Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Nhìn lại thế giới năm 2018: Xu hướng tất yếu của liên kết Á-Âu

 

Nhìn lại thế giới năm 2018: Xu hướng tất yếu của liên kết Á-Âu

Trên nền bức tranh tổng thể của thế giới năm 2018 có nhiều mảng tối thì việc đẩy mạnh hợp tác và tăng cường kết nối giữa châu Á và châu Âu có thể coi là điểm sáng đầy hứa hẹn của năm.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực cũng như hợp tác đa phương đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có, liên kết giữa hai châu lục rõ ràng là sự lựa chọn mang tính chiến lược.

Các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại tác động không thuận đến đà phát triển và liên kết kinh tế thế giới.

Bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực phức tạp hơn; đối đầu địa chính trị gay gắt hơn. Hệ thống đa phương, nhất là hệ thống thương mại đa phương, đối mặt với nhiều nguy cơ.

Trong khi đó, những cơ hội to lớn mà kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng khoa học công nghệ phát triển và nền kinh tế tri thức mang lại có khả năng tạo ra những thay đổi và phát triển mang tính đột phá cho cuộc sống của con người.

Hợp tác được coi là yếu tố then chốt quyết định khả năng ứng phó với những thách thức và chủ động nắm bắt những cơ hội trong thời đại hiện nay.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác và nâng cấp mối quan hệ đối tác giữa châu Á và châu Âu hướng tới tương lai từ lâu đã là nội dung chính của Hội nghị cấp cao Á Âu (ASEM), cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục ra đời năm 1996.

Trong tình hình hiện nay, khi các thách thức và cơ hội đều mang tính toàn cầu, đối tác hợp tác giữa châu Á và châu Âu cũng cần được nâng cấp tương ứng.

Tìm ra phương thức kết nối mới toàn diện và bền vững trở thành lựa chọn tất yếu khi châu Á (trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của ASEAN) và châu Âu cũng đang nổi lên là 2 điểm sáng của tăng trưởng kinh tế và kết nối toàn cầu.

Việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho liên kết và phát triển.

Đặc biệt, nhu cầu kết nối trở nên cấp thiết khi tình hình quốc tế biến động không ngừng buộc Liên minh châu Âu (EU) phải gia tăng sự cam kết của liên minh này đối với châu Á, khu vực có tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng tăng và cũng đang thu hút sự quan tâm của các cường quốc thế giới.

Đối với châu Á, mối quan hệ đối tác và kết nối thiết thực với châu Âu cũng mang lại nhiều lợi ích

Quyết tâm kết nối mạnh mẽ châu Âu với châu Á là chủ đề xuyên suốt được các nhà lãnh đạo của hai châu lục thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM) lần thứ 12 diễn ra tại Brussels, Bỉ hồi tháng 10 vừa qua.

Tại hội nghị, EU đã đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng với tên gọi “Chiến lược kết nối Á-Âu”, được triển khai trên 4 lĩnh vực, gồm kết nối giao thông, kết nối kỹ thuật số, kết nối năng lượng và kết nối con người.

Mục tiêu hướng tới của EU là tạo mạng lưới xuyên biên giới, trong đó cơ sở hạ tầng và kết nối hiệu quả tạo ra sự tăng trưởng và việc làm, cho phép người dân và hàng hóa di chuyển.

Ủy viên châu Âu về giao thông Violeta Bulc khẳng định: "Châu Âu và châu Á có lợi khi phát triển các tuyến thương mại hiệu quả và bền vững giữa hai lục địa. Hiện nay, 70% thương mại là qua đường biển, hơn 25% qua đường hàng không, trong khi đường sắt không đáng kể, do đó vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Chiến lược này sẽ cho các nước châu Âu và châu Á thêm một lựa chọn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng và công nghiệp."

