Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,81%

 

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,81%

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 đưa ra dự báo năm 2019 kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-6,81%.
Hôm 29/5/2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019. Báo cáo đã đưa ra dự báo năm 2019 kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-6,81%.
Ngay trong những tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần. Trong bối cảnh đó, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019, dự báo hai kịch bản tăng trưởng.
Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy tăng cơ nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Ngoài ra, các nước khác cũng muốn chớp cơ hội từ căng thẳng thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc nên việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang hai thị trường này không phải là điều dễ dàng.
Kịch bản thứ hai tăng trưởng mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của năm ngoái, cùng với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ. Tuy vậy, lạm phát cả năm nay được dự báo khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách phân tích: “Lạm phát chúng tôi e ngại có diễn biến khó lường vượt qua 4% tiến tới 5%, phá vỡ mốc mà chúng ta giữ trong những năm gần đây. Cuộc chiến Mỹ - Trung mà chúng ta khéo giải quyết thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi, thương mại chưa rõ nhưng đầu tư sẽ có, đầu tư chúng ta phải hướng trung và dài hạn, tạo nền sản xuất tốt đẹp hơn”.
Bên cạnh việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 tập trung vào chủ đề Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số.
Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, là nền tảng cho phép Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển. Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu.
 
“Trên thực tế nội lực kinh tế chưa tăng trưởng được bao nhiêu, chưa làm chủ được theo xu hướng phát triển mới trên thế giới mà kinh tế số mang lại cho các quốc gia khác nhau, trong đó, các quốc gia đang phát triển cũng có thể được hưởng lợi như Việt Nam, tôi nghĩ là việc phát triển hoặc ứng dụng kinh tế số là điều vô cùng quan trọng…”, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Trích Nguồn: vov.vn

 

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Khối ngành nào được chọn nhiều nhất?

 

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Khối ngành nào được chọn nhiều nhất?

Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút” cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay có xu hướng giảm, nhưng các thí sinh có xu hướng lựa chọn các trường đại học có uy tín để đăng ký xét tuyển với mục đích dễ dàng tìm kiếm việc làm khi tốt nghiệp.
 
*Khối ngành Kinh doanh - Pháp luật có số thí sinh đăng ký nhiều nhất
 
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2019 là hơn 653.000, giảm 5,14% so với năm 2018. Tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký là hơn 2,5 triệu nguyện vọng, giảm 6,37% so với 2018.
Phân tích tổng chỉ tiêu xét tuyển theo nhóm ngành, khối ngành V (Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và Thủy sản, Thú y) có số chỉ tiêu nhiều nhất (159.349 chỉ tiêu), sau đó là khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) có 126.473 chỉ tiêu; khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) có 104.769 chỉ tiêu. Khối ngành II (Nghệ thuật) có số chỉ tiêu thấp nhất (5.092 chỉ tiêu).
 
Xét về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký vào khối ngành III nhiều nhất, với 822.956 nguyện vọng, tiếp đến là khối ngành VII có 739.587 nguyện vọng và khối ngành V có 641.157 nguyện vọng.
 
Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển các ngành năm 2019, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, khối ngành VII có tỉ lệ chọi cao nhất là 1/7. Tiếp sau đó là khối ngành III với tỷ lệ chọi là 1/6,5; khối ngành VI (Sức khỏe) là 1/5,8.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lý giải: Khối ngành VII dẫn đầu về tỷ lệ chọi do trong khối ngành này có các ngành nhóm An ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số nguyện vọng đăng ký rất cao nên kéo tỷ lệ chọi chung của khối ngành cao lên.
 
Tương tự, khối ngành Sức khỏe tuy tổng số nguyện vọng đăng ký không nhiều (199.573) nhưng do đặc thù chỉ tiêu tuyển sinh thấp (34.352) nên cũng đẩy tỷ lệ chọi lên cao.
 
So với năm 2018, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay nhìn chung giảm đáng kể.
 
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, thí sinh có xu hướng “dồn” nguyện vọng cho những trường đại học uy tín.
 
