Warning
  • Sorry No Product Found!!.

3 ngân hàng Việt Nam vào danh sách công ty lớn nhất thế giới

 Vietinbank, BIDV và Vietcombank là 3 đại diện Việt Nam có tên trong danh sách 2.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm nay.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000, gồm các công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới. Các tiêu chí để đánh giá là doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường.
Vietinbank cùng với BIDV và Vietcombank là 3 đại diện của Việt Nam trong danh sách của Forbes năm nay.
Vietinbank cùng với BIDV và Vietcombank là 3 đại diện của Việt Nam trong danh sách của Forbes năm nay.
Việt Nam năm nay có 3 đại diện, là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Vietinbank xếp thứ 1.902 với doanh thu 2,3 tỷ USD và giá trị thị trường 3 tỷ USD. Theo sau là BIDV (1.913) với doanh thu 2,4 tỷ USD và thị giá 2,3 tỷ USD. Vietcombank đứng thứ 1.985 với doanh thu 1,7 tỷ USD và thị giá 4,4 tỷ USD.
Năm ngoái, Việt Nam có hai công ty lọt danh sách, là Tổng công ty Khí Việt Nam (PetroVietnam Gas) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Năm 2012 và 2013, VietinBank là đại diện duy nhất với vị trí 1.989 và 1.764.
Năm nay, Global 2000 có sự góp mặt của các công ty từ 61 quốc gia, với tổng doanh thu 39.000 tỷ USD, lợi nhuận 3.000 tỷ USD, tài sản 162.000 tỷ USD và giá trị thị trường 48.000 tỷ USD. Nhờ chứng khoán toàn cầu khởi sắc, thị giá của các công ty tăng 9% so với năm ngoái, mạnh nhất trong 4 tiêu chí được đánh giá.
Đây cũng là năm đầu tiên 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc chiếm 4 vị trí đầu bảng. Đó là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Bank of China. JP Morgan Chase bị đẩy xuống vị trí thứ 6, còn Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett vẫn đứng yên ở thứ 5.
Danh sách năm nay chứng kiến sự thống trị của các công ty Mỹ và Trung Quốc trong bản đồ kinh doanh toàn cầu. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chia nhau 10 vị trí đầu tiên. Dù vậy, Mỹ vẫn dẫn đầu với tổng số đại diện lên tới gần 580 công ty. Trong khi đó, Trung Quốc đóng góp chưa đầy một nửa số đó với 232. Nhật Bản lần đầu tiên bị đẩy xuống thứ 3 với 218 đại diện. Còn Pháp cũng rời khỏi top 5 để nhường cho Hàn Quốc. Hai quốc gia lần đầu góp mặt trong danh sách là Argentina và Cyprus.
Tính theo châu lục, châu Âu đứng thứ 3 với 486 công ty. Xếp trên là châu Á (691) và Bắc Mỹ (645).
Danh sách của Forbes cũng cho thấy ngành tài chính - ngân hàng tiếp tục thống trị với hơn 430 đại diện, dù con số này giảm so với năm ngoái. Theo sau là các công ty dầu khí, xây dựng và điện - nước.
Trích nguồn : Vnexpress

Vietjet mở đường bay Hải Phòng - Đà Nẵng, giá vé từ 480.000 đồng

Vietjet mở đường bay Hải Phòng - Đà Nẵng, giá vé từ 480.000 đồng

Đường bay Hải Phòng - Đà Nẵng được Vietjet khai thác khứ hồi, mỗi chặng khoảng 1 giờ 15 phút.

Ngày 6/5, Vietjet đã mở bán vé đường bay giữa Hải Phòng - Đà Nẵng với giá chỉ từ 480.000 đồng. Đường bay này bắt đầu khai thác hàng ngày từ 1/6/2015, phục vụ cho các nhu cầu đi lại của hai thành phố trọng điểm.

Đường bay Hải Phòng - Đà Nẵng được Vietjet khai thác khứ hồi, mỗi chặng khoảng 1 giờ 15 phút. Chuyến bay sẽ khởi hành từ Hải Phòng lúc 11h25 và đến Đà Nẵng lúc 12h40. Chiều ngược lại khởi hành lúc 13h20 từ Đà Nẵng và tới Hải Phòng lúc 14h35.

Được biết, vé đã được mở bán trên tất cả các kênh bán của hãng với chương trình giờ vàng khuyến mãi mỗi ngày.

