Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Thử nghiệm khai thác bể than sông Hồng sau năm 2021

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch là xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng trữ lượng và tài nguyên than tại Việt Nam đến cuối năm 2015 dự tính gần 49 tỷ tấn, gồm khoảng 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn.

thu nghiem khai thac be than song hong sau nam 2021 hinh 0
Bể than sông Hồng sẽ được đưa vào khai thác thử nghiệm từ năm 2021

 

Quy hoạch cũng xác định, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả 4 dự án, Hòn Gai 4 dự án, Uông Bí một dự án); đầu tư xây mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai 7 dự án, Uông Bí 17 dự án).

Đầu tư cải tạo mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để gia tăng sản lượng khai thác; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương.

Với bể than sông Hồng, giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.

Giai đoạn đến năm 2020, đầu tư xây dựng mới các nhà máy tuyển than: Vàng Danh 2 công suất khoảng 2 triệu tấn một năm, Khe Thần 2,5 triệu tấn, Hòn Gai công suất 5 triệu tấn, Khe Chàm công suất 7 triệu tấn, Lép Mỹ công suất khoảng 4 triệu tấn.

Giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất nhà máy sàng-tuyển Khe Thần từ 2,5 triệu tấn lên khoảng 5 triệu tấn một năm./.

Trích nguồn : http://vov.vn/

Vốn “ngoại” dồn dập chọn Việt Nam là điểm đến

Những tháng đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Một trong những yếu tố tạo nên bức tranh thu hút FDI đầy sắc hồng này là nhờ những hiệp định thương mại tự do được ký kết hay hoàn tất đàm phán gần đây.

Thu hút FDI cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-2-2016 cả nước có 291 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 1,9 tỷ USD, tăng tới 167,5% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, còn có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 898 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đã lên đến con số là 2,803 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là mức thu hút FDI cao nhất cùng kỳ trong vòng nhiều năm trở lại đây, kể từ năm 2010. Vì sao FDI vào Việt Nam lại tăng cao như vậy?

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra 5 lý do chủ yếu.

Một là, với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Như vậy, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn.

Hai là, xu hướng mới của FDI vào châu Á đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn là phương án số 1.

Ba là, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN (AC) trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), không gian kinh tế của nước ta đã được mở rộng ra khu vực.

Bốn là, môi trường đầu tư của Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay đã được cải thiện rõ rệt.

Năm là, nhờ “chất xúc tác” của  các hiệp định thương mại tự do mới giữa nước ta với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, tác động tích cực đến FDI từ những nước đó vào Việt Nam.

von "ngoai" don dap chon viet nam la diem den hinh 0
Sản xuất xe máy tại Công ty Kymco- Bình Dương

Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), 49% trong tổng số gần 540 DN Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Các nhà đầu tư châu Âu cũng kỳ vọng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không chỉ góp phần tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều mà dự báo FDI từ các nước thành viên EU vào Việt Nam sẽ gia tăng. Hiện EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong năm 2015. Các DN EU trong 3 năm qua đang tăng lượng đầu tư một cách nhanh chóng vào Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ công bố Sách trắng 2016 vào đầu tháng 3 này, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam tin tưởng rằng, EVFTA sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của châu Âu vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu và giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Song, đại sứ EU cũng lưu ý điều này phải được hỗ trợ bằng chính khu vực tư nhân của Việt Nam. Theo đó, khu vực này phải tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì NK linh kiện từ nước ngoài.

Theo khảo sát công bố hồi tháng 2 năm nay của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hơn 60% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đây là tỷ lệ gần như cao nhất trong các quốc gia được khảo sát. Trong đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang được các DN Nhật Bản đặt rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành và Hiệp định TPP được ký kết. Riêng đối với Hiệp định TPP, 66% các DN Nhật Bản đặt kỳ vọng cao sẽ giúp thuận lợi hóa thương mại và thuế quan, đứng đầu trong các nước là đối tuợng của khảo sát.

Phải cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa

Tuy lạc quan với việc đầu tư ở Việt Nam nhưng ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội vẫn còn lo ngại về môi trường đầu tư với nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp, không rõ ràng; cơ sở hạ tầng yếu kém... Ông Kawada Atsusuke cho rằng: Dù Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực và có nhiều hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua, nhưng đối với các DN Nhật Bản, họ vẫn chưa thấy được kết quả thực sự từ những cải cách đem lại. Điều này như một lời cảnh báo cho Chính phủ Việt Nam khi mà hiệu quả từ việc cải cách đem lại còn rất thấp.