EU nhấn mạnh châu Âu và châu Á kết nối chặt chẽ và tốt hơn thông qua các liên kết giao thông, mạng lưới năng lượng, con người và kỹ thuật số sẽ tăng cường khả năng phục hồi của các xã hội và khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại, bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

EU rất chú trọng đề cao các kinh nghiệm và thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt, tập hợp lực lượng nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy hợp tác theo hướng có lợi; nhấn mạnh đến yếu tố con người và bảo vệ các giá trị của con người, đặt ưu tiên phục vụ con người lên mức cao trong quá trình phát triển; đề ra những chuẩn mực cao về tính minh bạch, công nghệ, bảo vệ môi trường, nguồn huy động vốn....

"Kết nối Á-Âu” có thể coi là một chiến lược lớn đầy tham vọng của EU nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trọng yếu đang có sự cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới.

Đây là lần đầu tiên EU có một chiến lược rõ ràng, toàn diện với châu Á. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đã đến lúc liên minh này cần tăng tốc can dự sâu hơn vào châu Á, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước lớn đã và đang tích cực thúc đẩy triển khai các kế hoạch đầy tham vọng tại châu lục này, như sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc hay “Tứ giác kim cương” của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thực tế cho thấy tại châu Á, thời gian qua, EU đã hướng tới tập trung vào tăng cường ngoại giao kinh tế và phát huy vai trò về an ninh, trong đó thúc đẩy ký kết các FTA với các đối tác chiến lược, như Nhật Bản, Ấn Độ cũng như các quốc gia thành viên ASEAN.

EU từ lâu đã định vị châu Á như một đối tác không thể thiếu, tuy nhiên, để tăng cường sự hiện diện ở khu vực có kinh tế phát triển năng động nhất thế giới này hoàn toàn không đơn giản khi mà đầu tư của các thành viên EU ở châu Á đang giảm so với các đối tác lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Để bảo đảm các lợi ích kinh tế và chính trị của mình ở một châu lục hiện đang là tâm điểm phát triển của thế giới, EU phải đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng và toàn diện, đẩy mạnh mối liên kết giữa EU và các nước châu Á, đồng thời tích cực “quảng bá” chiến lược như một sự lựa chọn thay thế đáng tin cậy và bền vững.

"Kết nối Á-Âu" cũng cho thấy sự năng động và gắn kết hơn của Diễn đàn ASEM. EU coi đây là một phương thức kết nối toàn diện, dựa trên các nguyên tắc chung và bảo đảm tính bền vững, góp phần thúc đẩy gắn kết giữa châu Á và châu Âu trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Những nội hàm kết nối trong chiến lược cũng được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác đã được hai bên thiết lập thông qua các khuôn khổ hợp tác trong ASEM, được đánh giá là bao trùm, tạo cơ sở tận dụng được hết tiềm lực và khả năng của các nền kinh tế thành viên ASEM.

Với chiến lược mới của EU, một môi trường chính trị và kinh tế mới đang hình thành giữa hai châu lục với những điều kiện thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy châu Âu và châu Á xích lại gần nhau hơn.

Thông qua hoạt động kết nối toàn diện này, hợp tác Á-Âu sẽ có thêm động lực và sức mạnh, tạo cơ hội để các hai châu lực ứng phó hiệu quả và thích nghi với những thay đổi của tình hình quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế của ASEM trong duy trì trật tự thế giới đa phương.

Trích Nguồn: Baohaiquan.vn

Các nước thành viên OPEC và Nga cần giá dầu ở mức nào?

 

Các nước thành viên OPEC và Nga cần giá dầu ở mức nào?

Ảnh: Russia Business Today.

