Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Facebook - "thiên đường" hàng giả, hàng nhái

 

Facebook - "thiên đường" hàng giả, hàng nhái

 Facebook như một cái chợ khổng lồ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

 Hiện nay, chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng, người dùng có thể mua được bất cứ thứ gì từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo thời trang...thông qua internet.

Bên cạnh những cửa hàng online uy tín thì có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng trà trộn, đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm ăn chân chính và giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Rất nhiều người tiêu dùng đã phản ánh về việc họ bị lừa khi mua hàng online trên mạng. Sản phẩm được quảng cáo rất đẹp nhưng trên thực tế khi nhận hàng lại khác xa so với hình được đăng trên mạng. Hoặc những mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... nhưng giao cho khách hàng hóa lại có xuất xứ từ Trung Quốc...

Chị Hương, Thanh Xuân chia sẻ, chị không có thói quen mua hàng qua mạng nhưng khi thấy một trang bán hàng trên Facebook quảng cáo chiếc váy hàng thời trang có tiếng chị đã quyết định thử đặt mua. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn thấy sản phẩm thì khác quá xa so với hình ảnh trên website.

"Tôi đặt mua một chiếc váy màu ánh kim của hãng Zara trên web nhìn rất đẹp, thế nhưng trên thực tế thì giống như giấy bạc bị vò nát. Tôi có gọi điện, nhắn tin phản ánh thì chủ cửa hàng đã phủ nhận và chặn luôn toàn bộ số điện cũng như tài khoản Facebook của tôi mà không có lấy một lời xin lỗi", chị hương cho biết.

Hiện nay, Facebook được coi như là 1 "thiên đường" của giới kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam. Không khó để có tìm kiếm trên Facebook một trang bán hàng online bán hàng hóa của những thương hiệu nội tiếng trên thế giới như Gucci, Louis Vutton, H&M... Từ đồng hồ, túi xách, giày dép cho đến quần áo của hãng thời trang đắt tiền được bán trên Facebook chỉ có giá từ nửa triệu đồng trở lên trong khi hàng chính hãng có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.

Chu trình mua bán hàng online thường là xem và chọn hàng qua hình ảnh, sau đó liên hệ để người vận chuyển mang đến tận nơi. Nguyên tắc giao dịch này tuy nhanh chóng, giúp người mua tiết kiệm thời gian nhưng lại dễ gặp nhiều rủi ro.

Ngoài ra, không ít gian thương lấy cắp hình ảnh từ các trang web bán hàng uy tín trong nước hoặc nước ngoài để đưa ra chào hàng. Nhìn thấy hình ảnh đẹp cùng những lời cam kết của trang bán hàng, nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt mua và sản phẩm nhận được là hàng gia công, chất liệu xấu. Khi khách hàng gọi điện thắc mắc thì các trang bán hàng này không trả lời hoặc xóa phản hồi trên của khách.

Kinh doanh qua mạng là xu thế và trào lưu của cuộc sống hiện đại tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp để có thể quản lý thị trường mới này.

 Thực tế, đã có rất nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng khiếu nại vì mua phải hàng hóa kém chất lượng, không giống mẫu mã cũng như chất liệu mà chủ cửa hàng quảng bá. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không được bồi thường do hàng hóa công ty, cửa hàng không có địa chỉ rõ ràng hoặc địa chỉ ảo.

Không tốn tiền thuê mặt bằng, kinh doanh tiện lợi, không bị kiểm soát và hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra. Đây là những lý do khiến cho hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển rầm rộ. Nếu để thực trạng này tiếp diễn và không được kiểm soát thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu và người tiêu dùng thì bị thiệt hại.

Nguồn: Ngọc Anh/Ttvn.vn

 

Saudi Aramco tự lấy đá ghè chân khi nâng giá dầu thô bán sang châu Á

 