Vì vậy, các trường có số lượng nguyện vọng đăng ký lớn nằm ở nhóm trường đã tạo được thương hiệu, trường có quy mô lớn, trường đa ngành đại diện cho vùng...
 
Các thí sinh có ý thức, trách nhiệm với nguyện vọng của mình, đăng ký khá tập trung, không chọn quá nhiều nguyện vọng và không chọn quá nhiều trường, trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng.
 
*Tỷ lệ “chọi” của các trường top đầu tăng
 
Nhận xét về xu hướng đăng ký xét tuyển đại học 2019, đại diện nhiều trường đại học cũng cho rằng, thí sinh năm nay đã chủ động, quyết tâm hơn khi lựa chọn hướng đi cho tương lai.
 
Xu thế lựa chọn của thí sinh hướng đến những mô hình đào tạo thực tiễn, đào tạo để làm việc ngay với hy vọng tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, lượng đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đã tăng từ 24.000 năm 2018 lên gần 33.000 thí sinh năm 2019. So với tổng chỉ tiêu 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành, trường có tỷ lệ “chọi” tương đương 1/5.
 
Đặc biệt, chất lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Trường Đại học Bách khoa khá tốt. Thống kê sơ bộ, có 2.748 thí sinh của 43 trường trung học phổ thông chuyên đăng ký xét tuyển vào trường năm 2019.
 
Trong đó, đông nhất là Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam... Một số ngành có lượng thí sinh đăng ký đông là Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ điện tử…
 
Ông Trần Văn Tớp chia sẻ, điểm ngưỡng đầu vào của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2018 không có ngành nào dưới 20 điểm. Với xu hướng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh như năm nay, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ.
 
Nằm trong số các trường “top” đầu, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng có tỷ lệ “chọi” cao, khoảng 1/7. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay là hơn 41.000, tăng 30% so với năm 2018; trong khi đó, tổng chỉ tiêu vào trường là 5.650 chỉ tiêu.
 
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Dải điểm trúng tuyển năm nay của trường được dự đoán có nhiều biến động. Một số ngành có lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều thì điểm chuẩn có thể tăng, các ngành mới mở sẽ có điểm chuẩn khá thấp.
 
 
Đáng chú ý, trong khối ngành Sức khỏe, năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng đáng kể, với 17.600 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên. Như vậy, tỉ lệ chọi trung bình khoảng 1/16. Xét riêng nguyện vọng đối với từng ngành, tỉ lệ chọi trung bình khoảng từ 1/10 đến 1/20.
 
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lưu ý thí sinh, tỉ lệ “chọi” chỉ là một yếu tố tham khảo. Con số này không nói lên được nhiều, nếu không cẩn thận sẽ gây nhiễu cho thí sinh. Trên thực tế, việc xét tuyển còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh đăng ký và thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Do vậy, thí sinh không nên lo lắng mình sẽ không có cơ hội khi đăng ký vào các trường có tỉ lệ chọi cao.
 
Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, thí sinh còn một lần thay đổi nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia.
 
Cụ thể, trước ngày 22/7, các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 29/7.
 
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7. Vì vậy, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp, tránh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các trường mà mình mong muốn.
 
Trích nguồn:http:// TTTXVN.vn

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait dự đoán thị trường dầu mỏ cân bằng vào cuối năm 2019

 

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait dự đoán thị trường dầu mỏ cân bằng vào cuối năm 2019

 Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết thị trường dầu mỏ dự kiến cân bằng trong cuối năm 2019, do dự trữ toàn cầu giảm và nhu cầu vẫn mạnh.

