Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 2)

 

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 2)

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ. Ảnh: AFP/TTXVN

Những tín hiệu về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới cho thấy nhu cầu đối với dầu mỏ cũng trở nên ảm đạm.
 
Có một số nguyên nhân then chốt khiến giá dầu không dao động nhiều. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động giao thương toàn cầu, phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
 
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây thông báo sẽ hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
 
Theo đó, IEA dự kiến điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, từ mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng/ngày được đưa ra năm ngoái và 1,2 triệu thùng/ngày được dự báo hồi tháng Sáu vừa qua.
 
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã tác động bất lợi đến nhu cầu dầu mỏ, trong bối cảnh các thị trường đang dồi dào nguồn cung do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh. Sản lượng dầu của Mỹ được dự đoán sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày lên khoảng 11,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Nhờ sản lượng dầu đá phiến gia tăng, Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arrabia trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
 
Chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm vào Iran bắt đầu được Tổng thống Trump phát động sau khi ông chủ Nhà Trắng quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi tháng 5/2018. Trong hơn một năm qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục bị đẩy lên những nấc thang mới sau khi Washington tăng cường lực lượng và củng cố sức mạnh quân sự ở Trung Đông.
 
Theo đánh giá của Giáo sư Eyal Zisser, Phó hiệu trưởng trường Đại học Tel Aviv (Israel), mặc dù căng thẳng Iran-Mỹ đang bị đẩy lên cao, nhưng khó có khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai bên vì cả hai nước đều thận trọng để tránh xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Iran, Tehran sẽ đáp trả mạnh mẽ, không nhượng bộ Mỹ.
 
Giáo sư Zisser nói thêm, Mỹ thực sự không muốn có chiến tranh với Iran vì không có quyền lợi gì ở đó, mà chỉ muốn bảo vệ đồng minh của mình. Bên cạnh đó, việc sa lầy vào một cuộc chiến tranh tiếp theo tại Trung Đông trong khi Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2020 không phải là một ý tưởng hay.
 
Dù cuộc chiến giữa Washington và Tehran có nổ ra hay không, thì áp lực tối đa mà Mỹ nhằm vào Iran cũng sẽ gây ra những hậu quả khó lường đối với Mỹ. Động lực chính đằng sau việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là nhằm gây áp lực buộc Iran phải tuân theo chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Yêu cầu 12 điểm của Mỹ rõ ràng hướng tới một sự thay đổi chế độ ở Tehran (dù Washington phủ nhận điều đó) và định hướng lại chính sách đối ngoại của Iran khỏi các mưu đồ chống Mỹ.
 
Kết quả thật dễ dự đoán khi Iran sẽ không bao giờ chấp nhận những yêu cầu đó, song ông Trump đã lựa chọn một chính sách có độ rủi ro cao để buộc Iran phải tuân thủ "cuộc chơi" của mình. Washington đã sử dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt. Bộ Ngoại giao Iran cho biết những động thái gây căng thẳng của Mỹ đã đóng sập cánh cửa ngoại giao với Tehran. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Mỹ. Chính việc Iran từ chối đàm phán với Mỹ đã khiến chính sách gây sức ép của Tổng thống Trump rơi vào "ngõ cụt".
 
Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng có những hành động mang tính "vừa đấm vừa xoa", khi một mặt sẵn sàng đề nghị đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết với Tehran, trong khi vẫn lớn tiếng đe dọa sẽ xóa sổ Iran. Thế khó của ông Trump là những thách thức trong việc xây dựng một liên minh toàn cầu để chống lại Iran. Các đồng minh châu Âu của Mỹ, ngoại trừ Anh, đã từ chối ủng hộ những nỗ lực chống Tehran của Washington.
 
 
Trong trường hợp nổ ra xung đột với Iran, hỏa lực áp đảo của Mỹ có thể chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu, song Iran và các đồng minh khu vực sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực trong một thời gian dài. Các tên lửa của phong trào Hezbollah đã sẵn sàng nhắm vào Israel, hay các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq cũng sẽ không ngần ngại nhắm vào căn cứ quân sự của Mỹ ở quốc gia này.
 
Những hậu quả kinh tế của cuộc chiến có thể tác động lớn tới kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Iran có khả năng đóng cửa hoàn toàn Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng vận chuyển dầu mỏ từ vùng Vịnh ra thế giới. Theo các chuyên gia, giá dầu lúc đó có thể vọt lên hơn 250 USD/thùng.

