Con người là then chốt
Nợ công là vấn đề được nhắc đến nhiều tại Việt Nam thời gian qua. Thậm chí, cách đây ít ngày, khi bàn về dự án Luật Nợ công (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá, tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công hiện nay có tới 3 cơ quan cùng quản lý. Theo kinh nghiệm của WB, quản lý nợ công ở Việt Nam cần làm gì để có hiệu quả?
Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có nên thu về một đầu mối để quản lý nợ công. Thực tế không có mô hình nào phù hợp với tất cả các nước trên thế giới. Mỗi bộ có một điểm mạnh, yếu mà vấn đề ở đây là tính hiệu quả chứ không phải một hay nhiều cơ quan quản lý.
Thông thường, chúng tôi sẽ cung cấp nhiều mô hình khác nhau và nhìn vào điểm mạnh yếu của từng mô hình để cung cấp cho đối tác. Ở các nước có mô hình tốt nhưng vào Việt Nam chưa chắc đã thành công. Như mô hình ở Chi Lê là ví dụ. Quan trọng nhất chính là, Chính phủ phải tìm mô hình nào hiệu quả nhất và muốn hệ thống đó hoạt động thế nào.
Điều quan trọng nữa chính là con người. Mô hình, cơ chế là một, nhưng con người có làm cho nó hoạt động hay không lại là vấn đề khác nữa.
Ngân sách gặp khó khăn, trong khi áp lực trả nợ vay luôn tăng cao, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh những áp lực nợ lớn hơn trong tương lai khi Chính phủ đang muốn thực hiện những dự án đầu tư rất lớn?
Tôi nghĩ rằng, đưa ra bàn vấn đề nợ công là đúng để Chính phủ phải có trách nhiệm và lập ra những kịch bản để đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Việt Nam phải tiếp tục các mô hình đầu tư và phải đầu tư vào những lĩnh vực có hiệu quả, có đóng góp cho tăng trưởng.
Việt Nam có thể vay tiền nhưng phải làm sao lấy được cả những kiến thức, kinh nghiệm tốt để sử dụng. Ví dụ như làm thế nào để chúng ta thực hiện dự án tốt hơn. Tôi nghĩ Chính phủ cũng biết được là đang có vấn đề liên quan đến ngân sách và nợ công, nhưng cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề.
Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Hiện tăng trưởng kinh tế tương đối thấp trong khi ngân sách đối mặt thâm hụt và nợ tăng cao, theo ông kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thế nào vào năm nay và năm sau? Đâu là những trở ngại?
Vấn đề chúng ta cần có mục tiêu và phải tìm ra những nguồn gốc gây ra tăng trưởng chậm của kinh tế và giải quyết những yếu kém để nó không xảy ra trong tương lai. Như lĩnh vực nông nghiệp, năm ngoái phải đối mặt với hạn hán. Vậy cần có biện pháp để trong tương lai nếu xảy ra thì ứng phó thế nào? Năm ngoái chúng tôi có báo cáo tương đối tốt về nông nghiệp, trong đó đặt vấn đề Việt Nam phải làm nông nghiệp công nghệ cao, ít sử dụng nước hơn. Những điều này sẽ giúp chống được những cú sốc có thể xảy ra do thời tiết.
Cái Việt Nam cần chú trọng thời gian tới là phát triển hơn nữa giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề. Lực lượng lao động sẽ là động lực cho thị trường trong tương lai và quyết định Việt Nam có cạnh tranh, tham gia được vào lĩnh vực công nghệ cao không. Trong lúc chuẩn bị chiến lược mới của WB, có một số con số khiến chúng tôi rất suy nghĩ. Qua thảo luận với các doanh nghiệp (DN) FDI của Nhật thì một năm có 80 nghìn người Việt Nam sang lao động cho các DN của Nhật, trong đó có rất nhiều người có trình độ rất cao. Nếu Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc làm như vậy có nghĩa họ thu hút được nhân lực công nghệ cao của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để Việt Nam có thể thu lợi từ kinh nghiệm của những nước từng đi từ trung bình lên thành nước giàu cũng như bài học nào có thể áp dụng ở Việt Nam.
Điều quan trọng nữa, Việt Nam phải mở rộng hơn mô hình xuất khẩu của khối FDI và phải tạo ra môi trường tốt hơn cho các DN tư nhân tham gia. Về thị trường xuất khẩu, phải mở rộng và nâng cao hơn chất lượng hàng xuất khẩu. Việt Nam là nền kinh tế mở, nếu có tính cạnh tranh cao, chắc chắn sẽ giữ được mức tăng trưởng.
Cảm ơn ông.
Trích nguồn: http://baomoi.vn