Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Kê khai thuế qua mạng: Giải pháp tốt phục vụ doanh nghiệp

Nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế
Nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế

Ngày 25-7-2014, Văn phòng Chính phủ ra thông báo về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính thuế. Theo đó, ngành thuế cả nước cần phải tập trung thực hiện chỉ tiêu đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng mức trung bình của các nước trong khu vực. Nhằm đáp ứng các yêu cầu này, Tổng cục thuế đã triển khai thực hiện trong toàn ngành Hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS) để khắc phục hạn chế các hệ thống ứng dụng quản lý thuế phân tán trước đây, đáp ứng tổng hợp kho dữ liệu, tăng khả năng kiểm soát và đặc biệt là cung cấp dữ liệu nhanh, tạo điều kiện mở rộng các dịch vụ điện tử, khai thuế điện tử phục vụ người nộp thuế. Trong đó cục thuế Hải Phòng là một trong 5 đơn vị triển khai vào tháng 8 và tháng 9 năm nay…

Cắt bỏ thủ tục rườm rà

Theo Cục trưởng Cục thuế Vũ Công Nhĩ, từ nhiều năm nay, Cục thuế thành phố luôn chú trọng thực hiện chiến lược cải cách và hiện đại hóa ngành thuế. Trong đó, đi đôi với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thuế, ngành đã tập trung các giải pháp đẩy mạnh cải cách ở tất cả các thủ tục hành chính thuế như: đăng ký thuế, kê khai tính thuế, nộp thuế, mua hóa đơn ấn chỉ thuế, hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, thanh tra, kiểm tra thuế... đều được nghiên cứu, sửa đổi phù hợp theo hướng xóa bỏ các thủ tục rườm rà, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của người nộp thuế; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế tự giác thực hiện tốt các quy định của pháp luật thuế; tiết kiệm được chi phí về nguồn lực trong quản lý của cơ quan thuế…

Tuy vậy, về khách quan mà nói, quy trình, thủ tục hành chính thuế hiện vẫn còn nhiều phức tạp. Hệ thống văn bản quá nhiều thực sự là khó khăn và thách thức đối với ngành thuế, người nộp thuế. Thế nên, ngành thuế tiếp tục thực hiện một số giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu giảm số lượng kê khai và nộp thuế; rà soát bãi bỏ các thủ tục, chỉ tiêu quá rườm rà khi yêu cầu doanh nghiệp kê khai nộp thuế, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay…

Giảm thời gian khai, nộp thuế

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển nhanh, bền vững, hiện tại, Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người nộp thuế, trong mỗi thủ tục lại rà soát để giảm thời gian nộp thuế, giảm thời gian thông quan của doanh nghiệp, đảm bảo từ nay đến tháng 9 sẽ giảm được 201 giờ theo tính toán của Bộ Tài chính. Các nhóm giải pháp cụ thể là sửa đổi chỉ tiêu khai thuế GTGT giúp giảm được 156 giờ, khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế trong thuế TNDN giảm 35 giờ, khắc phục khác biệt giữa chi phí kế toán và chi phí tính thuế giảm 10 giờ và đẩy mạnh nộp thuế điện tử, sẽ giảm được 23 giờ…

Mặt khác, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo quyết liệt, các thủ tục hành chính sẽ được tính toán chi tiết và giảm tối đa, cụ thể: giảm số lần khai thuế giá trị gia tăng (hiện là 12 lần xuống còn 4 lần, giảm 8 lần), thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện đang là 5 lần, xuống còn 1 lần, giảm 4 lần). Như vậy giảm được 12 lần/17 lần.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hải Phòng đánh giá cao những cố gắng của cơ quan chức năng trung ương và địa phương đã có những bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính đối với hai lĩnh vực thuế và hải quan. Lúc này, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi đột phá của ngành thuế với mục tiêu giảm thời gian khai thuế xuống còn 300 giờ/năm.