Trích nguồn: Bùi Đại Thắng (TTXVN tại Washington)

 

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 1)

 

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 1)

Các diễn biến địa chính trị ở Trung Đông, khu vực chiếm hơn 50% tổng trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng của thế giới, lâu nay thường có tác động nhất định đến giá dầu trên các thị trường thế giới.
Tuy nhiên, những căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong mối quan hệ Mỹ-Iran, nhất là sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran, đã phần nào cho thấy đánh giá trên không hoàn toàn đúng trong một số thời điểm, bởi cuộc khủng hoảng với Iran là tâm điểm vẫn dai dẳng và những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nay chưa thể tạo áo lực đáng kể lên giá dầu như dự báo của giới thị trường và các chuyên gia.
Mối quan hệ vốn không tốt đẹp giữa Mỹ và Iran đã xấu đi sau khi Tổng thống Donald Trump hồi năm 2018 rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vào tháng 7/2015.
Căng thăng giữa hai nước đã leo thang nhanh chóng khi chính quyền của Tổng thống Trump thực hiện một bước đi như liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào “danh sách các tổ chức khủng bố”, bãi bỏ quy chế miễn trừ lệnh trừng hạt đối với các khách hàng mua dầu của Iran, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu phong tỏa toàn diện hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này. Đồng thời, Washington cũng tăng số binh sĩ tới Trung Đông và điều động hạm đội tàu sân bay đến vịnh Ba Tư.
Cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran ngày càng trở nên căng thẳng khi Tehran quyết định phá vỡ giới hạn về dự trữ urani làm giàu theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục không thực thi thỏa thuận này, nhằm trả đũa việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Đối đầu Mỹ-Iran tiếp tục leo thang và chuyển sang một giai đoạn tồi tệ hơn, mà giới quan sát gọi là “bên miệng hố chiến tranh”, khi Tehran tấn công 6 tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz trên biển Oman, đẩy thị trường dầu mỏ thế giới vào trạng thái bất an.
Sau một loạt vụ tấn công vào tàu chở dầu, Mỹ tiết lộ kế hoạch thành lập một liên minh nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Vùng Vịnh (trên Eo biển Hormuz và Bab al-Mandeb) với sự tham gia của các đồng minh và đối tác của Washington. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến và máy bay tuần dương tới khu vực Vịnh Ba Tư cũng như lắp đặt camera và các thiết bị giám sát khác trên các tàu chở dầu đi qua khu vực này.
Về chiến lược, Mỹ hiện có tất cả 7 căn cứ quân sự trong Vịnh Ba Tư, đặt tại Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain. Ở bờ Đông Vịnh Ba Tư, Iran đặt không dưới 10 căn cứ không quân, hải quân và các trạm có trang bị tên lửa đất đối không.
Trung Đông là một tuyến huyết mạch của các hoạt động giao thương dầu mỏ và khí đốt. Khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 1/3 lượng dầu giao dịch trên toàn cầu, được vận chuyển qua tuyến đường này.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Đông chiếm hơn 50% trữ lượng dầu mỏ qua kiểm chứng của thế giới. Khu vực này cũng là nơi hội tụ rất nhiều mối căng thẳng, giữa Mỹ với Iran, giữa Iran với Saudi Arabia, giữa UAE với Iran, đó là chưa kể Israel là kẻ thù không đội trời chung của Iran.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 tàu chở dầu và khí đốt rời Vịnh Ba Tư đi qua Eo biển Hormuz. Phần lớn số tàu này có điểm đến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng trong số các khách hàng mua dầu của Trung Đông có cả châu Âu và Mỹ. Nếu Iran phong toả Eo biển Hormuz, khả năng còn lại duy nhất để đưa dầu mỏ của Trung Đông ra thế giới bên ngoài là đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia. Nhưng công suất của đường ống này chỉ là 6-7 triệu thùng/ngày, thay vì gần 18 triệu thùng được vận chuyển bằng đường biển qua Eo biển Hormuz.
Những diễn biến nói trên lúc đầu đã có tác động ngay lập tức lên các thị trường dầu mỏ quốc tế do lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Sau khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran hồi tháng 5/2019, xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này trong tháng 6/2019 đã giảm xuống còn 300.000 thùng/ngày, so với mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày của tháng 4/2018, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách và trên 80% nguồn thu ngoại tệ của Tehran.
 
