Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Quy định dán tem bia lại "nóng"

Tại buổi tọa đàm Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức ngày 14/5, các các ý kiến tiếp tục đề nghị bỏ đề xuất dán tem bia vì cho rằng không cần thiết, lãng phí.

Theo hiệp hội, nếu đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia, trong đó có quy định dán tem bia được thông qua thì chỉ riêng tiền đầu tư mua máy dán tem của các doanh nghiệp đã khoảng 3.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí mua tem và chi phí quản lý vận hành. Như vậy, với sản lượng 10 tỷ sản phẩm/năm, tổng chi phí hàng năm cho việc dán tem bia sẽ lên đến 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Chi phí này chắc chắn sẽ phải tính vào giá sản phẩm.

Quy định dán tem bia có thể khiến các DN tiêu tốn 7.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc công ty TNHH Một thành viên thương mại Sabeco cho biết, việc dán tem sẽ tác động lớn đến sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, 3 DN lớn trong ngành bia là bia Hà Nội, bia Sài Gòn và bia Heineken đã chiếm đến 80% sản lượng thị trường. Các DN này đều có quá trình quản lý giảm sát tốt, hạch toán đầy đủ và báo cáo thường xuyên với Bộ Công Thương.

“Do đó việc dán tem không giúp việc quản lý tốt hơn như mục tiêu đề ra của quy định này. Chỉ những DN nhỏ mới cần quản lý bằng dán tem”, ông Xanh nói.

Cũng theo ông Xanh, nếu giá thành vị đội lên thì tiêu dùng sẽ giảm, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đình Thanh, Phó Tổng giám đốc Bia Hà Nội cho rằng, số bia giả, bia lậu trên thị trường hiện rất ít so với sản lượng cả tỷ lít bia. Vì thế, lý do này không đáng kể để phải dán tem chống hàng giả. Mặt khác, việc dán tem cũng khiến cho dây chuyền sản xuất đã thiết lập sẵn trở lên không đồng bộ.

Quy định dán tem bia từng nóng lên khi dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh bia của Bộ Công Thương được đưa ra lấy ý kiến. Hiệp hội Bia Rượu NGK đã có văn bản phản đối quy định này gửi lên các bộ ngành và chính phủ.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, ngành bia đã tăng trưởng 15 – 20% trong giai đoạn 2005-2010, hiện nay tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 8 - 10%. Theo quy hoạch của ngành, năm 2015, sản lượng sản xuất là 4 tỷ lít. Tuy nhiên, năm 2014 công suất mới đạt 3,2 tỷ lít nên khả năng năm nay chưa đạt con số 4 tỷ lít.

Trích nguồn : http://www.baotintuc.vn/

Cảnh báo mất cân đối cán cân thương mại

 - Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả tích cực. Quy mô xuất khẩu cao lên qua các tháng, tính chung 4 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ, trong đó hàng công nghiệp tăng cao hơn là 11,9%.

