính thì cái tầng bậc đó lại trở thành con dao hai lưỡi.

Theo tôi, nguyên do của việc xưng hô “bác-cháu”, “chú –cháu” ở trong các cơ quan ngoài chênh lệch tuổi tác cũng có thể do một bộ phận người đứng đầu không đủ lòng tin ở đức độ, chuyên môn, nghiệp vụ của mình, muốn chia bậc để có thể “đàn áp” người dưới quyền.  

Vì vậy, theo tôi đề án này rất đáng hoan nghênh và ủng hộ. Tôi hoàn toàn cổ súy cho ngôn ngữ hành chính ở trong cơ quan công quyền, trong cộng đồng xã hội và đồng ý với sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ. Rõ ràng trong các cơ quan, chúng ta không thể để cách xưng hô “bác-cháu”, “chú-cháu” được.

Nếu vậy sẽ phải có một cặp từ xưng hô được dùng chung nơi công sở, thưa ông?

Trong quá trình tương tác, giải quyết công việc, tốt nhất nên có một cái “vỏ” ngôn ngữ xã hội trong xưng hô (một cặp từ xưng hô chung) lấy để làm chuẩn. Và cái tình cảm, sắc thái muốn biểu hiện với nhau sẽ thể hiện thông qua ngữ điệu. Có thể, ví dụ vẫn "ông-tôi' nhưng gọi "ông" và xưng "tôi" một cách đầm ấm, trang trọng, vẫn thể hiện được sự kính trọng mà không tỏ vẻ bề trên hay bất nhã.

Như vậy, một khi đã soạn thảo ra những nội dung này, phế bỏ đi hình thức xưng hô “bác-cháu” thì cũng nên bàn đến một sự quy ước trong giao tiếp và điều này cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn về lĩnh vực ngôn ngữ.

Theo tôi, trong công sở, ngoài xã hội thì nên xưng "tôi" để thể hiện cái tôi cá nhân trong hoạt động ở nơi công quyền. Mặt khác, nó cũng giúp đỡ phức tạp trong các tình huống nảy sinh do “va chạm”.

Với việc dùng một cặp từ chung như ông đề xuất thì những người chênh nhau về độ tuổi quá lớn khi xưng hô có đi ngược với truyền thống, thậm chí là thuần phong mỹ tục của nước ta từ trước đến nay?

Theo tôi điều này hoàn toàn là được. Quan trọng là ngữ điệu của người giao tiếp chứ không phải là ở cái vỏ ngôn ngữ. Cái tôi đấy không phải cái tôi hầm hố, quát nạt, bởi tiếng Việt giàu cung bậc, ngôi thứ nhưng đồng thời cũng giàu cách thức trong việc biểu đạt tình cảm. Cho nên việc thể hiện sự kính trọng hoàn toàn có thể quyết định ở ngữ điệu. Thế hệ mới bây giờ cũng không chấp nhận vòng tư tưởng cũ, khi mà được quán triệt, ví dụ là “ông-tôi” thì cũng sẽ “ông –tôi” ngay từ đầu.

Xin nói thêm, văn hóa là sự vun trồng, có sự thêm bớt mà không bàn chuyện hơn thua. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Khi xưng tiếng “tôi” sẽ quyết định ở ngữ điệu và ánh mắt. Vì vậy một cái xưng "tôi" cà chớn khác với cách xưng "tôi" trân trọng.

Có thể lấy ví dụ về việc xưng hô quyết định bởi ngữ điệu mà chúng ta hiện vẫn thường dùng, đó là chữ “tao-mày” trong ngôn ngữ của chúng ta. Khi thân tình cũng xưng “tao-mày” nhưng khi điên tiết cũng là “tao-mày”.

Liệu khi chọn một cặp xưng hô chung có khiến một bộ phận người lớn tuổi không hài lòng, còn người trẻ cảm thấy “ngượng mồm”?

Quan trọng nhất là một sự quy định và quy định ấy phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp với thời đại mới. Như vậy nó sẽ có chỗ đứng và sẽ phát triển. Còn những người cứ cho rằng như vậy là “trứng khôn hơn vịt”, xưng như vậy là bất kính thì đó là những người bảo thủ và đã lỗi thời.

Không những thế, đây còn là cơ hội cho người  trẻ khi họ sẽ không còn bị đe nẹt trong khuôn khổ những ngôn từ xưng hô. Khi chúng ta xưng hô theo cách mới sẽ tạo điều kiện để giải quyết những khó khăn trong quá trình tương tác, làm việc giữa các lực lượng ở các thế hệ. Nếu giải quyết được thì xã hội sẽ phát triển, còn không theo tôi xã hội vẫn sẽ “lùng nhùng”.