Tuy nhiên, tới thời điểm này, khi mà sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, hiệu ứng tiêu cực mang tên khủng hoảng Trung Đông vẫn chỉ có “tác động hạn chế” tới giá dầu thế giới. Giá “vàng đen” đã nhích thêm vài USD/thùng nhưng vẫn chưa thể có được lực đẩy để vọt lên trên ngưỡng 70-75 USD/thùng như dự đoán của giới phân tích. Trong phiên giao dịch ngày 30/7, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 46 xu Mỹ (0,7%) lên 64,17 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 41 xu Mỹ (0,7%) lên 57,28 USD/thùng.

 

Khủng hoảng thời tiết toàn cầu làm giảm sản lượng mùa vụ tại châu Á

 

Khủng hoảng thời tiết toàn cầu làm giảm sản lượng mùa vụ tại châu Á

Đất nứt nẻ dưới đáy hồ Porur ở Chennai, Ấn Độ hôm 5/7. Ảnh: Bloomberg.

VTrong một năm mà sức nóng kỉ lục đang thiêu đốt châu Âu và trận mưa lớn nhất trong nhiều thập kỉ làm ngập lụt nhiều vùng của Trung Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phải đương đầu với sự khắc nghiệt của thời tiết cực đoan.
 
Hạn hán và lũ lụt ở một số khu vực, đã phá huỷ sinh kế của hàng nghìn người, và tàn phá mùa màng tại khu vực sản xuất gần như toàn bộ dầu cọ, cao su tự nhiên và gạo của thế giới, và hơn một phần ba lượng đường.
 
Trong khi nhiều vùng tại Trung Quốc chịu đựng những trận mưa lớn nhất trong gần 60 năm qua, mực nước trên sông Mê Kông, một trong những hệ thống sông lớn nhất châu Á, đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, và các khu vực ở miền nam Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài.
 
"Trong vài năm qua, chúng tôi đã thấy tình trạng hạn hán diễn ra nhiều hơn", ông Donald Keeney, nhà khí tượng học nông nghiệp cao cấp tại Maxar, một công ty tư vấn thời tiết ở Mỹ cho biết.
 
The ông, những điều kiện thời tiết này sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong sản xuất các loại cây trồng chính vào cuối năm nay và sang năm sau.
 
Điều kiện khô hạn đã làm héo ruộng lúa ở Thái Lan và Indonesia, cũng như các đồn điền mía và cây có hạt ở Ấn Độ. Bloomberg đã tổng hợp tình hình sản lượng tại một số khu vực chính dưới tác động của thời tiết:
 
Trung Quốc
Ở các khu vực phía bắc, thiếu mưa và hạn hán đã đe dọa một số cây trồng, dù tác động của thời tiết được giảm thiểu bằng thủy lợi.
 
Ngược lại, một số tỉnh phía Nam ghi nhận lượng mưa lớn nhất kể từ năm 1961 trong 5 tuần tính đến đầu tháng 7, theo cơ quan khí tượng. Điều này ảnh hưởng tới sản lượng lúa sớm và làm vấn đề sâu bệnh trầm trọng thêm.
 
Trung Quốc là nhà sản xuất lúa mì và gạo hàng đầu thế giới, và lớn thứ hai về ngô, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
 
 
Ấn Độ
Ấn Độ cạnh tranh với Brazil đê trở thành nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới.
 
Tuy nhiên, sản lượng trong năm nay có thể giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm do hạn hán kéo dài ở các bang Maharashtra và Karnataka, giảm thặng dư trong nước và có khả năng hạn chế xuất khẩu.
 
Thiếu mưa từ gió mùa hàng năm cũng đe dọa đến cây trồng hạt có dầu, điều có thể thúc đẩy nhập khẩu dầu ăn nước ngoài, gồm cả dầu cọ. Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.
 
Trong khi đó, Mumbai đã bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn, một dấu hiệu của thời tiết thiên nhiên thất thường.
 
Indonesia, Malaysia
Đây là những nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới.
 
Ba tháng tới là thời điểm rất quan trọng để xác định sản lượng sẽ ra sao trong năm tới và sự khô ráo ở các khu vực trên đảo Borneo sẽ được theo dõi sát sao, theo Ling Ah Hong, giám đốc công ty tư vấn đồn điền Ganling Sdn, người đã làm việc trong ngành công nghiệp trong hơn 4 thập kỉ cho biết .
 
