DN khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước bởi những quyết định ảnh hưởng tới quyền lợi, thời gian gần đây không hiếm gặp. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm hơn cả, những quyết định hành chính được ban hành cần phù hợp và tương đương với những sai phạm.
Những thùng sữa dê Danlait bị Cục quản lý thị trường thu giữ 3 tháng và bảo quản không đúng cách
Sau hai lần hoãn, ngày 23 – 24/9 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hành chính sơ thẩm vụ Cty TNHH Mạnh Cầm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội liên quan đến sản phẩm sữa dê Danlait.
Thời gian tạm giữ quá dài
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 21/2/2013 Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra kho hàng của Cty TNHH Mạnh Cầm tại địa chỉ 32 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội và niêm phong toàn bộ 5.600 hộp sữa dê Danlait của Cty do nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm.
Cơ quan QLTT đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm chất lượng. Đến tháng 3/2013, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế đã có kết luận kiểm nghiệm sữa Danlait do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi mẫu. Kết quả cho thấy tất cả chỉ số của sữa đều trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, QLTT Hà Nội vẫn giữ lô hàng gần 3 tháng. Sau gần 3 tháng tạm giữ từ ngày 21/2-13/5/2013, phía Chi Cục QLTT Hà Nội đã trả lại toàn bộ số sữa dê Danlait bị tạm giữ. Đáng chú ý, cùng với việc trả lại sữa, Chi cục QLTT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Cty Mạnh Cầm vì lỗi ghi sai nhãn phụ hàng hóa và xử phạt 15 triệu đồng trên toàn bộ giá trị lô hàng.
Theo đại diện Cty Mạnh Cầm, do không được bảo quản theo đúng quy trình đã khiến hầu hết sản phẩm bị mốc, móp méo và không bán được nên DN đã khởi kiện Chi cục QLTT ra tòa án. Đơn khởi kiện Cơ quan QLTT và cá nhân ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng, Chi Cục QLTT Hà Nội (người ký quyết định) đã được TAND TP Hà Nội tiếp nhận từ 9/7/2013.
Theo đơn kiện, Cty Mạnh Cầm cho rằng, lô hàng 5.600 hộp sữa đã thu giữ bị Chi cục QLTT Hà Nội bảo quản không tốt khiến hư hỏng gây thiệt hại 1,25 tỷ đồng. Cty Mạnh Cầm yêu cầu Chi cục QLTT Hà Nội phải bồi thường hoàn toàn. Bên cạnh đó, QLTT Hà Nội đã có những phát biểu không đúng sự thật trước một số cơ quan báo chí về sản phẩm sữa dê Danlait, gây thiệt hại về uy tín, thương hiệu cho công ty. Do đó, Cty Mạnh Cầm yêu cầu mức bồi thường thiệt hại lên tới 26 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Vinh Sang - Phó GĐ Cty Mạnh Cầm, các mẫu kiểm tra sữa dê Danlait đều được cơ quan y tế của cả phía VN và Cộng hòa Pháp khẳng định, đây là sản phẩm nhập khẩu và phân phối tại VN đạt chất lượng như thành phần đã công bố trên nhãn mác, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn cho người tiêu dùng. Cty Mạnh Cầm là DN phân phối độc quyền sản phẩm này tại VN. Trong khi chưa có kết quả kiểm nghiệm, ông Vương Chí Dũng đã cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và thương hiệu của DN. Tính đến nay, cơ hội tồn tại của sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường VN đã gần như không còn.
Thiệt hại DN chịu
Tại phiên tòa, luật sư đại diên cho cơ quan QLTT cho rằng, Đội GLTT số 12 kiểm tra Cty Mạnh Cầm theo công văn khẩn của Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương. Việc làm của Đội là đúng vì đã phát hiện sai phạm của Cty Mạnh Cầm và đã xử phạt hành chính. Do số tiền xử phạt hơn 10 triệu đồng, Đội trưởng 12 không đủ thẩm quyền phải đề xuất Chi cục ra quyết định. Chi cục trưởng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đã ủy quyền cho cấp phó là ông Dũng. Theo luật sư, điều đó đúng quy định của pháp luật.
