Giá dầu tiếp tục tăng mạnh

Trong phiên giao dịch sáng nay (18/10, theo giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao sau tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 85,51 USD/thùng. Có thời điểm giá dầu thô Brent đạt 85,73 USD/thùng, mức giá cao nhất của dầu thô Brent kể từ tháng 10/2018.

Tương tự, giá dầu WTI cũng tăng cao. Theo đó,  giá dầu ngọt nhẹ WTI  giao sau tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 83,4 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giá dầu thô thế giới đã có 8 tuần tăng giá liên tiếp và leo đỉnh 3 năm vào cuối tuần trước. Giá của cả hai loại dầu Brent và WTI cùng tăng hơn 3% vào tuần trước. Còn tính từ đầu năm nay, giá dầu đã tăng khoảng 69%.

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh

Đà tăng của giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng khi mùa đông đến.

Các nhà phân tích cho biết, nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây là do khủng hoảng năng lượng đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Singapore… Khủng hoảng năng lượng đang đẩy giá nhiên liệu như giá khí, giá than tăng cao. Việc này thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi sang sử dụng dầu thay cho các loại khí đá, than đá... Điều này khiến nhu cầu dầu thô tăng mạnh dẫn đến giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới tăng mạnh.

Ngoài ra, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC +) khước từ tăng sản lượng dầu trong thời gian tới khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, góp phần đẩy giá nguyên liệu này tăng cao.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng còn do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ "tự nhiên". Vào mùa đông, nhu cầu dầu mỏ và khí đốt thường tăng cao, dẫn tới giá các nguyên liệu này cũng tăng.

 

Tuy nhiên, nguồn cung dầu mỏ thời gian tới có thể tăng do các giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm 12 giàn lên 445 trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Một số công ty năng lượng cho hay họ có kế hoạch tăng chi tiêu vào năm 2021 sau khi cắt giảm chi phí khoan và hoàn thành vào năm 2019 và 2020.

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu thô năm 2022 sẽ lên tới 4,2 triệu thùng mỗi ngày, tăng so với dự báo trước đó là gần 3,3 triệu thùng một ngày.

Còn tại thị trường trong nước, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 11/10, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 967 đồng/lít lên 21.683 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng thêm 934 đồng/lít lên 22.879 đồng/lít.

Cũng trong kỳ điều chỉnh này, giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh. Giá dầu hoả là 16.620 đồng/lít, tăng 980 đồng. Giá dầu diesel là 17.540 đồng/lít, tăng hơn 960 đồng. Còn giá dầu mazut là 17.090 đồng/kg, tăng 510 đồng.

Trích: vietnamnet

 

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài

Giá dầu đã tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong vòng nhiều năm nay sau khi OPEC+ từ chối tăng mạnh sản lượng. Nhiều người bắt đầu tin rằng giá dầu thô đã sẵn sàng tiến lên mốc 100 USD/thùng. 

Giá dầu tăng gần đây là sự kiện mới nhất tiếp nối chuỗi tăng giá hàng hóa trên diện rộng khắp toàn cầu, từ gỗ xẻ đến yến mạch, khí propan và khí đốt tự nhiên. Nhu cầu từ khắp nơi trên thế giới hồi phục trở lại khi các nền kinh tế dần mở cửa sau đại dịch Covid-19, vượt quá khả năng cung cấp của các nhà sản xuất nguyên liệu.

Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) hôm 4/10 đã thống nhất sẽ tuân thủ thỏa thuận về lộ trình tăng sản lượng dầu. Theo đó, nhóm này sẽ bổ sung thêm 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho thị trường trong tháng 11 tới.

Quyết định này của nhóm đúng như dự đoán của đa số các nhà phân tích và các thương gia trên thị trường, tuy nhiên khác hẳn với kỳ vọng của một số người rằng áp lực của Mỹ và Ấn Độ trong việc kiềm chế giá dầu tăng cao có thể đủ mạnh để thuyết phục nhóm nâng mức bổ sung lên nhiều hơn nữa.