Theo ông Bruno Angelet, để tạo ra thêm giá trị gia tăng, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, tăng năng suất lao động và cải thiện việc phân bổ vốn thông qua các quá trình ra quyết định tốt hơn và minh bạch hơn. “Nói cách khác, các hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ cải cách và trở thành có hiệu quả hơn đối với người Việt Nam, nhưng các hiệp định sẽ không kích hoạt cải cách. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Việt Nam và ban lãnh đạo sắp tới trong việc nắm lấy cơ hội và thực thi sứ mệnh lịch sử cho quốc gia” – Đại sứ EU nhấn mạnh.

Trích nguồn: http://vov.vn/

“Đại gia” nào muốn thâu tóm Big C Việt Nam?

Đến thời điểm này, có ít nhất 5 đại gia ngoại quan tâm tới thương vụ mua lại Big C - hệ thống bán lẻ khổng lồ tại Việt Nam, trong đó có Lotte, Aeon...

Các "đại gia" ngoại chen chân mua lại hệ thống bán lẻ Big C Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Berli Jucker, Central Group (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc) đang là những cái tên tích cực trong cuộc đua sở hữu chuỗi bán lẻ Big C đã hoạt động lâu năm tại Việt Nam.

Doanh thu bán lẻ tăng và đầu tư từ nước ngoài bùng nổ đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh suốt thập kỷ qua. Ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm CEO Central Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan từng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn với 90 triệu dân. Trong đó 60% ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. 

Vì thế, khi Casino Group (Pháp) - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C Việt Nam thông báo kế hoạch bán chuỗi siêu thị ở Việt Nam để tái cơ cấu, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội này. Reuters cho biết hôm qua (10/3) là hạn chót để các hãng nộp hồ sơ ban đầu chào mua Big C Việt Nam. Còn Bloomberg cũng tiết lộ TCC Holding, Lotte Group và Central Group nằm trong số các công ty đã nộp đơn.

Berli Jucker

Giữa tháng 1, Berli Jucker thông báo đang nhắm tới mua mảng kinh doanh tại Việt Nam của Casino Group. Berli Jucker thuộc TCC Holding - công ty của tỷ phú giàu nhì Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi.

Hãng cho biết do nhu cầu từ thị trường trong nước yếu, họ muốn theo đuổi chính sách tích cực mở rộng sang nước ngoài. Cụ thể là các thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh, như Campuchia, Lào và Việt Nam, Nutt-Hathai Thanachairunsiri - người phụ trách quan hệ cổ đông của tập đoàn cho biết trên Reuters.

Berli Jucker thành lập năm 1882, là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với vốn hóa khoảng 59,3 tỷ Baht (khoảng 1,68 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe - kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.

Hồi tháng 1, Berli Jucker cũng đã hoàn tất mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro.

Central Group

Chỉ vài ngày sau khi thông tin Berli Jucker muốn mua Big C Việt Nam được phát ra, Central Group cũng tỏ ý muốn mua mảng hoạt động của Casino Group tại cả Việt Nam và Thái Lan. Thời gian gần đây, Central rất tích cực mua các tài sản bên ngoài để mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á và châu Âu. 

Tập đoàn Central Group do ông Tiang Chirathivat sáng lập năm 1927. Năm 1957, Samrit Chirathivat - con trai ông Tiang tiếp tục kế thừa sự nghiệp và khánh thành khu trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan, là Central Department Store tại Wang Burapha, Bangkok.

Hiện tại, cháu nội ông Tiang Chirathivat - Tos Chirathivat là CEO Central Group. Tài sản lớn nhất của gia đình là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).

Lotte Group

Cuối tháng 1, Reuters đưa tin Lotte Shopping (thuộc Lotte Group) cũng sẽ tham gia cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam. Lotte Shopping là chuỗi trung tâm mua sắm tổng hợp lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong 5 mảng - trung tâm thương mại, cửa hàng giảm giá, tài chính, cửa hàng điện tử và các mảng kinh doanh khác.

Trích nguồn : http://www.baohaiquan.vn/

Giá dầu thế giới tăng mạnh trước cuộc họp của các nhà sản xuất

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/3, trước thông tin các nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ có cuộc họp vào tháng Tư tới nhằm hạn chế sản lượng 'vàng đen'

Cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Khouris, Saudi Arabia. (Nguồn:TTXVN)

Thông tin này đã "lấn át" thống kê cho hay kho dự trữ dầu của Mỹ đang đầy lên. Trên sàn giao dịch hàng hóa NYMEX (New York), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư tăng 2,12 USD (5,8%) lên 38,46 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Năm tăng 1,59 USD (4,1%) lên 40,33 USD/thùng. Trong nỗ lực nhằm ổn định thị trường dầu mỏ, Mohammed al-Sada, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, cho hay các nước sản xuất dầu chủ chốt trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ có cuộc họp vào ngày 17/4 tới tại Doha. Bộ trưởng Năng lượng Qatar, cũng là Chủ tịch OPEC cho biết, có 15 nước, chiếm khoảng 73% sản lượng dầu toàn cầu, ủng hộ đề xuất trên. Trong một diễn biến có liên quan, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thương mại tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 11/3 đã tăng 1,3 triệu thùng lên mức cao kỷ lục 523,2 triệu thùng./.