Khaled al-Fadhel cho biết vẫn có tình trạng không rõ ràng về tăng trưởng nhu cầu dầu do lo ngại về tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung với kinh tế toàn cầu, trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ vẫn đang tăng.
Triển vọng không chắc chắn gây khó khăn cho OPEC và các đồng minh có kế hoạch nguồn cung dầu rõ ràng trong nửa cuối năm nay. Fadhel cho biết hiện nay còn quá sớm để nói liệu các nhà sản xuất dầu có gia hạn mục tiêu sản lượng hiện tại sau tháng 6/2019 hay không.
OPEC, Nga và các nhà sản xuất dầu khác ngoài OPEC được gọi là OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2019 trong 6 tháng, một thỏa thuận được thiết kế để hạn chế tồn kho đang tăng và giá đang suy yếu.
Fadhel cho biết “có lo lắng lớn trên thị trường hiện nay chủ yếu liên quan tới lo ngại nguồn cung. Ví dụ, tác động của quyết định từ chính phủ Mỹ công bố gần đây không gia hạn miễn trừ với các khách hàng lớn mua dầu thô Iran vẫn chưa được cảm nhận”.
Ông cũng trích dẫn khả năng các lệnh trừng phạt thêm của Mỹ với Venezuela, căng thẳng chính trị tại Libya, tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ và tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh là lý do tại sao triển vọng nguồn cung và nhu cầu toàn cầu vẫn không rõ ràng.
Ông nói “nếu chúng tôi nhìn vào dự trữ thương mại của OECD, tôi nghĩ chúng tôi đang đi đúng hướng. Dự trữ của OECD đang giảm xuống trung bình 5 năm và mức tuân thủ kỷ lục đạt được trong tháng 4 của OPEC và các đối tác ngoài OPEC đã đóng một vai trò đáng kể”. Mức tuân thủ theo thỏa thuận giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu đạt 168% trong tháng 4/2019.
Tăng trưởng nhu cầu dầu theo mùa dự kiến là mạnh trong vài tháng tới do các nhà máy lọc dầu toàn cầu kết thúc bảo dưỡng, nhưng vẫn không chắc chắn về chiều hướng nhu cầu.
Trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng OPEC đồng ý cắt giảm 800.000 thùng/ngày, nhưng mức giảm thực sự lớn hơn do sản lượng tổn thất tại Iran và Venezuela. Cả 2 quốc gia này bị các lệnh trừng phạt của Mỹ và được miễn trừ khỏi việc giảm sản lượng theo thỏa thuận OPEC.
 
Điều đó cho thấy rằng các nhà sản xuất OPEC+ đang cắt giảm sản lượng nhiều hơn phân bổ của họ. Saudi Arabia đang bơm ít hơn mục tiêu sản lượng kể từ tháng 1/2019 để giữ tồn kho dầu và giá trong tầm kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi OPEC và Saudi Arabia tăng sản lượng và giảm giá dầu.
Nga cũng muốn tăng sản lượng sau tháng 6/2019 khi hiệp ước OPEC+ hết hạn, nhưng Riyadh lo sợ giá dầu giảm và dự trữ tăng.
Một thỏa thuận hợp tác trong dài hạn giữa OPEC, Nga và các thành viên sản xuất khác ngoài OPEC sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc họp OPEC+ trong tháng 6/2019.
Trích nguồn: VITIC/Reuters

LỄ HỘI SỮA VIỆT NAM 2019: CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI VÀ NGÀY SỮA TG 2019

 

LỄ HỘI SỮA VIỆT NAM 2019: CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI VÀ NGÀY SỮA TG 2019

  Sáng ngày 1/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục đồng hành với Hiệp hội sữa Việt Nam, Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Ngành Sữa và Sản phẩm Sữa tại Việt Nam (Vietnam Dairy 2019) tổ chức chương trình “Lễ hội Sữa Việt Nam 2019” chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sữa Thế Giới năm 2019 cùng các quốc gia trên toàn cầu.
 