Cùng là những nước phụ thuộc lớn vào dầu mỏ nhưng sự khác biệt về bối cảnh kinh tế khiến các nước thành viên của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về quy mô giảm sản lượng dầu cho năm 2019.
Nga
Giá dầu cần thiết: 40 USD/thùng
Sau phiên họp cuối tuần trước tại Moscow, các quan chức của Nga và Arab Saudi thống nhất gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng sang năm 2019. Tuy nhiên, chi tiết về thỏa thuận vẫn chưa được thông qua. Tháng 11, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga hoàn toàn ổn với giá dầu loanh quanh 60 USD/thùng, và rằng nước này đã xây dựng kế hoạch chi tiêu ngân sách cho năm 2019 dựa trên kịch bản giá dầu chỉ hơn 43 USD/thùng.
Arab Saudi
Giá dầu cần thiết: 87,9 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 32%
Arab Saudi luôn là nước đi đầu trong việc tuân thủ thỏa thuận năm 2016 và cũng là nước tăng sản lượng nhanh nhất khi thị trường xuất hiện lo ngại thiếu cung vì Mỹ tái trừng phạt Iran. Quốc gia Trung Đông này đang kêu gọi các thành viên và đồng minh giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu lại lao dốc trong tháng 11. Tuy nhiên, Arab Saudi đồng thời cũng phải chịu áp lực lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, là người muốn giá dầu giảm hơn nữa.
Iran
Giá dầu cần thiết: 68,1 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 10%
Sau khi bị Mỹ tái trừng phạt, sản lượng dầu thô tháng 11 của Iran giảm 230.000 thùng xuống 3,09 triệu thùng/ngày, theo khảo sát của Bloomberg. Cũng trong tháng trước, nước này chỉ bán được dầu thô cho Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tình thế có thể sẽ thay đổi trong tháng 12 bởi Mỹ bất ngờ miễn trừng phạt cho 8 nền kinh tế, cho phép họ tiếp tục mua dầu của Iran trong 180 ngày.
Iraq
Giá dầu cần thiết: 54 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 14%
Iraq có thể là trở ngại cho OPEC+ trong lộ trình đàm phán giảm sản lượng dầu trong năm 2019 bởi nước này tăng sản lượng không ngừng. Đặc biệt từ sau khi hệ thống đường ống dẫn ở miền nam được “hồi sinh” trong tháng 11, nước này bắt đầu bơm dầu trở lại để phục vụ xuất khẩu, cũng như tăng công suất sản xuất tại các bể dầu chính ở miền bắc. Sản lượng dầu của Iraq có thể đạt 6 triệu thùng/ngày vào năm 2025, theo dự đoán của Công ty Tư vấn Wood Mackenzie, từ mức 4,65 triệu thùng/ngày của tháng 10.
Qatar
Giá dầu cần thiết: 47 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 1,8%
Sau 57 năm gia nhập, Qatar ngày 3/12 tuyên bố sẽ rời OPEC từ tháng 1/2019 để tập trung vào hoạt động sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng. Việc Qatar rời OPEC sẽ không tác động lớn vì nước này chỉ chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu của OPEC.
Libya
Giá dầu cần thiết: 132,8 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 3,4%
Libya từng được miễn giảm sản lượng trong thỏa thuận năm 2016 vì ngành dầu mỏ nước này khi đó mới đang dần phục hồi sau nội chiến. Kết quả, nước này liên tục tăng sản lượng, trung bình đạt hơn 1 triệu thùng/ngày. Doanh thu từ dầu của Libya cũng tăng mạnh nhờ xuất khẩu tăng. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Libya dự đoán doanh thu năm 2018 từ dầu sẽ đạt 23,7 tỷ USD, tăng 73% so với năm ngoái.
Nigeria
Giá dầu cần thiết: 124 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 4,6%
Nigeria cũng là nước được loại trừ khỏi cam kết năm 2016 vì nền kinh tế khi đó chịu thiệt hại lớn từ chiến tranh và đường ống bị rò rỉ. Tháng 11, Bộ trưởng Năng lượng Emmanuel Ibe Kachikwu cho biết Nigeria vẫn giữ cam kết với OPEC+ nhưng còn quá sớm để khẳng định rằng nước này sẽ tiếp tục được miễn trừ khỏi các cam kết tiếp theo. Theo đồn đoán, thành viên này của OPEC dự kiến tăng xuất khẩu loại dầu thô chính lên cao nhất 6 tháng trong tháng 1/2019.
Venezuela
Giá dầu cần thiết: 223 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 4%
Sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, sản lượng dầu của nước này đã giảm 140.000 thùng/ngày so với tháng 5, xuống 1,26 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Vì vậy, Venezuela có lý do để ủng hộ việc giảm sản lượng dầu trong năm 2019 nhằm kích thích giá phục hồi.
Algeria
Giá dầu cần thiết: 105,7 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 3,5%
Algeria phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc bán dầu khí và là một trong những nhân tố quan trọng của thỏa thuận giảm sản lượng dầu năm 2016. Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Sonatrach cho rằng nên giảm 1 triệu thùng dầu/ngày để ổn định giá. Theo ông, mức giá phù hợp đối với người tiêu dùng là khoảng 70 – 80 USD/thùng.
Angola
 
