Warning
  • Sorry No Product Found!!.

EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện từ nay đến cuối năm

Trao đổi với báo chí ngày 15/9, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri cho biết, từ nay đến cuối năm, EVN sẽ không xin điều chỉnh giá điện. EVN sẽ tìm mọi biện pháp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận để đưa được khoảng chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng năm 2015 vào mà không bị lỗ.

Tại các cuộc họp của Bộ Công Thương gần đây có ý kiến cho rằng việc nới biên độ tỷ giá vừa qua ảnh hưởng khá lớn đến ngành than, dầu khí và ngành điện. Cụ thể tác động như thế nào thưa ông?

Chúng tôi tính sơ bộ, từ đầu năm 2015 đến nay, do điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ, các khoản nợ ngắn hạn (các khoản phải trả nợ ngay) của EVN tăng lên khoảng 240 tỷ.

 EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện từ nay đến cuối năm - 1

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri.

Tỷ giá cũng tác động trực tiếp đến chi phí của EVN ở khâu giá khí vì hiện nay đang tính bằng đồng đô la Mỹ. Vì vậy khi tỷ giá tăng lên, chi phí mua điện của các nhà máy chạy khí sẽ tăng lên, ước tính chi phí tăng lên trong năm 2015 do chênh lệch tỷ giá dẫn đến việc giá mua điện của các nhà máy tăng là khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng các khoản phải hạch toán ngay trong năm 2015 này là 2.000 tỷ đồng.

Do EVN vay của các tổ chức tín dụng lớn với số lượng lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, vay cả bằng đồng đô la Mỹ, đồng yên Nhật và đồng Euro, nên chênh lệch tỷ giá do các khoản vay dài hạn của EVN tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá theo chúng tôi tính toán đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ đồng này không phải hạch toán ngay vào trong giá thành. Theo Thông tư 179, các công trình đầu tư, sau khi quyết toán thì các khoản chênh lệch tỷ giá được trích, phân bổ dần trong vòng 5 năm chứ không phải đưa hết ngay vào giá thành. Đối với nhưng khoản vay hình thành tài sản đã đưa vào sử dụng, EVN sẽ phải tính toán để báo cáo Chính phủ cho phép phân bổ dần chi phí này trong nhiều năm, tương tự chênh lệch tỷ giá năm 2011, EVN đã xin phép Chính phủ cho phân bổ dần đến năm 2015 sẽ phân bổ hết. EVN đến nay đã giải quyết còn 4.800 tỷ đồng.

Vậy các khoản chênh lệch này sẽ được xử lý thế nào? Sẽ tính hết vào giá điện?

Với khoản 2.000 tỷ chênh lệch tỷ giá năm 2015 phải đưa ngay vào chi phí sản xuất, EVN sẽ chỉ đạo các Tổng Công ty trực thuộc tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có giá thành thấp, yêu cầu các nhà máy phát tăng sản lượng, huy động tối đa công suất để tăng lợi nhuận để bù vào. Doanh nghiệp sẽ tìm mọi biện pháp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận để đưa được khoảng chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng năm 2015 vào mà không bị lỗ.

Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ, có khoản trả trong vòng 20 năm, hoặc có những khoản vay ODA trả trong vòng 30 năm, 10 năm ân hạn thì EVN sẽ xin phép Chính phủ sẽ phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện. Như vậy trong năm 2015 việc xử lý tài chính của EVN sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh được. Chênh lệch giá chúng tôi sẽ giải quyết bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận từ các nhà máy có giá thành sản xuất thấp.

Đối với đề xuất của Tập đoàn TKV về việc hạch toán lại các chi phí tăng lên, EVN có ý kiến gì?

Đến nay Bộ Công thương chưa cho phép điều chỉnh tỷ giá đối với bất kỳ doanh nghiệp, kể cả trong hay ngoài EVN, vì vậy EVN sẽ phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhưng tôi cho rằng là cũng không điều chỉnh lên được mà trước tiên phải phấn đấu bù đắp chi phí bằng các hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp bất khả kháng, không thể xử lý được thì phải báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có biện pháp xử lý, cũng tương tự như EVN đã kiến nghị là không hạch toán vào chi phí ngay mà cho phép phân bổ dần, lấy lợi nhuận từ những năm sau bù vào, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng vì những khoản nợ này chưa đến hạn trả                   

Vừa qua có một số báo chí đưa tin EVN đang muốn tăng giá điện. Tôi xin khẳng định là trong năm 2015 EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện, EVN sẽ chỉ đạo các đơn vị bằng mọi biện pháp khắc phục. Hiện nay các doanh nghiệp khác trong nên kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. EVN thấy cần có trách nhiệm phải giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Sang năm EVN vẫn phải tính toán tiếp để giữ mức ổn định càng lâu càng tốt.