Theo vị LS này, qua kiểm tra, đã phát hiện Cty Mạnh Cầm vi phạm. Trong đó, nhãn phụ hàng hóa của sữa Danlait bắt buộc phải chú thích thêm khuyến cáo là pha chế bằng cốc chén, muỗng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, trên các sản phẩm sữa của Cty Mạnh Cầm không hề có nội dung này. Sữa Danlait được xác định là thực phẩm bổ sung, nhưng trên tờ khai hải quan lại ghi là sữa.
Đặc biệt là quá trình kiểm tra đã phát hiện sự chênh lệch rất lớn giữa giá trị sản phẩm ghi trong phiếu xuất kho và giá trị sữa ghi trong hóa đơn GTGT của DN. Điều này cho thấy, Cty Mạnh Cầm có dấu hiệu trốn thuế. Theo QLTT Hà Nội, 190 tờ phiếu xuất kho của Cty Mạnh Cầm ghi giá trên phiếu là 410.000 đồng một lon song trên hóa đơn GTGT chỉ là 115.000 đồng. Vì vậy Chi cục chuyển số tang vật này cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đại diện DN thì cho rằng, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan QLTT còn yêu cầu chuyển 190 phiếu xuất kho của DN cho cơ quan thuế quận Thanh Xuân là trái luật. Bởi vì, trong biên bản vi phạm hành chính không hề đề cập đến số phiếu xuất kho là đối tượng bị xử lý.
Ngoài việc đòi bồi thường, phía DN đã đề nghị tòa tuyên buộc ông Vương Trí Dũng phải xin lỗi công khai vì đã cung cấp thông tin cho báo chí không đúng sự thật, gây ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín của thương hiệu. Đồng thời, Cty Mạnh Cầm cũng yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định do ông Vương Trí Dũng đã ký về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với DN.
Trong ngày thứ hai của phiên xử, đại diện VKS đã chỉ ra một số thiếu sót của hội đồng xét xử. VKS cho rằng, trong vụ kiện này TAND Hà Nội không xác minh, thu thập chứng cứ cũng như yêu cầu các bên đương sự cung cấp bằng chứng làm rõ các tình tiết. Với 190 phiếu xuất kho thu giữ của Cty Mạnh Cầm rồi chuyển cơ quan thuế, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho là đã giải quyết đúng quy định vì nghi có vi phạm pháp luật về thuế. Nhưng theo VKS, đến giờ Chi cục chưa cung cấp kết luận của cơ quan chức năng xác định Cty Mạnh Cầm sai phạm như thế nào. Hơn nữa, tòa án cũng chưa thu thập chứng cứ trong việc này để làm căn cứ giải quyết. Thứ hai, với 7.190 lon sữa được phía nguyên đơn cho là có giá trị 1,25 tỷ đồng và coi đây là số tiền thiệt hại để đòi bị đơn bồi thường, VKS cho rằng tòa chưa yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ hay tổ chức xác minh thẩm định. Tòa nghỉ nghị án đến 27/9.
Tính đến nay, cơ hội tồn tại của sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường VN đã gần như không còn.
Định giá thiệt hại
LS Lưu Vũ Anh - Văn phòng LS Tinh Hoa Việt, Đoàn LS Hà Nội
|
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/1/2010. Tại Điều 13 của Luật đã liệt kê 11 nhóm hành vi mà nếu gây ra thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Đây là những hành vi có ảnh hưởng lớn đến các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do thân thể, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do sở hữu... do đó cần được Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, bằng cách cam kết sẽ bồi thường nếu các hành vi này gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.