Bên cạnh đó, Cục thuế thành phố cũng nên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân có thể theo dõi và tham gia đóng góp ý kiến, phục vụ việc sửa đổi, cải cách thủ tục hành chính, góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Phấn đấu 95% doanh nghiệp khai thuế điện tử

Ông Phạm Văn Quý, Phó trưởng phòng hỗ trợ và tuyên truyền người nộp thuế cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện khai thuế điện tử từ năm 2010. Đến nay đã có hơn 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện kê khai thuế qua mạng internet. Tuy nhiên, hiện tại thì chỉ có các doanh nghiệp thuộc quản lý của cơ quan Cục thuế, chi cục thuế Lê Chân và Hồng Bàng là kê khai thuế điện tử. Thế nên việc mở rộng khai thuế điện tử là yêu cầu bắt buộc, tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn có, Cục thuế yêu cầu tất cả các chi cục thuế quận, huyện kể từ tháng 10-2014 triển khai kê khai thuế qua mạng internet đối với doanh nghiệp mình quản lý.

Khai thuế qua mạng góp phần giảm thời gian nộp thu
Khai thuế qua mạng góp phần giảm thời gian nộp thu

Bên cạnh đó, ngành thuế tích cực hướng dẫn doanh nghiệp mới thành lập thực hiện kê khai thuế qua mạng điện tử ngay sau khi cấp giấy đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức có kê khai thuế nộp hồ sơ đăng ký kê khai thuế, tổ chức cấp phát hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế qua mạng điện tử tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế; đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức có kê khai thuế trên địa bàn thành phố cần khẩn trương làm việc với cơ quan cục thuế và các chi cục thuế để được hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng ký kê khai thuế, nộp thuế và giao dịch với ngành thuế thông qua mạng điện tử. Trên cơ sở đó, Cục thuế Hải Phòng phấn đấu đến cuối năm 2014, có ít nhất 95% doanh nghiệp, tổ chức có kê khai thuế trên địa bàn thực hiện kê khai thuế điện tử như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Cục thuế Hải Phòng yêu cầu các phòng thuộc Văn phòng cục và các chi cục thuế quận, huyện tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ tuyên truyền và hỗ trợ tại các đơn vị, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: công tác tuyên truyền, công tác hỗ trợ người nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tại bộ phận “một cửa”. Đặc biệt chú ý đúng quy trình, đúng thủ tục hành chính, không tự đặt ra bất cứ thủ tục gì gây phiền hà cho người nộp thuế; đề cao tinh thần trách nhiệm và nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế theo tinh thần Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 20-5-2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Cán bộ công chức ngành thuế phải thông suốt việc kê khai thuế qua mạng internet là xu thế tất yếu, là yêu cầu đòi hỏi thực hiện chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành thuế giai đoạn 2011-2020, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế hiện đại, từ đó tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện kê khai thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ doanh nghiệp, góp phần triển khai chương trình Quản lý thuế tập trung do Tổng cục thuế đang triển khai trong toàn ngành…

Giá xăng giảm tiếp từ 15h hôm nay Giá xăng giảm 600 đồng một lít, lần thứ ba liên tiếp.

xang-0-7108-1408349418.jpg

Giá xăng giảm lần thứ 3 kể từ đầu năm.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh. Trong đó, mặt hàng xăng 5 lần tăng giá và 3 lần giảm. Giá xăng lập kỷ lục vào ngày 7/7, khi tăng 410 đồng lên 25.640 đồng mỗi lít. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 7/8, giá xăng giảm 500 đồng mỗi lít. Trước đó, doanh nghiệp cho biết, sau đợt giảm giá tuần trước đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục lãi khoảng 500 đồng mỗi lít do giá thế giới tiếp tục đi xuống.

Trước đó, thứ trưởng Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho hay, xăng dầu hiện vẫn được điều chỉnh bởi Nghị định 84 và sắp tới sẽ được thay thế bởi một nghị định tiến bộ và linh hoạt hơn. Do đây là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân và doanh nghiệp nên Chính phủ điều hành rất cẩn trọng.“Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không dễ dàng tăng giá. Trong khi đó, nếu có cơ sở để giảm giá, Chính phủ sẽ chỉ đạo điều chỉnh ngay”, lãnh đạo bộ khẳng định.

