Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Sẽ xây mới nhiều tuyến đường sắt ven biển

Quy hoạch có điều chỉnh phát triển giao thông vận tải 3 miền đến 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt...

Sẽ xây mới nhiều tuyến đường sắt ven biển

Cùng với các tuyến ven biển, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435 mm, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên xây dựng trước đoạn Hà Nội - Vinh.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm 3 miền: Bắc, Trung, Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020, tiếp tục hoàn thành cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả mạng đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và đảm bảo tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội; từng bước kết nối đường sắt với cảng biển, cảng cạn, khu kinh tế, khu mỏ và các trung tâm du lịch lớn.

Về quy hoạch phát triển vận tải, tổ chức vận tải hợp lý trên 6 hành lang vận tải chính gồm: Bắc - Nam, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó với đường sắt, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn trong vùng dài khoảng 33 km, để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách, 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.

Cải tạo, nâng cấp từng bước đưa vào cấp kỹ thuật đường sắt quốc gia các tuyến: Hà Nội - Lào Cai, đoạn trong vùng dài khoảng 42,5 km; Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 96 km; Đông Anh - Quán Triều dài khoảng 54,6 km, đoạn trong Vùng dài khoảng 18,5 km; Hà Nội - Đồng Đăng dài khoảng 156 km, đoạn trong Vùng dài khoảng 22,5 km.

Đối với các tuyến đường sắt xây dựng mới, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, dài khoảng 129 km. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435 mm, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên xây dựng trước đoạn Hà Nội - Vinh; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng.

Đặc biệt, Chính phủ giao các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt sau năm 2020 gồm: Tuyến ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, dài khoảng 120 km; Hạ Long - Mũi Chùa - Móng Cái, dài khoảng 150 km. 

Hoàn thành và đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội); đồng thời tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị khác theo quy hoạch được duyệt.

Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sẽ phát triển 5 hành lang vận tải chính của vùng gồm: hành lang ven biển, hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 1 - quốc lộ 9 - Lao Bảo và hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang, hành lang Đà Nẵng - Tây Nguyên, hành lang Dung Quất - Tây Nguyên, hành lang Quy Nhơn - Tây Nguyên.

Đồng thời, tiến hành nâng cấp đường sắt Bắc - Nam hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác; huy động nguồn vốn để xây dựng các tuyến đường sắt nhánh nối từ đường sắt quốc gia đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm.

Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chính phủ yêu cầu tăng cường tính kết nối vùng và kết nối giữa các phương thức vận tải, hình thành các đầu mối kết nối vận tải tại các cảng biển Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải), cảng biển Tp.HCM, cảng biển Đồng Nai, các cảng cạn; trung tâm dịch vụ logistics; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các ga đường sắt Bình Triệu, Tân Kiên, Thủ Thiêm, An Bình, Trảng Bom, ga Long Định; các bến xe khách liên tỉnh như bến xe miền Tây mới, Ngã Tư Ga, miền Đông 1 mới, miền Đông 2 mới, Đa Phước, xuyên Á, miền Đông và các bến xe liên tỉnh tại các tỉnh trong vùng...

Đồng thời đẩy mạnh vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; xây dựng và phát triển các trung tâm dịch vụ logistics lớn tại các khu vực đầu mối như Cát Lái (Tp.HCM), Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các trung tâm khác trong Vùng theo quy hoạch của địa phương...
Trích nguồn : http://vneconomy.vn/

Thương mại điện tử : Cơ hội và thách thức

- Cùng với các loại hình bán lẻ truyền thống, Thương mại điện tử (TMĐT) là kênh phân phối hữu hiệu cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ở Việt Nam.
Theo thống kê của Cục TMĐT và CNTT – Bộ Công Thương công bố tại buổi Hội thảo “Thương mại Điện tử xuyên biên giới - xu hướng và cơ hội” ngày 12/11, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 40 triệu người thường xuyên sử dụng internet, trong đó 85% người sử dụng internet bằng điện thoại thông minh, cùng với đó có 58% người đã mua hàng trực tuyến trên mạng.
 
