Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Thêm ngân hàng 100% vốn Malaysia được cấp phép tại Việt Nam

- CIMB - ngân hàng lớn thứ hai Malaysia vừa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới nước này.
CIMB là ngân hàng lớn thứ hai Malaysia và nằm trong top đầu của khu vực.
CIMB là ngân hàng lớn thứ hai Malaysia và nằm trong top đầu của khu vực.
Quyết định cấp phép về nguyên tắc cho Ngân hàng CIMB của Malaysia mở 100% vốn tại Việt Nam được đưa ra ngay sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Rajak tại Malaysia hôm qua. Văn bản hợp tác này nằm trong một loạt thỏa thuận giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Malaysia vừa qua.
Trước đó, từ giữa năm ngoái, báo chí Malaysia đã đưa tin CIMB - ngân hàng lớn thứ hai nước này - muốn có mặt tại Việt Nam và Myanmar nhằm thực hiện tham vọng có chi nhánh ở khắp Đông Nam Á. CIMB cũng là ngân hàng lớn thứ 5 của khu vực nếu xét về tổng tài sản. Nhà băng trụ sở tại Kuala Lumpur này có khoảng 40.000 nhân viên tại 17 nơi ở ASEAN và châu Á Thái Bình Dương.
Như vậy, trong nửa năm trở lại đây, Việt Nam đã chấp thuận về nguyên tắc cho 2 ngân hàng Malaysia hoạt động theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Trước đó, vào tháng 3, Public Bank Berhad được chấp thuận lập ngân hàng con.
Nếu tính cả hai nhà băng Malaysia này và CitiBank vừa được cấp phép, Việt Nam sẽ có 8 ngân hàng 100% vốn ngoại gồm HSCB, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam, Hong Leong Bank, CitiBank, CIMB, Public Bank Berhad.
Trích nguồn: http://www.ktdt.vn/

Phác thảo bức tranh kinh tế quý III/2015

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố dự báo một số chỉ tiêu kinh tế quý III/2015.
Phác thảo bức tranh kinh tế quý III/2015

Những thông tin ban đầu cho thấy, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,42%. Tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10,6%. Thâm hụt thương mại ở mức 0,8 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 0,92%. Tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ ổn định trong quý III và quý IV của năm 2015.

“Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý III/2015 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài. Một là, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể ra quyết định nâng lãi suất USD, qua đó ảnh hưởng đến dòng vốn, mặt bằng lãi suất, tỷ giá VND/USD ở Việt Nam. Hai là, các thị trường xuất khẩu chính vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song quá trình này còn rủi ro do các căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng nợ công châu Âu…”, Báo cáo của Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) viết.

Ở trong nước, các chuyên gia CIEM dự báo, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng trong quý III và sự tương tác của chính sách này với chính sách tài khóa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Tác động này sẽ cộng hướng tới xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế rõ nét hơn trong quý II và những tháng đầu quý III/2015 này. Cộng với đó, môi trường vĩ mô ổn định và vững chắc hơn, một số hiệp định FTA mới được ký kết cũng sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực bên ngoài cho quá trình sản xuất – xuất khẩu.

Các chuyên gia của CIEM cũng thừa nhận, nỗ lực điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã lưu tâm nhiều hơn đến phối hợp giữa các công cụ chính sách và tạo dựng, củng cố dư địa cho việc thực hiện các công cụ chính sách.

Tuy vậy, một số rủi ro vẫn hiện hữu với quá trình điều hành kinh tế vĩ mô nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung vẫn chưa nhỏ đi. Đó là vấn đề về nợ công; duy trì đà cải cách đối với môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; hay áp lực cải thiện khả năng cạnh tranh ở cả cấp sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Đặc biệt, quá trình xử lý các ngân hàng thương mại trong yếu kém quý II/2015 dù diễn ra nhanh hơn quý I, tuy nhiên Ngân hàng nhà nước chưa thông tin cụ thể định hướng tái cơ cấu các ngân hàng này sau quốc hữu hóa, các ngân hàng thương mại có thể bị xử lý trong thời gian tiếp theo cũng như mức độ yếu kém của các ngân hàng này.

“Trong bối cảnh ấy, định hướng cải cách nền tảng kinh tế vi mô và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô cần theo hướng tạo dựng thêm động lực, đẩy nhanh việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ trong hai năm 2014 và 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tạo đà cho các chuyển biến mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh trong nửa cuối năm 2015 và các năm tiếp theo”, Báo cáo của CIEM khuyến nghị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của CIEM cũng nhắc tới những cải thiện nền tảng kinh tế vi mô nhằm khuyến khích và bảo vệ cạnh tranh tiếp tục diễn ra, tuy việc hiện thực hóa những cải cách này còn gặp không ít vướng mắc. Ở khía cạnh khác, tự do hóa thương mại và đầu tư vẫn tiếp diễn, làm tăng áp lực mở cửa thị trường cho hàng hóa và nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong bối cảnh ấy, Việt Nam không nên quá phân biệt doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Phòng vệ thương mại và bảo hộ các ngành sản xuất trong nước là cần thiết, song phải minh bạch, không trái với cam kết và không làm giảm động lực cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, Báo cáo viết.

