Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng tại các quốc gia mới nổi

 

Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng tại các quốc gia mới nổi

Ngành bán lẻ toàn cầu có giá trị ước tính hơn 20.000 tỷ USD năm 2017 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 30.000 tỷ USD vào năm 2023.
 
Theo các chuyên gia, bức tranh về thị trường bán lẻ toàn cầu đang cho thấy hai gam màu sáng tối đan xen tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
 
Trong khi các nước Anh, Pháp, Mỹ được đánh giá là những thị trường bán lẻ đã bước vào "độ chín", thì các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ lại trở thành những thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực này.
 
Gam màu tối tại các nước phát triển
 
Sự sa sút của các nền kinh tế châu Âu trong 15 năm qua đã góp phần làm lĩnh vực bán lẻ sụt giảm tại châu lục này. Theo số liệu của Deloitte, kể từ năm 2006, mức đóng góp của châu Âu trong doanh thu của 250 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã giảm từ mức 39,4% xuống 33,8%.
 
Những khó khăn của Pháp cũng đang đè nặng lên toàn khu vực, với việc các nhà bán lẻ lớn nhất nước này như Carrefour, Auchan và Casino vẫn đang “loay hoay” để có thể đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Trong khi đó, ngành bán lẻ của nước Anh cũng đối diện với nguy cơ tổn thất nặng nề nếu Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận.
 
Nhà điều hành dịch vụ tài chính Barclays của Anh dự kiến nếu kịch bản này xảy ra, ngành bán lẻ và cung ứng thực phẩm có thể bị tổn thất 9,3 tỷ bảng Anh (tương ứng 12,2 tỷ USD).
 
Bên cạnh đó, một loạt tập đoàn bán lẻ lớn của nước Anh như House of Fraser, Marks & Spencer hay Next đang tìm cách cắt giảm chi phí, bằng cách đóng cửa hàng chục cửa hiệu trong những tháng tới hoặc tìm cách đưa thêm vào điều khoản thuê đất để giảm giá thuê.
 
Hồi tháng Sáu, House of Fraser đã công bố kế hoạch đóng cửa 31 cửa hiệu trên toàn nước Anh. Con số trên tương đương hơn một nửa số cửa hiệu của doanh nghiệp này khiến 6.000 người lao động đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.
 
Nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019, nhưng cho tới nay, quá trình đàm phán để tiến tới bản thỏa thuận "ly hôn" cuối cùng vẫn bế tắc. Mới đây, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit, tuyên bố vẫn còn nhiều khác biệt trong đàm phán về Brexit khi thời gian đang được tính từng ngày để có thể đạt một thỏa thuận.
 
Thủ tướng Theresa May cho biết bà mong muốn sẽ ký thỏa thuận về quan hệ giữa nước Anh và EU trong tương lai song sẽ không phải bằng bất kỳ giá nào.
 
Trong khi tại Mỹ, chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu đang được đánh giá “cơn gió ngược” đối với ngành bán lẻ. Nhà bán lẻ hàng đầu thế giới của Mỹ Walmart Inc. gần đây cảnh báo việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến giá của mọi sản phẩm từ thực phẩm cho tới đồ uống và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
 
Theo Walmart, các sản phẩm tiêu dùng chịu tác động tăng giá từ các áp đặt thuế mới sẽ bao gồm từ lò nướng, túi đựng hành lý và túi du lịch, đệm và mũ bảo hiểm…, cho đến xe đạp và đèn trang trí dịp Giáng sinh.
 
Với vị thế là nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, Walmart rất quan ngại về những tác động của thuế quan đối với hoạt động kinh doanh, khách hàng và các nhà cung cấp của mình, cũng như nền kinh tế Mỹ nói chung.
 
Trong tháng 10/2018, một liên minh các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ phản đối các biện pháp thuế quan của ông Donald Trump đã phát động một chiến dịch quảng cáo nhằm thông báo tới cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ về khoản thiệt hại trị giá 1.4 tỷ USD/tháng mà các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu do các biện pháp thuế quan.
 
Phát ngôn viên của liên minh Angela Hofmann cho biết: “Những khoản thuế quan này là các khoản thuế đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, không phải do các nước khác trả mà do chính người Mỹ phải trả”.
 
Tổng thống Donald Trump đã áp đặt gói thuế quan trị giá 250 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc và các mức thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu, làm tăng chi phí trong nước và chi phí nhập khẩu. Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ áp một gói thuế quan khác, trị giá 276 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc - điều sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.
 