* Nhập siêu năm 2015 của Việt Nam sẽ lên tới 32 tỷ USD
Tuy nhiên, ở đầu ngược lại, giảm nhập siêu đang trở thành vấn đề có tầm quan trọng hiện nay, thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4. Vấn đề nhập siêu này được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau.
Xuất/nhập khẩu, Xuất/nhập khẩu siêu 4 tháng (Tỷ USD. Nguồn: Tổng cục thống kê)
Xuất/nhập khẩu, Xuất/nhập khẩu siêu 4 tháng (Tỷ USD. Nguồn: Tổng cục thống kê)
Ở góc độ thứ nhất, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ vị thế xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (2 tỷ USD) sang vị thế nhập siêu khá lớn (3 tỷ USD) trong 4 tháng đầu năm nay. Mặc dù cùng kỳ năm trước, xuất siêu có nguyên nhân quan trọng là do nhu cầu đầu tư sản xuất, tiêu dùng ở trong nước còn yếu, còn năm nay nhập siêu có nguyên nhân do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước cao lên, nhưng nhập siêu là biểu hiện của mất cân đối trong cán cân thương mại, sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán tổng thể, đến tỷ giá, đến dự trữ ngoại hối...
Ở góc độ thứ hai, nhập siêu không chỉ do tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu cao hơn (19,9%), mà còn do tốc độ tăng của xuất khẩu chậm lại (8,2%). Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm - thủy sản còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 6%); tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm - thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu kỳ này cũng đã giảm so với cùng kỳ năm trước (18,2% so với 21%). Xuất khẩu của khu vực trong nước bị giảm (1%), nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã bị giảm (từ 32,7% xuống còn 29,9%). Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 5,8%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,2%, xuất khẩu một số mặt hàng bị giảm sâu như: than đá, xăng dầu, dầu thô, cà phê, thủy sản, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, gạo...
Ở góc độ thứ ba, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu, thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Mức nhập siêu lớn thể hiện ở 2 mặt. Một mặt, về quy mô tuyệt đối mức nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước kỳ này lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (5,72 tỷ USD so với 3,77 tỷ USD). Mặt khác, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước kỳ này cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (37,9% so với 24,9%); ngay cả mức xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (2,72 tỷ USD so với 5,82 tỷ USD).
Ở góc độ thứ tư, bên cạnh việc xuất siêu tăng lên so với cùng kỳ của một số thị trường (như Mỹ 7,4 tỷ USD so với 6,5 tỷ USD; EU 6,4 tỷ USD so với 5,9 tỷ USD...), thì nhập siêu ở một số thị trường lớn và tăng lên (nhập siêu từ Trung Quốc 10,7 tỷ USD so với 7,42 tỷ USD; từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD so với 5,1 tỷ USD; từ ASEAN 1,8 tỷ USD so với 1,4 tỷ USD...). Đáng lưu ý, trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với Nhật Bản, Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu trong nhiều năm trước (2011 là 691 triệu USD, năm 2012 là 1.462 triệu USD, năm 2013 là 2.016 triệu USD, năm 2014 là 1.795 triệu USD, trong đó 4 tháng đầu năm là 1.190 triệu USD), thì 4 tháng năm nay đã chuyển sang nhập siêu 500 triệu USD.
Ở góc độ thứ năm, với “tiến độ” nhập siêu như 4 tháng đầu năm, có thể dự báo nhập siêu trong cả năm nay sẽ vượt mức kế hoạch đề ra cả về quy mô tuyệt đối (10 tỷ USD so với 8,25 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (trên 6% so với 5%). Riêng với thị trường Trung Quốc, cảnh báo Việt Nam nhập siêu cả năm sẽ vượt qua mốc 32 tỷ USD - lớn nhất trong các thị trường, lớn nhất từ trước đến nay - đó là chưa kể nhập siêu từ tiểu ngạch, từ buôn lậu biên giới (có thông tin mức nhập siêu cao gấp đôi).

 Trích nguồn : http://ktdt.vn/

Kinh tế Hải Phòng vươn tới những đỉnh cao mới

Tháng 5 đến, Hải Phòng  náo nức chào đón nhiều sự kiện trọng đại: mừng đất nước 40 năm hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải; mừng thành phố phát triển vượt bậc sau 60 năm giải phóng; háo hức với Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 4… Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2015, không khí thi đua lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, để rồi mới qua 4 tháng, đã thấy rõ nhiều khả quan cho cả năm này.

Nhiều đỉnh cao mới

Đỉnh cao đầu tiên được ghi nhận chính là sản xuất công nghiệp. Mức tăng trưởng 15,18% là sự bứt phá cao nhất trong nhiều năm gần đây, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Càng đáng khâm phục hơn khi so sánh với chỉ số IIP 4 tháng năm 2014 chỉ tăng 11,66%. Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện sức mạnh, tiềm lực trong sản xuất công nghiệp của Hải Phòng  mà còn là kết quả của một loạt các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tạo nền móng trong nhiều năm qua để có thêm nhiều sản phẩm mới, công nghệ cao, vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng, vừa thực hiện tái cơ cấu theo hướng bền vững và hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Phương, đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng của công nghiệp Hải Phòng 4 tháng năm 2015 vẫn là các dự án công nghiệp lớn được tập trung đầu tư, hoàn thành và đi vào hoạt động như Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, LGE, Bridgestone, Fuji Xerox, Kyocera… Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghiệp truyền thống của Hải Phòng như Nhựa Tiền Phong, Sơn Hải Phòng, Vico, Bia Hải Phòng- Hà Nội… cũng có những bước tiến đáng kể cả về doanh thu, sản lượng, lợi nhuận và số nộp ngân sách.