Năm nay, chủ đề được chọn hưởng ứng tại Việt Nam là “Niềm vui uống sữa ở trường” – “EnjoyDairy AtSchool” đây là chủ đề được Ban tổ chức phát động dựa trên thông điệp chung là EnjoyDairy của Ngày sữa thế giới 2019 trên toàn cầu do do Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố. Chuỗi hoạt động này nằm trong những nỗ lực của của Ban tổ chức để nâng cao nhận thức về nguồn dinh dưỡng từ sữa cũng như tầm quan trọng của việc hình thành thói quen uống sữa đối với trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em trong lứa tuổi học đường – giai đoạn vàng của sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Phát biểu tại hoạt động PGS.TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp Hội sữa Việt Nam cho biết: Từ năm 2001,Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã chọn ngày 1 tháng 6 hàng năm là Ngày Sữa Thế giới - World Milk Day nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành sữa đối với sự phát triển kinh tế bền vững và dinh dưỡng, sức khỏe của nhân loại. Ngày Sữa Thế giới là dịp để chúng ta hiểu rõ hơn các lợi ích của sữa đối với sức khỏe, cũng như những đóng góp to lớn của ngành sữa với nền kinh tế toàn cầu.

Mọi người dân Việt Nam đang tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” và Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025 mà Chính phủ vừa phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019; Đặc biệt ngày 28/5/2019 Bộ Y tế đã phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019 với thông điệp “Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”.

Theo ông Trung, “Ngành Sữa Việt Nam chúng ta vinh dự luôn đón nhận sự quan tâm của các Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục Đào tạo và các Bộ ban ngành hữu quan, Đại sứ quán các quốc gia Hoa Kỳ, New Zealand, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản… các tổ chức quốc tế FAO, UNICEF, WHO, các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh sữa tại Việt Nam để tổ chức “Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sữa Thế giới 01/6 - World Milk Dairy 2019” tại TP. Hồ Chí Minh”

Ông Trung tin tưởng rằng hoạt động sẽ mang đến cho các em nhỏ một sân chơi tại TP.HCM nhiều hoạt động vui chơi, giáo trí bổ ích và tạo ra trải nghiệm để các gia đình gắn kết với nhau hơn với cơ hội tham quan khu vực Resort Bò Sữa Vinamilk, trải nghiệm việc vắt sữa bò và tham gia những bước nhảy để cùng tạo ra những điệu nhạc thư giãn cho những cô bò hạnh phúc. Các bé còn được thỏa sức khám phá khu mô phỏng nhà máy sữa bằng bóng khổng lồ với hàng ngàn quả bóng đầy màu sắc, cùng hàng loạt những trò chơi vui nhộn, những thử thách hấp dẫn tạo cơ hội để các bé vận động cả trí óc lẫn thể chất để hoàn thành, và đổi lấy những phần quà thơm ngon bổ dưỡng từ Vinamilk...

 

Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực châu Á và chỉ tăng 3cm trong suốt thời gian dài 25 năm (từ 1993 – 2018). Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy chỉ có 23% là do di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%. Trong đó, sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết.

Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Chính phủ các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu đều khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày như một phần của chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Tại Châu Á, Nhật Bản là trường hợp thành công điển hình của việc bổ sung sữa vào khẩu phần ăn của trẻ như một phần không thể thiếu của chế độ dinh dưỡng hàng ngày thông qua chương trình Sữa Học Đường từ những năm 1963, đã giúp nâng chiều cao trung bình của người Nhật từ 1m50, thuộc loại thấp nhất châu Á, lên 1m72 như hiện nay. Không chỉ vậy, kết quả quan trọng chính là sự thay đổi nhận thức của người dân về thói quen sử dụng sữa để cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho giai đoạn phát triển quan trọng.

Những thay đổi tích cực đang được kì vọng sẽ diễn ra ở Việt Nam, nơi thói quen uống sữa còn hạn chế và có nhiều trẻ em trong độ tuổi học đường gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng cũng như thiếu hụt các vi chất cần thiết trong giai đoạn phát triển quan trọng. Theo báo cáo của Hiệp Hội Sữa Việt Nam 2018, mặc dù lượng tiêu dùng sữa được dự báo tăng 9-10% trong những năm tới, nhưng lượng tiêu thụ trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm. Con số này còn khá khiêm tốn so với mức tiêu thụ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và kém xa mức tiêu thụ 300 lít/người/năm ở châu Âu.