Giá dầu cần thiết: 78 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 4,5%
Dầu là nguồn thu lớn nhất của Angola. Trong tháng 10, ngân sách nước này đạt 36,4 tỷ USD nhờ giá dầu thô lên 68 USD/thùng. Bà Ruth Mendes, Chủ tịch Ủy an Kinh tế - Tài chính Angola, cho biết giới hoạch định luật và quan chức chính phủ từng rất lo ngại khi giá dầu thô rớt khỏi mốc này. Xuất khẩu dầu thô tháng 1/2019 của Angola được dự báo sẽ xuống thấp nhất ít nhất 10 năm.
Kazakhstan
Giá dầu cần thiết: 60,6 USD/thùng
Kazakhstan là nước sản xuất dầu lớn nhất khu vực Trung Á. Trong giai đoạn thực hiện cam kết giảm sản lượng năm 2016, nước này liên tục không đạt chỉ tiêu. Tháng 11, sản lượng dầu của Kazakhstan đạt kỷ lục 1,98 triệu thùng/ngày. Đây có thể là cơ sở mà Kazakhstan sẽ muốn dựa vào để tính toán quy mô giảm sản lượng trong năm 2019.
Kuwait
Giá dầu cần thiết: 48 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 8,4%
Kuwait là một đồng minh thân cận của Arab Saudi và luôn tuân thủ cam kết giảm sản lượng năm 2016. Tháng 11, khi được hỏi liệu có ủng hộ việc tiếp tục giảm sản lượng trong năm 2019, Bộ trưởng Năng lượng Kuwait Bakheet Al-Rashidi trả lời rằng: “Chúng tôi không quan tâm đến giá, chúng tôi chỉ quan tâm đến sự ổn định”. Trước đó, nước này sản xuất 2,76 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành/Bloomberg, Reuters

OPEC+ có thể ngăn cản giá dầu sụt giảm?

 

OPEC+ có thể ngăn cản giá dầu sụt giảm?