Không chỉ công nghiệp, một loạt các ngành kinh tế quan trọng khác của Hải Phòng cũng đang khởi sắc. Trong đó, sản lượng hàng qua cảng tiếp tục tăng nhanh với 21,88 triệu tấn thông qua, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2014. Vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng; tổng lượng khách du lịch tăng cao; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 19%... đều là những con số đáng tự hào. 4 tháng qua cũng đánh dấu một chặng đường phát triển mới của Hải Phòng với rất nhiều dự án đầu tư mới, cụ thể là dự án khách sạn 5 sao mang thương hiệu Hilton, dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp của Vingroup, trung tâm thương mại Nguyễn Kim. Cùng sự hút vốn lớn của các dự án FDI mới đăng ký, các dự án trọng điểm của thành phố như Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện đang được khẩn trương thi công. Tất cả những yếu tố đó làm nguồn vốn đầu tư tăng, chỉ tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 36,6%.

Công nhân Công ty CP bao bì PP trong dây chuyền dệt sản phẩm. Ảnh: Duy Lân
Công nhân Công ty CP bao bì PP trong dây chuyền dệt sản phẩm.             Ảnh: Duy Lân

Chính nhờ sự bứt phá đi lên của các loại hình kinh tế mà số thu ngân sách cũng đang vươn tới những đỉnh cao mới. 4 tháng, cả thành phố có số thu 16.094 tỷ đồng, tăng 19,2%. Trong đó, thu nội địa đạt 3650 tỷ đồng, tăng 13,7%. Cục trưởng Cục Thuế Vũ Công Nhĩ cho biết, số thu từ các quận huyện năm nay đang đạt cao hơn so với số thu bình quân chung của toàn thành phố, trong khi những năm trước thấp hơn, là dấu hiệu rất đáng mừng.

Có thể nói, nền kinh tế thành phố 4 tháng qua không chỉ ổn định mà còn tăng trưởng cao, với những hiệu quả rất rõ ràng, giúp thành phố có thêm tiềm lực tạo chuyển biến trong lĩnh vực an ninh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.

Phát huy tiềm năng thế mạnh 

Tuy có nhiều dự cảm tốt đẹp nhưng trước mắt, thành phố còn đối mặt với không ít thách thức. Nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa vực dậy được, nhất là ngành đóng tàu, xi măng; sản xuất thức ăn gia súc… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Số thu ngân sách tuy tăng trưởng cao nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chi, nhất là chi cho đầu tư phát triển. Chính vì thế, đồng chí Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, những kết quả đạt được là đáng trân trọng, tự hào nhưng không vì thế mà chủ quan, thỏa mãn, tự bằng lòng. Ngược lai, phải tiếp tục xốc tới giành những thành quả to lớn hơn, xứng tầm vị thế của Hải Phòng hơn.

Theo đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Cụ thể là cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thu hút ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư lớn đến với Hải Phòng. Thực tế, trong năm 2015, Hải  Phòng sẽ có thêm nhiều dự án lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng, công tác GPMB càng cần được chú trọng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Điều đáng chú ý, Hải Phòng không chủ trương phát triển, phục hồi kinh tế bằng mọi giá mà gắn với tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, chuyển hướng từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” với những bước đi táo bạo, tạo được sự đồng thuận cao.

Những kết quả phát triển kinh tế 4 tháng qua đang khích lệ thành phố Hải Phòng tiếp tục vươn lên với nhiều giải pháp tích cực hơn,  thực hiện hiệu quả hơn Kết luận 72 của Bộ Chính trị, nhìn thẳng vào khó khăn, hạn chế để tìm cách khắc phục đưa kinh tế Hải Phòng phát triển nhanh và vững chắc.