Ông Phan Minh Tiên – Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk cho biết: “Hướng đến mục tiêu để mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày, nhiều năm qua, Vinamilk thường xuyên tổ chức hoạt động cộng đồng như Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và tiên phong đi đầu thực hiện chương trình Sữa học đường, để các em học sinh được thụ hưởng nguồn dinh dưỡng chất lượng. Vinamilk mong muốn thông qua các hoạt động của mình sẽ giúp nâng cao nhận thức về việc uống sữa, không những tốt cho sức khỏe mà còn là niềm vui mỗi ngày của các em. Từ đó hình thành thói quen uống sữa đều đặn từ sớm, nhằm cải thiện tầm vóc, thể lực và trí lực, góp phần vào sự phát triển một thế hệ trẻ Việt Nam tài năng và khỏe mạnh.”

 Theo Ông Tiên, Một trong những nỗ lực khác của Vinamilk để mang đến những ly sữa tươi ngon, chất lượng đến với người tiêu dùng Việt Nam chính là phát triển vùng nguyên liệu sữa để chủ động sản xuất sữa tươi từ những năm 1991. Đến nay, công ty hiện đã có hệ thống 10 trang trại chuẩn GLOBAL G.A.P lớn nhất châu Á (*) tại Việt Nam, 2 trang trại theo chuẩn hữu cơ Châu Âu và gần đây nhất, vào ngày 24/5/2019, Vinamilk cũng đã khởi công xây dựng một tổ hợp “Resort” Bò Sữa Organic quy mô lớn tại Lào, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm organic ngày càng cao của người tiêu dùng. Với những kết quả này, Vinamilk mong muốn sẽ tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng vào sữa Việt và từ đó, hình thành nên thói quen uống sữa mỗi ngày.

“Để trẻ em Việt Nam đều được uống sữa mỗi ngày” cũng chính là thông điệp ý nghĩa mà “Lễ hội Sữa Việt Nam 2019” với chủ đề “Niềm vui uống sữa tại trường” mong muốn truyền tải đến cộng đồng. Tại sự kiện, các đại biểu tham dự đã cùng ký tên lên bảng tượng trưng với thông điệp “Hành động để mỗi trẻ em Việt Nam đều được uống sữa mỗi ngày”để thể hiện sự chung tay của cộng đồng vì một Việt Nam vươn cao.

 
 

Chương trình năm nay có sự tham dự, hưởng ứng của Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bà Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam và Lãnh đạo/ đại diện các cơ quan ban ngành Trung Ương và TP.HCM.

Trích nguồn: Vietfaire.vn

 

Chiếu sáng Việt Nam trong thời kỳ kỷ nguyên số: Cơ hội và thách thức

 

Chiếu sáng Việt Nam trong thời kỳ kỷ nguyên số: Cơ hội và thách thức

Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2019 đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 18/5 với sự tham dự của gần 200 đại biểu, chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, các Trường đại học, Viện nghiên cứu… trong cả nước. Sự kiện do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức.

Hội thảo đã đón nhận 28 bài tham luận đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… cùng các chuyên gia đến từ các Trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam nhấn mạnh: Sự phát triển vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0 và những thác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực, vấn đề đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số được nâng lên một tầm cao mới và lâu câu chuyện sống còn của doanh nghiệp. Cuộc CMCN 4.0 trong kỷ nguyên số hóa mở ra cho các doanh nghiệp chiếu sáng nhiều cơ hội thách thức hơn.
 
Tuy nhiên để kinh doanh thành công, bắt kịp nhịp độ phát triển của thị trường thì các doanh nghiệp chiếu sáng phải có giải pháp vận dụng số hóa doanh nghiệp hiệu quả, chính xác nhằm tạo bước đệm phát triển mới trong kinh doanh. Đầu tư ứng dụng các sản phẩm công nghệ phần mềm không chỉ đảm bảo mang lại hiệu quả kinh doanh cao mà còn đảm bảo tính bảo mật và tính an toàn dành cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp”.
 