Sau khi vượt mốc 80 USD/thùng trong ngày 4/10, giá dầu tiếp tục tăng trong ngày 5/10. Lúc 13h45 GMT ngày 4/10 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đạt 82,43 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong phiên liền trước; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lên 78,72 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% trong phiên liền trước.

Như vậy, giá dầu đã tăng khoảng 60% trong năm nay, với dầu Brent cao nhất trong vòng 3 năm, còn dầu WTI cao nhất 7 năm, làm gia tăng áp lực lạm phát ở những nước tiêu thụ dầu thô lớn như Mỹ và Ấn Độ, đồng thời gây lo ngại làm chệch bánh con tàu hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài - Ảnh 1.

Tamas Varga, nhà phân tích cấp cao thuộc PVM Oil Associates, cho biết: "Thị trường đang tràn đầy niềm tin. Câu hỏi đặt ra là liệu sự lạc quan này có chính đáng hay không?."

Tháng 7/2021, OPEC + đã thống nhất sẽ nâng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/tháng cho đến ít nhất là tháng 4 năm 2022 để khôi phục dần mức giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày ở thời điểm đó.

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sau đại dịch Covid-19 hồi phục mạnh mẽ hơn nhiều so với mong đợi của đa số mọi người, trong khi nguồn cung trên toàn cầu bị gián đoạn bởi nhiều lý do, gần đây nhất là do những cơn bão lớn ở Vịnh Mexico của Mỹ và do các nhà sản xuất không chú trọng đầu tư cho khai thác dầu mỏ trong suốt thời gian dài vừa qua.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô trung bình hàng ngày ở nước này hiện thấp hơn 6,7% so với một năm trước, trong khi kho dự trữ dầu thô thương mại, không bao gồm Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của chính phủ, thấp hơn 15%.

Theo nhà phân tích Varga, giá dầu trên 80 USD/thùng hiện nay khiến một số người "cảm thấy khó chịu" vì giá có vẻ cao một cách vô lý. Tuy nhiên, theo ông thì sự khó chịu này sẽ chỉ kéo dài đến khi có đợt gió lạnh đầu tiên ở Bắc Bán cầu, khi nhu cầu sẽ tăng mạnh và kích hoạt những đợt mua mạnh tiếp theo.

Trên thực tế, giá dầu tăng cao không chỉ do cung – cầu dầu. Các nền kinh tế bắt đầu sôi động trở lại sau giai đoạn dài "ngủ đông" ở thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Giá khí tự nhiên cũng tăng mạnh vì lý do tương tự, trong khi dự trữ khí ở Mỹ và Châu Âu đều thấp. Giá than và khí cùng lúc tăng cao, cùng với nỗ lực cắt giảm sử dụng điện do thiếu điện ở Trung Quốc đã khiến thị trường dầu mỏ bị "vạ lây".

Tình trạng thiếu điện cũng góp phần làm cho giá dầu tăng cao. Một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt trên thế giới có thể chuyển sang sử dụng dầu nguyên liệu. Mặc dù còn quá sớm để nói rằng liệu có nơi nào làm như vậy với số lượng lớn hay không, nhưng các thị trường đều có mối quan hệ chặt chẽ với dầu thô.

Saudi Arabian Oil Co. dự báo rằng sự chuyển đổi tạm thời từ khí đốt tự nhiên sang dầu trong một số lĩnh vực sản xuất điện có thể làm nhu cầu tăng thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Với những cơ sở trên, nhà phân tích Varga cho rằng trong ngắn hạn, giá dầu "vẫn còn nhiều dư địa tăng".

Đích tiếp theo sẽ là 100 USD?

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây đã kêu gọi OPEC và các đồng minh tăng sản lượng dầu để giải quyết tình trạng giá xăng dầu đang tăng vọt. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid1-19.