Những quyết định hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sẽ được nhà nước bồi thường. Thực tế, việc bồi thường này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Điển hình là vụ việc Cảnh sát Giao thông Hải Dương đã phải bồi thường trên 600 triệu đồng cho lô hàng đông lạnh của một DN. Cán bộ cảnh sát giao thông đã ra quyết định tạm giữ lô hàng không đúng thẩm quyền gây hư hỏng, thiệt hại tài sản của DN và đã phải bồi thường.
Cơ quan cấp nào ra quyết định sai trái gây thiệt hại thì ngân sách cấp đó sẽ phải chi trả bồi thường. Giả sử trong trường hợp Cty Mạnh Cầm được tòa tuyên thắng kiện thì ngân sách thành phố sẽ phải trích ra để chi trả. Vì đây là quyết định hành chính của một cơ quan do một người chịu trách nhiệm ký nên cơ quan đó sẽ phải đứng ra bồi thường. Sau đó, cơ quan có thể sẽ đòi lại cá nhân sai phạm sau.
Điều đáng bàn tại vụ việc trên, trong khi vi phạm của DN được cơ quan QLTT chỉ ra chỉ là sai về nhãn mác. Lỗi này liệu đã đủ để tạm giữ lâu đến như vậy và gây thiệt hại cho DN với giá trị rất lớn. So sánh với vụ việc tại Hai Dương, sữa có thể để lâu hơn hàng đông lạnh. Nhưng người ra quyết định xử phạt cũng cần tính đến khả năng, DN không vi phạm thì lô hàng đó sẽ phải trả lại.
Bên cạnh đó, các thiệt hại như DN nêu về thương hiệu cũng cần phải tính đến. Rõ ràng nếu cơ quan QLTT có những tuyên bố thiếu chuẩn xác hoặc xử lý vấn đề chưa đúng thì thiệt hại về mặt thương hiệu chắc chắn là có. Thành lập một cơ quan định giá thương hiệu trong trường hợp này là cần thiết.
|
Loạn tên sữa
Từ việc nhãn mác của vụ sữa dê Danlait của Cty Mạnh Cầm trong thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng dường như "tỉnh ngộ" và bắt đầu giật mình về tên gọi của những sản phẩm sữa cho trẻ em. Hiện nay thị trường những mặt hàng đóng hộp như người tiêu dùng vẫn gọi là sữa rất đa dạng và phong phú. Ngay một hãng sữa cũng đã có rất nhiều các loại sữa hay thực phẩm bổ sung với quá nhiều tên gọi khác nhau.
Ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm cho hay, trước kia chưa có Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-2:2010/BYT nhiều sản phẩm không đủ hàm lượng 34% vẫn gọi là sữa bột nhưng kể từ ngày 1/1/2011 Quy chuẩn trên có hiệu lực các sản phẩm không đủ hàm lượng protein 34% được gọi theo các tên khác như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng để đúng với bản chất sản phẩm hơn và dễ phân biệt cho người tiêu dùng.
Ông Giang cho hay, việc chia nhỏ các tên gọi của các sản phẩm trên là cần thiết để phù hợp cho tùy từng đối tượng.
Tuy nhiên, dường như chính sự thay đổi đó để các loại sữa trở về với đúng bản chất của mình nhưng lại trở thành bài toán khó đối với người tiêu dùng bởi nó nảy sinh ra quá nhiều tên gọi.
Có một thực tế hiện nay là rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm cho trẻ nhỏ lại ghi những dòng chữ về thực phẩm bổ sung hay thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ. Tuy nhiên, do những cái tên mới này nằm ở những góc khuất rất khiêm tốn, cao chưa đến 1cm nên ít người tiêu dùng để ý. Khi được hỏi về vấn đề ghi nhãn chữ chưa thống nhất cách ghi, ông Giang lý giải, đúng là sau khi đổi tên, nhiều hãng vẫn ghi nguyên tên cũ, chỉ bỏ đi một chữ sữa và họ thay vào đó là cụm từ thực phẩm tăng cường chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung... rất nhỏ và khó đọc.