Màu sắc tươi sáng từ các thị trường đang phát triển
 
Trong khi châu Âu chứng kiến mức đóng góp vào doanh thu của 250 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới sụt giảm trong 10 năm qua, châu Á - Thái Bình Dương lại cho thấy mức tăng trưởng tích cực. Theo một thống kê, mức đóng góp của các nhà bán lẻ tại khu vực này tăng tương ứng từ 10,4% năm 2006, lên 15,4% năm 2016.
 
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nắm trong tay lượng dân số lớn nhất hành tinh, Trung Quốc được đánh giá là “mỏ vàng” đối với tập đoàn và nhà bán lẻ nước ngoài. "Gã khổng lồ" về bán buôn và bán lẻ Metro của Đức cho biết đang mở rộng hoạt động tới người tiêu dùng để phục vụ khách hàng Trung Quốc tốt hơn.
 
Metro cho biết doanh thu đã đạt trên 20 tỷ NDT (2,9 tỷ USD) trong năm tài chính 2016/2017 tại Trung Quốc, chiếm khoảng 7% trong tổng doanh thu của họ trên thế giới.
 
Ngoài Metro, các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Carrefour, Walmart, IKEA, Aeon và Decathlon cũng bày tỏ tin tưởng về sự phát triển tại thị trường Trung Quốc. Giám đốc điều hành Carrefour khu vực châu Á Thierry Garnier cho biết lợi nhuận hoạt động của Carrefour Greater China đã tăng khoảng 1,8 lần trong nửa đầu năm 2018.
 
Trong khi đó, ông Wern-Yuen Tan, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Walmart China, cho hay sự đổi mới và sức sống của thị trường Trung Quốc luôn được đánh giá cao và Walmart nhận thấy có nhiều cơ hội để phát triển tại đây.
 
 
Xem xét những thay đổi nhanh chóng tại thị trường bán lẻ Trung Quốc, Walmart cho rằng cần học hỏi từ Trung Quốc và xây dựng chiến lược phù hợp. Trung Quốc đang là nước đi đầu thế giới trong hoạt động bán lẻ từ mô hình bán lẻ kết hợp cả trực tuyến và ngoại tuyến và các hình thức mới của thanh toán di động.
 
Năm 2016, Walmart đã hợp tác với JD.com, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, thành lập một liên minh chiến lược để cung cấp dịch vụ tốt hơn thông qua sự kết hợp giữa thương mại điện tử và bán lẻ.
 
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một trong những thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dự kiến, doanh thu bán lẻ của nước này sẽ tăng từ 672 tỷ USD năm 2017, lên 1.100 tỷ USD năm 2020.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, thu nhập gia tăng, quá trình đô thị hóa, cùng với sự thay đổi về cấu trúc nhân khẩu học và “khẩu vị” của người tiêu dùng là những yếu tố thúc đẩy thị trường bán lẻ Ấn Độ. Thống kê cho thấy lĩnh vực bán lẻ tại nước này không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng vững mạnh tại các thành phố lớn mà còn tại cả các thành phố loại II và loại III.
 
Không chỉ châu Á, các thị trường đang nổi tại châu Phi và Trung Đông cũng “tận hưởng” mức tăng trưởng tích cực trong doanh số bán lẻ. Theo các chuyên gia, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại châu Phi đã thúc đẩy đà phát triển và quá trình hiện đại hóa của lĩnh vực bán lẻ.
 
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2018 và 3,5% trong năm 2019 và năm nay “lục địa đen” sẽ nắm trong tay sáu trong số mười nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trich nguồn: Trà My/TTXVN

 

Nhu cầu than nhập khẩu cho phát điện sẽ ngày càng tăng

 

Nhu cầu than nhập khẩu cho phát điện sẽ ngày càng tăng

Hệ thống cẩu than của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (Thanh Hóa)

Đây là một trong những thông tin được Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chia sẻ tại Hội thảo Thị trường than mới nổi Châu Á (Coaltrans Emerging Asia Coal Markets), ngày 6-11, tại Hà Nội.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam tính đến hết năm 2017 là trên 45.000 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm tỉ trọng 38%. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, xu hướng phát triển nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng.
Tới năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than sẽ đạt 26.000 MW, chiếm 42,7% tổng công suất nguồn của toàn hệ thống. Tới năm 2030, tổng công suất của nhiệt điện than có thể đạt 55.300 MW, tương ứng tỉ trọng 42,6% công suất nguồn điện tại Việt Nam. Do đó, nhu cầu than cho phát điện sẽ liên tục tăng.
Bên cạnh nhu cầu than nội địa, lượng than nhập khẩu cũng sẽ tăng cao khi các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu sẽ đi vào vận hành như: Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Quảng Trạch 1... 
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, trong năm 2017, EVN đã bắt đầu nhập khẩu than bitum, sub-bitum cho phát điện. Công tác nhập than được EVN giao cho các đơn vị chuyên trách trong tập đoàn, trong đó có các tổng công ty phát điện. 
 