 Giá dầu tiếp tục dò độ sâu mới, nhưng một số nhà phân tích nghĩ việc bán tháo đã quá nhiều.
Giá dầu Brent giảm xuống 62 USD/thùng vào giữa tuần, xuống gần mức thấp nhất một năm.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ ngày càng tăng, sản lượng kỷ lục từ Saudi Arabia, tồn kho ngày càng tăng và tăng trưởng nhu cầu chững lại kết hợp những điều này đã kéo giá dầu giảm.
Nhưng giá đã giảm quá nhiều, quá nhanh. Một số nhà phân tích cũng nghĩ vậy. Goldman Sachs viết trong một lưu ý ngày 20/11/2018 “việc bán tháo của thị trường dầu mỏ đã vượt quá các yếu tố cơ bản hiện tại và tương lai”.
Goldman Sachs tin tưởng rằng đợt bán tháo gần đây nhất, dầu Brent giảm dưới 60 USD/thùng, mà không có số liệu yếu tố cơ bản mới, cho thấy rằng đợt sụt giảm này phản ánh tổng hợp các yếu tố gồm dự đoán dư thừa trong năm 2019, giao dịch đầu cơ, hoạt động giao dịch thấp trước đợt nghỉ lễ Tạ Ơn cũng như việc bán tháo trong cổ phiếu toàn cầu.
Tuy nhiên, những yếu tố cơ bản vẫn theo xu hướng giảm giá. Và thậm chí OPEC+ đã đưa tín hiệu cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tới, và một chút các tin tức tiêu cực khác.
Libya dự kiến được miễn trừ cắt giảm sản lượng, và sản lượng của họ tiếp tục tăng ổn định. Sản lượng của Venezuela giảm ít hơn so với dự kiến trong tháng 10/2018. Iraq và Kurdistan đồng ý cho phép sản lượng dầu ban đầu lên tới 100.000 thùng/ngày khôi phục dòng chảy thông qua đường ống của người Kurd. Nếu thỏa thuận duy trì và hai bên tăng cường hợp tác thì tiếp tục 200.000 thùng/ngày sẽ được chảy qua đó.
Goldman cho rằng sẽ có một chất xúc tác cơ bản cho giá ổn định. “Trong khi chúng tôi dự kiến giá dần phục hồi, chúng tôi tiếp tục dự kiến giá biến động mạnh cho tới khi có bằng chứng các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ đang cải thiện, đòi hỏi sản lượng của OPEC sụt giảm và những dấu liệu tăng trưởng nhu cầu hồi phục”.
Đường cong dầu Brent tương lai đã phẳng đáng kể và Goldman lập luận rằng giá giao ngay tăng, đường cong tương lai sẽ phải di chuyển trở lại tình trạng backwardation mạnh hơn - một tình trạng giá trong ngắn hạn cao hơn so với giá dầu trong thời hạn dài hơn. Tin tức tốt cho giá dầu là số liệu hiện tại không bào chữa cho sự sụt giảm giá đột ngột gần đây. Đó là vì “tồn kho không được nâng lên, tăng trưởng nhu cầu có thể đánh bại những dự đoán thấp, xuất khẩu của Iran sẽ sụt giảm tiếp và cuối cùng OPEC cốt lõi sẽ giảm sản lượng trong quan điểm của chúng tôi”.
Nhưng giá cũng giảm vì dự đoán nguồn cung dưa thừa tăng lên trong năm 2019. Dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục gây bất ngờ cho thị trường, đánh bại ngay cả những dự báo lạc quan về tăng trưởng sản lượng.
Việc gián đoạn nguồn cung tiếp tục giảm đi, đáng kể nhất tại Libya. Trong khi đó sản lượng căt giảm dự kiến từ OPEC+ cũng sẽ cho phép công suất dự phòng tăng lên, giảm nguy cơ nguồn cung trong tương lai.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng dự đoán của họ giá sẽ phục hồi có thể là sai do hai yếu tố. Đầu tiên, kinh tế toàn cầu có thể bước vào suy thoái và nhu cầu sụt giảm. Hoặc, OPEC+ quyết định không cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới, dẫn tới dư thừa nguồn cung là đáng kể trong năm 2019.
Nhìn vào năm tới, những vấn đề của OPEC+ thậm chí còn phức tạp hơn. Họ có thể quyết định gây tràn ngập thì trường này, có thể khiến giá sụt giảm, nhưng điều đó có thể đè bẹp ngân sách của họ.
 
Trong khi đó, dầu đá phiến của Mỹ sẵn sàng thêm nguồn cung mới vào năm tới. Theo Bloomberg, ngành công nghiệp dầu đá phiến đã vượt quá mong đợi trong năm 2018 và các công ty đá phiến đã không bị chậm lại. Họ đang khoan các giếng mới hiện nay, nhưng chỉ hoàn thành một số. E&P đang giữ một số giếng khoan chưa hoàn thành, đợi các đường ống mới trong năm 2019. Khi các dự án này đi vào hoạt động, một làn sóng cung cấp mới có thể được đưa ra.
Corey Prologo, giám đốc giao dịch dầu tại Houston thuộc công ty buôn bán hàng hóa Trafigura Group cho biết “chúng tôi sẽ thấy việc hoàn thành các giếng khoan tăng tốc tại Permian trong nửa cuối năm 2019”. “Đường ống này sẽ được lấp đầy rất nhanh chóng”.
OPEC+ có thể quyết định cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2018 để ngăn chặn giá dầu sụt giảm. Nhưng nhiệm vụ của họ không dễ dàng hơn khi chúng ta bước vào năm 2019.
Trich Nguồn: VITIC/http://oilprice.com
 