Saudi Aramco tự lấy đá ghè chân khi nâng giá dầu thô bán sang châu Á

 Saudi Aramco có thể tự hại mình bởi bất ngờ nâng giá dầu thô của họ bán sang châu Á, khi một nhà máy lọc dầu lớn của Trung Quốc đáp trả bằng cách cắt giảm mạnh khối lượng nhập từ nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới này.
Theo một quan chức từ công ty kinh doanh Unipec cho biết Sinopec, nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á đã giảm 40% lượng nhập khẩu dầu thô của mình từ Saudi Arabia trong tháng 5.
Lượng cắt giảm lớn như vậy đã gửi hai thông điệp rất rõ ràng cho Aramco, đầu tiên là Sinopec không đồng ý tăng giá và thứ hai là nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể bù đắp thiếu hụt từ các nhà cung cấp khác.
Đây là một đáp trả chưa từng có với một khách hàng quan trọng của Saudi Arabia, và nhấn mạnh mức độ thị trường bất ngờ bởi quyết định tăng giá bán chính thức của Aramco trong tháng 5.
Không chỉ có Sinopec gửi thông điệp mà các nguồn tin kinh doanh tại hai nhà máy lọc dầu Bắc Á cho biết họ cũng có kế hoạch giảm 10% khối lượng nhập từ Saudi Arabia trong tháng 5.
Aramco đã tăng giá bán chính thức dầu thô Arab Light bán sang châu Á tháng 5 với mức cộng 1,2 USD/thùng so với loại Oman và Dubai của khu vực này, tăng 10 US cent so với tháng trước. Thị trường đã mong đợi giá giảm 50 tới 60 US cent/thùng, dựa vào chuyển động giá.
Không như dầu Brent và WTI, hai loại dầu thô chuẩn toàn cầu lớn nhất, thị trường Dubai có giá hàng giao sau cao hơn so với giao ngay. Điều này cho thấy thị trường dự đoán Aramco sẽ giảm giá bán chính thức của họ do công ty này thường thiết lập giá phù hợp với sự thay đổi cấu trúc giá đối với dầu thô Dubai. Aramco đã không tiết lộ lý do thay đổi giá của họ, khiến thị trường không hiểu hành động này.
Giải thích hợp lý nhất cho sự sai lệch so với thực tiễn trước đó là Aramco đang cố gắng hết sức để giữ giá dầu ở mức cao trước kế hoạch IPO của họ. Việc niêm yết này có thể diễn ra cuối năm nay nhưng nhiều khả năng vào năm 2019, cần giá dầu ở mức cao để thành công, với giá tối thiểu trên 70 USD/thùng.
Dầu thô Brent hiện nay dao động quanh 67 USD/thùng, nghĩa là Saudi Arabia phải tiếp tục làm mọi thứ có thể để khiến giá tăng. Cho đến nay động lực chính thúc đẩy giá là thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh gồm cả Nga. Việc tăng giá bán chính thức cho các khách hàng chủ chốt châu Á có thể là một chiến thuật giữ giá mạnh. Nhưng phản ứng của Sinopec cho thấy Aramco cuối cùng có thể rơi vào kết quả tồi tệ nhất.
Saudi Arabia có thể tiếp tục chia sẻ thị phần cho các đối thủ tại Trung Quốc và nếu Sinopec không khó khăn có được các nguồn cung cấp thay thế, họ làm suy yếu bất kỳ giả thuyết nào cho rằng thị trường dầu mỏ đang hạn hẹp và giá có thể tiếp tục tăng.
Saudi Arabia đã từng là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, nhưng vị trí này đã rơi vào nước Nga trong hai năm qua.
Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu từ Saudi Arabia trong năm 2017 tăng chỉ 2,3% so với năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng tổng thể 10,2%. Nhập khẩu từ Nga đã tăng vọt 13,8%, và từ Angola, nhà cung cấp đứng vị trí thứ 3 là 15,3%.
 
Số liệu chi tiết năm 2018 chỉ có hai tháng đầu năm nay, cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc từ Saudi Arabia giảm 8,9%, trong khi từ Nga tăng mạnh 20,7% và từ Angola tăng 2,6%.
Nếu Angola tiếp tục tăng thị phần tại Trung Quốc, thì họ có thể vượt Saudi Arabia đứng vị trí thứ hai sau Nga trong năm nay.
Có vẻ như Saudi Arabia ngày càng khó khăn họ cần giữ giá dầu thô cao để thúc đẩy IPO, nhưng đối mặt với mất thị phần tại châu Á và tiềm năng gây thiệt hại cho mối quan hệ với các khách hàng lâu dài.
Nguồn: VITIC/Reuters

