Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Xuất khẩu sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm

 

Xuất khẩu sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm

 Với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường và năng lực cạnh tranh của hàng hóa tăng lên, dự kiến cả năm nay kim ngạch XK hàng hóa cả nước sẽ có mức tăng trưởng vượt bậc 18,9%, cao nhất trong vòng 7 năm qua.

 Hoàn thành hơn 92% mục tiêu XK

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính tới hết tháng 10, tổng kim ngạch XK hàng hóa toàn quốc ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khối DN FDI ước đạt 125,5 tỷ USD (tính cả dầu thô XK), tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng trưởng lên tới 20,7%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đầu năm đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng 7% của cùng kỳ năm ngoái và mức tăng trưởng 8,3% của 10 tháng năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch XK hàng hóa đã hoàn thành 92,4% mục tiêu XK 188 tỷ USD trong năm 2017.

10 tháng qua, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kim ngạch XK (tăng khoảng 14 tỷ USD so với 10 tháng năm 2016).

Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện XK đạt 36,5 tỷ USD, tăng 28,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện XK đạt 21 tỷ USD, tăng 38,8%.

Theo Bộ Công Thương: Thị trường XK từ đầu năm đến nay cũng đón nhận những tín hiệu tích cực khi các thị trường XK chính có mức tăng tương đối mạnh. Điển hình là tại thị trường châu Á, ước XK 10 tháng đầu năm có mức tăng khá 28,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 51,5% tổng kim ngạch XK.

Các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ hơn. Cụ thể, tại thị trường khu vực châu Âu có mức tăng 15,1%; thị trường châu Mỹ tăng 12,3%; thị trường châu Đại dương tăng 18,1%; duy chỉ có thị trường châu Phi giảm 0,9%.

XK cả năm đạt 210 tỷ USD

Bộ Công Thương đưa ra dự báo: Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, với mức tăng trưởng khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD.

Mức tăng trưởng trên được nhận định hoàn toàn khả thi khi hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như XK hàng hóa của Việt Nam.

Phân tích sâu về sự phục hồi, bứt phá tăng trưởng XK hàng hóa trong năm nay, một số chuyên gia cho rằng: Đó là do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu NK ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu NK và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.

Ngoài sự thuận lợi mang yếu tố khách quan, một trong những yếu tố thúc đẩy XK tăng mạnh là năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động.

 Đồng thời, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Trong thời gian tới, để hoạt động XK hàng hóa đạt được những kết quả khả quan hơn, Bộ Công Thương định hướng sẽ tiếp tục phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Nguồn: Baohaiquan.vn

 

Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ ra sao?

 Không chỉ được coi là cánh tay nối dài của các ngân hàng, sự mở rộng của các công ty fintech sang lĩnh vực cho vay và huy động vốn có thể là mối đe dọa lớn tới lợi nhuận của các ngân hàng trong những năm tới.

Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp của các ngân hàng thương mại đang là yếu huyệt để các công ty fintech tấn công, giành miếng bánh thị phần.

Vay tiền: ngân hàng không còn là kênh duy nhất

Trong một hội nghị công nghệ tài chính LendIt Europe được tổ chức tại London giữa tháng 10 vừa qua, bà Karen Mills, cựu thành viên nội các chính phủ Mỹ, phụ trách cụm doanh nghiệp nhỏ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã tiết lộ rằng, hai tập đoàn công nghệ khổng lồ là Google và Amazon sẽ sớm đẩy mạnh mảng kinh doanh cho vay với các doanh nghiệp nhỏ. “Tôi cho rằng, họ sẽ nhanh chóng chi phối thị trường và đó là điều tiếp theo sẽ xảy ra”, bà nói.

Đầu năm nay, Amazon cho biết, đã cho các công ty nhỏ muốn mở rộng kinh doanh qua trang thương mại điện tử của chính tập đoàn này vay hơn 1 tỷ USD. Theo bà Mills, Amazon nắm mọi thông tin về các nhà cung cấp bán hàng qua trang thương mại điện tử của mình, trong khi đó Google cũng biết về mọi khách hàng mua và bán hàng qua nền tảng của mình.

