Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018

 

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có Chỉ thị số 14/CT - BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

 Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2017 và dịp Tết Mậu Tuất 2018, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng cần chủ động có các giải pháp trong điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có Chỉ thị số 14/CT - BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Tập trung quản lý cung cầu

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Từ đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa. Kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường và Chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ thời gian vừa qua với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Đặc biệt, công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Quan trọng nhất, các doanh nghiệp, hiệp hội phải phản ánh kịp thời với Bộ Công Thương về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên để Bộ có hướng phối hợp, xử lý; tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.

Địa phương chủ động nguồn hàng

Theo đó, mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành công văn yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Theo dự báo của Sở Công Thương TP. Hà Nội, nhu cầu gạo sẽ tăng từ 5-7%, thịt lợn tăng 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10-15%… Tuy nhiên, khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu chỉ được 50-65% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Vì thế, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp triển khai kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành. Theo đó, dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 trị giá 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so Tết Đinh Dậu 2017.

 

Còn theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 là gần 18.000 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng hóa bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng, tăng từ 15 - 20% so với kế hoạch và tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Theo đó, các mặt hàng được cung ứng bình ổn chủ yếu là thịt gia cầm (chiếm 57%), trứng gia cầm (47%), thịt gia súc (35%), dầu ăn (34%), gạo (29%).

Hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hoá bình ổn thị trường cuối năm và Tết nguyên đán 2018 đã sẵn sàng. So với các năm trước, nguồn hàng dự trữ cho thị trường cuối năm năm nay khá đa dạng và phong phú, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nền kinh tế cả nước nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41% (cao hơn mức 5,99% cùng kỳ năm trước) là tín hiệu tích cực để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cả năm là 6,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 10 tháng đầu năm tăng 10,71%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá con số này là 9,4% là mức tăng khá trong một số năm trở lại đây; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,71% (đang nằm trong giới hạn mục tiêu Quốc hội giao).

Nguồn: Baocongthuong.com.vn

 

Nội lực Vietsovpetro đã vươn tới tầm quốc tế

 

