Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Khách hàng được trả tiền trong vòng 1 tháng nếu ngân hàng phá sản

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 24/2014/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo Thông tư, phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Chậm nhất vào ngày 20 của tháng đầu tiên quý thu phí, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp phí trùng vào ngày Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được nộp vào ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần đó.

Cơ sở tính phí bảo hiểm tiền gửi của quý thu phí là toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi của quý trước liền kề quý thu phí.

 Theo Thông tư, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản, hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

Tại văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán được quy định tại Thông tư này phải nêu rõ việc tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm theo quy định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền bảo hiểm phải chi trả.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm trả cho từng người tại địa điểm đã thông báo.

 Như vậy, từ thời điểm ngân hàng mất thanh khoản, gửi hồ sơ lên Bảo hiểm tiền gửi cho đến khi bảo hiểm tiền gửi xác minh, kiểm tra và lên phương án trả tiền cho người gửi tiền sẽ mất gần một tháng. Sau thời gian này, khách hàng mới nhận lại được tiền.

 Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thanh toán khoản tiền phải trả cho người gửi tiền được bảo hiểm theo thứ tự phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng bị phá sản theo quy định tại Luật Phá sản.

(ST)

Yêu cầu mở rộng điều tra vụ xuất lậu than ở Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng mở rộng điều tra vụ xuất lậu than của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển 324 ở tỉnh Quảng Ninh.

 

Ngày 28/7, lực lượng công an đã bắt giữ hơn 4.000 tấn than xuất lậu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển 324. Trước tình hình tình trạng xuất lậu than ở Quảng Ninh vẫn diễn ra nghiêm trọng, tài nguyên của đất nước tiếp tục bị chiếm đoạt, thất thoát, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an cùng các lực lượng chức năng mở rộng điều tra vụ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển 324 xuất lậu than; làm rõ các đối tượng bao che, tiếp tay cho hoạt động xuất lậu than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, không để tài nguyên, khoáng sản của đất nước bị thất thoát.

Các cơ quan trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 10/2014.

(ST)

 

Giảm giá xăng dầu từ 18h tối 9-9

Từ 18h tối 9-9, các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục điều chỉnh giá 3 mặt hàng xăng dầu, giảm thêm lần thứ 5 trong vòng 40 ngày qua. Tuy nhiên, mức giảm khiêm tốn chỉ từ 30-150 đồng/lít.

Trong đó, xăng A92 giảm nhẹ nhất là 30 đồng/lít, giá bán lẻ sẽ chỉ còn 23.710 đồng/lít. Tổng mức giảm của xăng sau 5 lần giảm liên tiếp sẽ là 1.930 đồng/lít

Dầu diezen giảm 160 đồng/lít,  bằng mức giảm của kỳ trước, còn 21.770 đồng/lít. Dầu hoả giảm 150 đồng/lít, còn 21. 920 đồng/lít. Dầu madut vẫn giữ nguyên giá.

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, khi liên tiếp có 5 lần hạ nhiệt giá cả xăng dầu chỉ trong vòng cách nhau 40 ngày. Chỉ có khác biệt, đây là lần giảm nhẹ nhất của xăng trong hơn một tháng qua.

So sánh tương quan, tổng mức giảm của xăng đã cao hơn so với mức tăng của xăng.

Dầu hoả thường có mức giảm thấp nhất trong mỗi lần điều chỉnh và đến nay, qua 5 lần, đã giảm 1.000 đồng/lít.

Diễn biến thuận lợi trên là do tác động hạ nhiệt từ thị trường thế giới đang giảm sâu. Các mặt hàng trên đều giao dịch trên dưới 110 USD/thùng, thấp hơn tới hơn 10 USD/thùng so với các tháng trước.

Từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có 15 lần điều chỉnh.

(ST)

Hai “ông lớn” hàng không Việt Nam sẽ mua máy bay thương mại của Nga?

Nga sẽ cung cấp máy bay chở khách tầm trung mới Sukhoi Superjet cho hai hãng hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines và VietJet Air

Ảnh minh họa

Tờ Tiếng Nga đưa tin, Nga sẽ cung cấp máy bay chở khách tầm trung mới Sukhoi Superjet cho hai hãng hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines và VietJet Air.