Trích nguồn: http://vietbao.vn/

Cơ hội hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Iran

 
Việt Nam và Iran thúc đẩy phát triển về dầu khí. (Nguồn: irishexaminer)

Trong khuôn khổ chuyến công du tới ba nước châu Phi-Trung Đông từ ngày 9-15/3, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani. 

Trong chuyến thăm Tehran lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng và dầu khí, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế. 

Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Trong hơn 40 năm qua, quan hệ ngoại giao hai nước đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học-kỹ thuật. 

Việt Nam và Iran đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng, theo đó Iran luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất xi măng, phân bón...Đây là những lĩnh vực Iran có lợi thế so sánh. Quốc gia Trung Đông này cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng nông sản từ Việt Nam. 

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Iran còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trao đổi thương mại song phương dù tăng đáng kể từ 6,5 triệu USD năm 2001 lên 185,6 triệu USD năm 2011 nhưng đã giảm mạnh xuống còn 106,7 triệu USD năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam chiếm 72,3%. 

Nguyên nhân chủ chốt là do Iran hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế, hai bên chưa thống nhất được các phương thức thanh toán, cũng như giới doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về thị trường của nhau. Hợp tác đầu tư cũng vấp phải không ít khó khăn. 

Năm 2008, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) đã ký hợp đồng thăm dò và phát triển dầu khí lô Danan. Sau thời gian triển khai bước đầu, tình hình tại Iran có những diễn biến phức tạp do lệnh cấm vận của Mỹ nên việc duy trì hoạt động của lô Danan bị gián đoạn. 

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau khi các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Iran được bãi bỏ trong tháng 1/2016 khi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mà Tehran đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7/2015 có hiệu lực, cánh cửa hội nhập trở lại với nền kinh tế thế giới đang dần mở rộng đối với Iran. Đây cũng là cơ hội hấp dẫn cho nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. 

Với khoảng 80 triệu dân, Iran là thị trường lớn tại khu vực Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong 5 năm qua, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường Iran là thủy sản, gạo, chè, càphê, hạt tiêu, hạt điều, mây tre đan, cao su, các sản phẩm cao su, các sản phẩm chất dẻo, linh kiện, phụ tùng máy móc, linh kiện điện tử, dệt may và một số sản phẩm khác. Trong khi đó, hàng hóa Iran xuất vào thị trường Việt Nam chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu, các sản phẩm hóa dầu, kim loại thường, lúa mì, nguyên liệu dệt-da giày... 

Trong các cuộc tiếp xúc ở các cấp giữa lãnh đạo hai nước thời gian qua, Iran và Việt Nam đều mong muốn phát huy truyền thống hợp tác hữu nghị, đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính và ngân hàng.

Đặc biệt, bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Phi 2015 diễn ra hồi tháng 4/2015 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đồng thời nhất trí rằng hai bên cần tìm kiếm các phương thức nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội làm ăn. 

Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ Iran là tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp nhận công nghệ tiến tiến. Nước này đang bắt đầu triển khai các dự án nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong thời gian năm bị cấm vận, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác, với nhu cầu vốn lên tới hàng trăm tỷ USD. Các lĩnh vực chủ chốt như dầu mỏ, khí đốt, hàng không, khai khoáng, thép... được chú trọng phát triển. 

Là quốc gia giàu tài nguyên ở khu vực Trung Đông, Iran đứng thứ tư thế giới về trữ lượng dầu thô qua kiểm chứng (gần 158 tỷ thùng, chiếm hơn 10% trữ lượng của thế giới) và thứ hai toàn cầu về trữ lượng khí đốt (33.800 tỷ m3, chiếm 18,2% trữ lượng toàn thế giới). 

Iran có ví trị vô cùng thuận lợi, làm cơ sở để các sản phẩm có thể thông qua thị trường này vào khu vực Trung Đông. Iran là nền kinh tế lớn thứ 2 tại Trung Đông-Bắc Phi (MENA), với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 400 tỷ USD, sau Saudi Arabia. 

Việc Mỹ và phương Tây bãi bỏ cấm vận kinh tế đang đem lại làn gió mới cho nền kinh tế Iran. Giới chuyên gia dự báo kinh tế Iran có thể tăng trưởng ít nhất 4% năm 2016./.

Trích nguồn: http://www.vietnamplus.vn/

 

Hỗ trợ trực tuyến

4385275
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
2119
4123
6242
2330825
85221
4385275

Your IP: 3.133.108.224
Server Time: 2024-11-25 11:47:07

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 69 guests and no members online