Ấn Độ, một nước tiêu thụ dầu lớn khác, cũng đã hối thúc OPEC xem xét bổ sung thêm nguồn cung để đảm bảo giá cả phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 Kieran Clancy, nhà kinh tế hàng hóa thuộc Capital Economics, thừa nhận áp lực ngày càng lớn lên OPEC + để nhanh chóng khôi phục cung cấp dầu trở lại mức bình thường.

"Chúng tôi cho rằng việc họ từ chối làm như vậy có nghĩa là thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt trong quý 4, điều này cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay", Clancy cho hay.

Theo nhà kinh tế này, có lẽ câu hỏi quan trọng nhất lúc này "là liệu OPEC + có thể đạt được những mục tiêu đặt ra hay không?"

"OPEC đã thực hiện chưa đến một nửa mức tăng sản lượng theo kế hoạch vào tháng 8 (dữ liệu mới nhất hiện có), phần lớn là do sự gián đoạn hoạt động khai thác ở Angola và Nigeria. Và nếu sản lượng tiếp tục không đạt so với mục tiêu của nhóm, giá dầu cũng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới. "

Một nguồn tin dẫn lời một quan chức của Saudi Arabia cho hay: "Vương quốc này cảm thấy thoải mái với mức giá hiện tại và cảm thấy rằng giá như hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu mỏ"

Trong khi đó, các thành viên khác của OPEC chỉ đơn giản là không thể thúc đẩy mạnh sản lượng. Angola, Algeria và Nigeria đang bơm cạn kiệt và phải chật vật với tình trạng thiếu đầu tư vào các mỏ dầu của họ trong nhiều năm. Họ không có tiền để nhanh chóng bổ sung thêm năng lực sản xuất. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đã ngăn cản sản lượng từ Iran và Venezuela.

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài - Ảnh 2.

Giếng dầu Nahr Bin Umar, miền bắc Basra, Iraq.

 Mới đây, Bank of America (BoA) cũng cảnh báo căng thẳng cung cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu có thể sớm đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng và kéo theo đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.

Theo BoA, việc giá khí đốt tăng cao sẽ tạo ra xu hướng dịch chuyển tiêu thụ từ khí đốt sang dầu mỏ, làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu và đẩy giá dầu leo thang. Nhu cầu năng lượng được dự báo tăng mạnh, do mùa đông năm nay lạnh hơn thường lệ. Mở cửa dịch vụ hàng không quốc tế cũng là một nhân tố làm tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Do đó, giá dầu nhiều khả năng sẽ cán mốc 100 USD/thùng ngay đầu mùa đông năm nay do giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục khi thời tiết giá lạnh đang tới gần. Viễn cảnh này cùng với sức ép lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kế tiếp sau diễn biến tồi tệ liên quan đến đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng điều chỉnh tăng mức dự báo về giá dầu, nhưng ở mức khiêm tốn hơn BoA. Theo đó, dự đoán giá dầu Brent cuối năm nay sẽ tăng lên 90 USD/thùng, tăng so với con số 80 USD đưa ra trước đây, với lý do nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự đoán.

Các nhà phân tích năng lượng thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết: "Các thành viên OPEC dường như không xem giá tăng là một vấn đề quan trọng hiện nay". "Tuy nhiên, nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia đã bắt đầu cắt giảm giá bán chính thức cho các khách hàng chủ chốt của mình, có khả năng giảm bớt lo ngại về việc giá dầu Brent tương lai leo lên trên 80 USD/thùng hoặc cao hơn thế nữa".

Về phía nhu cầu, các nhà phân tích năng lượng thuộc Eurasia Group cho biết lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm lại, sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, áp lực lạm phát gia tăng và sự gián đoạn trong nhiều lĩnh vực do Covid-19 trên toàn thế giới đều có thể làm suy yếu tăng mức trưởng nhu cầu dầu trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, một mùa đông lạnh giá tái diễn ở khắp Bắc bán cầu cũng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng nghiêm trọng ở nhiều trung tâm công nghiệp hàng đầu.

