Một góc Cát Bà - Ảnh: Zing.
Yêu cầu này của Thủ tướng cùng một mạch với quyết tâm của Chính phủ tập trung phát triển du lịch, đưa du lịch cả nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với chỉ tiêu rất cụ thể là, tăng gấp đôi lượng khách quốc tế đến, và du lịch phải đóng góp 10% GDP.
Trước khi bàn rộng ra trên địa bàn cả nước, hãy thử nhìn vào một địa bàn Hải Phòng, như là trường hợp cụ thể, xem một nhiệm vụ có vẻ như trong tầm tay mà đã nhiều năm chưa với tới này của ngành du lịch Việt Nam là do đâu và sẽ có khả năng giải quyết thế nào!?
Đã từng đi đầu
Quả là có lý khi đặt vấn đề du lịch cả nước muốn trở thành mũi nhọn thì ở những địa bàn như Hải Phòng phải là những địa phương đi đầu.
Trước đây cả miền Bắc, sau Hà Nội là Hải Phòng chứ không phải Quảng Ninh hay Ninh Bình, Thanh Hóa, là địa phương nổi tiếng về thương mại du lịch.
Từ thời phong kiến, Vua Bảo Đại đã chọn Đồ Sơn để xây biệt thự. Nam Phương hoàng hậu đã chọn Đồ Sơn xây lâu đài. Sau này, Trung ương, Chính phủ cũng chọn Đồ Sơn là trung tâm hội nghị hội thảo tiếp khách quốc tế. Các hãng lữ hành đầu bảng của ngành Du lịch Việt Nam lúc đầu cũng có tên các hãng lữ hành Hải Phòng.
Trong tình hình đất nước còn khó khăn, Hải Phòng cũng là nơi đầu tiên phục hồi lễ hội dân gian truyền thống quy mô lớn, mở ra hình thức liên kết văn hóa với du lịch như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Du lịch gắn với thể thao thì Hải Phòng cũng đi đầu trong các kỳ tổ chức các giải thi đấu tennis, ngay từ ngày thành lập lại ngành du lịch.
Hải Phòng có lẽ cũng là một trong số ít địa phương sớm được phép mở casino để thu hút khách quốc tế đến. Người Hải Phòng vì thế cũng khá nổi tiếng là dân sành ăn sành chơi, thạo nghề thương mại, du lịch, giao lưu tiếp đãi khách hàng, bè bạn, làm nhiệm vụ giao tế, khiến Hải Phòng là lá trầu mặt của đối ngoại công vụ Việt Nam.
Tiếc rằng những năm gần đây, du lịch Hải Phòng mất dần thương hiệu, nếu không muốn nói là đi xuống, gần như ít thấy tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam! Cả Thành phố không có hãng lữ hành chuyên nghiệp đầu bảng.
Hải Phòng không có khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ, không có khách sạn quy mô lớn, đẳng cấp, khách đến Hải Phòng không nhiều, mỗi năm mới chỉ 4-5 triệu lượt, năm nay phấn đấu về khách quốc tế cũng chỉ là 1 triệu lượt khách, trong khi chỉ tiêu này ở Tp.HCM từ những năm trước đã là 4 triệu; Hà Nội, Khánh Hòa... đã là 3 triệu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng đang quyết tâm cải thiện tình hình...
Ngay 2 ngày sau khi Thành phố tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tầm cỡ quốc gia, ngày 21/9/2016, UBND Hải Phòng đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch. Mới tuần trước, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng bàn về chủ trương và định hướng phát triển du lịch, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch vùng ven biển Bắc Bộ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hải Phòng thành trọng điểm du lịch quốc gia.
Quyết tâm đã rất cao, chủ trương đã rõ, nhiều việc làm của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban và các ngành các cấp ở Hải Phòng đã quyết liệt và bước đầu đã hiện diện trên thực tế.
Đường càng rộng, khách đi qua càng nhanh
Hiện nay, đường tiếp cận điểm đến đã rất thuận lợi. Hải Phòng là thành phố duy nhất trên thế giới có đủ 5 loại hình giao thông: đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không.
Sân bay Cát Bi đã trở thành sân bay quốc tế. Từ Cát Bi đã có đường bay thẳng tới Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore. Thái Lan. Cát Bi đã kết nối với hầu khắp điểm đến nổi tiếng của du lịch trong nước: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Cần Thơ, Vinh, Buôn Ma Thuột, Pleiku. Hy vọng Hải Phòng sẽ là điểm đến và điểm phân phối khách của cả vùng duyên hải Bắc Bộ.
Sang năm, khi cảng Lạch Huyện khánh thành, Hải Phòng sẽ có cảng biển nước sâu hiện đại nhất nhì khu vực. Hải Phòng sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch tàu biển quốc tế. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào hàng số 1 cao tốc Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế. Hệ thống đường bộ kết nối Hải Phòng với các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình... đã đang được gấp rút nâng cấp, mở rộng. Yếu tố hạ tầng giao thông đã rất thuận lợi cho phát triển du lịch Hải Phòng.
Vấn đề đặt ra lại là, nếu không khéo thì cơ sở hạ tầng càng hiện đại thì càng có nhiều khách đi mà chưa chắc đã tăng khách đến! Khách đã đến, thì đường càng tốt, khách ra khỏi Hải Phòng càng nhanh!
Yếu tố quyết định là sản phẩm và môi trường, cả tự nhiên và xã hội. Hải Phòng có gì để hấp dẫn khách đến, đã đến thì muốn ở lại lâu, tiêu nhiều tiền, và muốn quay trở lại.