Quyết định quan trọng này đã được thông qua tại cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt về hợp tác thương mại-kinh tế và khoa học-kỹ thuật ở Vladivostok. Tuy nhiên, tại cuộc họp này đã công bố một vài quyết định quan trọng khác nhằm tăng cường sự hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ví dụ, hai bên đã đi đến thỏa thuận về phương tiện thanh toán bằng đồng tiền quốc gia, về việc thành lập các xí nghiệp liên doanh thăm dò và khai thác nhiên liệu hydrocarbon trên lãnh thổ Liên bang Nga ở thềm lục địa biển Pechora, về việc mở đường bay trực tiếp giữa Vladivostok và Việt Nam.

Hội nghị đã rất thành công, chúng tôi đã tiến lên phía trước trong tất cả các vấn đề hợp tác song phương, ông Vsevolod Vovchenko, Chủ nhiệm Phòng châu Á – Thái Bình Dương Bộ Phát triển Kinh tế Nga, cho biết.

“Chúng tôi giám sát quá trình thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên đã được thông qua trong năm qua. Các dự án này đang ở những giai đoạn thực hiện khác nhau. Ví dụ, các dự án năng lượng đang được thực hiện thành công: thỏa thuận với công ty Silovye mashiny về cung cấp thiết bị điện cho nhà máy nhiệt điện Long Phú-1 và thỏa thuận với hãng năng lượng Nga Inter RAO về xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch-2.

Chúng tôi đã đề xuất 5 dự án mới: về cung cấp cho Việt Nam các máy bay trực thăng của Nga, về xây dựng ở Việt Nam nhà máy sản xuất axit sunfuric, nhà máy chuyên ngành sản xuất titan, về cung cấp thiết bị năng lượng và thiết bị bơm khí của Nga, cũng như về việc thành lập tại Nga một cụm công nghiệp nhẹ của Việt Nam. Ban lãnh đạo Nga đã đặt ra nhiệm vụ đảm bảo sớm thực hiện các dự án này”, ông Vsevolod Vovchenko nói.

Như được biết, các nhà lãnh đạo Nga đã thông qua các biện pháp này để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga. Vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc họp của ủy ban liên chính phủ.

Ông Vsevolod Vovchenko cho biết: “Các công ty Việt Nam muốn tăng cường khối lượng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản cung cấp cho Nga. Và các công ty Nga muốn cung cấp cho Việt Nam ngũ cốc và bột mì. Các công ty sẽ thảo luận với nhau về những con số cụ thể, còn chúng tôi thì sẽ giúp họ sớm giải quyết vấn đề với sự gia tăng nguồn cung”.

Theo kết quả năm 2013, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam lên tới 3,9 tỷ USD. Các bên có kế hoạch đến năm 2015 sẽ tăng con số này lên đến 7 tỷ USD. Việc thành lập Khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) và Việt Nam sẽ giúp thực hiện bước đột phá này. Thỏa thuận tương ứng sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2015.

Đồng chủ tịch của ủy ban liên chính phủ, Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam, và thấy rằng, hoạt động chuẩn bị đang tiến triển theo đúng tiến độ. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ bắt đầu hoạt động đầy đủ giá trị, và chúng tôi sẽ ký kết thỏa thuận này thay mặt Liên minh này”.

(ST)

Thị trường thép trong nước: Vẫn còn trở ngại trong tiêu thụ



Mặc dù từ đầu năm đến nay, ngành thép liên tục có những tín hiệu khởi sắc, sản xuất và tiêu thụ đều có bước tăng trưởng nhưng điều này dường như vẫn chưa thể giúp tháo gỡ những trăn trở của các doanh nghiệp ngành này.

Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đối mặt với gian lận thương mại vẫn còn là câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng bán ra của các doanh nghiệp thành viên của VSA tháng 7/2014 đạt hơn 423,6 nghìn tấn, tăng 7,22 % so với cùng kỳ năm 2013, và tăng nhẹ so với tháng 6/2014, lượng thép tồn kho cũng đã giảm. Tuy nhiên, bước vào tháng Tám, tiêu thụ thép có xu hướng trầm lắng. Đại diện VSA thừa nhận, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.

Qua khảo sát tại các cửa hàng, đại lý thép tại Hà Nội, trên phố Đê La Thành, Tam Trinh... lượng thép tiêu thụ trong tháng Bảy và tháng Tám đều khá ảm đạm.

Nguyên nhân được các đại lý này đưa ra là do đây là thời điểm mưa bão nhiều nên không thuận lợi cho các hoạt động xây dựng.