Nội lực Vietsovpetro đã vươn tới tầm quốc tế

Phát huy truyền thống "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới", trải qua hơn 36 năm xây dựng và phát triển, những thành quả đạt được của tập thể lao động quốc tế Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đến nay đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi hoạt động, vươn ra thị trường dầu khí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Vietsovpetro được thành lập năm 1981 trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đến nay, Vietsovpetro đang hoạt động theo Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga (ký ngày 27/12/2010) về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Lĩnh vực hoạt động chính của Vietsovpetro là nghiên cứu khoa học, khảo sát, khoan thăm dò địa chất, thiết kế phát triển xây dựng mỏ, khai thác dầu và khí, thu gom xử lý dầu, khí và condensate tại Lô 09-1. Những năm gần đây, Vietsovpetro đã mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ra một số lô khác ở thềm lục địa Việt Nam và đạt được một số kết quả bước đầu. Ngoài ra, Vietsovpetro còn cung cấp các dịch vụ dầu khí cho các đối tác ở Việt Nam, Liên bang Nga và các nước thứ ba.
Tại Lô 09-1, Vietsovpetro đã phát triển và đang khai thác 5 mỏ dầu gồm: Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Nam Rồng - Đồi Mồi. Tại đây, Vietsovpetro đã khoan trên 450 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng được tổ hợp trên 60 công trình biển phục vụ khai thác dầu, thu gom khí, gồm: 13 giàn khoan khai thác cố định, 28 giàn đầu giếng, 2 cụm giàn công nghệ trung tâm, 3 giàn nén khí, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, 3 tàu chứa dầu và các công trình phụ trợ khác. Tất cả các công trình được kết nối thành một hệ thống công nghệ liên hoàn thông qua hàng trăm km cáp điện và hơn 780 km đường ống ngầm nội mỏ, liên mỏ.
Năm 2016, Vietsovpetro đã phát triển, đưa vào khai thác mỏ khí Thiên Ưng tại Lô 04-3. Tại Lô 09-3/12, Vietsovpetro đã phát hiện mỏ Cá Tầm, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đưa vào khai thác.
Từ ngày thành lập đến nay, Vietsovpetro đã khảo sát hàng trăm nghìn km tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn km vuông địa chấn 3D. Năm 2015 đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ Lô 09-1, với diện tích gần 900km2 bằng công nghệ địa chấn tiên tiến 3D4C.
Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng (XNK&SG) thuộc Vietsovpetro đã khoan hơn 2,4 triệu mét khoan trên 613 giếng, trong đó có một số giếng với độ sâu gần 5.500m, phát hiện 7 mỏ dầu, khí có giá trị thương mại và nhiều cấu tạo chứa dầu, khí. Trong đó, đặc biệt đã phát hiện mỏ Bạch Hổ có trữ lượng lớn với đa số dầu tập trung ở tầng đá móng granite, một hiện tượng rất hiếm gặp trên thế giới. Hơn 25 năm hình thành và phát triển, XNK&SG đã sửa chữa 1.161 lượt giếng khai thác, thu hồi trên 5 triệu tấn dầu và hiện đang là nhà cung cấp dịch vụ khoan, sửa chữa và hủy giếng chất lượng cao cho nhiều khách hàng như: VRJ, PVN, PVEP - BITEXCO, Zarubezhneft trên các mỏ Cá Tầm, Nam Rồng - Đồi Mồi, Bồ Câu, Quýt…
Hiện tại, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (XNKT) thuộc Vietsovpetro là đơn vị trực tiếp khai thác dầu trên các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Thỏ Trắng và Gấu Trắng. Hơn 30 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển, XNKT có đầy đủ năng lực về trang thiết bị, máy móc, nhân lực để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành dầu khí cho các nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao, tạo được uy tín nhất định đối với khách hàng. Hiện XNKT đang thực hiện các dịch vụ vận hành, bảo dưỡng, xử lý, xuất bán sản phẩm dầu cho khách hàng Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC; điều hành khai thác, xử lý, vận chuyển và xuất bán sản phẩm dầu cho mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi của Liên doanh VRJ với Vietsovpetro và các mỏ Tê Giác Trắng, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng và mỏ Thái Bình cho Petronas Việt Nam…
Xí nghiệp Xây lắp, Khảo sát và Sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (XNXL), với kinh nghiệm xây dựng trên 60 công trình giàn khoan khai thác dầu khí ở độ sâu 50-60m nước tại mỏ Rồng, Bạch Hổ, Gấu Trắng và Thỏ Trắng; chế tạo, lắp đặt hơn 400.000 tấn kết cấu kim loại; rải hơn 780km đường ống ngầm dẫn dầu, khí, nước; khảo sát duy trì chứng chỉ trên 700 lượt công trình... Là đơn vị đã thực hiện đấu thầu quốc tế xây dựng gần 36 công trình dầu khí cho các công ty dầu khí trong và ngoài nước, với gần 200.000 tấn kết cấu được chế tạo, lắp đặt, rải trên 500km đường ống ngầm. Đặc biệt, XNXL đã thực hiện chế tạo, lắp đặt thành công 6 chân đế có kích thước lớn và trọng lượng đến 8.000 tấn, lắp đặt ở vùng nước sâu từ 100m đến 130m. Với những thành tích mà đơn vị đã đạt được, Bộ Quốc phòng cũng tin tưởng giao cho Vietsovpetro thiết kế, thi công, lắp đặt 27 công trình nhà giàn DKI.
Cùng với việc góp phần đáng kể trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí của Vietsovpetro bằng việc đáp ứng các yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu kiểm định máy móc thiết bị phục vụ cho các đơn vị, Xí nghiệp Cơ điện (XNCĐ) - một đơn vị thành viên của Vietsovpetro cũng đang từng bước trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chuyên nghiệp, thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng và các nhà thầu dầu khí trong nước và khu vực. Tiêu biểu trong những năm qua, XNCĐ đã tham gia lắp đặt và hiệu chỉnh hệ thống cung cấp năng lượng của công trình RP-2 và các giàn nhẹ RC3, RC4, RC5, RC Đồi Mồi, BK 14; BK 15, Gấu Trắng, Thỏ Trắng…; chế tạo MCC cho hệ thống bơm rửa trên giàn RC Đồi Mồi; sửa chữa động cơ cao thế công suất 2.2 MW cho giàn Đại Hùng; vận hành hệ thống năng lượng cho các giàn khai thác của JOC Cửu Long, Hoàn Vũ và công trình thu gom khí vòm Bắc, Cá Ngừ Vàng… và nhiều công trình quan trọng khác.
Đối với các hoạt động trên bờ, Vietsovpetro đã xây dựng được hệ thống căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp hoàn chỉnh, hiện đại phục vụ cho các khâu trong chuỗi hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Đội khoan gồm 5 giàn tự nâng và 2 trạm sửa giếng. Đội tàu dịch vụ và tàu công trình các loại gồm gần 30 chiếc cùng hệ thống cảng chuyên dùng với bờ cảng dài hơn 1.400m có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu với trọng tải 10.000 tấn và năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng đạt 3 triệu tấn/năm.
Cảng Vietsovpetro là đầu mối quan trọng của Vietsovpetro trong công tác dịch vụ hàng biển. Cảng thuộc sự quản lý của Xí nghiệp Dịch vụ cảng và Cung ứng vật tư thiết bị (XNDV) có nhiệm vụ lưu giữ, cung cấp hàng hóa vật tư thiết bị ra các công trình biển và tiếp nhận toàn bộ hàng hóa từ các công trình biển về bờ phục vụ sản xuất của Vietsovpetro. Để tận dụng những tiềm năng hiện có, tăng nguồn thu cho Vietsovpetro, từ năm 1991 đến nay, XNDV đã phát triển và không ngừng đẩy mạnh công tác dịch vụ cảng cho các tổ chức kinh tế ngoài Vietsovpetro, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau 36 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro hiện có cơ cấu tổ chức gồm bộ máy điều hành với 18 phòng, ban chức năng, 16 đơn vị thành viên và một số ban quản lý dự án với đội ngũ lao động quốc tế. Hiện Vietsovpetro có trên 7.000 cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý và công nhân có trình độ chuyên môn cao, đủ năng lực đảm đương toàn bộ từ khâu hoạt động địa chấn, tìm kiếm thăm dò; đóng mới, chế tạo và lắp đặt giàn khoan đến phát triển mỏ, khai thác dầu khí và xuất khẩu dầu thô, không chỉ cho riêng Vietsovpetro, mà còn có khả năng cung cấp dịch vụ ngoài cho các công ty dầu khí khác trong và ngoài nước.
 