Các công ty fintech càng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực huy động và cho vay thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ càng bị chia sẻ

Còn ở Trung Quốc, công ty Ant Financial thuộc tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba cũng đã mở rộng thêm các kênh cho vay tiêu dùng trực tiếp tới khách hàng. Theo đó, người tiêu dùng mua hàng trên hệ thống thương mại điện tử của Alibaba sẽ có thể vay tiền trực tiếp của Ant Financial để mua hàng, thay vì vay từ các công ty tài chính hay ngân hàng. Số liệu từ Bloomberg và China Securitization Analytics cho biết, trong năm nay Ant Financial đã bán 23 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản được cơ cấu lại từ chính các khoản nợ cho khách hàng vay tiêu dùng.

Câu chuyện hoạt động kinh doanh cho vay của Amazon, Google hay Ant Financial đã cho thấy một xu thế mới của các công ty fintech. Đó là không chỉ tập trung vào mảng thanh toán nữa, các công ty fintech đang dần làm thay cả việc của một ngân hàng là cho vay.

Tại Việt Nam, dù những gã khổng lồ như Amazon, Google hay Ant Financial chưa đặt chân vào, nhưng mối đe dọa đó đối với các ngân hàng trong nước không phải là không có. Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 50 công ty fintech đang hoạt động và hầu hết là tập trung vào lĩnh vực thanh toán. Nhưng ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận về sự lan tỏa của các công ty fintech vào các lĩnh vực khác như huy động và cho vay tài chính cá nhân.

Và cũng chẳng phải chờ những “gã khổng lồ” trong làng công nghệ. Năm 2015, FundStart, một nền tảng gây vốn trực tuyến đã được tạo ra như một cầu nối giữa cộng đồng và các dự án khởi nghiệp. FundStart chính là một công ty fintech giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn từ cộng đồng trong bối cảnh các doanh nghiệp này khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng. Một số fintech tương tự cũng đã được thành lập như Betado ra đời nhằm mục đích gây quỹ cộng đồng cho các dự án nghệ thuật. Đặc biệt nhất, từ năm 2016 đã xuất hiện một công ty fintech hoạt động với chức năng huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là Finsom. Công ty này đã cho ra đời website Loanvi.com, hiện nay đã đổi tên thành Huydong.com với mục đích làm cầu nối giữa nhà đầu tư với các cá nhân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Sở hữu 10.000 USD được cung cấp từ dự án Vietnam Silicon Valley, Huydong.com tương tự như mô hình Uber hoặc Grab của ngành tài chính và được quảng bá rằng, quy trình thực hiện đơn giản, an toàn cùng lãi suất cạnh tranh.

Tất nhiên, không phải tất cả lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng đều sẽ bị ảnh hưởng, nhưng các chuyên gia phân tích trên khắp thế giới đều nhận định, mảng kinh doanh bán lẻ, thanh toán và cho vay doanh nghiệp nhỏ sẽ là những mảng bị giảm lợi nhuận vì các công ty fintech trong tương lai.

“Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, người nào nắm nhiều thông tin sẽ có nhiều lợi thế”, bà Mills đã đưa ra cảnh báo như vậy với các ngân hàng khi ngụ ý rằng, các công ty công nghệ lại đang là những công ty nắm nhiều thông tin khách hàng nhất.

Ngân hàng phòng thủ

Vào giữa năm nay, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thành lập riêng một khối có tên gọi là VPDirect với nhiệm vụ chuyên nghiên cứu về fintech, đưa ra các ứng dụng, nền tảng trực tuyến mới đáp ứng sự biến đổi của thị trường tài chính. Các ngân hàng khác cũng đã có những động thái nhất định để chuẩn bị cho cuộc chiến với các công ty fintech. Có lẽ các ngân hàng ở Việt Nam đều đã nhìn thấy bài học Uber và Grab chỉ mất có 2 năm để hạ gục hai hãng taxi lớn nhất cả nước là Vinasun và Mai Linh như thế nào.
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) chia sẻ rằng, với gần 62% dân số trong độ tuổi từ 15-54, sử dụng internet và điện thoại thông minh, nhưng chỉ khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng và chỉ 3% sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty fintech lấp đầy khoảng trống mà các ngân hàng để lại.