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Đặng Hải Dũng – Chánh văn phòng Sản xuất sạch hơn - Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương đã chia sẻ, thông tin đến các đại biểu, doanh nghiêp về Dự thảo các quy định có liên quan đến quy trình dán nhãn năng lượng cho các nguồn sáng LED phục vụ cho chiếu sáng thời kỳ kỷ nguyên số.
 
Trong khi đó đại diện đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất Lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày tham luận liên quan đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm chiếu sáng LED phục vụ kỷ nguyên số hóa tại Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới năng lượng sử dụng cho chiếu sáng chiếm hơn 20% tổng năng lượng điện tiêu thụ hàng năm. Ở Việt Nam con số này là 25%. Mặc dù chiếu sáng đã trở thành một nhu cầu lớn trong đời sống xã hội, nhất là tại những đô thị nhưng tình trạng bố trí hệ thống chiếu sáng cũng như sử dụng thiết bị chiếu sáng còn nhiều bất cập. Đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn năng lượng do khai thác quá mức thì vấn đề tiết kiệm điện trong lĩnh vực chiếu sáng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
 
Chính vì lẽ đó, Hội thảo lần này còn thu hút rất nhiều tham luận liên quan đến các giải pháp chiếu sáng, các công nghệ nhằm giúp tiết kiệm năng lượng như: Hệ thống điều khiển tích hợp thiết bị chiếu sáng và điều hòa không khí của Công ty Koijumi – Nhật Bản; ILCS hệ thống kiểm soát chiếu sáng thông minh thành phố OWLET IoT của Công ty Chiếu sáng Điện Quang; Chiếu sáng thông minh của Công ty Rạng Đông; Vận hành hệ thống chiếu sáng Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đô thị thông minh của UBND thành phố Hồ Chí Minh; Tầm nhìn chiếu sáng 2030 đến từ Hiệp hội sản xuất thiết bị chiếu sáng và nguồn sáng Nhật Bản…
 
Theo nhận định của các chuyên gia ngành chiếu sáng và các nhà sản xuất thì muốn tiết kiệm điện phải huỷ toàn bộ bóng đèn sợi đốt huỳnh quang, compact, thay vào đó là đèn LED. Sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm cho quốc gia nhiều tỷ đồng và hạn chế ảnh hưởng môi trường. Hiện nay do giá thành đèn LED còn cao nhưng với tính năng vượt trội, đèn LED tiết kiệm tới 90% điện năng so với bóng đèn sợi đốt và 60% so với đèn huỳnh quang, compack. Ngoài ra, đèn LED có tuổi thọ gấp đến 10 lần so với bóng đèn truyền thống… nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức được vấn đề tiết kiệm điện năng hoặc có tâm lý tiếc tiền, chưa mạnh dạn loại bỏ thay thế các loại bóng đèn sợi đốt, huỳnh quang, compack… bằng đèn LED bởi nếu người dân sử dụng loại đèn này thì khoản tiền tiết kiện điện trong khoảng 6 tháng sẽ đủ số tiền đầu tư sản phẩm mới.
 
Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà sản xuất, các nhà thiết kế, ứng dụng, các nhà khoa học và những người quan tâm đến lĩnh vực chiếu sáng gặp gỡ, trao đổi những ý tưởng, sản phẩm mới của mình, những bài học kinh nghiệm và đặc biệt là những đề xuất về cơ chế chính sách, những giải pháp ứng dụng công nghệ mới để tiếp tục phát triển ngành chiếu sáng nước nhà trong bối cảnh cạnh tranh Quốc tế khắc nghiệt.
 
Tại hội thảo cũng tổ chức triển lãm để các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị chiếu sáng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mới.
 
 Trích nguồn: Báo Công thương điện tử 

 

Hỗ trợ trực tuyến

4390404
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3346
3902
11371
2330825
90350
4390404

Your IP: 3.16.203.27
Server Time: 2024-11-26 13:41:38

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 85 guests and no members online