 

Trong tháng 12, sẽ có kịch bản điều chỉnh giá điện năm 2019

 

Trong tháng 12, sẽ có kịch bản điều chỉnh giá điện năm 2019

 Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương không có đề xuất tăng giá điện, cũng không xem xét nếu EVN tăng giá.

 Về điều hành giá điện năm 2019, 4 phương án điều hành giá điện đang được Bộ Công Thương xây dựng và dự kiến báo cáo về Ban chỉ đạo giá trong tháng 12 này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 phương án điều hành giá điện đang được Bộ Công Thương xây dựng và dự kiến báo cáo về Ban chỉ đạo giá trong tháng 12 này.

Thông tin về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2017, EVN lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu bán điện của EVN năm 2017 gần 290.000 đồng, trong đó tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện là hơn 291.300 tỷ đồng. Song EVN có một số khoản thu nhập kinh doanh khác như tiền gửi ngân hàng, hợp tác kinh doanh trong ngành điện và hơn 5.000 chênh lệch tỷ giá từ các năm khác chưa được phân bổ. "Nếu cộng các đầu thu, chi và khoản chênh lệch tỷ giá thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng", ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương không có đề xuất tăng giá điện, cũng không xem xét nếu EVN tăng giá. Bộ Công Thương hiện đang xây dựng 4 kịch bản cấp điện tương ứng các mức phụ tải và 2 kịch bản tương ứng mức nước về. “Giá điện năm tới sẽ được xem xét kỹ và xây dựng kịch bản theo đúng quy định, trong đó có vấn đề tác động đến lạm phát”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, 4 phương án cung ứng điện được đưa ra đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tuy nhiên một số trường hợp hệ thống điện sẽ phải huy động 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện chạy dầu giá cao. Nếu muốn đủ điện thì phải tăng sản xuất điện bằng dầu như vậy giá sẽ đắt hơn. Vì vậy, ông mong người dân, doanh nghiệp có kế hoạch tiết kiệm trong sử dụng điện năng.

Về chuyện thiếu than cho điện, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, TKV và Tổng công ty than Đông Bắc đã cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết. Riêng năm 2018, tập đoàn TKV đạt sấp sỉ cam kết cung cấp than 28 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Trong khi đó, công ty than Đông Bắc cũng đã khai thác 5,8 triệu tấn đạt 98% cam kết cung cấp cho ngành điện, tăng 15% so với năm 2017.

Con số trên cho thấy cả hai đơn vị đều cho thấy lượng khai thác than đang tăng lên. Tuy nhiên, hiện năm 2018 lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng tới thuỷ điện trong khi giá than thế giới cao hơn nên doanh nghiệp không mặn mà với nhập khẩu. Nhưng với trường hợp bắt buộc, vẫn phải nhập khẩu đảm bảo đủ điện.

Cuối tuần trước, nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có trụ sở chính nằm ngay trong vùng lõi than của cả nước thông báo phải dừng vận hành 2 trên 4 tổ máy vì thiếu than để sản xuất. Theo tính toán, nhà máy vẫn thiếu 145.000-200.000 tấn than để đủ phát 4 tổ máy và mỗi ngày mất khoảng 10 triệu kWh, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng.

 Báo cáo lên Chính phủ, EVN cho biết, loạt nhà máy nhiệt điện khác thuộc tập đoàn này đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện. Nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng tuần trước vừa phải giảm công suất 2-4 tổ máy về mức tối thiểu, thậm chí một số tổ máy còn ngừng hẳn hoạt động; riêng Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3/11.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng đã  giao các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, không để thiếu than cho điện như vừa qua, yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019.