Trích nguồn :Trí thức trẻ

Người Việt ngày càng "chuộng" siêu thị

- Gần 1/3 số người tiêu dùng Việt chọn siêu thị là địa điểm mua hàng tạp hóa thường xuyên.
Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam tại các cửa hàng tiện ích và siêu thị đang ngày càng tăng mạnh. Và đây cũng là xu hướng chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, có tới 34% số người tiêu dùng Việt được hỏi cho biết họ thường đi mua sắm tại siêu thị lớn và 29% lựa chọn mua hàng tạp hóa ở thường xuyên ở các siêu thị nhỏ hơn trong 12 tháng. Bên cạnh đó có 22% số người thường xuyên chọn các cửa hàng tiện ích để mua thực phẩm và hàng tạp hóa.

 
Xu hướng chọn siêu thị làm điểm mua hàng tạp hóa đang tăng mạnh tại Việt Nam
Xu hướng chọn siêu thị làm điểm mua hàng tạp hóa đang tăng mạnh tại Việt Nam
Cũng theo một thống kê gần nhất của Bộ Công Thương, hiện cả nước đang có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, hơn 400 cửa hàng tiện ích. Các con số này chắc chắn sẽ tăng cao trong những năm tới khi xu hướng gia nhập thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tăng mạnh.
Ông Kaushal Upadhyay, Giám đốc điều hành dịch vụ khách hàng Nielsen cho rằng: "Siêu thị lớn và các đại siêu thị, là các kênh đã chiếm ưu thế trong các nước phát triển trên thế giới, sẽ phát huy vai trò chủ đạo và ngày càng quan trọng trong mắt người tiêu dùng tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam.".
"Mặc dù vậy, các cửa hàng tiện ích nhỏ hơn cũng đang dần chiếm ưu thế đáng kể về thị phần và điều này có nghĩa là nhà sản xuất phải cũng phải xem xét đến việc phân phối hàng hóa dựa trên sự kết hợp hài hòa cả hai kênh.", ông này đưa ra nhận định.
Ngoài ra báo cáo của Nielsen cũng cho biết có đến 28% người tiêu dùng Việt sử dụng kênh mua hàng và giao tận nhà, cao hơn so với 25% mức trung bình trên toàn cầu. Bên cạnh đó 61% người Việt cho rằng trang web là nơi ưa thích nhất được vào sử dụng để đặt hàng.

 Trích nguồn : http://ktdt.vn/

Xin xóa nợ 22,5 tỷ đồng thuế để cổ phần hóa

Xin xóa nợ 22,5 tỷ đồng thuế để cổ phần hóa

Ngày 5/5, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng về xử lý vướng mắc tài chính để cổ phần hóa hai doanh nghiệp nhà nước là Cty TNHH MTV XNK vật tư thiết bị ngành in và Cty TNHH MTV XNK ngành in.

Theo trình bày của đơn vị chủ quản là Bộ VHTT&DL, do vướng khoản nợ thuế lên tới hơn 22,5 tỷ đồng, nên đến nay 2 đơn vị kể trên chưa thể cổ phần hóa được dù nằm trong số doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Vì thế, bộ này đã đề nghị Tổng cục Hải quan xóa khoản tiền nợ thuế truy thu và gửi Thủ tướng đề nghị cho phép hưởng thuế suất từ 50% xuống còn 5% như đã khai báo.

Theo hồ sơ lưu tại Chi cục Hải quan Cảng- Sân bay (thuộc Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu), đầu năm 2002, các đơn vị trên đã đăng ký tờ khai nhập khẩu giấy làm nền sản xuất giấy carbon dùng một lần với thuế nhập khẩu 5%. Khi đó, hàng hóa đã được thông quan và nộp đủ thuế theo khai báo.

Tuy nhiên, kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan cho thấy, lô hàng nhập khẩu là giấy in thuộc hàng hóa chịu thuế nhập khẩu 50% và thuế giá trị gia tăng 10%. Do đó, Cty TNHH MTV XNK vật tư thiết bị ngành in bị truy thu thuế khoảng 12,7 tỷ đồng và Cty TNHH MTV XNK ngành in phải nộp thêm 9,8 tỷ đồng tiền thuế.

Trích nguồn : Báo Tiền Phong

Xăng có thể rẻ hơn nếu thuế môi trường không tăng

Nếu thuế bảo vệ môi trường vẫn là 1.000 đồng, thì giá xăng RON 92 có thể không phải tăng với mức kỷ lục như ngày 5/5.
xang2-nm-9817-1430957664.jpg

Xăng tăng kỷ lục hôm 5/5 do giá thế giới đột biến và thuế môi trường tăng mạnh. Ảnh: NM.