Với kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, Vietsovpetro có đủ năng lực thực hiện tất cả các dự án về dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, Liên bang Nga và các nước thứ ba, đặc biệt là các dự án lớn - cần kết hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nguồn lực lớn. Liên doanh đã và đang hợp tác với nhiều công ty dầu khí trong nước và quốc tế để cung cấp các loại hình dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực như: nghiên cứu, thăm dò và khai thác mỏ; thiết kế, chế tạo, lắp đặt các công trình dầu khí biển; khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí; vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng (O&M) các công trình dầu khí, thiết bị năng lượng; khoan, sửa chữa giếng khoan; đo địa chấn và địa vật lý các giếng khoan; thu gom và vận chuyển khí, vận hành, bảo dưỡng các giàn nén khí;… Cùng các dịch vụ vận tải biển và công tác lặn; phòng, chống và thu gom dầu tràn; dịch vụ cảng và cung ứng vật tư thiết bị; phân tích thí nghiệm; mô hình vỉa; vận tải ôtô, vận tải siêu trường siêu trọng…
Đến nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 226 triệu tấn dầu thô từ Lô 09-1, thu gom và vận chuyển về bờ gần 32 tỉ m3 khí đồng hành, doanh thu bán dầu đạt gần 77 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 48 tỉ USD, lợi nhuận phía Liên bang Nga gần 11 tỉ USD.
Kết quả hoạt động Vietsovpetro đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, hoạt động của tập thể lao động quốc tế trong Vietsovpetro đã góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị quốc tế trong sáng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô (trước đây) cũng như Liên bang Nga và các nước SNG (hiện nay).
Vietsovpetro cũng là đối tác tin cậy của nhiều bạn hàng, nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Những thành quả đạt được của Vietsovpetro đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi hoạt động, vươn ra thị trường dầu khí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí năng lượng Việt Nam

Từ năm 2018, xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ sẽ phải dán nhãn năng lượng

 

Từ năm 2018, xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ sẽ phải dán nhãn năng lượng

Theo thông tư vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành, kể từ ngày 1/1/2018, xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ phải dán nhãn năng lượng.