Trích nguồn :http://www.24h.com.vn/

Chi phí sản xuất than tăng 12.000 đồng mỗi tấn, lợi nhuận giảm

Than mò được dưới suối, phường Mông Dương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 16/9, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết giá thành chi phí sản xuất than dự kiến tăng thêm khoảng 12.000 đồng/tấn; lợi nhuận giảm gần 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tại buổi làm việc của Tỉnh ủy Quảng Ninh với Công ty Cổ phần Than Mông Dương, ông Lê Minh Chuẩn lý giải giá than tăng là do tác động hậu quả của đợt mưa lũ cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám vừa qua. 

Trước khó khăn của ngành than, ông Chuẩn cho biết thêm dự kiến than tiêu thụ giảm 1 triệu tấn so với kế hoạch (34/35 triệu tấn). Thời gian tới, Tập đoàn tập trung ưu tiên khắc phục hậu quả mưa lụt, khôi phục sản xuất, đảm bảo doanh thu của ngành; đồng thời cùng địa phương tiếp tục hỗ trợ, ổn định đời sống cho người dân...

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh b iểu dương sự cố gắng, nỗ lực của TKV nói chung và các đơn vị ngành Than nói riêng; trong đó có Công ty Cổ phần Than Mông Dương trong việc huy động tối đa lực lượng cũng như trang thiết bị ứng cứu để tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại do mưa lụt gây ra, đảm bảo ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than của cả nước, góp phần ổn định an ninh năng lượng.

Ông Đọc đề nghị Tập đoàn và Công ty Cổ phần Than Mông Dương lập phương án bố trí lao động trong thời gian khắc phục sự cố ngập mỏ và xây dựng phương án tiền lương với mục tiêu cao nhất là ổn định sản xuất, đời sống cho người lao động. Ngành Than chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất tại các mỏ lộ thiên và hầm lò.

Liên quan đến việc đảm bảo đời sống cho người dân sau lũ, ông Nguyễn Văn Đọc yêu cầu TKV và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ thiệt hại, đảm bảo tiền lương cho người lao động; quy hoạch ngay vị trí tái định cư, hỗ trợ cho 109 hộ dân ở các tổ dân 1, 2, 3 khu 4 phường Mông Dương bị sạt lở do bãi thải Đông Cao Sơn có nhà ở trước Tết Nguyên đán 2016; đảm bảo 100% người dân có đất làm nhà.

Ngoài ra, phải kiên quyết di dời các hộ dân sống tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao tại chân bãi thải, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Theo báo cáo của C ông ty Cổ phần Than Mông Dương, từ ngày 26-28/7 vừa qua do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra ngập lụt mỏ Mông Dương khiến cho phần mặt bằng công nghiệp mỏ đất đá trôi lấp ngập toàn bộ; phần hầm lò nước ngầm chảy vào lưu động lớn làm ngập toàn bộ đường lò mức -250 trở lên; ngập một phần mức -97,5; hệ thống trạm điện, hầm bơm thoát nước mỏ, các gương lò chợ, lò chuẩn bị sản xuất bị ngập lụt...

Từ ngày 29/8 vừa qua mỏ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm hơn 4.000 lao động của công ty, với tổng thiệt hại ước tính trên 500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 14/9 vừa qua, Công ty đã bơm rút nước ra khỏi mỏ gần 4,3 triệu m3 nước; đồng thời tập trung khôi phục hầm bơm, trạm điện mức -97,5 Trung tâm; hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, khí nén cấp nước... khu vực hầm lò đến mức -250...

Đến nay, Công ty đã bố trí điện sản xuất cho 2 gương lò chợ khấu và cải tạo; 25 gương lò đào, xén khôi phục cho 11 công trình đào lò, khai thác ở khu vực Trung tâm mức -97,5 khôi phục sản xuất toàn bộ khu vực Đông Bắc Mông Dương mức -150 lên +25...

Đến ngày 15/9, số người tham gia lao động sản xuất tại Công ty là 2.656 người.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo thành phố Cẩm Phả cho biết đến nay thành phố đã chi hỗ trợ thiệt hại tại phường Mông Dương trên 12 tỷ đồng. Đối với 109 hộ dân tại tổ 1,2,3 thuộc khu 4, phường Mông Dương đã có quỹ đất để tái định cư cho các hộ tại khu 11 với diện tích 100m2/lô, phấn đấu đưa người dân về nơi ở mới trước Tết Nguyên đán 2016.