Đưa văn hóa ẩm thực Việt thành tài sản quốc gia

Đưa văn hóa ẩm thực Việt thành tài sản quốc gia

Vinanet - Văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú với những nét đẹp truyền thống đã thực sự trở thành di sản của quốc gia, trong đó có nhiều di sản được cả thế giới thừa nhận, tôn vinh.
Ẩm thực – một nét di sản tinh tế được hình thành trong dòng chảy hàng ngàn năm văn hóa Việt Nam đã góp phần làm say lòng bao du khách, bạn bè quốc tế. Ngày càng nhiều món ăn Việt Nam được quốc tế tôn vinh. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải hành động để đưa di sản ẩm thực đang âm thầm chảy trong lòng dân tộc thành tài sản để phát triển, bảo tồn, kỳ vọng biến Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới.”
Ẩm thực tôn vinh văn hóa Việt
Trong bối cảnh phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay, những yếu tố thuộc về bản sắc riêng của mỗi dân tộc được coi là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Văn hóa của mỗi quốc gia luôn có những bản sắc riêng. Trong văn hóa Việt Nam, ẩm thực chiếm giữ một vị trí quan trọng, là một phần bản sắc Việt Nam. Thật đáng mừng là cùng với nhiều giá trị văn hóa giàu bản sắc khác, ẩm thực Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến và tôn vinh.
Góp phần định vị hình ảnh đất nước
Nói đến Việt Nam, chắc chắn nhiều người nước ngoài biết đến phở. Đây cũng được coi là món ăn đầu tiên của Việt Nam được quốc tế biết đến và vinh danh. Phở được giới thiệu trang trọng trên nhiều tạp chí ẩm thực thế giới, có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng cao cấp nhất.
Vào năm 2011, Hãng CNN danh tiếng đã bình chọn phở đứng vị trí thứ 28/50 món ăn ngon nhất thế giới… Tiếp đến, năm 2013, trang Bussiness Insider đã xếp phở của Việt Nam đứng thứ nhất trong top 40 món ăn du khách nên thử một lần trong đời.
Trên tạp chí The Huffing Post, du khách nước ngoài còn dùng mỹ từ đặc biệt cho phở - “món ăn của thiên đường”...
 

 (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tiếp theo phở, người Việt Nam có quyền tự hào khi càng ngày có nhiều món ăn, thức uống khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam được tôn vinh trên thế giới. Đó là bún chả, chả giò, gỏi cuốn, bún bò Huế, bánh mì kẹp thịt, bánh xèo, bún riêu cua, bún thang, càphê trứng... Cùng với phở, bún chả là một trong những món ăn được báo nước ngoài ca ngợi và được nhiều du khách trên thế giới biết đến. Bún chả nằm trong danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới năm 2014 của trang National Geographic.
Bún chả có lẽ càng nổi tiếng hơn khi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thoải mái ăn bún chả ở một quán nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 được phát triên toàn thế giới. Ngay sau đó, quán bún chả này luôn đông nghẹt khách, phục vụ không xuể, nhiều khách đi theo đoàn muốn ăn phải đặt chỗ trước khá lâu.
Đặc biệt hơn là khách đến quán sẽ gọi “suất Obama” như Tổng thống Hoa Kỳ đã ăn…
Tại Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cùng đầu bếp nổi tiếng người Australia gốc Việt Luke Nguyen thưởng thức bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng. Thủ tướng Malcolm nói rằng ông thực sự thích vị tươi mới trong những món ăn Việt Nam.
 
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cùng đầu bếp người Australia gốc Việt Luke Nguyen ăn sáng với món bánh mỳ tại một cửa hàng ở thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)
Không chỉ món ăn mà một số điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng được vinh danh vì nhiều món ẩm thực hấp dẫn thực khách quốc tế. Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới.
Kênh CNN chuyên mục du lịch cũng đã đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là “kinh đô của ẩm thực Việt Nam” đồng thời là thành phố trong nhóm 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam tại các Festival quảng bá văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo thực khách bản xứ và quốc tế thưởng thức…
Hội tụ đủ “chân-thiện-mỹ”
Nói về ẩm thực, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định Việt Nam là đất nước đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S nên văn hóa đa dạng, phong phú. Những yếu tố về thiên nhiên, địa hình với đường bờ biển kéo dài cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển ẩm thực, đây là điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.
Cố Giáo sư Trần Văn Khê khi còn sống đã chia sẻ rằng ông đã có cơ hội đi tới hơn 60 quốc gia và thấy mỗi nước có hương vị ẩm thực riêng, ẩm thực Việt thật sự có những điểm độc đáo, khác lạ. 
 