Trich nguồn: AT/Pháp Luật TP HCM

 

Mỹ lên kế hoạch điều chỉnh chính sách nhiên liệu ethanol

 

Mỹ lên kế hoạch điều chỉnh chính sách nhiên liệu ethanol

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy một kế hoạch nhằm tăng cường nhu cầu sử dụng ethanol, song kế hoạch này lại đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ đến từ ngành công nghiệp lọc dầu.
Trong một phát biểu đầu tháng 10, ông Trump cho rằng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) nên dỡ bỏ lệnh hạn chế bán xăng sinh học E15 (loại có tỷ lệ phối trộn ethanol là 15%) trong mùa Hè và cho phép bán mặt hàng suốt cả năm.
 Theo các chuyên gia trong ngành công nghiệp, Tổng thống Trump sẽ cần nhận được sự thông qua của Quốc hội nếu muốn thay đổi quy định này. Tân Thẩm phán Tòa án tối cao Brett Kavanaugh, trong một vụ việc năm 2012, đã viết rằng EPA không có thẩm quyền thay đổi các quy định này trừ khi quốc hội thay đổi luật pháp, và các đại diện của ngành công nghiệp lọc dầu đã cam kết sẽ đệ đơn kiện nếu EPA cố tình làm việc này.
 
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành công nghiệp ethanol tin tưởng vào sự hỗ trợ về chính trị ở các bang có thế mạnh nông nghiệp sẽ tạo động lực để ông Trump gây áp lực lên quốc hội và các nhà hoạch định chính sách.
 
Một số ý kiến cho biết việc tuyên truyền về kế hoạch trên thông qua các phương tiện truyền thông có thể giúp các thành viên của đảng Cộng hòa “lấy lòng” những cử tri ở những bang mạnh về nông nghiệp trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra.
 
"Bạn không thể nói với tôi rằng điều này không có tác động chính trị," ông Monte Shaw, người đứng đầu Hiệp hội Nhiên liệu tái tạo Iowa nói. Tuy nhiên, ông Shaw cho rằng Tổng thống Trump nên công bố các quy định (có điều chỉnh) trước cuộc bầu cử tháng 11, nếu không các nghị sỹ đảng Dân chủ có thể mô tả kế hoạch trên theo kiểu “có nói mà không có làm”.
  Xăng bán tại Mỹ trong mùa Hè chỉ chứa khoảng 10% ethanol. Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học đã tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm bán xăng E15 (loại 15% ethanol) trong mùa Hè, để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ethanol sản xuất từ ngô. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, chính sách ethanol cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ chính quyền của ông.
 
Cựu cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Trump, tỷ phú dầu mỏ Carl Icahn, đã dẫn đầu trong nỗ lực thay đổi các quy định yêu cầu các nhà máy lọc dầu pha trộn nhiên liệu sinh học thành xăng hoặc trả tiền cho những công ty phụ trách việc này.
 
Ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học và các nghị sỹ đảng Dân chủ đã phản đối đề xuất này, và cho rằng quyền sở hữu của ông trong công ty lọc dầu CVR Energy đã tạo ra sự xung đột lợi ích. Cuối cùng, ông Icahn đã thôi giữ vai trò cố vấn cho tổng thống sau khi bị chỉ trích về những khuyến nghị chính sách của mình.
 
Ông Trump đã cố gắng kết nối hai đối thủ là ngành công nghiệp ngô và dầu mỏ, tìm cách thúc đẩy nhu cầu ethanol trong khi cho phép các nhà lọc dầu tiết kiệm chi phí. Chính quyền của ông không thể đảm bảo chắc chắn rằng ngành công nghiệp lọc dầu sẽ không đệ đơn kiện việc dỡ bỏ lệnh cấm bán E15 trong mùa Hè.
 
Nhưng trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, dường như ông Trump đã lựa chọn về phe của các bang sản xuất nông nghiệp, khi mà những người nông dân này chính là những lá phiếu đóng góp vào chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 2016.
 
 Theo một số chuyên gia trong ngành, Đạo luật không khí sạch (Clean Air Act) cấm những thay đổi trong quy định mà không có sự cho phép của Quốc hội. "EPA không thể thay đổi một quy định do Quốc hội ban hành", ông Jonathan Lewis, cố vấn cao cấp của Clean Air Task Force - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu giảm ô nhiễm không khí.
 