Sản xuất lúa bị đe dọa bởi thời tiết khô hạn trên đảo Java, với một số khu vực đã không có mưa trong hơn 60 ngày.
 
Thái Lan
 
Một chiếc máy bay chuẩn bị phun canxi oxit để tạo ra mưa nhân tạo ở Chiang Mai, Thái Lan vào năm 2015. Ảnh: Bloomberg.
 
Thái Lan là quốc gia trồng cao su hàng đầu thế giới, và là một trong những nhà xuất khẩu đường và gạo lớn nhất.
 
Hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm ở một số vùng đang làm thiệt hại mùa màng và khiến các nhà chức trách giảm ước tính cho sản lượng mía và xuất khẩu gạo.
 
Các máy bay làm mưa nhân tạo đã được triển khai, máy bơm và xe tải đã được sử dụng để chuyển nước đến các khu vực bị ảnh hưởng ở phía bắc và đông bắc.
 
Việt Nam
Một đợt nắng nóng và hạn hán đã tấn công nhiều vùng trên cả nước, làm ảnh hưởng tiêu cực tới gạo và cao su.
 
Tuy nhiên, đến nay, khu vực Tây Nguyên, nơi hầu hết cà phê được trồng, đã thoát khỏi tác hại lớn.
 
Việt Nam là nhà sản xuất lớn nhất của giống cà phê robusta.
 
Australia
 
 
Một người nông dân ghé thăm một con đập nước ngọt cạn nước tại một trang trại ở New South Wales hồi tháng 9/2018. Ảnh: Bloomberg.
 
Phần lớn bờ biển phía đông vẫn bị bủa vây bởi một đợt hạn hán bắt đầu từ hơn hai năm trước.
 
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất ở Queensland, bang sản xuất thịt bò lớn nhất, nhưng kéo dài ra phần lớn New South Wales.
 
Mặc dù vậy, tình hình tốt hơn ở Tây Australia, nơi vụ lúa mì có mưa muộn và khả năng đạt sản lượng tương đương vụ mùa bội thu trong năm ngoái.
 Nguồn: LyLy Cao/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng

 

Giá vàng ngày 5/8/2019 tăng vọt lên 40,45 triệu đồng/lượng

 

Giá vàng ngày 5/8/2019 tăng vọt lên 40,45 triệu đồng/lượng

 Giá vàng thế giới cao nhất trong hơn 6 năm qua do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và động thái nới lỏng tiền tệ của Fed; vàng trong nước cũng tăng mạnh, SJC lên 40,45 triệu đ/lượng.

Giá vàng trong nước vượt ngưỡng 40 triệu đ/lượng

Vào thời điểm lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 40,13 triệu đồng/lượng (tăng 430.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 40,45 triệu đồng/lượng (tăng 480.000 đ/lượng).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 40,20 triệu đồng/lượng (tăng 430.000 đ/lượng) - bán ra 40,65 triệu đồng/lượng (tăng 680.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 40,20 triệu đồng/lượng (tăng 470.000 đ/lượng) - bán ra 40,50 triệu đồng/lượng (tăng 570.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu mua vào 40,18 triệu đồng/lượng - bán ra 40,48 triệu đồng/lượng (tăng 550.000 đ/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng thế giới tăng vọt
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 11h30 giao dịch ở mức 1.451,5 USD/ounce (tăng 11,5 USD/ounce so với phiên cuối tuần qua), đây là mức cao nhất trong hơn 6 năm qua do nhận được nhiều hỗ trợ tích cực như sự leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và động thái nới lỏng tiền tệ của Fed.
Giá vàng tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo giới phân tích, quyết định này của Tổng thống Mỹ sẽ đặt kinh tế toàn cầu trước nguy cơ một cuộc suy thoái mới.
Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, vàng luôn là lựa chọn ưu tiên nhằm bảo toàn vốn cho nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD đang chịu tác động tiêu cực bởi những quyết định trên. Vàng tăng còn do chỉ số đô la Mỹ, đo sức mạnh của đồng bạc xanh giảm 0,28%.
Giới phân tích cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục đi lên vào thời gian tới khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, Mỹ giảm lãi suất cơ bản đồng USD…
Kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng tuần này cho thấy nhiều chuyên gia, nhà phân tích và giới đầu tư lạc quan về đà tăng của giá vàng. 13/14 chuyên gia (chiếm 93%), cho rằng giá vàng sẽ cao hơn. Chỉ có 1 người (chiếm 7%) cho biết vàng sẽ hạ nhiệt. Trong khi đó, 870 người tham gia cuộc thăm dò trực tuyến Main Street của Kitco. Tổng cộng có 540 người (chiếm 62%), cho rằng vàng tăng giá. 229 phiếu khác (25%), dự đoán vàng sẽ giảm. 117 người còn lại (chiếm 13%) nhận định thị trường đi ngang trong tuần tới.
Giá vàng những phiên vừa qua vẫn mang lại lợi nhuận cho giới đầu tư bởi tính trong 30 phiên gần nhất giá kim loại quý đã tăng được 21,8 USD (1,54%) và trong vòng một năm tăng 232,80 USD (19,28%).
Giá vàng hiện đang “tiêu hóa” các thông tin liên quan tới quyết định áp thuế của Tổng thống Trump lên hàng hóa của Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không đạt được tiến triển tích cực và Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9/2019.
Bên cạnh đó là số liệu được công bố vào thứ Sáu theo giờ địa phương, Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra báo cáo cho thấy trong tháng 7 vừa qua nền kinh tế nước này đã tạo thêm được 164.000 việc làm. Mặc dù con số này tương đối khả quan, song lượng việc làm mới tạo ra trong thời gian này bị đánh giá là không quá nhiều, phần nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 3,7%. Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế.
 