Gần đây, Hải Phòng đã liên tiếp thu hút được các nhà đầu tư lớn, với những dự án quy mô nhiều nghìn tỷ, là điều rất đáng mừng. Tổng vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng đến nay đã lên tới hơn 12 tỷ USD vượt xa nhiều tỉnh thành khác, hầu hết được đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo điện tử. Các nhà đầu tư trong nước cũng đã, đang có những dự án lớn vào Hải Phòng.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực du lịch, đã có dự án Venus Cát Bà của Tập đoàn GIICO với 2 tỷ USD, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp ở đảo Hòn Dấu của Tập đoàn Him Lam 5.000 tỷ đồng, dự án văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp của Tập đoàn Xuân Trường 10.000 tỷ đồng, dự án Khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên 19.000 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup, dự án khách sạn Hilton 5 sao của Tập đoàn BGR 2.200 tỷ đồng, hay FLC đã đặt chân đến, đầu tư vào Đồ Sơn...
Lựa chọn sản phẩm đặc thù
Vấn đề lại không chỉ ở các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà phải là sản phẩm du lịch. Hải Phòng cũng như nhiều địa danh của Việt Nam, liệt kê ra, có rất nhiều sản phẩm du lịch. Nhưng sản phẩm đặc thù, nổi trội của mỗi địa phương mới là yếu tố quyết định. Trước đây Hải Phòng nổi tiếng nhờ du lịch nghỉ biển. Lâu nay, nghỉ biển thì Đồ Sơn không bằng Nha Trang, Lăng Cô, thậm chí còn không bằng Thiên Cầm - Hà Tĩnh và Sầm Sơn - Thanh Hóa, lại bị tính mùa vụ chi phối nặng nề.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn rất nổi tiếng nhưng mỗi năm chỉ 2 ngày đón khách! Trong Quy hoạch phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, Chính phủ quyết định có 7 khu du lịch quốc gia trong tổng số 45 khu du lịch của cả nước Hải Phòng không có khu nào, trừ một khu ghép với Quảng Ninh là Hạ Long - Cát Bà.
Cát Bà với vùng vịnh Lan Hạ, điểm đến hấp dẫn có một không hai, lại bị phủ bóng bởi Hạ Long. Trong 5 điểm du lịch quốc gia của vùng, Hải Phòng cũng không được ghi tên điểm nào.
Trong điều kiện đó, Hải Phòng đã chủ động xây dựng tour tuyến, điểm đến, nhưng khá dàn trải. Vẫn biết Hải Phòng có nhiều tour tuyến du lịch hấp dẫn: tuyến Du khảo đồng quê; Hải Phòng - Cát Bà; Hải Phòng - Đồ Sơn - Kiến Thụy; tuyến Bắc Sông Cấm, Tràng Kênh - Bạch Đằng.
Nội thành Hải Phòng có Bảo tàng thành phố, Nhà hát thành phố, có không gian kiến trúc châu Âu. Ẩm thực riêng có của Hải Phòng có bánh mỳ cay, bánh đa đỏ, gỏi sam Đồ Sơn, tu hài Cát Bà...
Nhưng từ tiềm năng, từ tài nguyên rải rác, đến sản phẩm chào bán được, hấp dẫn được khách đến, ở lâu, mua sắm nhiều, còn là khoảng cách khá xa và phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của những người làm du lịch.
Rất mừng là Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo xây dựng khu du lịch quần đảo Cát Bà thành điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp với yêu cầu bắt buộc là không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên, đến khu bảo tồn sinh quyển thế giới, đến vườn quốc gia.
Gần đây nhất, Chính phủ đã quyết định giao Hải Phòng lập quy hoạch tổng thể khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hy vọng là quy hoạch này sẽ được xây dựng với chất lượng cao, xứng với văn hóa Trạng Trình, là điểm đến có một không hai của du lịch văn hóa Việt Nam, đón dòng khách văn hóa hàng tỷ người mỗi năm trên toàn cầu, mà 60% trong số đó là khách du lịch văn hóa.
Chỉ với hai sản phẩm rất riêng có này của Hải Phòng - Cát Bà và khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trạng, nếu được tập trung đầu tư công phu, có nghề, và quảng bá thật tốt, sẽ là điểm nhấn quan trọng để Hải Phòng lại đi đầu trong làng du lịch Việt Nam.
Yếu tố quyết định tất cả là tổ chức và con người làm du lịch. Du lịch là ngành nói dễ làm khó. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Thành phố, Sở Du lịch Hải Phòng được tái lập, là một trong sáu sở du lịch của cả nước.
Tổ chức ngành du lịch Hải Phòng, rộng ra là tổ chức ngành du lịch Việt Nam đã lắm truân chuyên, chia ra nhập vào, thăng trầm lắm bận.
Trong hội nghị chuyên đề gần đây nhất của Sở Du lịch Hải Phòng, có tiếng nói trách nhiệm của một nguyên lãnh đạo Sở Du lịch thành phố than thở và thông cảm với Sở Du lịch vừa lập lại, “bao giờ cho đến ngày xưa”, khi thấy đội ngũ chuyên môn đã phân tán, nhiều người mới đảm trách không chuyên. Hy vọng là các đồng nghiệp tại Hải Phòng sẽ nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống và thành công.
Từ Hải Phòng, nhìn rộng ra là, tổ chức của ngành du lịch sẽ cần được kiện toàn thế nào khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang đặt du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, đóng góp tới 10% GDP cho đất nước!