 Kể từ ngày 1/1/2018, xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ phải dán nhãn năng lượng.

Cụ thể, đối tượng được Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe.

Thông tư không bắt buộc áp đụng đổi với xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự; xe nhập khẩu đơn chiếc và không vì mục đích kinh doanh xe; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ; xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí đầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).

Theo đó, các loại xe thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này phải được dán nhãn năng lượng theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng nếu xe sản xuất lắp ráp thuộc kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; hoặc xe nhập khẩu thuộc kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước ngày 1/1/2018.

Việc tự công bố mức tiêu hao nhiêu liệu và dán nhãn năng lượng này sẽ được thực hiện theo đúng những quy định tại khoản 2 Điều 5 thông tư liên tịch số 43/2014.

 Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng cụ thể như sau: Xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu kể từ ngày 1/1/2018 phải thực hiện dán nhãn năng lượng. Các trường hợp tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018.

Nguồn: Baohaiquan.vn

Gạo Sóc Trăng được thế giới vinh danh

 

Gạo Sóc Trăng được thế giới vinh danh

Ngày 8-11, gạo Sóc Trăng 24 (ST24) của Việt Nam, được vinh danh cùng với gạo của Thái Lan và Campuchia trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc. Gạo ST24 do nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và Ths Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo...
TS Trần Tấn Phương, Giám đốc Công ty giống cây trồng Sóc Trăng, cho biết: “Đối với hội nghị quốc tế về thương mại gạo, hội đồng giám khảo chỉ bình chọn và vinh danh những loại gạo ngon nhất đạt các tiêu chuẩn của gạo ngon thế giới. Vì vậy, gạo ST24 lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới không chỉ là vinh dự, mà còn là cơ hội rất lớn để gạo ST24 nói riêng, các giống ST khác của Sóc Trăng tiếp cận được với phân khúc thị trường gạo cao cấp của thế giới”. 
Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo được Tổ chức “Người buôn bán gạo” có trụ sở tại California (Mỹ) tổ chức hàng năm quy tụ khoảng 200 công ty xuất nhập khẩu gạo và các công ty kiểm phẩm gạo thế giới. 
Bên cạnh việc bình chọn các loại gạo ngon nhất thế giới, hội nghị còn là nơi để trao đổi thông tin thị trường gạo của các nước và thảo luận, dự báo tình hình lương thực thế giới cho năm tới. 

 
Nhóm tác giả giống gạo ST24 ở Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo, tại Ma Cao - Trung Quốc.
Để được lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới, gạo ST24 của Sóc Trăng được hội đồng giám khảo quốc tế gồm những đầu bếp nổi tiếng bình chọn theo các tiêu chuẩn về hạt dài, trắng trong, cơm dẻo, hương thơm đặc trưng… 
Trước đó, tại hội thi “Gạo ngon lúa thơm” trong chương trình lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo lần thứ III khu vực ĐBSCL năm 2017, tổ chức tại TP Sóc Trăng ngày 3-11, gạo ST24 đạt giải Nhất. 
Điều đó cho thấy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các giống lúa thơm ST là rất lớn nếu được đầu tư đúng mức.
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo thơm tại Hội thi “Gạo ngon lúa thơm” mới đây, hầu hết đều đánh giá, hiện chỉ có gạo thơm ST của Sóc Trăng là ngon nhất có thể sánh ngang với một số giống gạo ngon trên thế giới. 
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua: Gạo thơm ST24 là thành quả của nhóm nghiên cứu đã lai tạo cách đây 10 năm. Từ năm 2008, TS Trần Tấn Phương bắt đầu lai tạo giống lúa này, đến năm 2013, chọn ra được những dòng tương đối ổn định, đến năm 2014 gửi đi kiểm nghiệm Quốc gia. Năm 2016, gạo thơm ST24 bắt đầu nổi tiếng ở Chợ gạo Tân Trụ (Long An), Chợ gạo Bà Đắc (Tiền Giang) với các đặc tính: Hạt gạo trắng, trong, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm dứa pha lẫn mùi hương gạo Tám xoan miền Bắc. 
 