Điều này đặc biệt đáng quý hơn khi mà chúng ta đang trong quá trình trẻ hóa lực lượng quản lý, sẽ có nhiều “sếp” trẻ hơn nhân viên. Điều này sẽ mở đường cho những người tài có cơ hội phát triển, thay vì bị ràng buộc trong ngôn từ xưng hô như hiện nay. Mặc dù ngôn từ xưng hô không quyết định được hết tất cả, nhưng chi ít vẫn tác động như một “xiềng xích” vô hình.

Vậy có thể có những trường hợp những người cùng huyết thống, cụ thể là bố hoặc mẹ và con cùng công tác ở một đơn vị sẽ phải xưng hô với nhau là “tôi-ông”, “tôi-bà”, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Một khi đã có quy định chung thì dĩ nhiên phải dùng ngôn ngữ xã hội. Tất nhiên chúng ta không tuân thủ đến mức như “kỷ luật trại lính” và có thể xưng hô theo chức vụ. Ví dụ: "Thưa trưởng phòng, tôi…"; ngang hàng thì là "anh/chị-tôi', cái này là dễ dàng nhất và đã được dùng ở nhiều quốc gia.

Là người nghiên cứu về xã hội học tôi cho rằng, việc bố hay mẹ, con xưng "tôi" với nhau lúc làm việc là không có gì bất cập, hoàn toàn có thể làm được.

Xét cho cùng, tôi cho rằng, nếu chúng ta kiên trì thực hiện và cốt là chủ trương và sự gương mẫu chấp hành của người đứng đầu các đơn vị thì đề án này hoàn toàn khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Xây dựng NM sản xuất nam châm đất hiếm: Dự án "hiếm" đã có tại Hải Phòng

      i      
Đất hiếm được dùng trong công nghệ sản xuất máy tính
Đất hiếm được dùng trong công nghệ sản xuất máy tính

Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, BQL khu kinh tế Hải Phòng đã chính thức chứng nhận Cty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm tại khu CN Đình Vũ. Với mục tiêu sản xuất nam châm đất hiếm từ bột, hợp kim nam châm, hợp kim đất hiếm để xuất khẩu, đây là dự án có một không hai tại Việt Nam, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về mặt kỹ thuật, bảo vệ môi trường, hứa hẹn sẽ mở ra một hướng mới góp phần đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Sản phẩm hữu dụng tiết kiệm nhiên liệu

Cty hóa chất Shin-Etsu được thành lập vào năm 1926 tại Nhật Bản sản xuất các sản phẩm như: nhựa PVC, silicon và các sản phẩm đất hiếm. Hiện tại, Tập đoàn Shin-Etsu là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản và xếp thứ 9 trên toàn cầu. Chỉ tính riêng năm 2013, Tập đoàn Shin-Etsu đạt doanh thu 11 tỷ USD và lãi suất là 1,1 tỷ USD với tổng số lao động trên toàn cầu là 17.700 người. Biểu tượng của doanh nghiệp là sự kết nối của các hình ảnh thể hiện “công nghệ cao”, “chất lượng cao”, “năng động”, “tinh thần thách thức” và sự “linh hoạt”.

Ngay từ cuối năm 2010, sau khi Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác thiện chí về khai thác và tinh luyện đất hiếm, Tập đoàn Shin-Etsu đã tiến hành khảo sát và đi đến quyết định đầu tư vào Việt Nam và địa điểm được chọn là thành phố Hải Phòng. Đến tháng 9-2011, Cty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam được thành lập và trong năm 2013 đã tiến hành xây dựng hoàn thành, bắt đầu sản xuất các sản phẩm đất hiếm từ hợp kim đất hiếm, hay còn gọi là bột nam châm đất hiếm.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, do nam châm đất hiếm rất hữu dụng cho việc tiết kiệm nhiên liệu nên nhu cầu sử dụng của khách hàng ngày càng gia tăng. Cụ thể, nam châm đất hiếm được sử dụng trong ô tô, máy điều hòa, máy giặt, robot, máy chụp cộng hưởng, ổ cứng máy tính, điện thoại di động, tua bin điện gió…

Trong khi đó, sản phẩm này mới được sản xuất duy nhất tại nhà máy Takefu đặt tại Fukui Prefecture, Nhật Bản, với công nghệ cao theo quy trình sản xuất hoàn toàn tự động, khép kín và trong môi trường chân không.