Hải Phòng mở tuyến vận tải ven biển: Đường bộ nhẹ gánh, đường biển đau đầu

Việc mở tuyến vận tải ven biển sẽ góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức, đặc biệt là giải quyết hàng hóa ứ đọng tại cảng biển, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập khiến một số chủ tàu đang hoạt động không phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được vận tải biển…

       Theo lãnh đạo sở GTVT Hải Phòng, khu vực cảng Hải Phòng ùn tắc nhiều hơn các cảng khác là do hơn 80% lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng vẫn được vận chuyển bằng đường bộ, do năng lực bốc xếp của đường sắt vẫn rất hạn chế (năm 2013, Ga Hải Phòng bốc xếp được trên 1,4/55 triệu tấn hàng hóa qua các cảng Hải Phòng), số lượng hàng đi đường thủy cũng rất hạn chế.

Gỡ tắc cho đường bộ

Trước tình trạng này, Bộ GTVT quyết định mở tuyến vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh qua Hải Phòng tới Quảng Bình. Tính đến thời điểm này đã có trên 20 đơn vị vận tải tham gia loại hình vận tải mới này.  Theo kế hoạch, sẽ có 20 chiếc tàu có tải trọng 1.000-5.000 tấn chạy thí điểm. Ước tính một tàu 3.000 tấn có thể chở 80 container hàng và có thể ghé vào đón, trả hàng ở tất cả các cảng dọc theo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

Về thời gian vận chuyển, tàu đạt vận tốc từ 7-8 hải lý/giờ. Theo tính toán của Bộ GTVT, giá cước vận tải bằng đường thủy từ Quảng Ninh đến Quảng Bình chỉ bằng một nửa so với giá cước của đường bộ.  Chẳng hạn, theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng có khoảng 500.000 - 600.000 tấn hàng hoá có nhu cầu vận tải trên tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng - Quảng Bình với các mặt hàng chủ yếu gồm: Bột đá, xi măng, than cám, cát gạch, đất sét, xăng dầu, sắt thép, thiết bị, mangan… Theo tính toán của các DN, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 vào khoảng 10 -12 triệu đồng; đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18 - 20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 - 3,2 triệu đồng. Trừ cả chi phí về độ trễ thời gian của vận chuyển đường thủy so với đường bộ (vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ) thì tổng chi phí giá thành vận chuyển bằng đường thủy vẫn rẻ hơn nhiều.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến 400 - 500 km, tàu mớn nước thấp có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, nơi tập trung các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, KCN, các tàu biển (trọng tải lớn, mớn nước cao) không thể vào được.

Gỡ cơ chế cho đội tàu VR-SI, VR-SB

 

Việc vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến 400 - 500 km, tàu mớn nước thấp có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định, các loại tàu mang cấp VR-SI, VR-SB chỉ được phép hoạt động trên các tuyến được công bố, nhưng đến nay chưa có một tuyến nào được công bố để cho tàu VR-SB hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu thực tế đang rất cần giải phóng hàng hóa, một số chủ tàu đang hoạt động không phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được.

Trước thực tế trên, để tạo cơ chế chính sách thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho các DN, việc thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cho các tàu mang cấp VR-SI chuyển đổi cấp lên VR-SB và tàu VR-SB hoạt động là hết sức cần thiết. Ngày 09/6/2014, Cục Hàng hải VN đã báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để cho phép các tàu cấp VR-SI chuyển đổi cấp VR-SB hoạt động, nhằm tận dụng năng lực của đội tàu VR-SI có khoảng trên 3.000 tàu.

 

Theo ông Trần Văn Hạ – Giám đốc Cty vận tải Sơn Tùng (Nam Định), việc mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, mỗi tháng ngành vận tải đường bộ sẽ giảm được hàng nghìn lượt phương tiện ô tô trọng tải 30 tấn lưu thông trên các tuyến đường bộ. Điều này rất ý nghĩa trong việc góp phần giải quyết tình trạng quá tải mật độ lưu lượng giao thông và tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải… góp phần đảm bảo ATGT, nâng cao tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

“Hiện, các DN cũng rất kỳ vọng vào tuyến vận tải đường thủy sẽ là giải pháp cho DN trong bối cảnh mắt xích đường bộ đang được lập lại trật tự cả về giá cước và thị trường vận tải” - ông Hạ chia sẻ.

 

Vinalines sẽ cổ phần hóa và thực hiện IPO vào đầu năm 2015

Cảng Quảng Ninh sẽ được chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)


Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, Vinalines và các đơn vị thành viên đang rốt ráo thực hiện công tác cổ phần hóa để đồng loạt thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chậm nhất vào quý 1/2015.