Trong khi đó, Chet Thompson - người đứng đầu Nhóm các nhà sản xuất hóa dầu và nhiên liệu Mỹ khẳng định họ sẽ khởi kiện, và các tổ chức khác cũng sẽ hành động tương tự bởi việc thay đổi quy định mà không có sự cho phép của Quốc hội là trái pháp luật.
 
Trích nguồn: TTXVN/Bnews.vn

 

10 tháng, PVN đạt 20,1 triệu tấn sản lượng khai thác quy dầu

 

10 tháng, PVN đạt 20,1 triệu tấn sản lượng khai thác quy dầu

Trong tháng 10/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, an toàn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất từ 2 đến 8,7% kế hoạch tháng.

10 thang pvn dat 201 trieu tan san luong khai thac quy dau

Vào lúc 20h50 ngày 17/10/2018, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã lắp đặt thành công sàn chịu lực, khối thượng tầng, ngọn đuốc, sân bay giàn Cá Tầm

 

Về các chỉ tiêu sản xuất, tổng sản lượng khai thác quy dầu toàn Tập đoàn tháng 10 đạt 1,93 triệu tấn, tính chung 10 tháng đạt 20,1 triệu tấn, vượt 4,9% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 87,9% kế hoạch năm.
 
Trong đó, sản lượng khai thác dầu tháng 10 đạt 1,15 triệu tấn, vượt 7,2% so với kế hoạch tháng, khai thác 10 tháng đạt 11,71 triệu tấn, vượt 5,5% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 88,5% kế hoạch năm. Khai thác dầu ở trong nước 10 tháng đạt 10,07 triệu tấn, vượt 5,8% so với kế hoạch 10 tháng; ở nước ngoài 10 tháng đạt 1,64 triệu tấn, vượt 3,3% kế hoạch 10 tháng.
 
Sản lượng khai thác khí tháng 10 đạt 0,78 tỷ m3, tính chung 10 tháng đạt 8,39 tỷ m3, vượt 4,1% kế hoạch 10 tháng và bằng 87,4% kế hoạch năm. Sản xuất đạm tháng 10 đạt 145 nghìn tấn, sản xuất 10 tháng đạt 1,38 triệu tấn, vượt 7,2% kế hoạch 10 tháng và 89,6% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 10 đạt 1,0 triệu tấn, vượt 2,0% so với kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 7,46 triệu tấn, bằng 84,2% kế hoạch 10 tháng.
 
Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành vượt mức từ 2 đến 8,7% kế hoạch tháng. Tính chung 10 tháng năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 3,3% đến 14,3% kế hoạch 10 tháng đề ra.
 
Bên cạnh việc hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, giá dầu trung bình trong tháng 10 cũng có sự khởi sắc nên các chỉ tiêu tài chính của PVN cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.
 
PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước, trong đó 10 tháng toàn Tập đoàn nộp NSNN đạt 90,9 nghìn tỷ đồng, vượt 23,2% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 499,5 nghìn tỷ đồng, vượt 21,1% kế hoạch 10 tháng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2017.
 
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được xếp hạng 1 trong Bảng xếp hạng Profit500- Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018. Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, PVN còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, trong đó Tập đoàn đã đăng ký ủng hộ hơn 250 tỷ đồng cùng chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018.
 
Sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động của PVN tháng 10 vừa qua là việc Nhà máy Nhiên liệu sinh học (NLSH) Dung Quất chính thức khởi động lại sau 3 năm ngừng sản xuất. Sau 5 ngày khởi động toàn bộ nhà máy, Nhà máy NLSH Dung Quất thuộc Công ty CP NLSH dầu khí miền Trung (BSR -BF) đã cho ra dòng sản phẩm cồn sinh học (E100).
 
 Gần đây, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển”. Tọa đàm đã khẳng định và làm rõ vai trò ngành Dầu khí trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam cũng như đưa ra những hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn tiếp theo nhằm mục đích đưa ngành Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững.
 
Trong những tháng cuối năm, PVN tiếp tục tập trung vào việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn tại các dự án, nhà máy, hướng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018, tạo đà cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của năm 2019 và các năm tiếp theo.
 
