Thời gian qua, một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng. Câu hỏi được đặt ra: Liệu đây có là dấu hiệu cho thấy tiền mặt không còn được tin tưởng và điều này báo trước một cuộc khủng hoảng sắp tới hay chỉ là phản xạ của những người lo xa vẫn tin tưởng vàng là nơi dự trữ an toàn nhất?
Cách đây vài năm, vàng từng bị chê là lỗi thời. Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra ở khu vực đồng tiền chung euro (eurozone), chưa bao giờ các ngân hàng trung ương trên thế giới lại tỏ ra quan tâm đến kim loại quý đến thế. Nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy tích trữ vàng để đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ bên cạnh 2 đồng tiền mạnh của thế giới là USD và EUR.
Chỉ riêng trong năm 2013 các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào gần 500 tấn vàng. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council), đây là một kỷ lục chưa từng có từ năm 1964. Và theo các nhà quan sát, kỷ lục của năm 2013 sẽ sớm bị vượt qua trong năm nay do 10 tháng năm 2014, các nước Đông Âu đua nhau mua vàng.
Nga đã nhập cuộc và hiện đang giữ trong tay khối lượng vàng cao nhất kể từ năm 1993 với khoảng hơn 1.000 tấn. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính tới tháng 4-2014 là 7 tháng liên tiếp, không chỉ Nga mà cả Kazakhstan đã mua thêm vàng để dự trữ. Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Azerbaijan và Hy Lạp cũng có khuynh hướng tích trữ vàng.
Tại châu Á, theo các số liệu chính thức, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 1.000 tấn, tương đương với 1,6% khối dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Một số nguồn tin còn cho rằng lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực tế cao gấp 3 lần so với các thống kê chính thức vừa nêu.
Vàng vẫn được xem là kênh dự trữ an toàn. |
Đến nay, vàng vẫn luôn được coi là phương tiện thanh toán sau cùng được quốc tế công nhận trong mọi trường hợp. Điều đó đã được chứng minh qua nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 cho tới gần đây nhất là khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008.
Mỗi lần như vậy, giá vàng lại được đẩy lên rất cao. Theo nghiên cứu mới nhất của World Gold Council, trong năm 2013 và 2014, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào rất nhiều vàng để đa dạng hóa các nguồn dự trữ gồm ngoại tệ, trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản...
Giá trị USD tới năm ngoái vẫn thấp hơn so với EUR trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tương đối thấp. Nói cách khác, mua USD hay trái phiếu Hoa Kỳ, lãi ít mà rủi ro nhiều. Nhìn tới châu Âu, kinh tế eurozone tăng trưởng èo uột, đồng EUR bấp bênh, đồng bảng Anh trong năm 2013 và 2014 cũng không gây nhiều hào hứng cho các nhà đầu tư. Đó là động cơ khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng.
Sau khi có thông tin về việc Ngân hàng Trung ương Đức có kế hoạch hồi hương vàng từ hải ngoại, rất nhiều trang mạng bình luận về “hồi kết không xa của eurozone”. Có những bài viết nêu lên những đe dọa đối với châu Âu trước khả năng Anh quốc từng bước rút lui khỏi Liên minh châu Âu; chính phủ Italia không vực dậy nổi nền kinh tế đứng thứ 3 eurozone; nợ tư nhân eurozone như quả bom nổ chậm đe dọa toàn thể khu vực...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những giả thuyết trên, dù có đáng tin cậy hay không, cũng không thể giải thích vì sao, một số quốc gia có khuynh hướng chuyển vàng về nước. Đơn giản bởi nếu muốn sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán quốc tế, việc cất giữ vàng ở hải ngoại hay trên lãnh thổ quốc gia không hề quan trọng.
Trich nguồn: http://www.saigondautu.com.vn/