Rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất của ngành Nông nghiệp trong suốt nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 26,5%. Có những thời điểm, sản phẩm rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng, thậm chí vượt qua cả mặt hàng cà phê, bỏ xa các mặt hàng chủ lực khác như gạo, tiêu, điều,... Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,8 tỷ USD (tăng 8,8% so với cùng kỳ) với thị trường tiêu thụ rộng khắp 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ hội từ các thị trường mới
Năm 2019 được đánh giá là một năm khó khăn đối với ngành rau quả Việt Nam khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chủ đạo với tỷ trọng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm 14,5% trong 10 tháng đầu năm 2019 với mức kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả chung của Việt Nam trong 10 tháng qua.
Tuy nhiên, bù lại xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường chính khác đều đạt mức tăng trưởng trên 10%, cụ thể: ASEAN tăng 26,6% (đạt 146,4 triệu USD), Hoa Kỳ tăng 10,7% (đạt 124,6 triệu USD), EU tăng 32,2% (đạt 121,7 triệu USD), Hàn Quốc tăng 12,4% (đạt 107,4 triệu USD), Nhật Bản tăng 26,2% (đạt 100,7 triệu USD)… Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả có những chuyển dịch tích cực khi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hàng rau quả vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với khả năng tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường mới. Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ là cơ hội mới để ta đa dạng hóa thị trường và tập trung vào các thị trường khó tính hơn.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (ATIGA, VKFTA, VJEPA). Đối với các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, theo cam kết thuế quan của các nước dành cho Việt Nam, phần lớn các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là yếu tố mới mở ra cơ hội cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam khi mà hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Như vậy, có thể thấy, đối với mặt hàng rau quả, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Các Hiệp định thương mại tự do đang là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam về trung và dài hạn.
Để có thể khai thác hết lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, tận dụng các ưu đãi về thuế quan, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng rất chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nông dân để tiêu thụ rau quả, trái cây qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài như hệ thống Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc; tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” để đưa nông sản vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức)…
Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nhiều nước như Singapore, Úc, U.A.E, Pháp, Đức, Hoa Kỳ... đã liên hệ, vận động các đầu mối nhập khẩu, phân phối trái cây nước sở tại nhập khẩu rau quả của Việt Nam và đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng nước sở tại, đặc biệt là các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chủ động theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu (định kỳ hàng tuần đăng tải, công bố “Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản” trên chuyên trang của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương) để kịp thời thông báo, phổ biến, hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, kịp thời chuẩn bị, ứng phó với những biến động của thị trường.
Nâng cao chất lượng là “chìa khóa” mở cửa các thị trường mới
Mặc dù ta đã thực hiện tốt vấn đề mở cửa thị trường về mặt thuế quan, tuy nhiên, có thể nhìn nhận, vấn đề đặt ra đối với ngành rau quả Việt Nam hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát được nguồn cung và vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…; dẫn đến khó khăn trong việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm (do vậy, nhiều mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường).
Hiện nay, Bộ Công Thương đang rất tích cực phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan chủ trì về công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung sau: tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó; lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo…
Trong bối cảnh đã được mở cửa thị trường tối đa về mặt thuế quan, xuất xứ hàng hóa… như hiện nay, khi các giải pháp liên quan đến mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hàng hóa như đã nêu trên phát huy tác dụng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ ghi nhận được những bứt phá mới trong xuất khẩu, đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước, nhằm hiện thực hóa các lợi thế về đàm phán mở cửa thị trường mà Bộ Công Thương đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, góp phần phát triển bền vững xuất khẩu nông sản của ta trong bối cảnh mới.
Nguồn: VITIC
Trích: http://vinanet.vn