 “Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần gửi thư cho các lãnh đạo cơ quan chức năng, yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt. Nếu không thực hiện tốt sẽ truy trách nhiệm các bên liên quan", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trich nguồn: Baohaiquan.vn

 

Từ 15h chiều ngày 21/11/2018, xăng dầu giảm giá mạnh

 

Từ 15h chiều ngày 21/11/2018, xăng dầu giảm giá mạnh

 Cụ thể, từ 15h ngày 21/11/2018, Xăng E5RON92 giảm 973 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 1.093 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S giảm 907 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 844 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 508 đồng/kg.
 
Thực hiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT; căn cứ Công văn số 4098/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về điều hành giá xăng dầu, Công văn số 1134/VPCP-KTTH ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ về công bố giá cơ sở xăng dầu; Thông báo số 717/TB-BCĐĐHG ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28 tháng 9 năm 2018; căn cứ Công văn của Bộ Tài chính: số 1072/BTC-QLG ngày 18 tháng 11 năm 2016 về điều hành kinh doanh xăng dầu, số 12218/BTC-QLG ngày 05 tháng 10 năm 2018 về thuế nhập khẩu bình quân trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, số 3910/BTC-QLG ngày 04 tháng 4 năm 2018 về công bố giá cơ sở xăng RON95, số 367/BTC-QLG ngày 06 tháng 4 năm 2018 về tính giá cơ sở xăng RON95, số 404/BTC-QLG ngày 17 tháng 4 năm 2018 về công bố giá cơ sở mặt hàng xăng RON95, số 1309/BTC-QLG ngày 20 tháng 11 năm 2018 về điều hành kinh doanh xăng dầu;
 
Nhằm mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, đồng thời tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân;
 
Căn cứ thực tế về giá xăng dầu hiện nay: Mặc dù giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian trong 2 kỳ điều hành gần nhất vừa qua tuy có giảm nhưng một vài ngày gần đây có dấu hiệu tăng trở lại. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sau một thời gian dài được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì đến nay số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp sụt giảm đáng kể, thậm chí còn âm . Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm phục vụ công tác bình ổn giá xăng dầu trong nước sắp tới trong giai đoạn trước, trong, sau Tết là cần thiết (từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường mới đối với các sản phẩm xăng dầu). Đồng thời tiếp tục khuyến khích thương nhân kinh doanh xăng dầu kinh doanh xăng sinh học E5RON92, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5RON92;
 
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định:
 
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
 
Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
 
- Xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu mazut: giữ nguyên mức trích lập như hiện hành;
 
- Xăng RON95: 950 đồng/lít;
 
- Dầu diesel: 500 đồng/lít.
 
Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
 
- Xăng E5RON92: ngừng chi sử dụng;
 
- Dầu hỏa: ngừng chi sử dụng;
 
- Dầu mazut: ngừng chi sử dụng.
 
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như mục 1 nêu trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau:
 
- Xăng E5RON92: giảm 973 đồng/lít;
 
- Xăng RON95-III: giảm 1.093 đồng/lít;
 
- Dầu diesel 0.05S: giảm 907 đồng/lít;
 
- Dầu hỏa: giảm 844 đồng/lít;
 
- Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 508 đồng/kg.
 
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
 
- Xăng E5RON92: không cao hơn 18.627 đồng/lít;
 
 
- Xăng RON95-III: không cao hơn 19.972 đồng/lít;
 
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.637 đồng/lít;
 
- Dầu hỏa: không cao hơn 16.242 đồng/lít;
 
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.186 đồng/kg.
 
Thời gian thực hiện
 
- Trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: Áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2018.
 
- Điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu: Do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không muộn hơn 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2018 đối với các mặt hàng xăng dầu.
 
- Kể từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2018, là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.

Trích  ngun: moit.gov.vn

 

Hỗ trợ trực tuyến

4391463
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
4405
3902
12430
2330825
91409
4391463

Your IP: 18.223.158.132
Server Time: 2024-11-26 19:48:46

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 103 guests and no members online