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo Giáo sư, người Việt ăn toàn diện, không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi mà bằng ngũ quan. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, cách trình bày món ăn đẹp, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn.
Người Việt ăn uống cũng rất đa vị. Thông thường món ăn Việt Nam có 5 vị chính: ngọt, mặn, chua, cay, béo; có cả ngũ sắc: đen (tương), đỏ (ớt), xanh (rau), vàng (khế chín), trắng (bánh tráng, bún). Ăn một miếng mà mắt thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi còn hơn thế nữa...

Người Việt ăn toàn diện, không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi mà bằng ngũ quan. (Giáo sư Trần Văn Khê)

Ẩm thực Việt phong phú, đa dạng và hội tụ những nét tinh tế riêng biệt thông qua cách thức chọn lựa nguyên liệu, chế biến, bày biện và thưởng thức. Món ăn Việt Nam ở bất kỳ vùng miền, dân tộc nào cũng mang đầy đủ các yếu tố: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng, dễ chế biến, gần gũi với thiên nhiên và ai cũng có thể thưởng thức được…Không quá lời khi nói rằng: Ẩm thực Việt Nam hội đủ các yếu tố “chân, thiện, mỹ.”
Món ăn Việt hầu hết được chế biến từ các loại rau, củ, quả, hạt, thủy, hải sản, và không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung, không cay như món ăn Thái… Độ ngon của món ăn đều xuất phát từ cách chế biến, chủ yếu là luộc, hấp, nấu, nướng hoặc ăn tươi sống để giữ được hương vị tự nhiên.
Người Việt cũng thường dùng các gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi, sả và các loại rau thơm... chứ không dùng gia vị khô hoặc qua chế biến. Quan trọng hơn cả đó chính là nghệ thuật bày trí và kết hợp gia vị thì hài hòa và có nước chấm riêng rất đặc trưng và rất nhiều nguyên liệu, gia vị trong món ăn của Việt Nam là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.
Với những thực phẩm có sẵn ở Việt Nam, qua bàn tay các đầu bếp Việt có thể trở thành những món ăn rất ngon, đặc sắc, vừa đẹp, thơm ngon lại đầy đủ dưỡng chất dù chỉ nhìn mắt thường vẫn nhận ra được. 
Thậm chí, những món ăn nước ngoài khi du nhập vào Việt Nam cũng sẽ được biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt. Điều làm nên nét khác biệt chính sự cân bằng âm–dương, chua–cay–mặn–ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên, cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng địa phương.
Bên cạnh sự phong phú về món ăn, người Việt có cách thưởng thức cũng hết sức tinh tế, thể hiện rõ nét cốt cách văn hóa, thưởng thức ẩm thực Đây cũng là cái hồn tạo nên nét riêng, nét hấp dẫn đặc biệt của văn hóa ẩm thực Việt Nam...
Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã được thế giới công nhận song chủ nhân của di sản chưa thực sự chưa chú tâm lắm đến công tác quảng bá, chưa khai thác được hết những giá trị đặc sắc của ẩm thực như một tài sản quốc gia. Đó là điểm mà ngành du lịch cũng như những người yêu thích ẩm thực Việt, muốn đưa ẩm thực Việt ra thế giới cần nghiên cứu và hành động bằng cả tâm huyết và trách nhiệm…
Đưa ẩm thực Việt thành tài sản quốc gia
Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Du khách quốc tế luôn đánh giá cao ẩm thực Việt Nam, do đó ẩm thực hứa hạn sẽ là một tài sản lớn, nguồn lực tạo ra các sản phẩm du lịch, tạo ra lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cũng đã có những động thái nhất định để thu hút khách quốc tế và mang lại nguồn lợi cho đất nước.
Bởi những người làm du lịch hiểu rõ ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách mà còn giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc. Ẩm thực chính là cách quảng bá nhanh nhất hình ảnh một đất nước và một nền văn hóa...
Du khách thích thú tìm hiểu ẩm thực Việt
Trong báo cáo về xu hướng du lịch năm 2017, Virtuoso - mạng lưới toàn cầu của các đại lý du lịch hạng sang nhận định thời gian tới, du lịch ẩm thực sẽ phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu với những tour ẩm thực thực sự. Tâm lý du khách khi đi đến bất cứ đâu, họ không chỉ muốn thưởng thức hương vị của món ăn địa phương mà còn muốn dùng bữa theo cách của người dân bản địa.
Biết đến món ăn Việt Nam trên nhiều phương tiện thông tin quốc tế cũng như hoạt động quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam, hiện nay cũng đã có nhiều du khách quốc tế đang có xu hướng đặt tour du lịch kết hợp ẩm thực. Những du khách này vừa muốn học cách chế biến một số món ăn Việt Nam, vừa mong muốn tìm hiểu văn hóa mỗi vùng miền trên cơ sở trải nghiệm về ẩm thực. 
 