“Bởi vậy, không chỉ có các công ty fintech của Việt Nam mà nhiều công ty fintech quốc tế và các quỹ đầu tư nước ngoài như Investree của Indonesia hay The FinLab của Singapore cũng đang hướng tới thị trường này”, ông Thái nói.

Một số ngân hàng cho rằng, fintech chính là cánh tay nối dài của ngân hàng giúp gia tăng lượng khách hàng. Nhưng đó là mới chỉ nhìn ở lĩnh vực thanh toán, khi các công ty fintech cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến như Samsung Pay, VNPay, ví điện tử Momo hay Moca. Một khi các fintech đã mở rộng cả sang lĩnh vực huy động và cho vay ngang hàng (peer-to-peer), thì họ sẽ là đối thủ trực tiếp của các ngân hàng.

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, chính các thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp của dịch vụ ngân hàng truyền thống sẽ đẩy khách hàng về phía các công ty fintech.

Nhưng với các nền tảng huy động vốn cộng đồng và cho vay trực tuyến như huydong.com hay FundStart, thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều và việc tiếp cận vốn cũng dễ dàng hơn. Sẽ còn cần có thời gian để các công ty fintech lớn lên và người tiêu dùng làm quen với dịch vụ của họ. Tuy nhiên, rõ ràng thách thức đang hiện hữu đối với các ngân hàng thương mại truyền thống 

Trích nguồn: http:enternews.vn

APEC 2017: Xây dựng khu vực hướng tới nhất thể hóa kinh tế khu vực

 

APEC 2017: Xây dựng khu vực hướng tới nhất thể hóa kinh tế khu vực

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa bị đảo ngược và bảo hộ mậu dịch nổi lên, việc xây dựng một khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương toàn diện, chất lượng cao sẽ tiếp thêm động lực cho việc thực hiện nhất thể hóa kinh tế khu vực này.
 Đây là nhận định của một số chuyên gia kinh tế được Đài Bắc Kinh trích dẫn và đăng tải ngày 9/11, đồng thời cũng là một trong những chủ đề nóng tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, diễn ra từ ngày 10-11/11, tại Đà Nẵng.
 Ý tưởng xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương nảy sinh khi các nền kinh tế gặp khó khăn trong quá trình thực thi các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do vì sự phức tạp của các ưu đãi và quy tắc xuất xứ.
   Để "gỡ rối"vấn đề này, Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng trên nền tảng tích hợp nhiều hiệp định thương mại tự do mang tính biệt lập, đồng thời sẽ bao gồm các lĩnh vực nhạy cảm còn chưa được giải quyết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như nông nghiệp, quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ...
 Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC thuộc Đại học Nam Khai, Lưu Thần Dương, việc hoàn thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương sẽ giải quyết căn bản vấn đề trên, đồng thời tạo dựng một khung chế độ hoàn chỉnh, hiệu quả cao cho việc nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 Trong khi đó, nhà nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Triệu Giang Lâm cho rằng sáng kiến này không những có thể làm dịu cục diện căng thẳng do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gây ra, mà còn có thể giúp nhiều nền kinh tế hoàn thành việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, tiếp thêm động lực mới cho phát triển trong tương lai.
 
 Theo đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Don Campbell, việc các bên cùng nỗ lực thực hiện nhất thể hóa kinh tế khu vực, xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á-Tháí Bình Dương và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương có thể tiếp động lực ổn định cho duy trì kinh tế tăng trưởng.