Tập đoàn Eurasia cho rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức 75 USD/thùng vào cuối năm, và sẽ giảm xuống 67 USD trong năm tới.

Trích: https://cafef.vn

 

Khủng hoảng thiếu khí đốt đang lan rộng toàn cầu như thế nào?

Khủng hoảng thiếu khí đốt đang lan rộng toàn cầu như thế nào?

Giá khí đốt - nhiên liệu được sử dụng phổ biến để sưởi ấm và phát điện - tăng chóng mặt đầu tiên ở châu Âu, rồi lan sang thị trường Mỹ và châu Á, khiến cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng mà thế giới đang đối mặt thêm phần nghiêm trọng...

Theo trang CNN Business, tại Mỹ giá khí đốt đã tăng hơn 180% trong vòng 12 tháng qua, lên mức 5,9 USD/1 triệu BTU, mức cao nhất kể từ tháng 2/2014. Giới phân tích cho rằng nếu nhiệt độ ở Mỹ giảm sâu trong những tháng mùa đông sắp tới, nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm sẽ càng tăng mạnh, khiến lượng tồn kho khí đốt của nước này giảm sâu thêm, và giá sẽ còn lên cao hơn nữa.
ÁP LỰC LẠM PHÁT TOÀN CẦU VÌ GIÁ KHÍ ĐỐT LEO THANG
Giá khí đốt tăng là một nguyên nhân đẩy giá dầu thô tăng cao thời gian gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 28/9, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có thời điểm vượt 80 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 12/2018.
“Nếu nhiệt đột giảm sâu ngay từ đầu mùa đông, mọi chuyện sẽ xấu đi rất nhanh”, ông Robert Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho Securities, dự báo về tình hình nguồn cung và giá khí đốt.
Giá khí đốt tăng cao có thể khiến lạm phát ở Mỹ thêm trầm trọng. Người tiêu dùng ở nước này đang phải trả nhiều tiền hơn cho hầu như tất cả các mặt hàng từ ô tô cũ cho tới xăng và thực phẩm.
Lạm phát leo thang đang gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và thậm chí phải tăng lãi suất từ năm 2022. Chính sách tiền tệ thay đổi sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu. Ngoài ra, lạm phát cao cũng khiến một số nghị sỹ Mỹ đặt câu hỏi về sự cần thiết của các chương trình chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
“Trong điều kiện bình thường, giá khí đốt tăng như vậy đã là tệ rồi. Ở thời điểm này, giá khí đốt tăng càng gây lo ngại về lạm phát”, ông Robert McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, nhận xét.
Khủng hoảng thiếu khí đốt đang lan rộng toàn cầu như thế nào?
Diễn biến giá khí đốt tại thị trường Mỹ.
Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Mỹ dùng khí đốt để sưởi ấm và đun nước, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Châu Âu và châu Á thậm chí đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khan hiếm khí đốt còn tệ hơn ở Mỹ. Giá khí đốt leo thang và sự thắt chặt nguồn cung đã góp phần dẫn tới những đợt cúp điện liên miên ở Trung Quốc, gây gián đoạn hoạt động của các nhà máy và phủ bóng lên triển vọng phục hồi kinh tế của nhiều nền kinh tế.
“Đây thực sự là thảm hoạ”, ông McNally nói.
Giá khí đốt tăng vọt đã khiến một công ty sản xuất phân bón lớn của Mỹ phải tạm ngừng hoạt động ở Anh. Lo ngại việc này sẽ dẫn tới khan hiếm thực phẩm, Chính phủ Anh đã phải vào cuộc để giải cứu công ty này.