Những con số ấn tượng trên đã phần nào nói lên được tiềm năng phát triển của TMĐT ở Việt Nam. Ông Kasuno - Cục trưởng Cục chính sách Thương mại và Thông tin Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng: “TMĐT là chuỗi phân phối hàng hóa phát triển song hành cùng internet và TMĐT phát triển rất bền vững tại Nhật Bản. TMĐT có khả năng giúp ích rất nhiều cho những DN cả lớn lẫn nhỏ và người hưởng lợi nhất thường là khách hàng. Khách hàng sẽ mua được sản phẩm rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn. Tôi cho rằng TMĐT là một trong những tập hợp con đầy thú vị của internet”.
Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, năm 2014, ở Việt Nam doanh số của TMĐT đạt 4 tỷ USD và dự báo trong những năm tới, thị trường TMĐT tăng trưởng ấn tượng trong 2 con số.
Tuy nhiên, thị trường TMĐT ở Việt Nam hiện nay phát triển chưa tương xứng so với các hình thức bán lẻ khác. Nhìn trên bình diện phát triển chung của thế giới về TMĐT, Việt Nam vẫn còn tụt hậu và cần rất  nhiều việc phải làm. Hiện TMĐT ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập trong các vấn đề như: Phương thức thanh toán, kho vận, chất lượng hàng hóa, bảo mật thông tin…
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, các DN ở Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Vì vậy, loại hình kinh doanh TMĐT là bước đi thích hợp để đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.
“Ví dụ, gần đây, một DN trồng hoa lan ở Củ Chi có trao đổi với tôi là muốn đưa các sản phẩm hoa lan sang thị trường Nhật Bản, nhưng hiện tại DN đó rất khó khăn để giới thiệu sản phẩm của mình do họ thiếu hỗ trợ các thủ tục pháp lý và bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy tôi khuyên họ nên bán hàng qua các gian hàng điện tử và phải giới thiệu các sản phẩm bằng ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Nhật…” – Ông Trần Hữu Linh cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới kho vận phục vụ cho TMĐT của nước ta còn nhiều yếu kém. Kinh doanh TMĐT là tận dụng về mặt thời gian giao hàng một cách nhanh nhất nhưng sản phẩm đến tay khách hàng có khi mất từ 7-10 ngày. Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy là vì hệ thống kho vận của chúng ta chủ yếu tập trung ở thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài yếu tố kho vận, vấn đề pháp lý như thủ tục thông quan, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài khi vào Việt Nam còn phải thông qua kiểm duyệt của ngành văn hóa.
Cùng với đó, các DN kinh doanh TMĐT như Tiki.vn, 5giay.vn… cho rằng, hiện tại ở Việt Nam kinh doanh TMĐT chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngoài vướng mắc về chính sách pháp lý, văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam thường là “tiền trao cháo múc”, tức là thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, do đó hình thức kinh doanh này gây khó khăn cho DN. Vì khi mang hàng tới tay khách hàng, họ có thể đổi ý không mua sản phẩm. Còn hình thức thanh toán bằng hệ thống thanh toán điện tử lại gặp rủi ro đối với khách hàng, vì rất nhiều DN kinh doanh TMĐT ở nước ta làm ăn kiểu “chụp giật”, không đặt “chữ tín” lên hàng đầu nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng không đúng như với những gì thông tin sản phẩm đăng trên gian hàng điện tử.
Để giải quyết những yếu tố kìm hãm TMĐT phát triển ở Việt Nam, các chuyên gia và DN kinh doanh TMĐT Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy TMĐT ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đó là cần phải cải cách về chính sách pháp lý, cần sớm xây dựng Bộ luật về TMĐT để từ đó có những điều chỉnh về các vi phạm kinh doanh TMĐT. Đi kèm với xây dựng chính sách pháp luật, các DN TMĐT Việt Nam cần đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh TMĐT một cách chuyên nghiệp, luôn đề cao “chữ tín”.
Trích nguồn : http://www.kinhtedothi.vn/
 

Việt Nam tham dự hội chợ quốc tế thường niên lớn nhất Cuba

Ngày 2/11, Hội chợ quốc tế La Habana lần thứ 33-FIHAV 2015 đã chính thức khai mạc với sự góp mặt của doanh nghiệp từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
 

Quang cảnh FIHAV 2014. (Nguồn: cubahora.cu)
Quang cảnh FIHAV 2014. (Nguồn: cubahora.cu)

Theo phóng viên tại La Habana, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca nhấn mạnh số lượng doanh nghiệp tham dự đông đảo nhất trong 15 năm qua của hội chợ lần này chính là “minh chứng của sự quan tâm và tin tưởng ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế tới thị trường Cuba.” 
Ông Malmierca, cũng là Trưởng Ban tổ chức FIHAV 2015, khẳng định Cuba đang tiếp tục trao đổi thương mại rộng rãi, theo đúng chiến lược được đề ra là đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại thương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dịch vụ.
Bộ trưởng Malmierca cũng trả lời về khả năng tái thiết lập quan hệ kinh tế và tài chính với Mỹ, khẳng định Cuba đã sẵn sàng để tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương, tuy nhiên nhận định cuộc bao vây cấm vận đơn phương của Mỹ tiếp tục là rào cản chính cho tiến trình này.
FIHAV được tổ chức từ năm 1982 và trong 33 năm tồn tại của mình, sự kiện thương mại thường niên lớn nhất của Cuba đã góp phần đáng kể nâng cao uy tín của đảo quốc Caribe này trên thị trường quốc tế. Hội chợ năm nay ghi nhận lần đầu tiên Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait và Puerto Rico tham dự.
Theo chương trình chính thức của hội chợ, trong hai ngày 3 và 4/11 sẽ lần lượt diễn ra sự kiện “Ngày Việt Nam” và Hội thảo Doanh nghiệp Cuba-Việt Nam.