Trích nguồn : baodautu.vn

“Việt Nam là ngôi sao mới nổi trong ngành điện tử châu Á”

Đó là nhận định của DBS – Công ty nghiên cứu hàng đầu Singapore về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây.

 Điện tử Việt Nam

“Việt Nam là ngôi sao mới nổi trong ngành điện tử châu Á” (Ảnh minh họa)

 Theo đánh giá của DBS - Công ty nghiên cứu hàng đầu Singapore, năm 2014 Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á nhờ ngành sản xuất. Trong đó, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn với mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới.

Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh trong những năm gần đây. Xuất khẩu điện tử tăng trưởng 78% mỗi năm trong vòng 4 năm qua và cán mốc 35 tỷ USD năm 2014. Xuất khẩu điện tử trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế; chiếm 23,4% tổng GDP năm 2014, tăng cao so với con số 5,2% năm 2010.

 Điện tử Việt Nam

 
Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 xuất phát từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, do đối mặt với tổng cầu yếu và áp lực chi phí, nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu tìm các địa điểm sản xuất mới với chi phí rẻ hơn.
Thứ hai, do cạnh tranh tăng lên, nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng càng trở nên bức thiết. Các chính sách thu hút FDI hiệu quả của Việt Nam, kết hợp với đồng nội tệ giảm và nguồn lao động giá rẻ đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử. 
BDS nhận định, sự vươn lên của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam một phần nhờ sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong mạng lưới cung cấp khu vực. Khi tiền lương và chi phí lao động tại các quốc gia khác tăng lên, cơ hội sẽ mở ra cho những “tay chơi mới” có chi phí sản xuất thấp hơn như Việt Nam. 
Chẳng hạn, sau nhiều năm tăng trưởng nóng, tiền lương trung bình tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Việt Nam. Thực tế này tạo sức ép lên tỷ suất lợi nhuận, buộc các nhà sản xuất phải dịch chuyển trụ sở sản xuất. 
Ngoài lợi thế về chi phí, vị trí địa lý cũng góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với vai trò công xưởng của thế giới. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, do vậy việc thâm nhập chuỗi cung cấp đã có sẵn khá thuận lợi.
  Điện tử Việt Nam

“Việt Nam là ngôi sao mới nổi trong ngành điện tử châu Á” (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Nhiều nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Panasonic… đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới thay cho Trung Quốc. DBS đánh giá, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai.
So với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế. Chỉ tính riêng năm 2014, khi 8 nền kinh tế châu Á xuất khẩu khoảng 1 nghìn tỷ USD kim ngạch hàng điện tử thì Việt Nam chiếm 3,5%; tăng so với con số khiêm tốn 0,4% năm 2010.
“Việt Nam đã vượt Philippines và Thái Lan và chuẩn bị soán ngôi Singapore trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ năm khu vực Châu Á trong hai năm tới” – báo cáo nhận định.
Trong dài hạn, chính phủ Việt Nam kỳ vọng đặt mục tiêu xuất khẩu hàng điện tử đạt kim ngạch 40 tỷ USD vào năm 2017, tương ứng mức tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm.
Tuy nhiên, khả năng duy trì sự bền vững của ngành công nghiệp này trong dài hạn còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể đẩy mạnh sản lượng và chuỗi giá trị không.
Nếu không làm được điều này, Việt Nam có nguy cơ bị mất thị phần vào tay những quốc gia có chi phí lao động rẻ hơn như Indonesia, Campuchia, Lào hay Myanmar.
Trích nguồn :http://www.tinkinhte.com/
 

Vinacomin mất 1.000 tỷ đồng do mưa lũ

Vinacomin mất 1.000 tỷ đồng do mưa lũ
Ảnh minh họa
  • Theo thông tin từ Vinacomin, mưa lớn kỷ lục kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Hiện tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, khiến cho lượng nước trong lò tăng đột biến đã làm ngập mỏ.

Trong đó mỏ than Mông Dương chịu hậu quả nặng nề nhất, toàn bộ diện sản xuất từ mức -250 đến trên mức -97 mét mỏ than Mông Dương ngập nước và mặt bằng mỏ bị mưa lũ cuốn hư hỏng nặng. Hiện công tác cứu mỏ đang tích cực triển khai, song dự kiến phải mất 3 - 5 tháng mới có thể đưa mỏ Mông Dương quay trở lại sản xuất.