Trich nguồn: Lê Kim Liên/Báo Công thương điện tử

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết giá dầu “công bằng”, dự định tăng công suất

 

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết giá dầu “công bằng”, dự định tăng công suất

 Bộ trưởng Dầu mỏ mới của Iraq Thamer Ghadhban cho biết giá dầu hiện nay là công bằng và nước này, nhà sản xuất lớn thứ 2 của OPEC sẽ hành động có trách nhiệm trong việc cung cấp nguồn cung dồi dào ra thị trường.
Ông Ghadhban cũng cho biết Bộ Dầu mỏ dự định tăng công suất sản xuất và hỗ trợ các công ty nước ngoài bằng cách giúp họ vượt qua bất cứ rào cản quan liêu nào.
Hồi tháng 6/2018 OPEC đã đồng ý bơm thêm dầu sau áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump để hạn chế giá đang tăng và bù cho bất kỳ sự thiếu hụt nào trong xuất khẩu của Iran. Giá dầu đã đạt mức cao nhất trong 4 năm tại 86,74 USD/thùng vào ngày 3/10/2018, nhưng kể từ đó đã giảm xuống 76 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã dịu đi.
Iraq dựa vào nguồn tài nguyên dầu khổng lồ là nguồn thu nhập quan trọng nhất, đang tìm cách tăng công suất sản xuất dầu lên 7 triệu thùng/ngày vào năm 2022 từ 5 triệu thùng/ngày hiện nay. Iraq hiện nay bơm khoảng 4,6 triệu thùng/ngày, chỉ sau Saudi Arabia trong OPEC.
Nước này đang cố gắng phục hồi sau nhiều năm bạo động gồm một cuộc chiến với quân IS đã làm hỏng cơ sở hạ tầng và đang tìm cách giảm tham nhũng và quản lý sự cạnh tranh với chính quyền người Kurd điều hành các khu vực giầu dầu mỏ ở miền bắc.
Ghadhban đã trả lời các phóng viên sau các cuộc đàm phán chính thức về danh mục đầu tư dầu từ Jabar al-Luaibi rằng “chúng tôi sẽ thực hiện tốt nhất để ổn định thị trường”. Trả lời câu hỏi về cuộc họp sắp tới của OPEC trong tháng 12/2018 ông nói “giá dầu hiện này là công bằng”. “Giá không quá cao, không phải 100 USD/thùng và không phải 30 USD”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính sản lượng tối đa mà Iraq có thể sản xuất bền vững là 4,8 triệu thùng/ngày, để lại một ít công suất để có thể tăng sản lượng đáng kể trong ngắn hạn. Dầu thô của họ chủ yếu được xuất khẩu sang châu Á.
Ghadhban, được đề cử bởi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi và đã được xác nhận là Bộ trưởng trong cuộc bỏ phiếu quốc hội tuần trước, cho biết ông sẽ xem xét cải tổ Bộ Dầu khí, gồm cả việc loại bỏ chủ nghĩa khủng bố.
Ghadhban cho biết ông sẽ tìm cách phát triển các nhà máy lọc dầu bằng cách tăng công suất sản xuất của họ và giảm khí đốt. Iraq tiếp tục đốt một số khí chiết xuất cùng với dầu tại các mỏ của họ vì thiếu các cơ sở để xử lý thành nhiên liệu. Iraq cho biết họ hy vọng sẽ không đốt khí đồng hành này vào năm 2021.
Thách thức hiện nay của Ghadhban và chính phủ mới của Iraq sẽ gồm cách đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại nước láng giềng Iran.
Ghadhban cho biết Iraq sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia của mình và xem xét lại xuất khẩu dầu hiện nay sang Iran, ước tính chưa tới 30.000 thùng/ngày.
Về chủ đề khôi phục xuất khẩu dầu qua khu vực bán tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq. Ông cho biết “chúng tôi không có bất cứ vấn đề nào trước đó với khu vực này ... chúng tôi sẽ làm việc để vượt qua tất cả các trở ngại”.
 
Xuất khẩu từ các mỏ dầu của Kirkuk bị dừng lại sau một cuộc tấn công quân sự của Iraq để lấy lại vùng lãnh thổ bị tranh chấp đã thuộc quyền kiểm soát của người Kurd trong năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại.
Phần lớn dầu của Iraq được xuất khẩu qua các kho cảng miền nam, chiếm hơn 95% doanh thu của nước này.
Xuất khẩu dầu của miền nam Iraq đạt trung bình 3,488 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2018, theo hai giám đốc điều hành dầu mỏ. Xuất khẩu giảm từ trung bình 3,56 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2018, do thời tiết xấu khiến xuất khẩu chậm lại trong một số ngày.
Trích nguồn: VITIC/Reuters

Hỗ trợ trực tuyến

4391489
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
4431
3902
12456
2330825
91435
4391489

Your IP: 18.117.75.53
Server Time: 2024-11-26 19:51:56

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 117 guests and no members online