Trích nguồn : TTXVN/Vietnam +

Khí thế mới ở Than Mông Dương

Là mỏ than bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Tập đoàn TKV sau trận mưa lụt cuối tháng 7-2015, Công ty CP Than Mông Dương có gần 40.000m lò ở mức  -250m đến -97m bị ngập trong nước, hàng trăm thiết bị cùng hệ thống trạm điện, hầm bơm thoát nước mỏ bị hư hỏng nặng; mặt bằng công nghiệp mỏ, cửa lò, khu vực kho than, đường mỏ, nhà điều hành bị bùn đất lấp kín từ 1-1,6m... ước thiệt hại lên đến gần 500 tỷ đồng... khiến cho hoạt động khai thác của Công ty bị ngưng trệ hoàn toàn.

Đồng chí Nguyễn Trọng Tốt, Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu của Công ty trong công tác khắc phục sự cố tại mỏ Mông Dương, ngày 28-10-2015.
Đồng chí Nguyễn Trọng Tốt, Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu của Công ty trong công tác khắc phục sự cố tại mỏ Mông Dương, ngày 28-10-2015.

Tuy nhiên, với tinh thần “kỷ luật - đồng tâm”, ngay trong những ngày mưa lụt, các đồng chí lãnh đạo TKV đã có mặt kịp thời tại hiện trường, động viên CBCN Than Mông Dương quyết tâm cứu mỏ, khôi phục sản xuất trở lại. Với phương châm “kiểm soát đến đâu, khôi phục đến đó - khôi phục đến đâu, sản xuất đến đó”, đến ngày 20-9-2015, Công ty đã bơm được hơn 4,6 triệu m3 nước tại các đường lò, đồng thời tiến hành sửa chữa các thiết bị máy móc, điện, trạm bơm, thông tin liên lạc… Hơn chục máy bơm có công suất từ 600-1.250m3/giờ đã hoạt động liên tục, trong đó có đến quá nửa số máy bơm được các đơn vị bạn chuyển đến cùng Mông Dương cứu mỏ.

Anh Lê Thắng, công nhân hầm lò, Công ty CP Than Mông Dương cho biết: Gắn bó với mỏ gần chục năm rồi, nay thấy mỏ khó khăn, chúng tôi không thể đứng nhìn. Tôi đã cùng với nhiều đồng nghiệp khác tự nguyện xin ở lại tham gia cứu mỏ. Vào thời điểm đó, công tác kiểm soát mức nước là quan trọng nhất. Hầm bơm và trạm điện Trung tâm mức -97 sẽ là yếu tố quyết định để bơm rút nước mỏ lên trên. Theo sự phân công của Ban Chỉ đạo cứu mỏ, tôi cùng hơn 30 đồng nghiệp khác đã di chuyển các cụm bơm mới xuống hầm để lắp đặt thay thế bơm bị hỏng. Cùng với đó là triển khai nối tiếp bơm được huy động từ các đơn vị bạn. Điều này đã cải thiện được khó khăn khi chiều cao đẩy không đủ do đường lò dốc, tăng công suất bơm hút nước. Sau 6 ngày bơm ròng rã, đến ngày 5-8 chúng tôi đã khống chế được mực nước và tiến hành tháo khô tại mức -97,5, anh em rất phấn khởi khi mỏ Mông Dương đã nhanh chóng khắc phục sự cố.

