Theo nhiều chuyên gia, kinh tế Thái Lan là “cựu hổ” của thời kỳ cuối thập niên 90, trong khi Việt Nam đang là “con hổ” mới tại Đông Nam Á. Với quan điểm này, rõ ràng các nhà đầu tư cũng như chuyên gia phân tích sẽ thường xuyên so sánh 2 nền kinh tế này với nhau.
Mới đây, báo cáo về chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Mikkei-Markit cho thấy tình hình sản xuất của Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục trong khi Việt Nam lại đang ở mức đỉnh trong 16 tháng qua.
Cụ thể, chỉ số PMI của Thái Lan giảm từ 49,8 điểm trong tháng 8/2016 xuống 48,8 điểm trong tháng 9/2016, mức giảm mạnh nhất trong 8 tháng qua. Đây cũng là mức điểm thấp nhất trong 10 tháng theo dõi của Nikkei Market và là tháng thứ 5 thấp hơn 50 điểm, mức điểm được cho là an toàn đối với ngành sản xuất.
Số đơn đặt hàng mới tại Thái Lan giảm kỷ lục trong tháng 9/2016 do nhu cầu đi xuống. Số đơn hàng xuất khẩu của nước này cũng giảm mạnh. Tồi tệ hơn, số việc làm trong ngành sản xuất của Thái Lan tiếp tục suy giảm do khối lượng công việc ngày một ít đi.
Trái lại, “con hổ” mới Việt Nam lại đang có những bước tăng trưởng vượt bậc khi chỉ số PMI tháng 9 lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Tất cả các yếu tố như số đơn đặt hàng mới, sản lượng, hoạt động mua sắm đầu tư đều tăng mạng so với tháng 8/2016. Tỷ lệ lao động trong ngành lắp ráp của Việt Nam tăng mạnh nhất trong 5 năm rưỡi qua.
Chỉ số PMI của Việt Nam đạt 52,9 điểm trong tháng 9, cao hơn 52,2 điểm của tháng trước đó. Đây là tháng thứ 10 Việt Nam có chỉ số PMI vượt 50 điểm với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất. Hãng IHS Markit dự đoán tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam sẽ đạt 5,9%.
“Hổ cũ” lo sợ
Trước sự trỗi dậy từ các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan đã buộc phải có những cải cách nhằm lấy lại vị thế kinh tế đã mất sau thời kỳ biến động chính trị cũng như gặp khó về kinh tế.
Bất chấp cuộc bầu cử trong tương lai có kết quả ra sao, chính quyền quân sự của Thái Lan hiện nay đã tự tin tuyên bố kế hoạch phát triển kinh tế trong 20 năm tới. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mới đây tại Bangkok đã mạnh dạn tuyên bố sẽ biến nước này thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2036.
Chính quyền Bangkok đang hướng đến cái gọi là “Giai đoạn thứ 4 của sự phát triển kinh tế” (Thailand 4.0). Theo đó, ngoài những lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và nặng, nước này sẽ sử dụng những động cơ tăng trưởng mới như công nghệ sinh học, Internet of Thing hay mảng cơ điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Để thực hiện được mục tiêu này, chính phủ Thái Lan đang tích cực có những cải cách cơ cấu, như cải cách về thuế, tái cơ cấu 56 tập đoàn quốc doanh, đầu tư thêm 51 tỷ USD cho xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng như đường xá, sân bay...
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha
Phương Tây chọn đàm phán với Việt Nam trước Thái Lan
Tuy vậy, tờ Economist cho rằng vương quốc của loài voi này vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Ngành dịch vụ tại Thái Lan được đánh giá là bị bảo hộ mạnh nhất Đông Nam Á. Thậm chí cả Mỹ hay Liên minh Châu Âu (EU) cũng chưa muốn đàm phán thương mại tự do với Thái Lan mặc dù họ đã đặt vấn đề với nhiều đối thủ trong khu vực như Việt Nam hay Philippines.
Tồi tệ hơn, nhiều doanh nhân tại Thái Lan cho rằng kế hoạch này của chính quyền Bangkok là để “làm màu” hơn là mang tính thực tế bởi chính phủ nước này tốn quá nhiều hội thảo, hội nghị cũng như vướng rất nhiều thủ tục hành chính trước khi có thể bắt tay vào thực hiện.
Tình hình kinh tế Thái Lan hiện nay đang gặp khó khi nhu cầu trong nước suy giảm mạnh, khiến kinh tế nước này đang hoạt động “dưới công suất”.
