Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Rosneft của Nga cho công ty dầu nhà nước Venezuela vay hơn 1 tỷ USD trong tháng 4

 

Rosneft của Nga cho công ty dầu nhà nước Venezuela vay hơn 1 tỷ USD trong tháng 4

Vinanet - Công ty dầu nhà nước Rosneft của Nga hồi tháng 4 đã thực hiện thanh toán trước 1,015 tỷ USD cho PDVSA, công ty dầu mỏ nhà nước của Venezuela, theo một thỏa thuận mua dầu với công ty này.
Do công ty PDVSA của Venezuela đối mặt với khủng hoảng tiền mặt và vật lộn để thanh toán trái phiếu, họ đã thương lượng giúp đỡ tài chính từ đối tác Nga để hoàn thành thanh toán nợ gần 3 tỷ trong tháng 4.
Nga là một đồng minh chính trị gần gũi của các nhà lãnh đạo Venezuela. Giám đốc điều hành của Rosneft, Igor Sechin cho biết hồi tháng 6, công ty của ông sẽ tiếp tục làm việc tại Venezueala và sẽ không bao giờ rời bỏ nước này.
Rosneft đã cho PDVSA vay 4 tới 5 tỷ USD trước thỏa thuận gần đây nhất, theo tính toán của Reuters.
Các nhà lập pháp Venezuela cho biết bất kỳ giao dịch nợ thực hiện không có sự chấp thuận từ Quốc hội đối lập kiểm soát được xem như bất hợp pháp.
Tổng thống Nicolas Maduro đã đề xuất một siêu cơ quan lập pháp đã được bầu cử vào chủ nhật trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi do cáo buộc gian lận. Hội đồng 545 thành viên này được dự kiến tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày thứ sáu.
Trong những tháng gần đây, Nga và Venezuela đã tái cấp vốn khoản nợ chưa thanh toàn bằng cách gửi một lượng lớn dầu Venezuela để trả nợ Rosneft. Một “thỏa thuận bổ sung” kể từ tháng 5 đã cho phép công ty của Nga nhận nguồn cung bổ sung lên tới 105.000 thùng/ngày dầu thô nặng của Venezuela.
 
Rosneft cũng cho biết trong báo cáo tài chính của mình công bố hôm 4/8 rằng trong năm 2016 họ đã thực hiện thanh toán trước cho PDVSA 1,485 tỷ USD.
Nguồn: VITIC/Reuters

Bản đồ thị trường khí gas thế giới đang thay đổi

 