Với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang, sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy vàng tăng sau khi giá ở mức hỗ trợ 1.400 USD/ounce. Sean Lusk, đồng Giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại tại Walsh Trading lạc quan về giá vàng với mục tiêu là 1.445 USD/ounce. Ông cho rằng, thị trường chứng khoán chịu áp lực bán lớn và kỳ vọng một phần vốn đó sẽ chảy vào vàng.
Sean Lusk, ông Edward Meir, chyên gia phân tích cao cấp của INTL FCStone cho rằng, quyết định áp thuế bổ sung của Trump sẽ làm gia tăng đáng kể vai trò trú ẩn, cũng như sự hấp dẫn của vàng. Giá vàng có thể sẽ sớm leo lên 1.500 USD/ounce nếu như Trung Quốc trả đũa Mỹ.
Trích nguồn: VITIC tổng hợp

Tuân thủ quy tắc xuất xứ để hội nhập 'sân chơi' thế giới

 

Tuân thủ quy tắc xuất xứ để hội nhập 'sân chơi' thế giới

 Hiệp định thương mại tự do EVFTA vừa được ký kết thành công chỉ là bước khởi đầu cho quy trình hoàn thiện hệ thống sản xuất nông sản của Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết thành công, cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người sản xuất vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện tốt các tiêu chí đã được đặt ra; trong đó, các vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm không bao giờ thiếu trong mỗi đơn hàng xuất khẩu.
Chỉ là khởi đầu
Nhận định về lợi thế của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA được ký kết thành công hồi cuối tháng 6/2019, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, đàm phán thương mại nông sản quốc tế bao giờ cũng có 2 nhánh, một nhánh đàm phán về thuế nhập khẩu, do Bộ Công Thương phụ trách. Một nhánh đàm phán về khả năng quản trị chất lượng và an toàn thực phẩm, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, về thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đàm phán với các đối tác. Các đối tác này đã đồng ý xóa bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu cho nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, ở nhánh thứ 2, công việc không thể thực hiện nhanh như hoạt động đàm phán, mà cần phải có một lộ trình hoàn thiện về chất lượng sản phẩm.
Trong số đó, phải nói đến các hoạt động hoàn thiện chất lượng khác như, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mất khoảng 10 năm để chứng minh với Trung Quốc về khả năng quản trị an toàn thực phẩm đối với mặt hàng sữa của Việt Nam. Mãi tới gần đây, Trung Quốc mới đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu sữa vào thị trường của họ.
"Cho nên, khi gặp khó với xuất khẩu nông sản, cả Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp cần phân định rõ khó khăn thuộc nhánh nào. Nếu gặp khó ở nhánh quản trị chất lượng sản phẩm, thì chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tích cực thực hiện các bộ tiêu chí quản lý chất lượng sản phẩm để hoàn thiện", ông Trần Quốc Khánh nói.
Như vậy, có thể thấy Hiệp định thương mại tự do EVFTA vừa được ký kết thành công chỉ là bước khởi đầu cho quy trình hoàn thiện hệ thống sản xuất nông sản của Việt Nam.
Thực hiện các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc và quy tắc xuất xứ sẽ được thực hiện rộng rãi, toàn diện trên các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp; trong đó, phải kể đến ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, một ngành mang lại nguồn kim ngạch 9 tỷ USD/năm, giải quyết được nhiều vấn đề về phát triển thủy sản trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các đối tác của Hiệp định thương mại tự do EVFTA cam kết xóa bỏ thuế quan cho hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Song, để được hưởng mức thuế 0% thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Hàng thủy sản phải có nguyên liệu và được sản xuất trong lãnh thổ nước xuất khẩu hoặc có xuất xứ nội khối các nước tham gia hiệp định.