Đồng thời dự kiến trước ngày 20/9 tới sẽ hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và chi trả tiền hỗ trợ đối với 109 hộ dân./.

Trích nguồn : http://www.vietnamplus.vn/

Giá dầu thế giới biến động sau thông tin về kinh tế Trung Quốc

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: fortune.com)
Chốt phiên 8/9, giá dầu thế giới diễn biến trái chiều sau khi thị trường đón nhận thông tin cho hay hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 8 giảm, làm gia tăng quan ngại về nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế đầu tàu châu Á này.
 
Cụ thể, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2015 giảm 11 xu Mỹ so với mức đóng phiên cuối tuần trước, xuống 45,94 USD/thùng. 
 
Ngày 7/9, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 1,89 USD lên 49,52 USD/thùng.
 
Trong tháng 8/2015, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước xuống 196,9 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo giảm 6% của các nhà phân tích và có sự cải thiện so với mức giảm 8,3% trong tháng 7/2015. 
 
Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu trong cùng tháng giảm 13,8% xuống 136,6 tỷ USD, ghi dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp, cao hơn mức giảm 8,1% trong tháng Bảy, nguyên nhân chủ yếu là do giá hàng hóa giảm. Số liệu này làm thị trường thêm lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
 
Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng Tám giảm tới 13% so với tháng trước, tương đương giảm 6,3 triệu thùng dầu/ngày. 
 
Theo Bernard Aw, chuyên gia thị trường tại IG Markets, cho biết số liệu trên càng củng cố quan điểm rằng kinh tế Trung Quốc vẫn đang yếu và chưa thấy “đáy”./.
 
Trích nguồn : http://www.vietnamplus.vn/

Lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm mũi nhọn

 Mỗi năm, Việt Nam tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc nhập khẩu phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp, vì vậy Nhà nước nên hỗ trợ DN trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm giảm kim ngạch nhập khẩu.
Đó là ý kiến của các DN tham dự Triển lãm Sản phẩm CNHT Việt Nam 2015 (ICS Vietnam 2015) do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội tổ chức.
Cơ hội và thách thức
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, ngành CNHT Việt Nam đã phần nào cải thiện, thể hiện qua tỷ lệ cung ứng nội địa cho các DN Nhật Bản đã gia tăng đáng kể. Ông Soichi Yoshimura - Phó Chủ tịch JETRO cho biết: Tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam tăng từ 22% vào năm 2011 lên 33% trong năm 2015, qua đó góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Còn theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, nếu như năm 2010, Việt Nam mới chỉ thu hút được 198 dự án FDI của Nhật Bản, thì đến năm 2014 đã lên tới 517 dự án. Có được thành công này là do DN Việt Nam hoạt động trong ngành CNHT đã có sự phát triển đáng kể thông qua việc hợp tác với DN nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản để có thể đáp ứng nhu cầu cho DN FDI đầu tư tại Việt Nam.
Giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Triển lãm ICS Vietnam 2015.	 Ảnh: Hoài Nam
Giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Triển lãm ICS Vietnam 2015. Ảnh: Hoài Nam
Theo cam kết ASEAN, đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ 97% các dòng thuế quan. Việc xóa bỏ thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển thị trường tiêu dùng… Tuy nhiên, các DN hoạt động trong ngành CNHT sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất trong khu vực. Vì vậy, ngành CNHT Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng nội địa cho các nhà đầu tư, qua đó có đủ khả năng cạnh tranh với hàng nhập ngoại khi xóa bỏ hàng rào thuế quan.
Không thể thiếu chính sách hỗ trợ
Tuy các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT đã phần nào phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ phía các DN FDI. Số liệu của JETRO cũng cho thấy, mặc dù trong giai đoạn 2011 - 2014, ngành CNHT của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… không có mức tăng trưởng đáng kể, thậm chí giảm tỷ lệ cung ứng nội địa so với thời gian trước, nhưng vẫn cao hơn Việt Nam. Cụ thể, DN Trung Quốc cung ứng 66%, Thái Lan 55%, Indonesia 43%...
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề ICS Vietnam 2015, ông Lê Lộc - Giám đốc Công ty An Việt Long, chuyên gia công các chi tiết cơ khí chính xác cho biết: Các DN CNHT đa phần là DN vừa và nhỏ nên thiếu vốn và công nghệ. Bên cạnh đó, DN lại có thói quen sản xuất theo quy trình khép kín trong nội bộ DN, khiến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì vậy, DN mong Nhà nước hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, từ đó tiếp cận công nghệ, kỹ thuật cao để có thể đối mặt với sức ép cạnh tranh đến từ các tập đoàn lớn.
Đưa ra giải pháp cho quá trình phát triển hệ thống ngành CNHT, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: Hệ thống các nhà cung ứng hỗ trợ thường chia thành nhiều cấp, như cấp 1, cấp 2, cấp 3... Nếu ngay lập tức đòi hỏi các DN Việt Nam trở thành những nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới là việc rất khó khăn. Trong khi đó, các DN Việt Nam với quy mô nhỏ chỉ có năng lực quản trị, tài chính cũng như công nghệ thấp, do vậy hãy bắt đầu từ việc trở thành những nhà cung ứng ở cấp thấp nhất đi lên. Đồng tình với ý kiến này, ông Katsuro Nagai - Công sứ Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Việc củng cố các DN vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, tạo ra việc làm và công nghệ mới, dẫn đến tái cấu trúc các ngành công nghiệp quốc gia. “Tại Nhật Bản, các DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 99,7% tổng số DN và chiếm khoảng 70% tổng số lao động. Ngay cả những DN Nhật Bản nổi tiếng như Toyota, Honda và Sony cũng đều bắt đầu hoạt động kinh doanh từ các nhà máy nhỏ” - ông Katsuro Nagai dẫn chứng.
Điều đó cho thấy, để ngành CNHT phát triển, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ phát triển. Đồng thời, cơ quan quản lý hoạch định chính sách phải xác định những ngành nào là công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI như dệt may, cơ khí - điện tử, lắp ráp máy…, bởi những ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm CNHT.