Năm 2015, gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới, đến lần thứ 9 này, gạo ST24 của Sóc Trăng được vinh danh. Như vậy, đến nay Việt Nam chỉ mới có 2 loại gạo được vinh danh trên thế giới. Vì thế, gạo ST24 nói riêng, các giống ST hay gạo ngon khác của Sóc Trăng nói chung rất cần được tổ chức sản xuất một cách khoa học trong chuỗi liên kết giá trị bền vững và hiệu quả. 
Nguồn: Đ.Văn – X.T./cand.com.vn

Khánh thành trạm xạc điện nhanh năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam

 

Khánh thành trạm xạc điện nhanh năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam

dự án năng lượng mặt trời áp mái nối lưới tòa nhà EVNCPC và đưa vào sử dụng xe ô tô điện/ trạm sạc điện nhanh đầu tiên tại Việt Nam

Sáng 20/11, Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) tổ chức khánh thành dự án năng lượng mặt áp mái nối lưới tòa nhà EVNCPC và đưa vào sử dụng xe ô tô điện/trạm xạc điện nhanh đầu tiên Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Thủ Tướng Chính phủ và Tập Đoàn Điện lực Việt Nam về việc thực hiện đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, EVNCPC đã nỗ lực đầu tư, nghiên cứu thực hiện để phát triển Lưới điện thông minh theo lộ trình đã hoạch định. Trong đó, hợp phần “Nghiên cứu tích hợp các nguồn năng lượng mới và tái tạo” là một hợp phần rất quan trọng nhằm mục đích giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo ông Nhân, việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời(NLMT) áp mái nối lưới và đầu tư sử dụng xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, nghiên cứu xây dựng trạm sạc sử dụng nguồn điện lưới kết hợp nguồn điện từ hệ thống năng lượng mặt trời là việc làm hết sức cần thiết nhằm từng bước hiện thực hóa việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cũng như các giải pháp sử dụng, đưa các nguồn năng lượng sạch vào các ứng dụng thực tiễn trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Được biết, hệ thống NLMT áp mái nối lưới tòa nhà EVNCPC do Trung tâm Sản xuất Thiết bị đo điện tử ĐLMT trực thuộc EVNCPC làm tư vấn, thiết kế, thi công với tổng công suất 50 kWp, lắp đặt trên diện tích 298 m2, sử dụng tấm pin NLMT của Mitsubishi Electric -Nhật Bản có hiệu suất 16.7% & bộ chuyển đổi Inverter SMA của Đức có hiệu suất 98.4%. Công trình được khởi công vào cuối tháng 8/2017 và nghiệm thu đưa vào sử dụng trong tháng 10/2017 vừa qua với sản lượng NLMT sinh ra trung bình108 kWh//ngày, đáp ứng được trên 10% sản lượng tiêu thụ cho tòa nhà.
Ông Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử EVNCPC cho biết thêm, hiện tại EVNCPC cũng đã và đang triển khai dự án NLMT áp mái tòa nhà các Công ty Điện lực và Công ty Lưới Điện Cao thế miền Trung, trong các giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng triển khai đến trụ sở của từng Điện lực và chi nhánh điện Cao thế cũng như mái nhà vận hành các Trạm biến áp 110kV.
 
Theo ông Dũng, dịp này, EVNCPC đưa 02 xe điện này sử dụng phục vụ đưa đón khách của EVNCPC tại Đà Nẵng nhằm tuyên truyền, quảng bá việc ứng dụng lưới điện thông minh, sử dụng các dạng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của Thành phố Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp, thành phố đáng sống.
 
Nguồn: Xuân Hoài/Báo Công Thương điện tử

Hỗ trợ trực tuyến

4390321
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3263
3902
11288
2330825
90267
4390321

Your IP: 3.21.12.88
Server Time: 2024-11-26 13:26:44

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 57 guests and no members online