Theo nội dung mà Bộ GTVT đưa ra, giá cước vận tải trên thực tế luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ, do đó nhân dân luôn quan tâm, theo sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải. Quan trọng là vậy nhưng hiện nay, giá cước vận tải bằng xe ôtô lại thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, xảy ra một thực tế là thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước vận tải. Điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP để tăng cường quản lý giá cước vận tải ôtô.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Điều 3 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo Nghị định 177, đề nghị bổ sung cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm 1 khoản 2, Điều 15 bởi hiện nay chỉ quy định giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi là danh mục bắt buộc phải kê khai, đề nghị sửa thành "tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ôtô đều bắt buộc kê khai”. Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục phải kê khai cước để quản lý theo quy định.

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 4/12, lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa nhận được văn bản nào của Bộ GTVT về việc đề nghị bình ổn giá vận tải cả, mà chỉ nghe thông tin từ báo chí đưa ra.

Cần sớm cân nhắc đưa cước vận tải vào danh mục hàng bình ổn giá. (Ảnh minh họa)

“Bởi vậy, chúng tôi vẫn phải đợi công văn từ Bộ GTVT xem họ phân tích thực trạng và đề xuất cụ thể như thế nào, rồi mới nghiên cứu tính hợp lý, hợp pháp để thực hiện. Việc bổ sung hay sửa đổi danh mục hàng bình ổn giá cần phải có quy trình, không thể một sớm một chiều làm ngay được. Hơn nữa, trong thời gian này, chúng tôi vẫn đang ráo riết trong việc quản lý giá cước vận tải, vẫn yêu cầu các địa phương tiếp tục thanh, kiểm tra, yêu cầu các DN kê khai chi phí, giá thành, từ đó rà soát lại, để xem kê khai có hợp lý không. Trong trường hợp kê khai không đúng, thì chúng tôi sẽ yêu cầu kê khai lại và có chế tài xử phạt”, vị này cho biết.

Bình luận ngoài lề, lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng cho rằng cần phải cân nhắc kỹ vì khi áp đặt một quyết định hành chính, cần phải cân nhắc quyền lợi liên quan. Nếu đứng về phía những người tiêu dùng, và thậm chí là cả nền kinh tế, việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá để có thể “ép” giảm theo nhịp giảm giá của xăng dầu là rất tốt, tuy nhiên, phía các DN vận tải thì lại sẽ không ủng hộ vì đụng chạm đến quyền lợi của họ.

Lấy ý kiến của “người trong cuộc”, một số chủ xe khi được hỏi cho rằng giá cước vận tải hiện nay đã “tương đối hợp lý”, và thực tế, một số DN cũng đã giảm giá vài lần. “Trình bày hoàn cảnh”, một đại diện trong Hiệp hội Taxi cho rằng, các hãng taxi đang gặp khó khăn, vì giá cước taxi không chỉ phụ thuộc giá xăng, mà còn phụ thuộc các yếu tố đầu vào khác như giá phụ tùng trong năm đã tăng 20-30%, duy tu sửa chữa tăng 15%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 13,4% trong hai năm, cộng với việc giá điện nước tăng, DN phải nộp phí bảo trì đường bộ, phí tần số… Tất cả các chi phí đó “dội” vào giá thành ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ lái xe taxi. Việc giữ giá đã khó khăn, nếu giá cước giảm nữa ảnh hưởng đến đời sống người lao động, sợ lái xe bỏ việc. Còn đối với vận tải xe tải, hiện các DN được tự chủ quyết định, nếu ai giữ giá cước cao sẽ mất khách hàng.

“Thực ra, thị trường vận tải hiện cũng cạnh tranh rất khốc liệt, trong đó giá là một tiêu chí quan trọng để sống còn, vì vậy chúng tôi nghĩ không cần thiết phải bình ổn giá, mà các DN sẽ phải tự tính toán, trên cơ sở “nhìn mặt nhau”, đại diện DN chia sẻ.

Về phía các chuyên gia kinh tế, nhiều người cho rằng việc bình ổn giá cước vận tải là cần thiết và phải sớm thực hiện. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, bình ổn giá là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Trong từng thời kỳ, Nhà nước chọn mặt hàng nào để bình ổn sẽ dựa trên căn cứ thực tế: phải xem mặt hàng đó có tác động lớn tới nền kinh tế hoặc xã hội nói chung không, đánh giá sự ảnh hưởng của mặt hàng đó để có quyết định bình ổn. Với vận tải, đây là mặt hàng thực sự quan trọng, thiết yếu, là đầu vào của đầu vào đối với sản xuất kinh doanh.

“Hiện nay, giá cước vận tải ở Việt Nam đang cao gấp 3 lần các nước khác, trong khi nó là chi phí cấp thiết, quan trọng. Đối với sản xuất kinh doanh, vận tải chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành. Còn đối với người tiêu dùng, vận tải cũng chiếm một khoản chi phí không nhỏ trong đi lại hằng ngày. Trong thời điểm hiện nay, giá xăng dầu giảm mà giá vận tải vẫn không giảm, hoặc giảm cầm chừng cho thấy sự bất ổn. Vì vậy, việc bình ổn giá vận tải theo tôi là cần thiết. Tuy nhiên, về cách thức bình ổn, theo tôi, không thể định giá theo kiểu áp trần như giá sữa, mà phải bình ổn bằng cách yêu cầu kê khai đăng ký giá bán của DN”, PGS.TS Long đề xuất.

71 doanh nghiệp của Hà Nội điều chỉnh giảm giá cước vận tải

Theo tin từ Sở Tài chính Hà Nội thì do giá xăng, dầu liên tiếp điều chỉnh giảm từ tháng 9/2014 đến nay, hiện đã có 71 doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai lại. Cụ thể bộ phận một cửa đã tiếp nhận 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định mức giá điều chỉnh giảm từ 4-16,67%, 2 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container mức giá điều chỉnh giảm 3-4%, 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp kê khai giảm giá 2 lần) mức giá điều chỉnh giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất.
 
Trích nguồn : http://cand.com.vn/