Cơ hội cho thủy sản Việt Nam chính là lợi thế cạnh tranh hơn so với những nước xuất khẩu chưa có các FTA (như Ấn Độ, Thái Lan). Bởi chúng ta có thể đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ các nước nội khối của hiệp định, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, môi trường kinh doanh được đảm bảo và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).
Chuẩn bị nguồn nhân lực tiếp cận thế giới
Trước sự khởi đầu thuận lợi của việc ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, ngoài yếu tố sản phẩm và người sản xuất, chuẩn bị nguồn nhân lực để theo kịp xu thế phát triển chung của thị trường thế giới cũng được doanh nghiệp chú trọng.
Theo luật sư, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, cho đến khi Hiệp định thương mại tự do với châu Âu được Quốc hội các bên phê chuẩn vẫn còn một giai đoạn khá dài, có thể tới một năm. Khoảng thời gian ấy, chính là lúc Chính phủ nên tranh thủ để biến nó thành kiến thức toàn xã hội.
Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho sự nhập cuộc với thế giới, Bộ Tư pháp cũng đang tổ chức một lớp đào tạo các luật sư quốc tế, bài học khó nhất là về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tiêu chí cạnh tranh thương mại tự do. Đến nay, WTO đang được giảng dạy trong các lớp học chính thức của Bộ Tư pháp, mà những lớp học này lại không phổ biến.
Trong khi đó, kiến thức để hội nhập WTO có dấu hiệu lỗi thời, nhưng vòng đàm phán mới chưa hoàn thành. Việt Nam chấp nhận tham gia WTO, có nghĩa là thừa nhận luật WTO là một bộ luật của Việt Nam. Thế nhưng bộ luật ấy lại chưa trở thành kiến thức của xã hội Việt Nam thì làm thế nào để thực hiện một cách có hiệu quả.
 
Chính vì vậy, với sự thành công khi ký kết Hiệp định EVFTA, rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, Chính phủ nên xúc tiến một cách tích cực hơn trong việc phổ biến nội dung của các cam kết mới đến các chuyên ngành kinh tế, ngoại thương, luật của các trường đại học; trong đó, chất lượng sản phẩm cùng với sự phát triển kinh tế toàn cầu đã trở thành tiêu chuẩn cố định trong các quan hệ. Điển hình là tiêu chuẩn Euro 4, 5, 6 là tình huống cố định. Doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng cho thị trường châu Âu thì buộc doanh nghiệp phải có sản phẩm đạt chất lượng do họ quy định, ông Nguyễn Trần Bạt nhấn mạnh.
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phổ biến các tiêu chí cần được thực thi khi tham gia Hiệp định EVFTA trên báo chí mới chỉ là một hình thức sơ khai. Khi Chính phủ đã cam kết, tức là Việt Nam có thêm một bộ luật mới về EVFTA, các trường Đại học Luật, Ngoại thương cần nhanh chóng cập nhật chương trình để có thể đào tạo cung ứng nguồn nhân lực mới, chất lượng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Mỗi một FTA phải có chuyên gia luật sư chuyên biệt. Tức là phải biến các FTA trở thành trí tuệ có chất lượng phổ biến, chắc chắn và cơ bản trong đời sống xã hội.

 

Hỗ trợ trực tuyến

4390160
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3102
3902
11127
2330825
90106
4390160

Your IP: 18.117.78.87
Server Time: 2024-11-26 11:53:49

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 82 guests and no members online