Tỷ lệ lạm phát của Thái Lan thấp hợn khá nhiều so với mức mục tiêu của chính phủ, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai ở mức rất cao là 10% GDP, tín dụng tư nhân ở mức khá thấp khi chỉ tăng 5% trong quý I/2016.
Đầu tư công của nước này đã tăng với tỷ lệ 2 con số nhờ những kế hoạch lớn của chính quyền quân sự, nhưng đầu tư tư nhân tăng trưởng rất chậm trong khi người dân nước này hoài nghi về nền kinh tế, không dám vay nợ để chi tiêu, đầu tư.
Tăng trưởng GDP và đầu tư tư nhân tại Thái Lan so với cùng kỳ năm trước (%)
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tư nhận nội địa có thể khiến nước này mất 1,4% GDP trong năm nay. Thậm chí, nếu không tính những khoản chi tiêu của khách du lịch nước ngoài, mức ảnh hưởng của tình trạng này có thể còn tội tệ hơn với bằng chứng là thặng dư tài khoản vãng lai ở mức quá cao.
Tâm lý e ngại của người dân được thể hiện rõ khi tỷ lệ lạm phát rất thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tại Thái Lan đã giảm 15 tháng liên tiếp trong năm 2015 và từ đầu năm đến tháng 8/2016, lạm phát mới chỉ tăng 0,3%.
Sự trì trệ của nền kinh tế Thái Lan được biểu hiện vô cùng rõ ràng tại các vùng nông thôn. Kinh tế tại các vùng quê Thái Lan đã tăng trưởng âm trong 7 quý liên tiếp.
Đầu tư công cho thủ đô nhiều nhất thế giới
Chị Nongpetch Khunnasarn, chủ một đại lý xe hơi tại thành phố Khon Kaen cho biết mình không bán được một chiếc xe nào từ 2 tháng này. Trong khi đó, dưỡi thời Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chị bán được ít nhất 1 chiếc mỗi tuần.
Trong khi đó, những người nông dân tại vùng Ban Phue đang phải chạy đua để tích nước. Tình trạng hạn hán kéo dài cũng như giá nông sản giảm trước đây đã khiến hàng loạt nông trại lâm vào cảnh nợ nần.
Trước đây, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra khi lên nắm quyền vào năm 2001 đã thúc đẩy những chính sách hỗ trợ người nghèo nhằm thu hút thêm cử tri bầu cho ông. Những chính sách như dịch vụ y tế giá rẻ, tín dụng nông thôn, nâng tiền lương tối thiểu và áp giá sản nông sản đã khiến nông dân Thái Lan được hưởng lợi lớn.
Mỗi tấn lúa gạo trước đây tại Thái Lan được người nông dân bán với giá 20.000 Bath (625 USD), nhưng do chính phủ bỏ trợ cấp cũng như giá nông sản thế giới giảm, hiện mỗi tấn lúa gạo chỉ bán được khoảng 8.000 Bath.
“Nếu chính phủ không muốn trả thêm cho chúng tôi, chúng tôi cũng chả biết làm thế nào”, anh Anong Wannasupring, một người nông dân nói.
Theo Economist, chính quyền Shinawatra đẩy quyền lực chi phối và giải ngân các quỹ hỗ trợ về cho từng địa phương, nhất là các vùng quê để họ tự quản lý. Tuy nhiên, chính quyền Bangkok hiện nay lại tập trung các quyền quản lý đó về trung ương và điều này khiến người dân khó nhận được hỗ trợ hơn.
Ngân hàng World Bank cho biết hơn 70% chi tiêu công của Thái Lan năm 2010 được chi cho khu vực thủ đô Bangkok, nơi chỉ chiếm chưa đến 17% tổng dân số cả nước. Đây là tỷ lệ đầu tư công cho thủ đô thuộc hàng cao nhất thế giới.
Thay vì tăng cường hỗ trợ cho những người nông dân, chính phủ Thái Lan với những kế hoạch “lớn” đang thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch và người dân thành thị. Nước này đã cắt giảm thuế đang kể cho một số doanh nghiệp cũng như thành công thu hút khoảng 10 triệu lượt khách từ Trung Quốc.
Hiện chưa rõ những cố gắng của chính quyền Bangkok có thực sự đem lại thịnh vượng trước đây cho Thái Lan hay không trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, rõ ràng rằng Thái Lan đang cố gắng thay đổi động cơ tăng trưởng của mình cũng như chuyển hướng tập trung vào những mảng kinh tế khác ngoài nông nghiệp khi giới lãnh đạo của nước này có sự thay đổi.
Trích nguồn : http://cafebiz.vn/