Mỏ than Mông Dương thiệt hại nặng nề nhất

Theo thống kê ban đầu của Vinacomin, tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31/7/2015 lên đến 1.000 tỷ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.

Hiện Tập đoàn đã dừng mọi hoạt động sản xuất than trên địa bàn tỉnhQuảng Ninh để tập trung vào phòng chống mưa lũ, xử lý sự cố, khắc phục hậu quả mưa lũ. Liên tiếp trong các ngày, từ 26/7 đến 31/7, lãnh đạo Tập đoàn, đại diện Bộ Công Thương, đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị khai các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố và đối phó với các đợt mưa lũ.

Liên quan đến việc cung ứng than cho sản xuất điện, Vinacomin đã gửi công điện tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời có cuộc họp khẩn do Tổng cục Năng lượng chủ trì họp. Các bên đã trao đổi rà soát lại than tồn của các nhà máy điện và đề xuất phương án phát điện trong điều kiện một số nhà máy điện than tồn ít mà tình hình cấp than còn chậm, gián đoạn.

Tập đoàn cho biết sẽ nỗ lực cao nhất để đảm bảo an toàn và khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện. Dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và ưu tiên số 1 cung cấp than cho Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng,....

Ưu tiên cung ứng than cho sản xuất điện

Phương án thống nhất là sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho sản xuất điện của các nhà máy điện phía Nam. Chiều 31/7, Vinacomin đã triển khai phương án pha trộn để cấp than cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và chuyển tải than cấp cho Duyên Hải 1.

Cũng trong ngày 31/7 đã xuất cảng 1 tàu 18/22 ngàn tấn cho Nhiệt điện Vũng Áng. Ngày 01/8 có thêm 1 tàu (non tải) đi Vũng Áng và 1 tàu 6 ngàn tấn từ cảng Cửa Ông vận chuyển than đi Duyên Hải 1. Vinacomin cho biết, các ngày tiếp theo nếu không mưa, sẽ tiếp tục củng cố khẩn trương cấp than cho các nhà máy điện.

Dự báo tại Quảng Ninh sẽ tiếp tục có mưa to, mưa rất to cho đến ngày 03/8/2015, do đó Tập đoàn Vinacomin cho biết sẽ từng bước khôi phục sản xuất, và tập trung lực lượng, thiết bị giải quyết các điểm nóng có nguy cơ xảy ra sự cố như đập chắn suối 9.8 Đông Cao Sơn, các mỏ hầm lò bị ngập nặng.

Đối với mỏ than Mông Dương, tăng cường bơm thoát nước, tổ chức ứng cứu không để ngập trở lại mức -100; tiếp tục bơm thoát nước các khu vực mỏ khác để sớm khôi phục sản xuất khi điều kiện cho phép,...

Tranh thủ điều kiện thời tiết khi ngớt mưa tiếp tục sửa chữa các tuyến đường ô tô, đường sắt vận chuyển than và hệ thống tiêu thụ để cấp than trở lại cho các hộ tiêu thụ, nhất là các nhà máy điện; các mỏ than hầm lò tăng cường bơm thoát nước, củng cố đường lò; các mỏ than lộ thiên khôi phục các tầng khai thác, để khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Vinacomin cũng cho biết đã hỗ trợ tỉnh 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do mưa lũ. Hỗ trợ di dời, bố trí ăn ở tạm cho các hộ dân bị ảnh hưởng đặc biệt là khu vực mỏ Cọc Sáu, Mông Dương; hỗ trợ tiền mặt dự kiến hàng chục tỷ đồng; hỗ trợ địa phương nạo vét, khơi thông suối thoát nước, các tuyến đường giao thông.

