Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Chiến tranh thương mại nóng lên, Trung Quốc siết nhập khẩu vàng

 

Chiến tranh thương mại nóng lên, Trung Quốc siết nhập khẩu vàng

Trung Quốc giảm mua từ 300 - 500 tấn vàng so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 5.

Hạn ngạch nhập khẩu vàng từ các quốc gia cung cấp lớn đã bị thu hẹp hoặc không cấp cho nhiều tháng.

Từ tháng 5, Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu vàng, có thể nhằm chặn đồng đôla chảy ra nước ngoài và hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.
 
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm mua từ 300-500 tấn vàng so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá khoảng 15-25 tỷ USD tính theo giá hiện nay, các nguồn tin giấu tên cho biết.
 
Chính sách hạn chế này được áp dụng khi đối đầu thương mại Mỹ - Trung gia tăng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua và giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Trung Quốc là nước nhập khẩu vàng nhiều nhất thế giới, mua về khoảng 1.500 tấn với trị giá khoảng 60 tỷ USD trong năm ngoái, theo số liệu hải quan nước này.
 
Nhu cầu của Trung Quốc đối với vàng trang sức, vàng thỏi và đồng xu tăng gấp ba lần trong 2 thập kỷ qua, song song với quá trình tích lũy của cải nhanh chóng của đất nước. Lượng vàng dự trữ chính thức của nước này tăng 5 lần lên gần 2.000 tấn trong thời gian này, theo số liệu thống kê chính thức.
 
Số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy nước này nhập 575 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, giảm từ mức 883 tấn trong cùng kỳ năm 2018.
 
Tháng 5, Trung Quốc nhập 71 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 157 tấn trong tháng 5/2018. Lượng vàng nhập khẩu trong tháng 6 còn thấp hơn, với khoảng 57 tấn.
 
Trung Quốc thường mua vàng từ các nước như Thụy Sĩ, Australia và Nam Phi, và thanh toán bằng đôla. Một nhóm ngân hàng địa phương và quốc tế mỗi tháng nhập theo hạn ngạch do ngân hàng trung ương Trung Quốc cấp.
 
Nhưng hạn ngạch đã bị thu hẹp hoặc không cấp cho nhiều tháng, 7 nguồn tin trong ngành từ London, Hong Kong, Singapore và Trung Quốc tiết lộ.
 
 
Ngân hàng trung ương Trung Quốc không phản hồi đề nghị bình luận, Reuters cho biết.
 
Lượng vàng nhập khẩu không bị cắt hoàn toàn vì một số ngân hàng vẫn được cấp hạn ngạch, và các kênh nhập khẩu khác như nhà máy tinh luyện vàng, vẫn mở, 4 nguồn tin cho biết.
 
Các nguồn tin cho rằng động cơ hạn chế nhập khẩu vàng có thể nhằm hạn chế đồng đô la chảy ra ngoài, trong bối cảnh đồng nhân dân tệ đang mất giá.

Trich nguồn: http://vinanet.vn

Giá xăng dầu giảm kể từ 15h ngày 16/8/2019

 

Giá xăng dầu giảm kể từ 15h ngày 16/8/2019

Từ 15h ngày 16/8/2019, mỗi lít xăng giảm 514-544 đồng, các mặt hàng dầu cũng rẻ hơn 519-1.855 đồng.
Chiều ngày 16/8/2019, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng theo hướng tiếp tục giảm, theo đó giá xăng E5RON92 giảm 544 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 514 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 519 đồng/lít; dầu hỏa giảm 570 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.855 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 16/8/2019 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm, cụ thể: 66,966 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 3,063 USD/thùng, tương đương -4,37% so với kỳ trước); 70,197 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,702 USD/thùng, tương đương -3,71% so với kỳ trước); 74,861 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 3,253 USD/thùng, tương đương -4,16% so với kỳ trước); 74,791 USD/thùng dầu hỏa (giảm 3,597 USD/thùng, tương đương -4,59% so với kỳ trước); 359,167 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 69,912 USD/tấn, tương đương -16,29% so với kỳ trước).
Để bảo đảm giá xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh phù hợp với xu hướng biến động giá thị trường thế giới, đồng thời duy trì Quỹ Bình ổn giá để có dư địa điều hành giá các tháng cuối năm trước tình hình địa chính trị trên thị trường thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu khuyến khích sử dụng xăng sinh học, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu bảo đảm giữ mức chênh lệch giá phù hợp giữa xăng E5RON92 và xăng khoáng RON95.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu ở mức 500 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 điều chỉnh giảm 544 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 514 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 519 đồng/lít; dầu hỏa giảm 570 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.855 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON 92 được bán với giá tối đa 19.358 đồng/lít; xăng RON95 là 20.405 đồng/lít; dầu diesel là 16.504 đồng/lít; dầu hỏa là 15.396 đồng/lít; dầu mazut là 14.072 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần thứ 2 liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 8. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 1/8), giá xăng E5RON92 giảm 377 đồng/lít; xăng RON95 giảm 316 đồng/lít...
Mức giá xăng dầu sau khi điều chỉnh