Bản đồ thị trường khí gas thế giới đang thay đổi

Vinanet - Khu vực Nam Á đang nổi lên thành “điểm nóng” của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do nhu cầu năng lượng tăng mạnh, với Pakistan và Bangladesh mới gia nhập Câu lạc bộ (CLB) những thị trường tiêu thụ lớn cùng với Ấn Độ, góp phần làm giảm mạnh lượng dư cung đã kéo dài suốt nhiều năm ở phân khúc năng lượng này.
Cho tới gần đây chỉ có Ấn Độ và Pakistan là những thị trường nhập khẩu LNG chủ chốt ở Nam Á. Nhưng do dân số tăng nhanh và kinh tế tăng trưởng mạnh kéo nhu cầu tăng lượng tăng theo, ngày càng có thêm nhiều dự án nhập khẩu khí gas, nhất là từ Pakistan và Bangladesh. Lượng nhập khẩu của riêng Ấn Độ và Pakistan trong năm 2016 đạt 25 triệu tấn, tương đương 8% tổng nhu cầu của toàn thế giới. 
“Cả hai nước Pakistan và Bangladesh đều có hạ tầng cơ sở ngành khí gas khá tốt do sản xuất trong nước phát triển với nhiều mỏ khí lớn, nhưng sản lượng trong nước không theo kịp nhu cầu nên cả hai thị trường đều đang phải gia tăng nhập khẩu mới đáp ứng đủ nhu cầu”, Chong Zhi Xin, chuyên gia phân tích về thị trường LNG châu Á thuộc hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết.
Là nhiên liệu rẻ và sạch hơn than đá, LNG đang ngày càng được ưa chuộng ở những nền kinh tế mới nổi. Các nhà phân tích cho rằng, sau khi Banladesh gia nhập CLB những nhà nhập khẩu vào năm tới, khu vực này có thể nhập khẩu khoảng 80 đến 100 triệu tấn mỗi năm vào những năm 2020, đưa Nam Á trở thành khu vực nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, vượt lên cả châu Âu. 
Pakistan mới bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2015 sau một thời gian trì hoãn trước đó, nhưng đã gây bất ngờ khi xây dựng nhà máy đầu tiên ngay sau đó, và nhà máy thứ 2 sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10 tới, nâng gấp đôi khối lượng nhập khẩu lên khoảng 9 triệu tấn; và tiếp đến nhà máy thứ 3 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. 
Hiện Pakistan đang đàm phán với Nga, Indonesia, Malaysia và Oman về các hợp đồng liên chính phủ để nhập khẩu tới 3 chuyến LNG mõi tháng phục vụ nhà máy thứ 2 sắp đi vào hoạt động – nhà máy có thể cần nhập khẩu tới 600 triệu feet khối khí gas mỗi ngày, tương đương 6 chuyến tàu mỗi tháng.
Với tốc độ tăng mạnh tiêu thụ như hiện nay, tình trạng dư cung trên thị trường khí gas thế giới được kỳ vọng sẽ nhanh chóng giảm mạnh, kéo giá khí tăng trở lại. Được biết giá LNG trên thị trường châu Á đã giảm hơn 70% kể từ năm 2014 xuống còn khoảng 5 – 5,7 USD/mmBtu. 
Pakistan tuyên bố họ có thể trở thành 1 trong 5 khách hàng nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Dầu khí nước này, ông Shahid Abbasi, dự báo khối lượng nhập khẩu có thể tăng gấp hơn 5 lần khi các công ty tư nhân xây dựng xong những nhà máy LNG mới. Theo ông, thị trường này có thể nhập khẩu tới 30 triệu tấn vào năm 2020, so với chỉ 4,5 triệu tấn hiện nay. 
Bangladesh, quốc gia có 160 triệu dân, có thể nhập khẩu tới 2.500 triệu feet khối mỗi ngày, tương đương khoảng 17,5 triệu tấn mỗi năm vào 2020, theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Điện và Năng lượng nước này, ông Nasrul Hamid. 
Do trữ lượng khí gas đang dần cạn kiệt và nhu cầu cần tăng gấp đôi công suất điện lên 24.000 megawatt (MW) vào năm 2021, Bangladesh đang hướng tới khai thác nguồn cung giá rẻ trên thị trường quốc tế và đầu tư mạnh vào ngành LNG. 
Một số cơ sở kinh doanh và dự trữ, được xây dựng bởi công ty tư nhân Excelerate Energy của Mỹ, dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu khí gas bằng tàu biển kể từ 2018, vào khoảng tháng 7. 
“Đến 2025, tuỳ thuộc vào nhu cầu trong nước, chúng tôi sẽ cần nhập khẩu khoảng 2.000 đến 2.500 triệu feet khối mỗi ngày”, ông Hamid cho biết. 
Như vậy, ở thời điểm 2025, Ấn Độ sẽ cần nhập khẩu khoảng 50 triệu tấn LNG mỗi năm, trong khi Pakistan nhập khoảng 30 triệu tấn và Bangladesh nhập gần 20 triệu tấn. 
“Nhập khẩu LNG vào Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần từ mức 22 triệu tấn mỗi năm vào 2016 lên trên 80 triệu tấn mỗi năm vào 2030”, Mangesh Patankar, giám đốc kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn tư vấn năng lượng Galway Group cho biết. 
 