Trên thực tế, nước Mỹ có thể vượt qua được khủng hoảng khí đốt tốt hơn nhiều nước khác, bởi Mỹ là nước đi đầu thế giới về sản xuất khí đốt nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực khai thác dầu khí đá phiến mang lại nguồn khí đốt dồi dào. Mỹ là một nước xuất khẩu khí đốt lớn. Tuy nhiên, với châu Âu và châu Á, hai khu vực có độ phụ thuộc cao hơn vào nguồn khí đốt từ bên ngoài, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn.
VÌ SAO GIÁ KHÍ ĐỐT TĂNG MẠNH?
Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng mạnh như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ khi hoạt động kinh tế tăng mạnh trở lại, sản lượng khí đốt lại không. Điều đó có nghĩa là nhu cầu phục hồi nhanh hơn nguồn cung, buộc giá phải tăng.
Sau nhiều năm thua lỗ, các nhà sản xuất khí đốt đã trở nên thận trọng với việc đẩy mạnh sản xuất. Lượng khí đốt tồn kho ở 48 bang của Mỹ đang thấp hơn mức bình thường, theo dữ liệu của IEA. Nhu cầu khí đốt ở Mỹ vốn dĩ đã tăng mạnh trong mùa hè năm nay do những đợt sóng nhiệt làm gia tăng nhu cầu sử dụng điều hoà không khí. Trong hệ thống phát điện của Mỹ, 40% nhiên liệu đầu vào là khí đốt.
Sản lượng khí đốt của thế giới còn suy yếu do những đợt gián đoạn sản xuất không được lường trước ở Na Uy và Nga, cũng như siêu bão Ida trên Vịnh Mexico. Do thế giới thiếu khí đốt và giá tăng cao, Mỹ đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt, khiến lượng khí đốt tồn kho của nước này giảm sâu hơn. Năm nay, Mỹ xuất khẩu bình quân 9,6 tỷ feet khối khí hoá lỏng (LNG) mỗi ngày, tăng 48% so với năm trước đó, theo EIA.
Ngoài ra, các quỹ đầu cơ ở Phố Wall cũng góp phần đẩy giá khí đốt lên cao hơn, khi họ nhận thấy rằng mức tồn kho khí đốt đang ở mức thấp bất thường.
“Đây là một cơn bão hoàn hảo để khiến giá khí đốt tăng”, ông Yawger nhận xét.
Có một tin tốt là một số chuyên gia dự báo giá khí đốt có thể sẽ sớm hạ nhiệt. Tuần trước, Bank of America cho rằng những yếu tố rủi ro đã được phản ánh quá mức vào giá khí đốt, cho rằng giá nhiên liệu này sẽ giảm trong quý 4 và tiếp tục giảm trong năm 2022.
Đợt tăng giá khí đốt này diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với các chính phủ trên thế giới, khi họ vừa phải đương đầu với lạm phát cao, vừa phải thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi các nhiên liệu hoá thạch nhằm chống lại sự nóng lên của Trái Đất.
Theo IHS Markit, đã có ít nhất 4 nước trong Liên minh châu Âu (EU) triển khai kế hoạch để tiến tới chấm dứt việc sản xuất nhiên liệu hoá thạch trong nước vào năm 2050. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu phát điện không tạo ra khí thải carbon vào năm 2035 – một mục tiêu tham vọng đòi hỏi một sự dịch chuyển nhanh khỏi khí đốt và than trong phát điện sang năng lượng gió và mặt trời.
Việc giá khí đốt và giá dầu tăng cao hiện nay là một sự nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hoá thạch và sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình “cai” nguồn nhiên liệu truyền thống này.
Trích: https://24hmoney.vn

Thị trường ngày 6/10: Giá dầu cao nhất nhiều năm, khí tự nhiên cao nhất 12 năm, vàng và đồng giảm

Thị trường ngày 6/10: Giá dầu cao nhất nhiều năm, khí tự nhiên cao nhất 12 năm, vàng và đồng giảm