Du khách nước ngoài thưởng thức món mỳ Quảng. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đáp ứng nhu cầu khách quốc tế, nhiều đơn vị lữ hành có uy tín đã xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp ẩm thực, tăng trải nghiệm về văn hóa ẩm thực cho du khách quốc tế. Đó cũng là một cách thức hiệu quả, tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch Việt Nam.
Tham gia những tour du lịch như thế này, du khách được đầu bếp thông tin chi tiết về món ăn, dưới sự hướng dẫn của đầu bếp, các du khách được trực tiếp ra chợ mua thực phẩm, chọn lựa gia vị đúng chuẩn. Sau đó, du khách tiếp tục được đầu bếp hướng dẫn cách chế biến thực phẩm, tẩm ướp gia vị theo đúng phong cách từng vùng miền và nấu món ăn đó…

Tâm lý du khách khi đi đến bất cứ đâu, họ không chỉ muốn thưởng thức hương vị của món ăn địa phương mà còn muốn dùng bữa theo cách của người dân bản địa.(Virtuoso)

Các tour ẩm thực đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế tham gia. Với giá tour vài chục USD, du khách được dẫn đi thăm thú một vài nơi bằng xe máy rồi ghé các quán ăn nổi tiếng của dân địa phương.
Du khách có thể “lê la” ở những “con đường ăn vặt” để thưởng thức món ngon. Nếu không muốn tham quan, khách có thể chọn tour thuần túy ẩm thực; nếu không đi xe máy khách có thể đi bằng taxi. Mỗi tour có thể kéo dài khoảng 4 tiếng, những việc lựa chọn món ăn và địa điểm thì tùy theo mỗi đơn vị bán tour. Có những đơn vị không chọn lựa giới thiệu những món đã quá phổ biến như bánh mì, phở hay chả giò…; các quán được lựa chọn cũng không nằm trong những con phố ẩm thực nổi tiếng mà chọn đưa khách đi ăn vỉa hè thực sự...
Theo phản ánh của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhiều du khách của hãng tham gia những lớp học nấu ăn trong chương trình tour rất chú tâm chứ không đơn thuần là chỉ xem cho biết. Nhiều du khách sẵn sàng bỏ thời gian để học nấu một món ăn địa phương. Khi đi tour trong thành phố, có khách còn yêu cầu xe dừng lại, cho họ bước xuống vỉa hè tận mắt xem cách người dân châm trà, pha càphê sáng và ngồi uống càphê trên những chiếc ghế lúp xúp ở vỉa hè, đúng kiểu của “người Sài Gòn.”
 Ở Hà Nội, loại hình du lịch ẩm thực đã được quan tâm với sự ra đời của ngày nhiều khu phố ẩm thực, như Tống Duy Tân, Cấm Chỉ; các nhà hàng phục vụ khách du lịch nằm trong khu phố cổ như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ… Tại khách sạn cao cấp của Hà Nội đều có nhà hàng châu Á luôn phục vụ những món ăn tiêu biểu của Thủ đô.
Các công ty lữ hành quốc tế cũng chú trọng việc đưa khách đến các nhà hàng đặc sản Hà Nội, thậm chí tạo điều kiện cho du khách học nấu ăn cùng với các đầu bếp uy tín.
Nghị quyết về “Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” cũng đã nêu rõ Hà Nội cần có kế hoạch, dự án, đề án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực…
Cùng hành động để ẩm thực Việt phát triển đúng tầm
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, rất cần có những sản phẩm mới, hấp dẫn để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách. Ẩm thực là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhưng thực sự chưa được phát triển đúng tầm…
Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng, tổ chức các chuyên đề nghiên cứu một số món ăn đặc trưng của Việt Nam nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; định chuẩn món ăn cho các sự kiện quốc gia đồng thời lựa chọn ẩm thực phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch theo từng phân khúc... 
 