Cụm từ này nhiều khi người tiêu dùng và cả nhà quản lý tìm nhòe cả mắt cũng không ra. Tuy nhiên, những quy định về cỡ chữ và vị trí ghi nhãn vẫn chưa hoàn thiện. Bởi vậy, cơ quan chức năng vẫn không đủ pháp lý để xử lý, vì DN vẫn ghi đầy đủ, chỉ khác kích cỡ chữ to nhỏ.
|
Nhà máy phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua sau khi lô thủy sản xuất khẩu sang Nhật bị phát hiện có chứa thuốc chuột, phân người.
Cuối tháng 7.2014, 2 hãng tin lớn của Nhật là Japan Times và NHK đồng loạt đưa tin chính quyền tỉnh Yamaguchi (Nhật) phát hiện một số lô cá đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có dính thuốc diệt chuột và chất bị nghi là phân người. Các vật phẩm này được tìm thấy trong các hộp các tông loại 5kg chứa cá đông lạnh, gói trong túi nilon tại hai siêu thị.
Quan chức y tế tỉnh Yamaguchi sau đó đã xác định chất bột này là loại thuốc diệt chuột có chứa diphacinone - hóa chất có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Nếu bị nhiễm lượng lớn, người dùng có thể bị đau đầu, nôn mửa dẫn đến tử vong. Sau đó, Imura đã bắt đầu thu hồi số sản phẩm trên. Đây là lô hàng được nhập khẩu từ tháng 5, do Công ty Rich Beauty (Thái Bình, Việt Nam) sản xuất.
Công nhân tại nhà máy của Công ty TNHH Rich Beauty Việt Nam.
Sau sự việc, phía Nhật Bản đã gửi thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và ngừng nhập hàng của Rich Beauty. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết do đây là sự việc rất nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự phá hoại và ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không riêng tại thị trường Nhật mà cả ở những quốc gia khác nên cơ quan này đã phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ.
Mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến sự việc này. Nghi phạm là Trần Xuân Trình - công nhân tổ bảo quản sản phẩm xuất khẩu của Rich Beauty. Theo điều tra ban đầu Trình đã cho thuốc diệt chuột, chất thải, dao mổ cá và ốc vít vào hàng xuất khẩu sang Nhật Bản làm mất uy tín của công ty nhằm ít việc để được nghỉ theo cam kết.
Trao đổi với VnExpress, đại diện công ty cho biết từ khi xảy ra sự việc (khoảng 2 tháng nay), doanh nghiệp phải ngừng sản xuất vì thị trường chính là Nhật Bản đều bị "đóng cửa".
"Trước đó, chúng tôi chỉ tập trung thị trường Nhật nên không đẩy mạnh việc mở rộng các quốc gia khác. Khi xảy ra sự cố, không được xuất sang quốc gia này nữa, nhà máy buộc phải ngừng sản xuất để chờ đợi kết luận từ phía cơ quan điều tra. Doanh thu và uy tín đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng 9, chúng tôi mới xin được chứng thư để xuất hàng sang thị trường khác, tuy nhiên chưa có nhiều khách hàng nên nhà máy vẫn đóng cửa", vị này nói.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ làm việc với Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, phía cơ quan chức năng cũng như các đối tác Nhật để tiếp tục được xuất khẩu hàng sang thị trường này. "Tuy nhiên, có lẽ phải mất một vài tháng hoạt động mới trở lại bình thường được. Hơn nữa, chưa chắc chúng tôi đã tiếp tục ký được hợp đồng với các đối tác cũ", vị này lo ngại.
Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng tháng 8 năm 2007 tại Khu cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là đơn vị chế biến hải sản cao cấp 100% vốn của Đài Loan. Các sản phẩm chế biến chính của doanh nghiệp là tôm và cá đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Australia. Trung bình, Rich Beauty có 400 công nhân, lúc cao điểm là 700 người. 5 tháng đầu năm 2014, ước tính doanh thu của công ty đạt trên 4 triệu USD.