Trích nguồn : http://cafef.vn/

Viettel và "nỗi khổ" thống lĩnh thị trường

- Được công nhận là doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường viễn thông nhưng nhà mạng Viettel liên tục xin từ bỏ "danh hiệu" này.
"Khổ" vì dẫn đầu thị trường
Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kể từ ngày 15/6/2015, Viettel là DN duy nhất được công nhận là đang thống lĩnh thị trường viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, lại có sự ngược đời khi việc được công nhận ngôi vị số 1 này không làm Viettel "vui" mà trái lại các đối thủ chính của họ là Vinaphone và Mobipone như "mở cờ trong bụng".
Bị nâng lên vai trò thống lĩnh thị trường sẽ khiến Viettel khó khăn hơn nhiều trong việc cạnh tranh với các nhà mạng khác
Bị nâng lên vai trò thống lĩnh thị trường sẽ khiến Viettel khó khăn hơn nhiều trong việc cạnh tranh với các nhà mạng khác
Sở dĩ Viettel không thích danh hiệu này là bởi, theo Luật Cạnh tranh và Luật Viễn thông, các DN thống lĩnh thị trường sẽ bị quản lý chặt hơn từ cơ quan quản lý. Đơn cử trong việc thay đổi giá cước và thực hiện khuyến mại giảm giá dịch vụ thì sẽ phải đăng ký với Cục Viễn thông và chỉ được phép triển khai sau khi Cục chấp thuận. Ngoài ra, DN dạng này cũng không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.
Đối với các DN được xếp sau như Vinaphone và Mobifone lại "dễ thở" hơn nhiều. Mỗi khi muốn điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá họ chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông là xong. Không những thế, các nhà mạng này còn có thể ban hành giá cước thấp hơn giá thành miễn sao mức giá mới là hợp lý, không quá bất bình thường so với giá cước trung bình và gây mất ổn định thị trường.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ TT&TT, hiện Viettel đang chiếm hơn 52% thị phần, còn Vinaphone và Mobifone đang cùng nắm giữ khoảng 18% thị phần. Và dĩ nhiên, khi được tạo điều kiện thoải mái hơn về khuyến mãi cũng như giá cước, các nhà mạng còn lại hoàn toàn có thể khiến thị trường phải chia lại.
Không chịu bị thu hẹp, ngay sau đó, Viettel đã đề nghị lên Bộ TT&TT giữ nguyên vị trí của 3 nhà mạng như trước, không nên có sự thay đổi để tránh cuộc chiến cạnh tranh về giá cước, có nguy cơ gây xáo trộn thị trường viễn thông. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị phía cơ quan quản lý Nhà nước bãi bỏ.
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, một lần nữa Viettel lại nhắc lại việc từ bỏ vai trò DN thống lĩnh thị trường. Ông Hoàng Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, quy định trên không còn phù hợp với tốc độ phát triển hiện nay của thị trường viễn thông. Ngay cả khi tham gia thị trường viễn thông tại các quốc gia khác, Viettel cũng phải cạnh tranh bình đẳng mà không nhận được bất kỳ ưu đãi nào, ông này đưa ra dẫn chứng.
"Đối với thị trường trong nước, Viettel cũng cần được đối xử công bằng như các nhà mạng khác, cụ thể là không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước viễn thông", ông Sơn khẳng định.
Bộ vẫn nói "không"
Tuy nhiên cũng giống như với lần đề xuất trước đó của Viettel, phía Bộ TT&TT vẫn không đồng ý, đồng thời khẳng định sẽ giữ nguyên vai trò thống lĩnh thị trường của nhà mạng này.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, việc phân chia DN thống lĩnh là nhằm đảm bảo thị trường viễn thông có được cũng như duy trì sự cạnh tranh lành mạnh, không để xuất hiện một hoặc hai DN quá lớn lấn át hết các doanh nghiệp khác.
Với việc Viettel chiếm tới hơn 50% thị phần nhưng lại muốn được đối xử công bằng với DN viễn thông khác, vậy điều đó có công bằng không, Thứ trưởng Thắng đặt câu hỏi ngược lại cho phía Viettel.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc Viettel là nhà mạng duy nhất thống lĩnh là nhằm đảm bảo cho thị trường viễn thông phát triển lành mạnh. Bên cạnh lợi thế hơn các nhà mạng khác về thị phần, Viettel còn có ưu thế lớn để cạnh tranh là chế độ lương đặc thù.
"Mặc dù cùng là DN hoạt động trong cùng lĩnh vực nhưng Viettel lại có cơ chế trả lương thoáng hơn nhiều so với Vinaphone và Mobifone. Nhờ đó, Viettel có thể hút người tài từ các nơi khác, thậm chí là ngay cả từ các nhà mạng đối thủ một cách dễ dàng, trong khi Vinaphone và Mobifone đều không làm được như vậy", Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Được biết, hiện Viettel đang được thực hiện cơ chế khoán lương trên doanh thu trừ chi phí trước lương. Theo đó, DN này khoán 50% quỹ lương dựa trên giá trị tăng thêm nhằm khuyến khích các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc phải liên tục tạo ra doanh thu mới.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng đánh giá rằng, để Viettel có được ngày hôm nay, khoán quỹ lương chính là điểm mấu chốt, qua đó thu hút được người tài. Điều này lý giải tại sao, ban đầu Viettel chỉ là một DN nhỏ với số vốn chỉ 34 tỷ đồng nhưng sau hơn 10 năm đã đứng số 1 trong thị trường viễn thông Việt Nam.
Trích nguồn : http://www.ktdt.vn/

Hỗ trợ trực tuyến

4384572
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1416
4123
5539
2330825
84518
4384572

Your IP: 3.142.136.210
Server Time: 2024-11-25 07:31:22

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 39 guests and no members online