 
Đầu bếp Việt Nam bày trí các món ăn tại Liên hoan Bếp trưởng 5 sao, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam nhằm hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đầu bếp sáng tạo, tận tụy hơn với nghề để có những món ăn ngon, hấp dẫn; tạo ra những sự kiện về ẩm thực để thu hút khách cả trong và ngoài nước đến với các điểm đến của du lịch Việt Nam.
Tháng 10/2017, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã chính thức ra đời, góp thêm tiếng nói, hành động nhằm tôn vinh và phát triển hơn nữa tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội cũng là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực chung tay xây dựng ẩm thực Việt trở thành thương hiệu mạnh của Việt Nam; quảng bá hiệu quả, thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, vươn ra hội nhập quốc tế được tốt nhất…

Khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực Việt sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành. (Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ)

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, cho hay trên đất nước ta hiện có khoảng 200.000-300.000 quán ăn và khoảng 15.000-20.000 nhà hàng thuần Việt tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam bằng những hành động cụ thể sẽ khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực, quảng bá xúc tiến…để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc kỳ cũng nêu rõ khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành. Phát huy thế mạnh sẵn có của ẩm thực không chỉ đóng góp vào phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh quốc gia mà còn là cách thiết thực giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp...Mặt khác, việc tiêu thụ nông sản của nông dân theo hướng bền vững cũng là biện pháp hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế…
Với sự vào cuộc, cố gắng không ngừng của nhiều đơn vị, tổ chức và cả các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hy vọng rằng trong tương lai không xa giá trị ẩm thực Việt Nam sẽ sớm lan tỏa ra toàn thế giới.

Trích Nguồn: Thanh Giang/VietnamPlus

Khẩn cấp ngăn mã độc đòi tiền chuộc 1.000 USD đang lây lan ở VN

 

Khẩn cấp ngăn mã độc đòi tiền chuộc 1.000 USD đang lây lan ở VN

 Nạn nhân được yêu cầu trả tiền chuộc từ 400 đến 1.000 USD đổi lấy khóa giải mã khi hệ thống bị dính mã độc GandCrab.
GandCrab là mã độc tống tiền mới nhất xuất hiện tại Việt Nam sau CTB Locker và WannyCry. GandCrab tấn công nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Do tính chất nghiêm trọng của GandCrab, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) vừa ra thông báo khẩn khuyến cáo các tổ chức, người dùng trong nước thận trọng và nâng cao cảnh giác với mã độc tống tiền này.

“Mã độc tống tiền GandCrab rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ dữ liệu trên máy bị nhiễm. Tin tặc khai thác và tấn công sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác", ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc VNCERT, nhận định.

 

Khi máy tính nhiễm GandCrab, nạn nhân bị yêu cầu trả tiền chuộc tới 1.000 USD để đổi lấy khóa giải mã dữ liệu.

Theo VNCERT, GandCrab lây lan qua bộ công cụ khai thác lỗ hổng RIG. Khi bị lây nhiễm, toàn bộ các tập tin dữ liệu trên máy người dùng sẽ bị mã hóa và phần mở rộng của tập tin bị đổi thành *.GDCB hoặc *.CRAB.

Mã độc GandCrab còn tạo tệp tin CRAB-DECRYPT.txt, hướng dẫn người dùng trả tiền chuộc bằng tiền điện tử DASH để đổi lấy giải mã dữ liệu.

Để ngăn chặn loại mã độc nguy hiểm này, VNCERT đưa ra một số biện pháp khuyến cáo gồm:

Theo dõi, ngăn chặn kết nối đến các máy chủ máy chủ điều khiển mã độc tống tiền GandCrab và cập nhật vào các hệ thống bảo vệ như IDS/IPS, Firewall...

Nhanh chóng cô lập vùng/máy bị nhiễm và báo cáo về Cơ quan điều phối quốc gia (VNCERT) khi phát hiện có mã độc GandCrab.