Trích nguồn : http://www.baohaiphong.com.vn/

Bài toán tài chính cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được giải

- Sau khi giải được bài toán tài chính, Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam quy mô 6 làn xe - sẽ thông xe đoạn tuyến đầu tiên trong ít ngày tới.
Sẽ thông xe đúng kế hoạch
Đây là khẳng định của ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư theo hình thức BOT, dài 105,5 km, quy mô 6 làn xe, được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam - về thời điểm thông xe kỹ thuật, có thu phí đối với đoạn đường dài 22,7 km thuộc địa phận TP. Hải Phòng.
Những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng của đoạn tuyến đầu tiên sắp được thông xe. Ảnh: A.M
Những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng của đoạn tuyến đầu tiên sắp được thông xe.  
Theo ghi nhận của phóng viên, cho đến chiều 13/5, những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng của đoạn tuyến 22,7 km thuộc địa phận TP. Hải Phòng (đoạn từ nút giao với Quốc lộ 10 đến nút giao với Tỉnh lộ 353 - đường Phạm Văn Đồng) đang được các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện dưới sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát và cán bộ của chủ đầu tư.
Được áp dụng công nghệ làm đường mới nhất, lớp bê tông asphalt trên cùng của kết cấu mặt đường của Dự án bao gồm 1 lớp bê tông nhựa mịn 5 cm sử dụng nhựa polimer và 1 lớp tạo nhám nhằm đảm bảo tốc độ khai thác 120 km/h.
Vidifi cũng đang chỉ đạo các nhà thầu thi công các gói thầu phụ trợ sớm hoàn thiện đồng bộ hệ thống biển báo, thiết bị an toàn giao thông, điện chiếu sáng, trạm thu phí..., để có thể đón những dòng xe cơ giới đầu tiên chạy trên đoạn tuyến từ nửa cuối tháng 5/2015. “Lễ thông xe chính thức đoạn tuyến đầu tiên của Dự án sẽ được tiến hành vào khoảng đầu tháng 6/2015”, lãnh đạo Vidifi cho biết.
Như vậy, sau đúng 7 năm thi công, Vidifi sắp được hưởng những thành quả đầu tiên. Đây là công trình nhận được sự kỳ vọng lớn của Chính phủ và các nhà đầu tư, bởi khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian lưu thông (tính cho xe con) giữa các tỉnh phía Bắc (Hà Nội đi Hải Phòng - Cảng Đình Vũ từ 2 giờ xuống 53 phút; Hà Nội đi Hạ Long từ 3,5 giờ xuống 1 giờ 10 phút), góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
Để khuyến khích phương tiện lưu thông trên các đoạn tuyến của đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi đề xuất áp dụng mức thu phí tiêu chuẩn là 1.500 đồng/km/xe, tương tự mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành và Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn 4 làn xe).
Từ năm 2016, Vidifi sẽ áp dụng mức thu theo phương án tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phương án tài chính của Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định, mức thu phí là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Khi đưa đoạn từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hải Phòng vào khai thác, đơn vị tổ chức khai thác sẽ phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra tải trọng xe và tốc độ của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc bằng các trạm cân tải trọng lưu động được bố trí trên đoạn tuyến, để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, đồng thời ngăn chặn hiện tượng phương tiện chạy quá tốc độ và né tránh trạm cân tải trọng.
Đã giải được bài toán tài chính
Hiện tiến độ thực hiện lũy kế 11 gói thầu xây lắp chính đạt khoảng 90% khối lượng hợp đồng. Đây là cơ sở để chủ đầu tư hoàn thành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: trong tháng 5/2015 sẽ thông xe, đưa vào khai thác tạm và thu phí đoạn tuyến dài 22,7 km thuộc địa phận TP. Hải Phòng; tháng 7/2015 đưa vào khai thác đoạn tuyến từ nút giao với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hải Phòng đến nút giao với Quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên; đến cuối năm 2015 đưa vào khai thác toàn tuyến.
Ông Chiến cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa chấp thuận một số cơ chế chính sách hỗ trợ chủ đầu tư để Dự án có tổng mức đầu tư vừa cập nhật năm 2014 là 45.487 tỷ đồng đảm bảo tính khả thi tài chính với thời gian hoàn vốn là 30 năm.
Cụ thể, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 8/5/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp đối với khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc; có hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (Kfw); Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án (khoảng 3.700 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Vidifi cũng được sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của các khu đô thị và khu công nghiệp theo Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 để làm nguồn thu hoàn vốn đầu tư (khoảng 7.890 tỷ đồng). Tính tổng cộng, với 3 khoản hỗ trợ, Nhà nước đã tham gia trực tiếp vào Dự án khoảng 18.000 tỷ đồng, giúp giảm bớt đáng kể gánh nặng cho chủ đầu tư.
“Chúng tôi đang rốt ráo đàm phán việc chuyển nhượng 70% giá trị hợp đồng BOT với đối tác Ấn Độ thông qua việc thành lập công ty cổ phần quản lý, vận hành tuyến đường, trong đó Vidifi sở hữu 30% vốn điều lệ. Toàn bộ phần vốn thu được sẽ được Vidifi đầu tư vào một dự án đường bộ cao tốc khác”, ông Chiến cho biết./.
Trích nguồn : Báo Đầu Tư