Công trường khai thác 4, Công ty Than Mông Dương đã sản xuất ổn định trở lại sau sự cố ngập lụt.
Công trường khai thác 4, Công ty Than Mông Dương đã sản xuất ổn định trở lại sau sự cố ngập lụt.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo cứu mỏ Mông Dương, đến ngày 20-8 đã khống chế và giữ mức nước ở -150m, ngày 14-9 bơm tháo khô đến mức -250m tại vị trí trung tâm mỏ, ngày 20-9 đã cơ bản hút cạn nước ở các đường lò với tổng khối lượng nước được bơm ra ngoài ước đạt 4,6 triệu m3. Công tác tổ chức thực hiện khắc phục sửa chữa các thiết bị máy móc, điện, trạm bơm, thông tin liên lạc… cũng đã được khẩn trương triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Tốt, Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Tập đoàn TKV, công tác khắc phục sự cố Than Mông Dương đã được rút ngắn, nhanh chóng đi vào ổn định sản xuất trở lại. Cụ thể các gương lò đào, lò xén đã hoạt động đủ với 5 công trường đào lò; gương lò chợ đã có 8/8 lò chợ khấu ổn định như trước khi xảy ra sự cố. Sản lượng than khai thác trung bình từ ngày 24-10 đã đạt trên 3.500 tấn/ngày, vượt mục tiêu sản lượng 3.000 tấn/ngày mà Tập đoàn giao, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Công trường khai thác 1, vỉa H10, Công ty CP Than Mông Dương đã đi vào hoạt động ổn định trở lại.  Ảnh: Đỗ Phương
Công trường khai thác 1, vỉa H10, Công ty CP Than Mông Dương đã đi vào hoạt động ổn định trở lại.

Hiện nay, Công ty CP Than Mông Dương đang tập trung rà soát và quy hoạch lại các diện đào lò, các gương lò; tính toán thiết kế đảm bảo được cơ giới hoá tối đa, kịp thời điều chỉnh các khâu chưa hợp lý để hoàn thiện sơ đồ công nghệ chuẩn, áp dụng cho các gương lò có điều kiện kỹ thuật, thi công khác nhau. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng diện sản xuất cho năm 2016, quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao.

Đến Công ty CP Than Mông Dương vào những ngày này, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng niềm tin đã rạng ngời trên gương mặt những người thợ mỏ. Khắp mọi công trường, phân xưởng đã rộn rã tiếng máy, tiếng cười, Than Mông Dương đang quyết tâm xây dựng lại “cơ đồ” từ những hoang tàn trong cuộc chiến với “thuỷ tặc” vừa qua với khí thế đầy quyết tâm, tin tưởng.

Trích nguồnhttp://www.baoquangninh.com.vn/

Giá xăng giảm gần 800 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa có công văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp, yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ. 
Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 không được cao hơn mức cơ sở - 17.232 đồng một lít, xăng E5 không vượt quá 16.737 đồng.
Cùng quyết định trên, mặt hàng dầu diesel 0,05S giảm 432 đồng/lít; dầu hỏa giảm 481 đồng/lít và dầu mazút 3,5S giảm 316 đồng/kg.

Giá xăng giảm gần 800 đồng/lít. Ảnh minh họa.
Giá xăng giảm gần 800 đồng/lít. Ảnh minh họa.

Quyết định của liên bộ đưa ra cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối trong nước giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn ở mức 300 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu, trong khi điều chỉnh đối với xăng khoáng từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít.
Theo Bộ Công Thương, giá thành phẩm xăng dầu thế giới gần đây biến động lên xuống không ổn định. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ 4/10 đến 18/10 là 58,112 USD/thùng, giảm hơn 4 USD/thùng so với chu kỳ tính giá trước đó; 58,012 USD/thùng với dầu diesel và 58,014 USD/thùng dầu hoả, cùng giảm khoảng 2 USD so với trước đó; 239,059 USD/tấn mazut, giảm gần 11 USD/tấn.
Lý giải việc điều chỉnh trên, liên bộ cho biết, giá thành phẩm của mặt hàng xăng Ron 92 trung bình trong 15 ngày vừa qua, tính từ ngày 19/10 đến hết ngày 2/11 giảm khá mạnh.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng Ron 92 đã giảm hơn 2 USD/thùng, trong khi các mặt hàng dầu cũng giảm từ 0,5-1,5 USD/thùng, do vậy liên bộ đã yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh để đảm bảo đúng yêu cầu của Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu.
Đơn cử, cứ 15 ngày liên Bộ sẽ công bố giá cơ sở để các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh, điều này đã tạo điều kiện tốt cho người dân cũng như giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng. 
Lần điều chỉnh gần đây nhất hôm 19/10, giá xăng RON 92 được doanh nghiệp giảm phổ biến về mức 18.000 đồng một lít (hạ 130 đồng), trong khi tăng giá các mặt hàng dầu 170-280 đồng một lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trải qua 6 lần tăng và 9 lần giảm.

Trích nguồn : http://www.kinhtedothi.vn/

Hỗ trợ trực tuyến

4384909
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1753
4123
5876
2330825
84855
4384909

Your IP: 18.116.14.12
Server Time: 2024-11-25 09:34:10

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 63 guests and no members online