Dự kiến, phải đến quý Tư cuối năm, khi nhu cầu xây dựng tăng cao hơn, lượng tiêu thụ thép mới có sự đôt biến. Hiện giá bán thép giao tại nhà máy (chưa tính VAT) có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm tháng 5-6 trước đó, từ 100.000-200.000 đồng/tấn. Giá bán thép cây và thép cuộn phía Bắc phổ biến ở mức 12,2-12,7 triệu đồng/tấn; trong khi đó, khu vực phía Nam là 12,7-13,6 triệu đồng/tấn.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho rằng, khó khăn của ngành thép nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước. Ngành thép trong nhiều tháng qua tiêu thụ vẫn ở mức chậm, xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, sự phát triển chậm của thị trường xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu, những ngành sử dụng nhiều thép.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng nhỏ trong những tháng qua giảm đáng kể. Như vậy, khó khăn lớn của doanh nghiệp nằm ở việc mất cân đối của thị trường sản xuất nhiều, nhưng tiêu thụ thì ảm đạm. Điều này khiến các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng 50-60% công suất, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.

Đồng quan điểm trên, đại diện Công ty thép Việt Úc, ông Phan Đào Vũ cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ thép vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tiêu thụ vẫn còn ở mức thấp do thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến. Trong khi đó, những chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vận chuyển... vẫn ở mức cao.

Chưa hết khó khăn vì nhu cầu giảm, thị trường tiêu thụ ảm đạm, thép trong nước vẫn tiếp tục gặp khó với thép nhập khẩu giá rẻ. VSA cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đã lên đến trên 7 triệu tấn, mức nhập siêu lên đến 4,33 tỷ USD; với lượng thép hợp kim tăng hơn 56%, tương đương 718 nghìn tấn. Trong đó, phải kể đến lượng lớn thép hợp kim chứa nguyên tố Bo của Trung Quốc nhập vào Việt Nam bán với giá rẻ, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước.

Theo đại diện Công ty thép Việt Úc, sự trầm lắng trong tiêu thụ và khó khăn do thị trường khiến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng sản xuất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một vấn đề khác được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều trong những năm qua là làm sao để hạn chế gian lận thương mại, nhập khẩu thép chứa nguyên tố Bo để trốn thuế.

Lượng thép nhập khẩu chứa nguyên tố Bo ước tính chiếm trên 10% lượng thép tiêu thụ ở Việt Nam và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu dùng thép trong nước. Các giải pháp để ngăn chặn việc lách luật này đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Và các doanh nghiệp vẫn phải tự cứu lấy chính mình bằng việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Băn khoăn về điều này, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, về thép xây dựng, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về sản lượng, chất lượng xây dựng trong nước từ nhà ở đến các công trình cầu đường. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thép từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc vào Việt Nam vẫn rất nhiều.

Trong đó, một số hàng nhập vào Việt Nam có biểu hiện gian lận thương mại, thép chứa nguyên tố Bo nhập với thuế xuất 0% và được bán giá rẻ. Mặc dù vừa qua, thông tư liên tịch 44 của liên Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về quản lý chất lượng đối với thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực, nhằm hạn chế phần nào việc gian lận thương mại. Nhưng đến nay, qua phản ánh của các doanh nghiệp thì tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Để hạn chế tình trạng này, đại diện Công ty phân phối thép SMC cho rằng, bên cạnh những giải pháp từ phía Nhà nước nhằm tạo thị trường cho ngành thép phát triển thì bản than các doanh nghiệp cũng cần phải tái cơ cấu thị trường cũng như chủng loại sản phẩm, đồng thời có chiến lược đầu tư bài bản hơn. Đơn cử như việc chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiêu hao để từ đó giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Có thể nhận thấy, nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn có bước phát triển mạnh, đi lên từ khó khăn như Tôn Hoa Sen, Liên doanh thép Việt-Úc, Minh Ngọc, SeAH Việt Nam, Tôn Đông Á, thép Hòa Phát… Những doanh nghiệp này đã tập trung nâng cao năng lực, chất lượng và cải thiện hiệu quả sản xuất. Theo VSA, bước đi trước mắt cho các doanh nghiệp thép hiện nay là cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng nữa là trong xu thế hội nhập, cần có những giải pháp về hàng rào kỹ thuật hợp pháp, hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước và khuyến khích sản xuất chống gian lận thương mại trong quan hệ mua bán đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Vừa qua, trong nhiều kiến nghị đến các Bộ ngành, VSA cũng đã gửi kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép, trong đó xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính; kiến nghị xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước./.

(ST)

Hỗ trợ trực tuyến

4380027
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
994
956
17124
2313301
79973
4380027

Your IP: 3.14.250.187
Server Time: 2024-11-24 12:09:12

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 81 guests and no members online