Chốt phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu cao nhất nhiều năm, khí tự nhiên cao nhất 12 năm, cao su, đường và đậu tương tăng, trong khi vàng, đồng và cà phê … đồng loạt giảm

Giá dầu cao nhất nhiều năm

Giá dầu tăng, với dầu thô Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 và dầu Brent tăng lên mức cao nhất 3 năm, sau khi nhóm các nhà sản xuất OPEC+ khó thực hiện kế hoạch tăng sản lượng.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/10, dầu thô Brent tăng 1,3 USD tương đương 1,6% lên 82,56 USD/thùng, trước đó trong phiên có lúc đạt 83,13 USD/thùng – cao nhất 3 năm. Giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,31 USD tương đương 1,7% lên 78,93 USD/thùng, trong phiên có lúc tăng hơn 2% lên 79,48 USD/thùng – cao nhất gần 7 năm. Cả hai loại dầu đều tăng hơn 2% trong phiên trước đó.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 50%, thêm vào đó là áp lực lạm phát khiến các quốc gia tiêu thụ dầu như Mỹ và Ấn Độ lo ngại nền kinh tế sẽ khó phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Cuối tháng 9/2021, Ủy ban Kỹ thuật Hỗn hợp OPEC+ (JTC) dự kiến, nguồn cung dầu trong năm nay sẽ thiếu hụt 1,1 triệu thùng/ngày (bpd) và có thể dư thừa 1,4 triệu bpd trong năm tới. Tuy nhiên, bất chấp áp lực tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại làn sóng nhiễm Covid-19 toàn cầu lần thứ 4 có thể ảnh hưởng đến nhu cầu hồi phục.

Giám đốc nghiên cứu thị trường Gary Cunningham thuộc Tradition Energy cho biết, giá khí tự nhiên toàn cầu tăng mạnh có thể khiến các nhà máy điện chuyển từ khí đốt sang dầu. Điều đó có nghĩa là giá dầu thô vẫn được hỗ trợ ngay cả khi có một đợt giảm giá trong ngắn hạn.

Giá khí tự nhiên cao nhất 12 năm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 9% lên mức cao nhất 12 năm, do giá toàn cầu tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ tăng mạnh.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn New York tăng 54,6 US cent tương đương 9,5% lên 6,312 USD/mmBtu – cao nhất kể từ tháng 12/2008.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2021 tại Châu Âu tăng hơn 21% và kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 23% lên mức cao kỷ lục mới, do lo ngại một số nước châu Âu sẽ không đủ khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông tới. Giá khí tự nhiên tại châu Á cũng tăng lên gần mức cao kỷ lục, khi Trung Quốc và khách mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn khác cạnh tranh, để có hàng hóa sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu đối với nhiên liệu siêu mát.

Giá vàng giảm

Giá vàng giảm mạnh 1,2%, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD tăng mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn, cùng với đó là các nhà đầu tư chờ đợi số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vào cuối tuần này.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,5% xuống 1.760,3 USD/ounce, giảm phiên đầu tiên trong 4 phiên và vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.760,9 USD/ounce.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 1 năm so với giỏ các đồng tiền chủ chốt trong tuần trước đó, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 (1,5670%) từ mức 1,5223%.

Số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện thị trường lao động, điều này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu giảm bớt kích thích tiền tệ trước cuối năm nay.

Giá đồng giảm

Giá đồng giảm do đồng USD tăng mạnh trước số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vào cuối tuần này và mối lo ngại kéo dài về Evergrande Trung Quốc.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,2% xuống 9.144 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng

 

Giá cao su tại Nhật Bản tăng, sau khi chính phủ mới của Nhật Bản cam kết thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.

Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka tăng 3,2 JPY tương đương 1,5% lên 211 JPY/kg.