Về công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên, theo ông Lê Anh Sơn, đến nay, Vinalines đã hoàn thành cổ phần hóa 7/12 doanh nghiệp được giao, trong đó có 6 doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, bao gồm cảng Khuyến Lương, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinalines Nha Trang. Riêng, cảng Quảng Ninh - một trong hai cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình này.

Ngoài ra, 5 cảng biển khác gồm Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh và cảng Cần Thơ cũng đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, đang chờ thẩm tra. Dự kiến, các cảng này sẽ thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào cuối năm 2014, riêng cảng Sài Gòn vướng mắc do đang di dời nhưng vẫn sẽ thực hiện IPO trước quý 2/2015.

Đối với việc cổ phần hóa công ty mẹ (Vinalines), dự kiến ngày 24/10 tới đây sẽ công bố giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa công ty mẹ sẽ được đưa ra vào cuối năm 2014 và thực hiện IPO vào quý 1/2015.

Đề cập đến việc thoái vốn, ông Sơn cho biết, Vinalines đã rất nỗ lực để có thể thoái vốn tại 20 doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ thực hiện thành công tại 14 doanh nghiệp, rút gọn đầu mối do không có nhà đầu tư tham gia dù đã chào bán lần thứ hai.

Liên quan đến công tác tái cơ cấu nợ, vị Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng chỉ ra khó khăn hiện nay là vẫn chưa có cơ chế cho Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) mua nợ của Tổng công ty tại các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có cơ chế cho phép một số ngân hàng chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp vào các cảng biển, các khoản đầu tư mà Vinalines đang thoái vốn.

Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu, ông Lê Anh Sơn đề xuất cơ quan chức năng sớm giao DATC tham gia mua nợ của tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ trong thời gian tới đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty được giữ lại tiền IPO các cảng biển và Công ty mẹ.

Song song đó, đơn vị này cũng kiến nghị cho phép DATC được hoán đổi nợ thành vốn góp vào công ty mẹ khi thực hiện IPO./.

Bộ Tài chính: Sẽ bãi bỏ một loạt thủ tục nộp thuế trong tháng Chín

Giảm thủ tục hành chính hỗ trợ cho doanh nghiệp đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Viêc rút ngắn thời gian kê khai nộp thuế, cắt giảm các thủ tục không cần thiết sẽ được thực hiện rốt ráo trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Đó cũng là thông điệp mà “tư lệnh” ngành Tài chính gửi tới cộng đồng doanh nghiệp.

Giảm 290 giờ kê khai nộp thuế

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, theo quy định hiện hành của pháp luật thuế, khi doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phải thực hiện đăng ký và kê khai nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu, khi bán hàng ra thì doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và được trừ vào thuế giá trị gia tăng đã nộp vào ở khâu nhập khẩu, đồng thời nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thuộc thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Mỗi sắc thuế như thế có mục tiêu và yêu cầu khác nhau. Điều này rất phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

Hướng dẫn, tư vấn nộp thuế tại Cục thuế thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Hướng dẫn, tư vấn nộp thuế tại Cục thuế thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Về thời gian đăng ký kê khai nộp thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn nói: “Trong thời gian qua chúng ta đã cải cách nhiều thủ tục hành chính về thuế nhằm giảm bớt thời gian kê khai, nộp thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì thời gian kê khai thuế của chúng ta còn quá cao.”

Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2008, thời gian kê khai nộp thuế của Việt Nam là 1.050 giờ, năm 2010 là 941 giờ và năm 2012 là 872 giờ. Tuy nhiên, Bộ trưởng lý giải thêm, ở đây bao gồm cả thời gian kê khai nộp bảo hiểm xã hội, cụ thể vào khoảng 335 giờ; như vậy, thời gian kê khai nộp thuế năm 2012 của Việt Nam theo đánh giá của WB là 537 giờ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tổ chức do WB chỉ định để đánh giá thời gian nộp thuế của Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội tư vấn thuế, rà soát và có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt số lần, thời gian kê khai và nộp thuế cho doanh nghiệp; đồng thời Bộ Tài chính cũng quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục thuế và hải quan.

Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp Chính phủ tháng Bảy vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh phát triển cho doanh nghiệp; trong đó tập trung mạnh mẽ vào nội dung cải cách thủ tục hành chính của thuế và hải quan.

“Thực hiện được giải pháp này, chúng ta sẽ giảm được khoảng 290 giờ kê khai nộp thuế trên tổng số 537 giờ theo tính toán của WB đã công bố năm 2012. Chúng tôi đang quyết liệt thực hiện 3 nhóm giải pháp chính là giảm số lần kê khai, nộp thuế; rà soát, bãi bỏ các thủ tục, tiêu chí rườm rà khi yêu cầu doanh nghiệp kê khai; các giải pháp rà soát về pháp luật,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Tư lệnh” ngành Tài chính nhìn nhận, thời gian qua ngành Thuế cũng như Bộ Tài chính đã rất nỗ lực cùng với cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như thủ tục rườm rà, những tồn tại từ nội tại của cơ quan Thuế như vẫn còn một số cán bộ thuế nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đang tiến hành một loạt các giải pháp như: đào tạo lại cán bộ, luân chuyển cán bộ… Rất nhiều giải pháp như vậy đang được thực hiện đồng bộ nhằm tạo môi trường cải cách thủ tục thuế, góp phần cải cách môi trường kinh doanh đầu tư.

Cùng với đơn giản hóa thủ tục nộp thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát để giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội, đảm bảo đến cuối năm 2014 sẽ giảm 1/3 số lần kê khai nộp bảo hiểm xã hội. Như vậy, sẽ giảm khoảng 50% số giờ thực hiện kê khai và nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Rút thời gian kê khai thuế xuống 5 lần

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, từ nay đến giữa tháng Chín năm nay, một loạt các thủ tục sẽ được giảm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quý 3.

“Cụ thể, các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính về rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế, trong mỗi thủ tục rà soát bãi bỏ các chỉ tiêu không cần thiết để giảm thời gian kê khai và nộp thuế cũng như giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, chúng tôi sẽ cố gắng từ nay đến 15/8 ra văn bản,” Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, thực hiện được các nội dung này sẽ giảm được 201 giờ. Như vậy, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi các chỉ tiêu kê khai thuế giá trị gia tăng giảm được khoảng 156 giờ; khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm được khoảng 35 giờ; khắc phục khác biệt giữa ghi nhận chi phí kế toán với chi phí tính thuế giảm được khoảng 10 giờ; đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử sẽ giảm được 23 giờ.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đã ký và gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định Nghị định sửa một số Nghị định của Chính phủ mà theo đó sẽ giảm được khoảng 88 giờ kê khai nộp thuế. Đặc biệt, việc kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp trong năm theo quy định hiện nay là 17 lần sẽ chỉ còn 5 lần.

Giảm từ 0,3-34% giá sữa

Đánh giá về việc thực hiện chương trình bình ổn giá sữa, Bộ trưởng Đinh tiến Dũng khẳng định chương trình này về cơ bản bước đầu đã thành công. Cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính đã xác định và công bố giá bán buôn tối đa, tối thiểu, giá bán lẻ tối thiểu cho 503 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mức giá này so với trước khi thực hiện biện pháp bình ổn đã giảm bình quân từ 0,3-34%.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, trong quá trình thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính đã phát hiện 30 sản phẩm nghi vấn không phải là sữa và đề nghị Bộ Y tế giám định, xác nhận 30 sản phẩm này có phải sữa hay không. Đến nay Bộ Y tế đã trả lời trong 30 sản phẩm đó có 12 sản phẩm là sữa. Ngay lập tức, 12 sản phẩm này đã được Bộ Tài chính đưa vào quản lý theo chương trình bình ổn giá.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, với chức năng của mình, Bộ Tài chính quản lý về bình ổn giá còn về chất lượng, tên gọi, chủng loại sản phẩm, thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong các vấn đề xác nhận chất lượng, tên gọi sản phẩm sữa, cùng nhau quản lý thị trường.

Hỗ trợ trực tuyến

4379503
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
470
956
16600
2313301
79449
4379503

Your IP: 3.147.76.183
Server Time: 2024-11-24 08:52:54

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 41 guests and no members online