Nếu tất cả các kế hoạch nhập khẩu của khu vực này đều được thực hiện, và Sri Lanka cũng bắt đầu nhập khẩu, con số này có thể tăng lên 100 triệu tấn hoặc hơn thế nữa. Và khi đó nhu cầu của Nam Á sẽ vượt cả châu Ấu và trở thành khu vực nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới vào 2020, chỉ sau Bắc Á – nơi nhập khẩu 150 triệu tấn mỗi năm. 
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng những kế hoạch đầy tham vọng đó sẽ trở thành hiện thực. 
“Đó chắc chắn sẽ là một mục tiêu quá tham vọng. Trung Quốc phải mất hơn 10 năm mới tăng nhập khẩu từ số 0 lên 20 triệu tấn, Ấn Độ cũng phải mất 13 năm mới đạt khối lượng đó”, ông Chong Zhi Xin cho biết. 
Theo ông, giá khí gas thấp cũng là lý do khiến nhập khẩu vào những thị trường này tăng mạnh. Nhưng nếu giá tăng lên thì việc thanh toán hóa đơn khổng lồ đó sẽ là vấn đề lớn đối với những nền kinh tế này. 
Tuy nhiên, ông cũng có niềm tin rằng để đáp ứng nhu cầu tăng thì LNG sẽ là một phần trong những kế hoạch lớn hơn. Chẳng hạn như thăm dò mỏ khí ở Vịnh Bengal, hay những lưới điện xuyên quốc gia.
Nguồn: Vân Chi/CafeF, Nhịp sống kinh tế

Barclays: Dầu có thể điều chỉnh giảm trong quý 3

 

Barclays: Dầu có thể điều chỉnh giảm trong quý 3

Vinanet - Barclays cho biết giá dầu có thể điều chỉnh giảm trong quý 3, khi các yếu tố đã hỗ trợ giá trong tháng 7 gồm môi trường vĩ mô thuận lợi.
Sự phục hồi trong tiêu dùng theo mùa, tồn kho giảm và bất ổn địa chính trị sẽ không kéo dài. Ngân hàng này cho biết sự tăng giá gần đây là do việc đóng lại các hợp đồng bán khống hơn là các hợp đồng mua mới trong thị trường. “Các yếu tố cơ bản vẫn biến động trong quý này, do đó bất kỳ sự tăng giá xảy ra trước khi hàng tồn kho giảm nhiều hơn sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, theo quan điểm của chúng tôi”.
Barclays đã duy trì dự báo giá dầu Brent quý 3 ở mức 49 USD/thùng. Tuy nhiên trong quý 4, các yếu tố như tồn kho tiếp tục giảm, tuân thủ mức sản lượng của OPEC, và sản lượng giảm từ Venezuela có thể nâng giá dầu Brent lên 54 USD/thùng.
Ngân hàng Barclays cho biết dầu Brent trung bình 52 USD/thùng và dầu WTI là 49 USD/thùng trong cả năm 2017 và năm 2018.
 
Nguồn: VITIC/Reuters

Thâm hụt thương mại của Trung Quốc tăng mạnh

 

Thâm hụt thương mại của Trung Quốc tăng mạnh

Thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 896,96 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 132 tỷ USD), tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Ba lĩnh vực có tình trạng thâm hụt lớn nhất là du lịch, giao thông vận tải và bản quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đó hai lĩnh vực dịch vụ tư vấn và thông tin lại đạt thặng dư.
 
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết trong nửa đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 5,6%, lên 695,09 tỷ Nhân dân tệ, song nhập khẩu tăng tới 16,5% so với cùng kỳ năm 2016, lên mức 1.590 tỷ Nhân dân tệ.
 
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thương mại dịch vụ thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của các hoạt động nhập khẩu.
 
Tuy nhiên, theo giới chức Bộ Thương mại Trung Quốc, cần nhìn nhận đầy đủ về tình trạng này bởi sự thâm hụt của các dịch vụ liên quan đến sản xuất sẽ giúp cải thiện năng lực chế tạo, trong khi sự thâm hụt của các dịch vụ có liên quan đến đời sống hàng ngày sẽ thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện cuộc sống của người dân.
 