Người dùng không mở và nhấp vào các liên kết (link) cũng như các tập tin đính kèm trong email có chứa các tập tin dạng .doc, .pdf, .zip,… được gửi từ người lạ, hoặc email được gửi từ người quen nhưng cách đặt tiêu đề hoặc ngôn ngữ khác thường.

 Người dùng cần thông báo ngay cho bộ phận chuyên trách quản trị hệ thống hoặc đảm bảo an toàn thông tin khi nhận được email nghi ngờ trên.

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện mã độc tống tiền tại Việt Nam. Liên tiếp trong các năm 2016 và 2017, hai mã độc CTB Locker và WannyCry đã lây nhiễm vào hàng nghìn máy tính của các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân.

Nguồn: Gia Nguyễn/Zing.vn

 

Nguy cơ cuộc chiến thương mại và tác động đối với kinh tế toàn cầu (Phần 2)

 

Nguy cơ cuộc chiến thương mại và tác động đối với kinh tế toàn cầu (Phần 2)

Hành động đánh thuế nhập khẩu thép của Mỹ có ảnh hưởng khá phức tạp đến tổng cầu. Ảnh: AFP/TTXVN.

 Về mặt vĩ mô, việc thay đổi thuế nhập khẩu có thể dẫn tới sự thay đổi của nhiều “biến số” như tỷ giá hối đoái, lạm phát, chính sách tiền tệ và thất nghiệp. Điều có có thể trở nên phức tạp hơn nhiều.
Nếu một nước lớn áp thuế nhập khẩu thép, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể sẽ buộc phải trang trải một phần tổn thất thông qua việc cắt giảm giá để duy trì vị thế trên thị trường Mỹ. Đối với Mỹ, nước này có thể cải thiện các điều khoản thương mại, thậm chí coi phúc lợi chung gia tăng như là cái giá cho việc nhập khẩu thép giảm.
Trong một số trường hợp, áp thuế nhập khẩu là minh chứng cho việc bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và ứng phó với các biện pháp cạnh tranh không công bằng, chẳng hạn như trợ cấp xuất khẩu mà chính phủ một số nước thực hiện. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng công kích các biện pháp cạnh tranh không công bằng này là giải pháp tích cực hơn so với việc áp thuế nhập khẩu để bù đắp thiệt hại.
Hành động đánh thuế nhập khẩu thép của Mỹ có thể không dẫn tới sự gia tăng về sản lượng thép toàn cầu, song ảnh hưởng của nó đối với tổng cầu khá phức tạp. Khi Mỹ áp đặt thuế này thì trước tiên thu nhập ròng của Trung Quốc sẽ giảm. Tại Mỹ, các nhà sản xuất thép có thể được lợi, song người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể bị thiệt hại, trong khi Chính phủ Mỹ thu lợi từ nguồn thu thuế tăng.
Nghiên cứu năm 1960 của nhà kinh tế học Robert Mundell chỉ rằng trong một thế giới với tỷ giá hối đoái linh hoạt, thì kế hoạch áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ.
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Maurice Obstfeld hồi năm 2016 viết rằng nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Đông Á, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới.
Nếu dự báo này là đúng thì các biện pháp thương mại của ông Trump có thể ví như “gậy ông đập lưng ông” và gây tác động bất lợi lên chính kinh tế Mỹ. Những tác động này có thể lớn hơn nữa, nếu điều đó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại. Đó là chưa kể tới những hành động trả đũa thương mại.
Trong khi đó, theo nhận định của Bộ phận dự báo và phân tích kinh tế (EIU) của The Economist, từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Donald Trump đang “đẩy” lập trường chính sách của nước ông theo hướng bảo hộ.
Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng lưu ý là EU và Trung Quốc.
 
Phân tích của EIU cho rằng một sự trả đũa tương tự như biện pháp bảo hộ của Mỹ có thể đẩy chi phí hàng hóa đi lên, song có lẽ cũng ít có khả năng khiến tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Dẫu sao, việc áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ khó tránh khỏi làm lòng tin của giới doanh nghiệp sa sút, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ ngoại giao và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Trích Nguồn: TTXVN vinanet.vn

Hỗ trợ trực tuyến

4391457
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
4399
3902
12424
2330825
91403
4391457

Your IP: 3.128.200.165
Server Time: 2024-11-26 19:48:14

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 99 guests and no members online