 
Theo văn bản số 6012/BCT-TTTN ngày 16.8.2019 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ 00 cụ thể như sau:
Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sau khi điều chỉnh

 Nguồn: Petrolimex
Nguồn: VITIC tổng hợp

 

Lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ

 

Lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ

Bán hàng từ 200.000 đồng trở lên, siêu thị phải lập hóa đơn là nội dung chính nêu tại Công văn 59211/CT-TTHT của Cục Thuế TP. Hà Nội về lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ.
Theo đó, nếu bán hàng hóa cho người tiêu dùng có giá trị bán hàng từng lần từ 200.000 đồng trở lên thì công ty bắt buộc phải lập hóa đơn theo quy định.
Nếu người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị này phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.
Người bán hàng hóa, dịch vụ chỉ không cần phải lập hóa đơn trong trường hợp tổng giá thanh toán hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 đồng mỗi lần, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn.
Những loại hàng hóa, dịch vụ bán không phải lập hóa đơn này sẽ được theo dõi trên bảng kê. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa, dịch vụ trong ngày.
Khi đó, tên người mua trong hóa đơn này được ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.
 
Công văn được ban hành ngày 29/7/2019.
Xem chi tiết Công văn 59211/CT-TTHT tại đây.
Trích nguồn : http://vinanet.vn

 

Công điện của Thủ tướng CP về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong nghỉ lễ 02/9

 

Công điện của Thủ tướng CP về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong nghỉ lễ 02/9

Thủ tướng yêu cầu đưa đón học sinh phải tuyệt đối an toàn là một trong những yêu cầu được nêu tại Công điện 989/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/8/2019.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và khai giảng năm học mới 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe bus, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.
- Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Lễ Quốc khánh, xử lý nghiêm các trường hợp tăng vé trái quy định, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến;
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông để nâng cao ý thức người dân trong việc không lái xe sau khi uống rượu, bia; không sử dụng điện thoại khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, đặc biệt là đối với trẻ em; thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt…
- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông đặc biệt là các hành vi trực tiếp gây nên tai nạn, ùn tắc như: Chạy quá tốc độ, chở hành khách, hàng hóa quá tải trọng, dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định… đặc biệt là xe ô tô chở khách, container…
- Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ gây ra; kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng, tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.
 
- Công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về tình hình an toàn giao thông…
Công điện này được ban hành ngày 14/8/2019.
Xem chi tiết Công điện 989/CĐ-TTg tại đây.
Trích nguồn: http:vinanet.vn

 

TKV: Vượt khó, đảm bảo cung ứng đủ than cho nền kinh tế

 

TKV: Vượt khó, đảm bảo cung ứng đủ than cho nền kinh tế

7 tháng năm 2019, mặc dù đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đề ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, song Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ than trong nước.
Sản xuất, tiêu thụ than gặp khó
 
TKV cho biết, trong 7 tháng năm 2019, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 79.974 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu than đạt 45.585 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 10.224 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm; sản xuất, bán điện đạt 8.093 tỷ đồng, bằng 65,5% kế hoạch năm; sản xuất cơ khí đạt 1.492 tỷ đồng, đạt 62,8% kế hoạch năm...
Về các chỉ tiêu kỹ thuật, TKV cho biết, trong 7 tháng, tập đoàn đã sản xuất được 24,5 triệu tấn than nguyên khai, đạt 61,2% kế hoạch năm. Sản lượng than sạch thành phẩm đạt 23,8 triệu tấn, bằng 63% kế hoạch năm. Cũng trong 7 tháng đầu năm, TKV tiêu thụ 26,6 triệu tấn than, bằng 63% kế hoạch năm.Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 26,18 triệu tấn, riêng các hộ điện đạt 21,4 triệu tấn, bằng 63% kế hoạch, bằng 118% cùng kỳ, tăng 3,2 triệu tấn so với cùng kỳ.
 
Trong 7 tháng, TKV đã sản xuất được 784.351 tấn Alumin quy đổi và tiêu thụ 793.975 tấn, đạt 61% kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ.
 
Theo TKV, sản xuất kinh doanh của ngành đã đáp ứng tối đa các chủng loại than theo nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ sử dụng khác. Các đơn vị trong ngành than tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động với mức lương bình quân toàn tập đoàn đạt mức 11,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 101,7% kế hoạch năm và bằng 101% so với thực hiện năm 2018, riêng khối sản xuất than đạt mức 12,93 triệu đồng/người/tháng.
 