Nguồn: Vietnamplus.vn

APEC 2017 bế mạc, thông qua Tuyên bố Đà Nẵng

 

APEC 2017 bế mạc, thông qua Tuyên bố Đà Nẵng

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC chụp ảnh chung tại lễ bế mạc chiều 11/11.

Vinanet - Sự kiện quan trọng nhất trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã thành công tốt đẹp...
 
Chiều 11/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 đã bế mạc, đồng thời thông qua Tuyên bố Đà Nẵng. 
Ngay sau bế mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì họp báo quốc tế, thông báo sự kiện quan trọng nhất trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã thành công tốt đẹp.
Theo Chủ tịch nước, Hội nghị Cấp cao APEC 2017 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung, đồng thời thống nhất 5 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, thông qua kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường.
 Đây cũng là một nội dung quan trọng trong đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị; cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển du lịch bền vững.
Thứ tư, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á-Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, góp phần để châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới và bộ kinh nghiệm điển hình APEC về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, APEC đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hoàn tất các mục tiêu Bogor (các mục tiêu được các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nêu tại Bogor, Indonesia năm 1994, về quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển, và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển) vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư.
 
Để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của APEC sau năm 2020.
Đó sẽ là một diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Cũng tại lễ bế mạc, Việt Nam - nước chủ nhà APEC 2017 - đã tiến hành chuyển giao vai trò Chủ tịch Năm APEC 2018 cho Papua New Guinea.

Nguồn: Song Hà/VnEconomy

 

MEMS/ Sensor giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam

 

MEMS/ Sensor giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển ngành công nghiệp vi mạch

Vinanet -Chiều (8/11) được sự uỷ quyền của UBND TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo thông tin về Diễn đàn Công nghệ hệ thống vi cơ điện tử (MEMS)/ Sensor TP. Hồ Chí Minh với chủ đề: "MEMS/ Sensor giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam".
Diễn đàn MEMS/Sensor là nơi để các nhà doanh nghiệp (DN), nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư, gặp gỡ trao đổi về những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tới hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống. Đặc biệt diễn đàn tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hợp tác đầu tư sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp MEMS/Sensor cho TP bao gồm từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Đây cũng là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đại diện Ban tổ chức, Diễn đàn có sự tham gia trình bày của nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến như: Ông Roger Grace, Chủ tịch Hiệp hội RGA; ông Tom Nguyen, Giám đốc điều hành DuAn Sensing; TS. Henderrik F.Hamann- Quản lý cao cấp Trung tâm nghiên cứu IBM T.J Watson…
Diễn đàn sẽ diễn ra từ ngày 8- 9/11 tại TP. Hồ Chí Minh, riêng trong ngày 9/11 sẽ tập trung đề cập đến các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor; Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường. Cuối mỗi phiên sẽ có phần thảo luận bàn tròn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học và các chuyên gia cùng có ý kiến đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor cho TP. Hồ Chí Minh.
Đến nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2030” với nhiều mục tiêu và hoạt động theo từng giai đoạn nhằm phát triển ngành vi mạch, gắn với ứng dụng Internet of Things (IoT) trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Ngoài ra, TP sẽ tạo cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để xây dựng nền tảng công nghiệp vi mạch bán dẫn theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ hiện đại làm trọng tâm. Tập trung thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa TP với các đơn vị trong và ngoài nước, nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái phục vụ công nghệ vi mạch.
 
Được biết, đến nay kết quả ban đầu của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã có tên trên bản đồ sản xuất chip của thế giới bằng việc thu hút nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft… TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại dịch vụ, phát triển sản phẩm ứng dụng phù hợp cho đô thị thông minh, hình thành phát triển cộng đồng vi mạch Việt Nam và kết nối với các tỉnh thành, bộ ngành để phát triển ngành công nghiệp vi mạch.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử

Hỗ trợ trực tuyến

4390470
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3412
3902
11437
2330825
90416
4390470

Your IP: 3.144.42.174
Server Time: 2024-11-26 13:51:38

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 96 guests and no members online