Từ khi chuẩn bị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp 3 lần lên 3.000 đồng một lít xăng, lãnh đạo Bộ Tài chính liên tục lập luận việc này không khiến giá xăng tăng. Đi kèm với lập luận đó, nhà điều hành cũng đưa ra lời hứa giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết với quốc tế. Theo cơ quan này, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1/5 nhưng bù lại, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm từ 35% xuống 20% từ ngày 14/4. Đại diện Bộ Tài chính phân tích, số thuế nhập khẩu trên mỗi lít xăng giảm còn lớn hơn mức tăng thuế từ bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo tính toán của VnExpress, giá cơ sở xăng dầu vẫn có thể rẻ hơn từ 267 đồng đến 2.200 đồng so với hiện nay nếu thuế bảo vệ môi trường không tăng.

Trong vòng 15 ngày tính tới 4/5, giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới bình quân đạt 77,67 USD một thùng, tăng 14% so với kỳ liền trước. Với thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng một lít, giá xăng cơ sở là 20.673 đồng một lít. Sau khi tăng xả quỹ bình ổn, Liên bộ Tài chính Công Thương đã đồng ý cho tăng giá xăng bán lẻ trong nước với mức kỷ lục gần 2.000 đồng hôm 5/5 lên 19.230 đồng.

Giả sử với phương án thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường vẫn là 1.000 đồng, với mức giá 77,67 USD một thùng nói trên, giá cơ sở sẽ là 18.473 đồng, thấp hơn hiện tại 2.200 đồng.

Còn với phương án thuế nhập khẩu 35% và thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng như trước đây, giá cơ sở xăng RON 92 rẻ hơn 267 đồng.

Các kịch bản giá cơ sở xăng RON 92 nếu thay đổi thuế môi trường

Kịch bản Thuế nhập khẩu 35%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng Thuế nhập khẩu 20%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng (Hiện nay) Thuế nhập khẩu 20%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng
Giá thế giới bình quân 15 ngày 77,67 USD/thùng 77,67 USD/thùng 77,67 USD/thùng
Giá cơ sở (mỗi lít) 20.406 đồng 20.673 đồng 18.473 đồng
Rẻ hơn so với giá cơ sở hiện nay 267 đồng - 2.200 đồng

Nguyên nhân chính khiến giá xăng tăng kỷ lục ngày 5/5 được liên bộ lý giải là giá thế giới tăng đột biến hơn 14%. Tuy nhiên, nhà điều hành không đề cập tới điều này khi cam kết giá xăng không tăng sau khi thu thêm thuế môi trường. Điều này một lần nữa cho thấy năng lực dự báo kém của cơ quan quản lý và cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chịu cú sốc mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, giữa năm 2014, giá xăng dầu thế giới giảm kỷ lục, nhiều cơ quan dự báo giá sẽ phục hồi chậm trong năm 2015 và chỉ quanh ngưỡng 60-70 USD một thùng. Trước nguy cơ ngân sách Nhà nước hụt thu lớn từ xuất khẩu dầu và các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường để bảo vệ phần thiếu hụt. "Việc giá xăng dầu diễn biến ngược dự báo đã khiến nhà điều hành buộc tăng giá", ông Long lý giải.

Sau sự điều chỉnh này, giá cơ sở xăng dầu đang "cõng" 40% là các loại thuế và phí. "Nhà nước chỉ đặt mục tiêu là có nguồn thu ổn định. Cách điều hành như vậy chưa linh hoạt, chưa khách quan và chưa chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng", ông Long nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia kinh tế, biến động giá xăng dầu thời gian tới vẫn còn là ẩn số vì bên cạnh yếu tố cung cầu, mặt hàng này còn chịu ảnh hưởng của các biến động chính trị. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa có một cơ quan dự báo độc lập về giá dầu mà chủ yếu dựa vào những phân tích của các tổ chức khác. "Cốt lõi là dự báo phải chính xác để có những điều hành hợp lý hay trong một số thời điểm có thể mua xăng dầu dự trữ. Việc điều hành cũng phải linh hoạt giữa các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn sao cho phù hợp lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng", vị này bày tỏ.

Trích nguồn : vnexpress

Hỗ trợ trực tuyến

4383949
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
793
4123
4916
2330825
83895
4383949

Your IP: 3.141.38.5
Server Time: 2024-11-25 03:29:31

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 38 guests and no members online