 Trích nguồn : http://www.ktdt.vn/

TKV và dấu ấn riêng

Từ nhiều năm nay, phong trào thi đua yêu nước trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được tổ chức rất nề nếp, hiệu quả. Chính từ các phong trào ấy đã góp phần phát huy hơn nữa sức mạnh đoàn kết được vun đắp bởi truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người  thợ mỏ.

Thợ mỏ Than Hòn Gai thi đua đào lò giỏi.

Từ thi đua giành năng suất dẫn đầu

Một trong những yếu tố góp phần cho mọi thành công của TKV, vượt qua nhiều khó khăn chính là cách tạo động lực, phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực của hơn 123.000 cán bộ, công nhân, lao động (CBCN-LĐ) trong toàn ngành. Ở TKV, một trong những phong trào thi đua nổi bật, tiêu biểu chính là lao động sáng tạo, giành năng suất dẫn đầu. Đây vừa là phong trào mang tính chuyên đề song cũng thể hiện rõ sắc thái riêng của TKV. Ban đầu, phong trào này chỉ phát động trong lĩnh vực khai thác than thì nay đã lan tỏa, phát triển mở rộng sang các lĩnh vực khác như xây dựng mỏ; khai thác, chế biến khoáng sản khác; khoan thăm dò địa chất. Với sự tích cực hưởng ứng của các đơn vị thành viên cũng như toàn thể CBCN-LĐ toàn Tập đoàn, phong trào thi đua nói trên đã giành nhiều kết quả trên cả mong đợi. Trong 5 năm (2010-2015), đã có gần 29.000 sáng kiến và đề tài khoa học được áp dụng vào sản xuất, làm lợi trên 1.855 tỷ đồng. Ðã có 185 cán bộ, công nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng công nhận và Huy hiệu Lao động sáng tạo. Nhiều tập thể, cá nhân đạt các giải cao trong các Hội thi sáng tạo do các tỉnh hoặc các bộ, ngành tổ chức hoặc được Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam trao giải thưởng. Năng suất lao động mới của các tổ, đội đào lò, khai thác than lò chợ, tổ máy xúc, tổ máy khoan, tổ xe ô tô vận chuyển trên khai trường mỏ liên tục được xác lập. 5 năm, đã có 319 lượt tổ, đội đạt và vượt mức năng suất Tập đoàn giao hàng năm, được tặng cờ thi đua hoặc bằng khen của Tập đoàn. Từ phong trào thi đua, nhiều tổ, đội sản xuất đã phấn đấu giành được Cờ thi đua năng suất dẫn đầu Tập đoàn trong các năm liên tiếp. Điển hình như lò chợ Công trường Khai thác 3 thuộc Công ty Than Nam Mẫu dẫn đầu về năng suất lò chợ giá khung ZH; lò chợ  Phân xưởng Khai thác 7 của Công ty CP Than Vàng Danh dẫn đầu về năng suất lò chợ giá thuỷ lực XDY; tổ đào lò số 1 thuộc Phân xưởng Đào lò 4 của Công ty Xây dựng mỏ hầm lò II đã dẫn đầu về năng suất mét lò đào trong đá; tổ đào lò số 2 thuộc Công trường Đào lò 2 của Công ty Than Hồng Thái  dẫn đầu về năng suất kỷ lục mét lò đào trong than…