Theo thống kế chính thức, tổng giá trị thương mại dịch vụ của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 2.290 tỷ Nhân dân tệ, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Nếu tính riêng tháng 6, các hoạt động xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cực mạnh, tăng tới 29,7% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất trong 18 tháng qua.
 
Thâm hụt thương mại dịch vụ trong tháng 6 ở mức 200,8 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 29,5 tỷ USD), với tổng giá trị xuất khẩu là 124,2 tỷ Nhân dân tệ, trong khi tổng giá trị nhập khẩu là 324,9 tỷ Nhân dân tệ.
 
 
Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ bởi lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có sức cạnh tranh thấp hơn so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
 
Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã và đang tích cực đầu tư lớn cho lĩnh vực dịch vụ và triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của lĩnh vực này, trong đó có chính sách mở cửa đối với các thị trường tài chính, giáo dục, văn hoá và y tế.

Nguồn: BNEWS/TTXVN

Chênh lệch phát triển nội khối: "Hòn đá" cản đường ASEAN

 

Chênh lệch phát triển nội khối: "Hòn đá" cản đường ASEAN

Vinanet - Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải giải quyết đồng bộ các vấn đề chênh lệnh trong phát triển và năng lực giữa các quốc gia thành viên để hướng tới một ASEAN toàn diện và bền vững.
Đây là nhận định được đăng trong bài bình luận trên tờ Khmer Times của tác giả Vannarith Chheang, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore. 
Để ASEAN trở thành một tổ chức tập trung vào con người và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, ASEAN cần xây dựng một hệ sinh thái để làm được điều đó. Chênh lệch trong phát triển có thể ám chỉ chênh lệnh về phát triển kinh tế xã hội giữa các nước thành viên hoặc các vùng khác nhau trong một quốc gia. 
Tuy nhiên, phát triển không chỉ được tính bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người mà còn tính bằng việc cung cấp các nhu cầu cơ bản như y tế hay giáo dục.
 Các nền kinh tế trong ASEAN có sự chênh lệch đáng kể về thể chế và khả năng lãnh đạo. Một số nước đã không triển khai hiệu quả chương trình một cửa quốc gia hay gắn kết các chương trình nghị sự của khu vực với chiến lược phát triển khu vực.
 
Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là những nền kinh tế kém phát triển hơn trong khu vực. Các vấn đề về thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng là những rào cản và thách thức đối với các quốc gia này trong việc triển khai các dự án mang tầm khu vực.
 Hơn nữa, khu vực tư nhân - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia này - gặp khó khăn trong việc gia nhập mạng lưới sản xuất khu vực do thiếu thông tin về thị trường, nguồn tài chính, năng lực sản xuất và hàng rào thương mại phi thuế quan. Tỷ lệ nghèo đói tại 4 quốc gia này tương đối cao.
 Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ nghèo đói tại Campuchia là 14%, Lào là 23,2%, Myanmar là 25,6% và Việt Nam là 7%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ biết đọc, biết viết ở Campuchia là 73,9%, Lào là 94,1%, Myanmar là 95% và Việt Nam là 93,4%. Tuổi thọ trung bình của Campuchia là 68, Lào là 66 và Việt Nam là 76.
 Người dân tại Campuchia, Lào và Myanmar chưa được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đảm bảo đa số người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Số người sử dụng Internet tại các quốc gia ASEAN đã tăng từ 81 triệu hồi năm 2009 lên 339 triệu người hồi tháng 1/2017, tương đương với việc 53% dân số ASEAN có thể truy cập Internet. 
Mặc dù vậy, số người sử dụng Internet tại Campuchia chỉ đạt 45% (7,16 triệu người), Lào 26% (1,8 triệu người) và Myanmar 26% (14 triệu người). 
Về vấn đề quản trị công, chỉ số tham nhũng tại các quốc gia này là tương đối cao. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016, trong số 176 quốc gia, Campuchia xếp hạng 156, Lào xếp hạng 123, Myanmar xếp hạng 136 và Việt Nam xếp hạng 113. 
Sự chênh lệnh trong phát triển đe dọa hòa bình, ổn định lâu dài và sự phát triển bền vững trong khu vực. Bất bình đẳng ở cấp quốc gia và giữa các nước ASEAN là nguyên nhân tiềm ẩn của tệ nạn xã hội và các xung đột trong tương lai. Phát triển và an ninh có mối liên hệ mật thiết. 
Để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng và tập trung vào con người, ASEAN cần triển khai một chiến lược khu vực mang lại lợi ích cho các bên với cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện. 
Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) được đưa ra hồi năm 2000 với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng tốc hội nhập kinh tế cho các thành viên mới của ASEAN.
 Những thách thức trong việc triển khai IAI là thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc đánh giá nhu cầu và thực hiện dự án. Năng lực thể chế, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình là những trở ngại chính cần được khắc phục. 
ASEAN cần phải tỏ rõ sự đồng lòng về chính trị và chiến lược để phân bổ nguồn lực nhiều hơn cho việc thu hẹp sự chênh lệch trong phát triển và thực hiện hiệu quả hơn IAI. Thể chế khu vực, thúc đẩy bảo trợ xã hội, thiết lập các cơ chế chăm sóc các nhóm người dân dễ bị tổn thương là những bước cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong phát triển. 
ASEAN và các đối tác cần phải giải quyết vấn đề về chênh lệnh phát triển, đề xuất các khuyến nghị chính sách. Quan hệ đối tác giữa các bên rất quan trọng trong việc huy động nguồn lực để giải quyết vấn đề này. Năng lực thể chế, hạn chế về nguồn lực và quản trị, trách nhiệm giải trình cần được xem xét một cách toàn diện. 
Các quốc gia trên phải cải cách chính sách tài khóa bằng cách phân bổ ngân sách nhiều hơn cho giáo dục, phát triển kỹ năng, các vấn đề liên quan tới sức khỏe, an ninh lương thực và bảo trợ xã hội. Các nước cần tăng cường cải cách với việc tập trung vào cải cách đất đai, chính sách thương mại tự do và công bằng, đầu tư nước ngoài và chính sách về lao động di cư.
 
Liên quan đến vấn đề tăng cường năng lực thể chế, ASEAN và các đối tác cần cung cấp sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho việc nâng cao năng lực và đổi mới cho khu vực hành chính công.
 Cần có thêm sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước Campuchia, Lào và Myanmar để tạo thành mạng lưới sản xuất khu vực. Thách thức chính mà những doanh nghiệp này gặp phải là tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, cơ hội kết nối kinh doanh và rào cản ngôn ngữ. Năng lực xuất khẩu của các nước này cũng tương đối thấp. 
Các rào cản phi thuế quan như các yêu cầu về chất lượng là những trở ngại chính đối với các nước này trong việc xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đã qua chế biến. ASEAN và các đối tác cần hỗ trợ các nước này trong việc nâng cao chất lượng và quy chuẩn của các sản phẩm. 
Để thu hẹp khoảng cách trong việc phát triển nền kinh tế số, ASEAN và các đối tác cũng phải đẩy mạnh việc xây dựng năng lực cho các dự án về kinh tế số cho các nước trên. 
Singapore đang có kế hoạch tập trung vào kinh tế số khi nước này giữ vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2018 với nhiều chương trình hoạt động sẽ hướng tới xây dựng một ASEAN phát triển bền vững và toàn diện, tức là xây dựng khả năng và sự sẵn sàng của Cộng đồng ASEAN trong việc thích ứng và nắm bắt các cơ hội ở thời đại kỹ thuật số.

Nguồn: BNEWS/TTXVN

Hỗ trợ trực tuyến

4387666
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
608
3902
8633
2330825
87612
4387666

Your IP: 3.14.132.43
Server Time: 2024-11-26 03:46:54

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 149 guests and no members online