Song, do cầu ngày càng vượt cung nên tiên lượng nhà máy duy nhất này sẽ quá tải trong vài năm tới. Với mong muốn Tập đoàn Shin-Etsu trở thành đơn vị dẫn đầu trên thế giới  đối với dòng nhiên liệu này, lãnh đạo tập đoàn đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm thứ hai trên diện tích hơn 49.000m2 liền kề với nhà máy sản xuất bột, hợp kim đất hiếm tại Khu CN Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP  Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư dự án là 100 triệu USD, tương đương với hơn 2.000 tỷ đồng Việt Nam, dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 10-2014, đến tháng 9-2015 hoàn thành. Sau khi lắp đặt máy móc, thiết bị thì đến tháng 10-2015 sẽ bắt đầu chạy thử với các công đoạn sản xuất tự động hóa gồm: nghiền, ép định hình, nén khuôn.

Cũng theo chủ đầu tư, khi bắt đầu chạy thử, công suất của nhà máy đạt khoảng 1.650 tấn/năm và sau một năm, đến tháng 9-2016 sẽ là 3.300 tấn/năm. Về doanh thu bán hàng năm thứ nhất là 5 triệu USD, năm thứ hai là 30 triệu USD và đến năm thứ 5 là 130 triệu USD. Dự tính, thuế nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động của dự án gồm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ xấp xỉ 44 tỷ đồng, thuế trung bình nộp mỗi năm là 45,8 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân vào khoảng 1,8 tỷ đồng.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Shin-Etsu được công nhận toàn cầu là chuyên gia duy nhất có năng lực về sản xuất nam châm đất hiếm chất lượng cao cũng như việc tinh chế nguyên liệu thô thành sản phẩm tinh, do vậy Tập đoàn đặc biệt chú trọng yếu tố công nghệ và bảo vệ môi trường. Tất cả các thiết bị chính của nhà máy mới không nhập từ các nước đang phát triển mà là thiết bị, máy móc có kỹ thuật tân tiến nhất của Nhật Bản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quy định của Shin-Etsu.

Đất hiếm được dùng trong công nghệ xe ô tô
Đất hiếm được dùng trong công nghệ xe ô tô

Nguyên liệu cung cấp cho nhà máy cũng sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài, sau đó thành phẩm là các khối nam châm cũng xuất khẩu tới các nhà máy khác của Tập đoàn Shin-Etsu đặt tại các quốc gia như Philippines, Malaysia, Thái Lan…

Do quá trình sản xuất nam châm đất hiếm được thực hiện bằng kỹ thuật tiên tiến nhất với chu trình khép kín, tự động hóa và trong môi trường hút chân không hoặc trơ khí nên hoạt động của nhà máy hầu như không gây ra tiếng ồn, bụi; nước thải sản xuất, sinh hoạt cũng rất ít và chất thải rắn là không có. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cam kết tuân thủ Luật Môi trường và pháp luật của Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Có thể thấy, việc Shin-Etsu quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm thứ hai của Tập đoàn tại Hải Phòng là thêm một lần nữa khẳng định chữ Tín của thành phố đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói chung và Tập đoàn Shin-Etsu nói riêng. Thành quả của dự án với công nghệ sản xuất hiện đại, tân tiến, mang tầm tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, mở mang thêm kiến thức kỹ thuật, kỹ năng cho lao động địa phương, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

TQ đe dọa triển khai “cá mập máy” cực kỳ nguy hiểm ở giàn khoan

TQ còn tưởng tượng ra tình huống rằng Hải Yến sẽ tuần tra quanh giàn khoan như một con cá mập, và khi “người nhái” của VN tiếp cận, nó sẽ phát hiện và tự động tấn công.

 

 

Thiết bị lặn không người lái Hải Yến thử nghiệm trên biển

 

Thiết bị lặn không người lái Hải Yến thử nghiệm trên biển

 

Mạng quân sự Trung Quốc và một số trang mạng nước này hôm nay đưa tin: Trung Quốc mới đây đã tiến hành thử nghiệm thành công thiết bị lặn không người lái tại khu vực Bắc Biển Đông.

 

Các nguồn tin cũng nói rằng, thiết bị lặn này sẽ được phát triển thành một dạng tàu ngầm tấn công/robot tuần tra mới của Hải quân Trung Quốc, và trong thời gian tới, có thể nó sẽ được triển khai để bảo vệ giàn khoan và các tàu Trung Quốc.

 

Thiết bị lặn không người lái này có tên Hải Yến (HaiYan) do Trường Đại học Thiên Tân Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, mới đây đã được thử nghiệm ở Biển Đông. Thông tin từ các trang mạng Trung Quốc cho biết, trong các thử nghiệm này, Hải Yến đã lặn liên tục 21 ngày ở độ sâu tối đa 1.094 m.

 

Theo thiết kế, thiết bị lặn không người lái Hải Yến có thể hoạt động liên tục dưới biển 30 ngày, độ sâu tác nghiệp tối đa khoảng 1.500 m, tốc độ 6km/h. Hải Yến được sử dụng động cơ đẩy hỗn hợp mới nhất, hình dạng bên ngoài giống như quả ngư lôi, dài 1,8m , đường kính 0,3 m, trọng lượng 70 kg.