Người Việt mua gần 67.000 xe ô tô trong 4 tháng đầu năm

Người Việt mua gần 67.000 xe ô tô trong 4 tháng đầu năm
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VAMA, trong tháng 4/2015, người Việt đã tiêu thụ 18.178 xe ô tô; tăng 11% so với tháng trước và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Tóm tắt:

- Theo VAMA, trong tháng 4/2015, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 18.178 xe; tăng 11% so với tháng trước và tăng 60% so với tháng cùng kỳ năm trước.

- Trong mức tiêu thụ 18.178 xe tháng 4 bao gồm 9,423 xe du lịch và 8.755 xe thương mại. Doanh số xe du lịch tăng 0,1% và xe thương mại tăng 25% so với tháng trước.

- Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 13.980 xe, tăng 9% so với tháng trước; sản lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.198 xe, tăng 19% so với tháng trước.


Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố tình hình tiêu thụ ô tô tháng 4 năm 2015. Theo đó, trong tháng 4/2015, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 18.178 xe; tăng 11% so với tháng 3/2015 và tăng 60% so với tháng 4/2014.

Trong mức tiêu thụ 18.178 xe tháng 4 bao gồm 9,423 xe du lịch và 8.755 xe thương mại. Doanh số xe du lịch tăng 0,1% và xe thương mại tăng 25% so với tháng trước.

Cũng theo báo cáo, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 13.980 xe, tăng 9% so với tháng trước; sản lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.198 xe, tăng 19% so với tháng trước.

Trước đó, báo cáo lượng xe tiêu thụ tháng 3/2015 của VAMA cũng khá ấn tượng với sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt 16.399 xe; tăng 33% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ năm 2014.

Kết quả đạt được trong tháng 4 đã nâng tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2015 đạt hơn 66.900 xe; tăng 62% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 60% và xe thương mại tăng 67% so với cùng kì năm ngoái.

Về phía các doanh nghiệp thành viên VAMA, tổng lượng tiêu thụ của nhóm này trong tháng 4 năm 2015 đạt 16.643 xe; tăng 1.442 xe (tương ứng tăng 9%) so với tháng trước và tăng 6.528 (tương ứng tăng 65%) so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến hết tháng 4 năm 2015, tổng sản lượng xe tiêu thụ của các doanh nghiệp thành viên VAMA đạt 57.477 xe; tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.

Với lượng tiêu thụ 4 tháng đạt 21.324 xe; tăng trưởng 97% so với cùng kỳ năm trước - Thaco dẫn đầu toàn thị trường với 36,9% thị phần.

Toyota tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 2 với 25,9% thị phần; tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm 2014.

Ford đứng ở vị trí thứ 3 với 9,7% thị phần; tăng trưởng 66%; Honda đứng ở vị trí thứ 4 với 4,2% thị phần; tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trích nguồn :Trí thức trẻ

Hỗ trợ trực tuyến

4384159
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1003
4123
5126
2330825
84105
4384159

Your IP: 3.145.68.167
Server Time: 2024-11-25 04:51:17

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 43 guests and no members online