Bộ trưởng Kinh tế mới Daishiro Yamagiwa cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Giá cà phê giảm

Giá cà phê arabica giảm hơn 4%, do mưa thúc đẩy năng suất cây trồng cà phê tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London giảm 37 USD tương đương 1,7% xuống 2.111 USD/tấn.

Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE giảm 8,45 US cent tương đương 4,2% xuống 1,919 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 2 tháng (2,0685 USD/lb) trong phiên trước đó.

Giá đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,8% lên 19,85 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 4,9 USD tương đương 1% lên 507,5 USD/tấn.

Nhà môi giới StoneX cho biết, nguồn cung đường toàn cầu dự kiến sẽ được cải thiện trong niên vụ 2021/22, do sản lượng tăng cao tại châu Á và châu Âu.

Giá đậu tương tăng, ngô và lúa mì giảm

Giá đậu tương tại Mỹ tăng 1,3%, do thị trường năng lượng tăng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu sinh học sản xuất từ đậu tương.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 15-3/4 US cent lên 12,51-1/2 USD/bushel, giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 2,31 US cent lên 61,14 US cent/lb. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 3-1/4 US cent xuống 5,37-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 11-3/4 US cent xuống 7,44-3/4 USD/bushel.

Giá dầu cọ tăng 4%

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 4% lên mức cao kỷ lục (4.786 ringgit/tấn), do giá dầu thô tăng mạnh và tồn trữ dầu cọ trong tháng 9/2021 giảm.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 3,38% lên 4.738 ringgit (1.134,17 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 6/10:

Thị trường ngày 6/10: Giá dầu cao nhất nhiều năm, khí tự nhiên cao nhất 12 năm, vàng và đồng giảm  - Ảnh 1.
 
Trích: https://cafef.vn
 

Giá dầu thô sẽ thiết lập đỉnh cao mới

Theo báo cáo của CFTC, các quỹ đồng loạt cắt giảm vị thế bán WTI và Brent trong tuần vừa rồi, sau khi giá dầu đã duy trì đà tăng trì từ đầu tháng 9. Hiện giá Brent giao tháng 11 đã vượt qua mốc 79 USD/thùng, và thị trường đang chờ đợi xem giá có chạm đến mức 80 USD/thùng trước khi cuộc họp OPEC+ diễn ra vào tuần sau không.

Theo đánh giá của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA, sản lượng dầu thế giới đang ở mức 97.3 triệu thùng/ngày, trong khi tiêu thụ đã lên mức 98.55 triệu thùng/ngày, và nhiều khả năng tình trạng thiếu hụt sản lượng sẽ kéo dài đến hết năm nay nếu mùa đông lạnh hơn bình thường khiến nhu cầu tăng thêm 900,000 thùng/ngày.

Điều này đang thúc đẩy người mua gia tăng dự trữ, và có khả năng họ sẽ tìm được người bán tại mức giá hiện tại: OPEC+ vẫn còn công suất khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày chưa tung ra thị trường. Đối lập các thành viên châu Phi như Angola, Nigeria gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng, vẫn có các quốc gia đã liên tục nâng cấp, mở rộng sản xuất như Iraq và Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE).

Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE vừa thông báo sẽ cung cấp toàn bộ sản lượng các loại dầu thô cho các khách hàng tại châu Á trong tháng 12, lần đầu tiên kể từ khi tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng tháng 9/2020.

Trong khi đó, các giàn khoan tại Mỹ đã tăng liên tục 3 tuần. Khác với các tập đoàn lớn, các công ty dầu độc lập không chịu áp lực từ cổ đông, do đó họ có thể tranh thủ gia tăng sản lượng khi giá lên cao. Với mức giá trên 70 USD/thùng hiện tại, mỗi thùng dầu sản xuất đều tạo lợi nhuận tốt.

Trích: https://baomoi.com

 

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

4372179
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
268
2615
9276
2313301
72125
4372179

Your IP: 13.58.61.197
Server Time: 2024-11-21 06:48:07

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
76 khách & 0 thành viên trực tuyến