 

Cũng theo những thông tin mà các trang mạng Trung Quốc công bố, Hải Yến có thể được trang bị cảm biến phát hiện người nhái, thủy lôi và tàu ngầm từ khoảng cách xa. Ngoài ra, nó còn có thể mang được vũ khí, thực hiện các nhiệm vụ tấn công dưới nước bảo vệ tàu chiến.

 

Trung Quốc đe dọa biến Hải Yến thành vũ khí bảo vệ giàn khoan trái phép ở Biển Đông

 

Trung Quốc đe dọa biến Hải Yến thành vũ khí bảo vệ giàn khoan trái phép ở Biển Đông

 

Điều đặc biệt nguy hiểm là trong một số bài viết về Hải Yến, các trang mạng Trung Quốc liên hệ đến thông tin vu cáo mà truyền thông nước này liên tục rêu rao những ngày gần đây, rằng Việt Nam giăng lưới, sử dụng đặc công người nhái ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

 

Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, đã bị phía Việt Nam phản bác rõ ràng. Trong cuộc họp báo ngày 16/6 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Ngô Ngọc Thu - phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định “Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái.

Về một số lưới đánh cá, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam. Khi bị Trung Quốc ngăn cản, đâm va, tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc, tàu Trung Quốc đã thu lưới của ngư dân Việt Nam...”

Thế nhưng, theo các thông tin mà các trang mạng Trung Quốc mới công bố thì có vẻ như Bắc Kinh vẫn trơ trẽn sử dụng các luận điệu vu cáo này như một cái cớ để chuẩn bị cho việc tung thiết bị lặn không người lái Hải Yến ra khu vực giàn khoan Hải Dương 981 mà họ hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Cụ thể là các bài viết trên báo mạng Trung Quốc nhận định rằng, trong tương lai, sự xuất hiện của thiết bị lặn Hải Yến sẽ ngăn chặn được cái mà họ gọi là “chiến thuật quấy rối của người nhái Việt Nam”. Đi xa hơn nữa, họ còn tưởng tượng ra tình huống rằng Hải Yến sẽ tuần tra xung quanh giàn khoan như một con cá mập, và một khi “người nhái” của Việt Nam tiếp cận, nó sẽ phát hiện và tự động tấn công.

Có thể nói, nếu được triển khai trong thực tế, kế hoạch này sẽ là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Thiết bị lặn Hải Yến có thể gây nguy hại và là mối đe dọa tiềm ẩn cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam cũng như tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường và hợp pháp tại khu vực Hoàng Sa. Nó cũng có thể đe dọa các phương tiện lưu thông trên Biển Đông, ảnh hưởng nghiệm trọng đến tự do hàng hải trong khu vực

 

 

Tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Nguyễn Văn Linh Thứ Sáu, 27/06/2014, 09:48 [GMT+7]

 

Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn

6h45 ngày 25-6, anh Nguyễn Văn Thượng, sinh 1968, ở phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, điều khiển xe máy BKS: 16F2-6130 đứng chờ đèn đỏ tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh giao với đường Thiên Lôi (còn gọi là ngã tư Phúc Tăng) thì bất ngờ bị xe container BKS: 29LD-00105 của Công ty TNHH NYK Logictis Việt Nam, do lái xe Ngô Xuân Điền, sinh 1972, ở Giao Thuỷ, Nam Định, điều khiển đi cùng chiều chồm lên, cuốn vào gầm xe. Hậu quả, anh Thượng bị nghiền nát phần trên thân thể và tử vong tại chỗ.

Theo một số người dân chứng kiến vụ việc thì xe máy của anh Thượng đang dừng chờ đèn đỏ, bất ngờ xe container đi tới quệt vào tay lái xe máy khiến nạn nhân ngã văng vào gầm xe trong lúc xe chưa dừng hẳn, dẫn đến tử vong.

Sau khi xảy ra tai nạn, lái xe container đã đến Công an phường Vĩnh Niệm trình báo và khai nhận toàn bộ sự việc như trên.

Nhận được thông tin, cơ quan công an đã có mặt để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, do nạn nhân bị đè bẹp dưới bánh xe container nên sau hơn 2 giờ đồng hồ, thi thể nạn nhân mới được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn. Hiện thi thể nạn nhân đã được giao cho gia đình mai táng. Nội vụ đang được CAQ Lê Chân tiến hành điều tra làm rõ.

PV 

;
.

Hỗ trợ trực tuyến

4379328
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
295
956
16425
2313301
79274
4379328

Your IP: 18.191.189.124
Server Time: 2024-11-24 06:56:44

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 17 guests and no members online