Cùng với đó, phong trào thi đua ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi đạt danh hiệu thợ giỏi cũng thu hút đông đảo thợ mỏ tham gia và đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ duy trì tốt phong trào và đảm bảo phổ biến từ các công trường, phân xưởng nên hàng năm các đơn vị đều tổ chức Hội thi cấp cơ sở. Ba năm một lần TKV lại mở Hội thi chọn thợ giỏi cấp Tập đoàn. Qua hai hội thi do Tập đoàn tổ chức vào năm 2011 và 2014, đã có trên 1.000 công nhân được công nhận danh hiệu “Thợ giỏi cấp TKV”… Bên cạnh phong trào thi đua toàn Tập đoàn, các đơn vị thành viên cũng đã chủ động xây dựng và phát động phong trào thi đua riêng. Nhiều phong trào, công trình, dự án đã và đang được tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt đề cao nội lực của từng đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng, sớm đưa vào khai thác nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất của Tập đoàn.

Đến thành công trong sản xuất kinh doanh

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV đã khẳng định: Những năm qua, các phong trào thi đua lao động sản xuất của Tập đoàn, từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên đã được người lao động nhiệt tình hưởng ứng. Để động viên, khích lệ trực tiếp và kịp thời đối với người lao động, TKV đã có những danh hiệu vinh dự dành riêng cho thợ mỏ như: Cờ thi đua của TKV cho các tập thể dẫn đầu mỗi phong trào, mỗi nội dung thi đua; “Huy hiệu Thợ mỏ vẻ vang”, “Thợ giỏi cấp TKV”… Trong 5 năm qua, Tập đoàn đã tặng “Huy hiệu Thợ mỏ vẻ vang” cho gần 9.000 CBCN-LĐ, tặng Cờ thi đua của TKV cho trên 220 tập thể. Đặc biệt, Tập đoàn còn có cơ chế khuyến khích bằng vật chất như tiền thưởng, thưởng tham quan du lịch trong và ngoài nước, được ưu tiên xét lên lương trước thời hạn, được ưu tiên lựa chọn đào tạo nâng cao trình độ… Không kể các đơn vị tự khen thưởng hoặc được Tập đoàn phân cấp, ủy quyền khen thưởng, Tập đoàn đã tổ chức tập trung cho gần 1.200 lượt công nhân có thành tích cao trong các phong trào thi đua đi tham quan du lịch nước ngoài và trực tiếp khen thưởng từ Quỹ khen thưởng của TKV trên 250 tỷ đồng.

Bóc xúc đất đá, khẩn trương mở diện sản xuất tại khai trường Công ty CP Than Cọc Sáu.

Hiệu quả của các phong trào thi đua đã tác động trực tiếp, tích cực đến năng suất lao động, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2012-2015 một chặng đường được đánh giá là hết sức khó khăn của Tập đoàn. Kinh tế suy thoái dẫn tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đều giảm sút mạnh, giá bán hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều giảm sâu... đã tác động trực tiếp đến TKV. Thêm vào đó, giá thành than tăng nhanh do thuế, phí ngày càng cao, điều kiện khai thác ngày càng đi xa và xuống sâu hơn. Hơn nữa, trận mưa lớn cuối tháng 7 đầu tháng 8 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của Tập đoàn, gây thiệt hại về vật chất trên 1.200 tỷ đồng, trên 3 vạn thợ mỏ mất việc làm… Chính từ tinh thần kỷ luật và đồng tâm, từ sự lan toả của phong trào thi đua vượt khó, phục hồi sản xuất và sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong việc điều hành kế hoạch sản xuất - tiêu thụ, nhờ các giải pháp tổng thể và việc triển khai đồng bộ nên mặc dù trong tình hình hết sức khó khăn, Tập đoàn vẫn hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản, sản xuất vẫn giữ được ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập, cân đối được tài chính ở mức an toàn cho phép, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngày 15-11-1968, trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”. Thực hiện lời căn dặn ấy của Người, trong suốt hành trình xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, cán bộ, công nhân Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã hiện thực hoá bằng việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để từ đó tạo nền tảng vững cho sự phát trong giai đoạn mới.

Trích nguồn: http://www.baoquangninh.com.vn/

Hỗ trợ trực tuyến

4384644
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1488
4123
5611
2330825
84590
4384644

Your IP: 3.149.27.33
Server Time: 2024-11-25 07:47:11

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 69 guests and no members online