Tuy nhiên, ngành than đang gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do một số nhà máy nhiệt điện (Vũng Áng, Uông Bí...) gặp sự cố phải dừng sản xuất. Bên cạnh đó, tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện không đúng theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt đã tác động làm giảm sản lượng than tiêu thụ theo kế hoạch.
 
Cũng trong những tháng đầu năm, các nhà máy sản xuất phân bón giảm sản lượng và hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn tiêu thụ sản phẩm và hạn hán trong khi các nhà máy xi măng đang có xu hướng sử dụng than nhập khẩu giá rẻ.
 
Một số hộ tiêu thụ có xu hướng sử dụng than nhập khẩu giá rẻ nên các doanh nghiệp trong ngành than, đặc biệt là TKV phải chủ động cân đối điều chỉnh giảm sản lượng than sản xuất để giảm than tồn kho, đảm bảo phương án cân đối tài chính ở mức tối thiểu.
 
Về tình hình nhập khẩu than, trong 7 tháng năm 2019, TKV đã nhập khẩu 3,14 triệu tấn, đạt 68% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, do giá than trên thế giới đang giảm sâu (giảm tới 40%) nên ngoài TKV, nhiều đầu mối nhập khẩu than đang đẩy mạnh nhập khẩu.
 
Thống kê cho thấy, nếu năm 2013, cả nước nhập khẩu 2,2 triệu tấn than đá thì năm 2018, con số đã tăng lên 21,4 triệu tấn và đỉnh điểm đã được xác lập vào tháng 7/2019 với tổng lượng than nhập khẩu của cả nước lên tới 23 triệu tấn, vượt qua cả tổng lượng than nhập khẩu trong năm 2018. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiêu thụ than của ngành than gặp khó khăn.
 
Đại diện TKV cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục áp dụng tỷ lệ pha trộn 40% than nhập khẩu chất lượng cao và 60% than trong nước để tạo ra loại than có chất lượng trung bình cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện, điều này đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là đảm bảo nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện và đưa giá bán than theo hướng thị trường.
 
Bám sát kế hoạch, đảm bảo cung ứng đủ than cho nền kinh tế
 
Trong những tháng cuối năm và những năm tới, TKV sẽ tập trung cân đối giữa sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho than ở mức hợp lý, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
 
TKV cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh tiết giảm chi phí trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo cân đối tài chính, thu nhập cho người lao động và chuẩn bị các điều kiện tăng sản lượng khai thác.
 
Cụ thể trong tháng 8/2019, TKV đặt mục tiêu sản xuất tối thiểu 2,7 triệu tấn than, tiêu thụ 3,6 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 3,3 triệu tấn; xuất khẩu 300 ngàn tấn; nhập khẩu 520 ngàn tấn.
 
Với các lĩnh vực sản xuất khác, TKV cũng đặt ra chỉ tiêu cụ thể, như: sản xuất 119.000 tấn Alumin; 4.000 tấn tinh quặng đồng; 1.000 tấn đồng tấm; 900 tấn kẽm thỏi; 500 triệu Kwh điện…
 
Về các giải pháp, TKV cho biết, để đảm bảo đủ nguồn than cung cấp cho khách hàng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (theo kế hoạch là khoảng 45 triệu tấn than trong năm nay), tập đoàn sẽ tăng cường khai thác, tăng nhập khẩu và đẩy mạnh chế biến, pha trộn than đáp ứng kịp thời nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đã ký cam kết.
 
 
Trong công tác quản trị, TKV chủ trương tiếp tục rà soát các quy chế, quy định về quản trị nội bộ, một mặt để tăng cường kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, mặt khác tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị trong quản lý điều hành, thúc đẩy sản sản xuất, sử dụng dịch vụ sản phẩm của các đơn vị trong tổ hợp công ty mẹ, công ty con.
 
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, phòng chống mưa bão, bảo vệ môi trường, toàn tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 47/KH-TKV triển khai tháng hành động AT-VSLĐ năm 2019, Kết luận số 125/TB-KL ngày 26/7/2019 thông báo kết luận kiểm điểm công tác AT-VSLĐ 6 tháng đầu năm, triển khai giải pháp an toàn 6 tháng cuối năm 2019. Đồng thời, tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
TKV cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới đã được cấp phép khai thác và ranh giới quản lý tài nguyên, kiên quyết chống thất thoát than từ bên trong mỏ, xiết chặt quản lý than đầu nguồn. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-Tg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.
 
Trích nguồn: http://vinanet.vn

Hỗ trợ trực tuyến

4390140
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3082
3902
11107
2330825
90086
4390140

Your IP: 3.129.69.134
Server Time: 2024-11-26 11:50:36

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 76 guests and no members online